Điện Biên là một tỉnh miền núi, biên giới tuy còn nhiều khó khăn nhưng được sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, đến năm 2013 đã có 130 TTHTCĐ phủ kín 100% số xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Trong đó có 40% số trung tâm hoạt động hiệu quả, có 20 trung tâm có trụ sở riêng còn lại sử dụng chung cơ sở với trường học, trụ sở chính quyền xã. Các trung tâm đã kiện toàn bộ máy tổ chức theo Quyết định số 09/2008/QĐ-BGDĐT của Bộ GD-ĐT, ngành GD-ĐT đã bố trí được 56 giáo viên sang làm việc kiêm nhiệm tại 56 TTHTCĐ theo quy định tại Thông tư số 40/2010/TT-BGDĐT. Đã có 82 TTHTCĐ được ngân sách hỗ trợ kinh phí hoạt động với số tiền 3.705 triệu đồng, có 9 TTHTCĐ ở huyện Điện Biên huy động thêm được từ các nguồn hỗ trợ khác 1.470 triệu đồng.
Đoàn cán bộ Sở GD-ĐT và Hội Khuyến học tỉnh kiểm tra tại TTHTCĐ xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên.
Trong quá trình hoạt động, các TTHTCĐ đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội, các đồn biên phòng triển khai các chương trình, dự án, tổ chức các lớp học chuyên đề dạy nghề ngắn hạn, xóa mù chữ, giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của nhân dân. Bình quân mỗi năm các TTHTCĐ đã mở được hơn 1.700 lớp học cho gần 130.000 lượt người theo học. Nhiều TTHTCĐ hoạt động mang lại hiệu quả tích cực. Điển hình như: TTHTCĐ xã Nà Tấu, huyện Điện Biên thành lập năm 2003, đã mở nhiều lớp học xóa mù chữ, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất nâng cao đời sống cho người dân, đặc biệt trung tâm đã thực hiện đề án phục tráng giống lúa bao thai tại địa phương có hiệu quả, sản xuất được hơn 10 tấn giống lúa bao thai phục vụ cho nhân dân trong xã và các xã lân cận, tăng thêm nguồn kinh phí cho hoạt động thường xuyên. TTHTCĐ xã Thanh Nưa với mô hình gắn kết hoạt động giữa TTHTCĐ với các câu lạc bộ (CLB) như: CLB phát triển thôn bản, CLB phụ nữ phát triển, CLB phòng chống HIV/AIDS ... đã có tác dụng giúp TTHTCĐ hoạt động tốt hơn, thu hút được nhiều người dân tham gia học tập tại TTHTCĐ. Được Trung tâm Phát triển cộng đồng tỉnh Điện Biên hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật sản xuất nấm vi sinh, trung tâm đã sản xuất được 270 tấn phân vi sinh, 270 kg men vi sinh cho thu nhập 15 triệu đồng.
Hoạt động của TTHTCĐ đã góp phần quan trọng củng cố kết quả xóa mù chữ, phổ cập giáo dục Tiểu học, THCS thực hiện mục tiêu nâng cao dân trí, tạo tiền đề để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giúp người lao động biết cách xóa đói, giảm nghèo, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên để TTHTCĐ thực sự phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động còn nhiều vấn đề đặt ra cần phải giải quyết. Từ thực tiễn chỉ đạo hoạt động, bà Nguyễn Thị Thúy, trưởng phòng Giáo dục thường xuyên-Chuyên nghiệp Sở GD-ĐT cho biết: Trong phát triển TTHTCĐ thời gian tới cần đổi mới công tác tuyên truyền, bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, các lực lượng xã hội về vai trò, mục đích, ý nghĩa và lợi ích của TTHTCĐ. Các địa phương cần chủ động nắm bắt nhu cầu học tập của nhân dân thông qua sinh hoạt của các hội, các đoàn thể, các CLB, cũng như thông qua nhu cầu thực tế sản xuất, kinh doanh của địa phương nhằm tạo điều kiện cho mọi người dân đều được đi học. Các TTHTCĐ cần kiện toàn Ban Giám đốc các TTHTCĐ, duy trì sinh hoạt, xây dựng kế hoạch hoạt động, mở các loại sổ sách theo dõi phản ảnh mọi hoạt động của TTHTCĐ, triển khai thực hiện hiệu quả đề án phát triển TTHTCĐ tỉnh Điện Biên giai đoạn 2012-2015, định hướng đến năm 2020./.