Hội khuyến học nhận thức được điều đó nên từ khi có chủ trương xây dựng các TTHTCĐ, Hội khuyến học tỉnh đã chủ động phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp, tập trung xây dựng hoàn thiện mô hình hoạt động, tìm kiếm giải pháp, khắc phục khó khăn để giúp các TTHTCĐ ổn định hoạt động.
Trong quá trình tổ chức hoạt động, Hội khuyến học các cấp trên địa bàn tỉnh đã luôn thể hiện vai trò nòng cốt, liên kết, phối hợp để tuyên truyền, triển khai các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng về việc phát triển các TTHTCĐ; xây dựng kế hoạch, triển khai tới các Hội khuyến học cơ sở, hướng dẫn giúp đỡ Hội khuyến học cơ sở về nội dung hoạt động và tham gia đóng góp vào các TTHTCĐ để hướng tới đẩy mạnh xã hội học tập.
Đoàn kiểm tra của Hội Khuyến học tỉnh và Sở GD&ĐT khảo sát nắm tình hình hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng tại xã Xá Nhè, huyện Tủa Chùa
Vận động các lực lượng tham gia công tác khuyến học, vận động quần chúng nhân dân tham gia hoạt động tại TTHTCĐ. Cùng ngành giáo dục và đào tạo đề nghị với chính quyền các cấp việc kiện toàn bộ máy, đầu tư cơ sở vật chất, hỗ trợ kinh phí. Hiện nay toàn tỉnh đã có 7/10 huyện thị, thành phố với 82/130 TTHTCĐ được hỗ trợ kinh phí từ 10-30 triệu đồng cho một TTHTCĐ/năm. Cử cán bộ giáo viên sang hoạt động tại TTHTCĐ; cán bộ chủ chốt khuyến học ở các xã phường, thị trấn tham gia vào Ban giám đốc (thường là phó giám đốc) của trung tâm. Tham gia tập huấn cho cán bộ làm công tác tại các TTHTCĐ, tham gia các cuộc hội thảo và xây dựng đề án xây dựng xã hội học tập tại địa bàn tỉnh.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có 100% số xã phường, thị trấn thành lập được TTHTCĐ và có 80 trung tâm thường xuyên duy trì hoạt động; các Trung tâm đều xây dựng được quy chế, có chương trình hoạt động, phân công trách nhiệm cho từng thành viên. Số trung tâm hoạt động tốt chiếm trên 40%. Năm 2012 số TTHTCĐ trong tỉnh đã huy động 123.254 lượt người tham gia học tập, tiếp thu các chuyên đề, cập nhật kiến thức kỹ năng, chuyển giao công nghệ trên các lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, các kiên thức về kỹ năng sống, chăm sóc sức khỏe; hoạt động văn hóa thể dục thể thao và dịch vụ khác giúp cho đồng bào các dân tộc của tỉnh tìm hiểu và nâng cao hiểu biết về khả năng lao động sản xuất đặc biệt là đóng góp vào việc củng cố kết quả xóa mù chữ duy trì phổ cập giáo dục tiểu học. Mặt khác nhằm cải thiện chất lượng nguồn nhân lực tại địa phương, đồng thời khẳng định được vai trò quan trọng trong việc xây dựng xã hội học tập, góp phần tích cực vào thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.
Bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động các TTHTCĐ còn có những hạn chế, điển hình như: Một số trung tâm hoạt động chưa rõ nét, duy trì hoạt động không đều, còn lúng túng trong phương pháp tổ chức hoạt động. Cơ sở vật chất và kinh phí đảm bảo cho hoạt động còn gặp nhiều khó khăn. Cán bộ tham gia bộ máy chủ yếu là kiêm nhiệm; sự phối hợp giữa tổ chức hội khuyến học cơ sở với các tổ chức đoàn thể để tuyên truyền, tham mưu đề xuất với cấp ủy chính quyền đối với TTHTCĐ còn hạn chế.
Ông Nguyễn Văn Kiên – Phó chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch Hội khuyến học huyện Mường Ảng tặng hoa cho thầy trò THCS Ảng Nưa nhân ngày khai giảng.
Trước yêu cầu phát triển các TTHTCĐ và tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động nhằm góp phần hướng tới xây dựng xã hội học tập và thực hiện đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 đến 2020, vấn đề đó đặt ra cho Hội khuyến học các cấp là: Luôn thể hiện vai trò nòng cốt, trách nhiệm, liên kết phối hợp để tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chỉ thị nghị quyết của Đảng về công tác khuyến học, triển khai và thực hiện đề án xây dựng xã hội học tập những năm tiếp theo trên địa bàn tỉnh. Tích cực tham mưu, đề xuất với các cấp ủy và chính quyền tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo củng cố, tạo điều kiện mọi mặt cho các trung tâm về đầu tư cơ sở vật chất, hỗ trợ kinh phí, cử cán bộ làm công tác tại trung tâm.
Thành lập TTHTCĐ ở 18 xã mới chia tách và thành lập mới. Hội khuyến học các cấp cần phối hợp với các tổ chức đoàn thể trên địa bàn tuyên truyền, vận động nhân dân các dân tộc tham gia học tập tại các trung tâm, tham gia khảo sát, đánh giá thực trạng hoạt động, trên cơ sở đó để có những đề xuất với ngành Giáo dục và đào tạo và Hội khuyến học Việt Nam có những giải pháp nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của các TTHTCĐ.
Nhiệm vụ chủ yếu cần tập trung vào điều tra khảo sát nhu cầu học tập cộng đồng, xây dựng nội dung và hình thức học tập phù hợp với điều kiện cụ thể của từng nhóm đối tượng, địa phương. Tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ, củng cố chất lượng phổ cập giáo dục; tuyên truyền phổ biến kiến thức nhằm mở rộng hiểu biết, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, phối hợp triển khai các chương trình dự án khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư tại địa phương; tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, tư vấn khuyến học, giáo dục cho con em đồng bào các dân tộc tại địa phương; quán triện các chỉ thị nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, phòng chống tệ nạn xã hội… trên cơ sở đó góp phần vào đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương; thúc đẩy phát triển sự nghiệp giáo dục; thực hiện có hiệu quả các chương trình xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Đảng bộ đề ra./.
Trần Ngọc Hùng – Phó Chủ tịch Hội khuyến học tỉnh