Mục tiêu của Chương trình là phải xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình; nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cộng đồng và các thành viên gia đình về phòng chống bạo lực gia đình và chuyển đổi hành vi trong phòng chống bạo lực gia đình; nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác phòng chống bạo lực gia đình; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, các cơ sở tư vấn về phòng chống bạo lực gia đình, cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; thành lập mạng lưới về phòng chống bạo lực gia đình ở cấp Trung ương và cấp tỉnh với sự tham gia của các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội, các tổ chức phi Chính phủ và cá nhân tham gia về phòng chống bạo lực gia đình; xây dựng thí điểm mô hình phòng chống bạo lực gia đình và nhân rộng mô hình trên phạm vi toàn quốc.
Phấn đấu đến năm 2015 trên địa bàn cả nước sẽ có trên 85% số hộ gia đình được tiếp cận thông tin về phòng, chống bạo lực gia đình; trên 50% số cán bộ tham gia phòng, chống bạo lực gia đình các cấp; trên 60% lãnh đạo chính quyền, đoàn thể cấp xã được tập huấn nâng cao năng lực phòng, chống bạo lực gia đình; trên 70% số cơ quan Trung ương có liên quan đến hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình và trên 30% số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có giảng viên, báo cáo viên cấp quốc gia, cấp tỉnh về phòng, chống bạo lực gia đình; trên 70% số nạn nhân bạo lực gia đình được tiếp cận các hoạt động hỗ trợ về phòng, ngừa bạo lực gia đình, tư vấn pháp lý, chăm sóc y tế, bảo vệ sự an toàn cho nạn nhân; trên 90% số người có hành vi bạo lực gia đình được tiếp cận các hoạt động hỗ trợ về phòng ngừa, giáo dục chuyển đổi hành vi và trên 60% (miền núi khó khăn, vùng sâu, vùng xa đạt trên 40%) số xã, phường, thị trấn nhân rộng mô hình phòng, chống bạo lực gia đình.
Đến năm 2020 có trên 95% số hộ gia đình được tiếp cận thông tin về phòng, chống bạo lực gia đình; trên 90% số cán bộ tham gia phòng, chống bạo lực gia đình các cấp và lãnh đạo chính quyền, đoàn thể cấp xã được tập huấn nâng cao năng lực phòng, chống bạo lực gia đình; 100% số cơ quan Trung ương có liên quan đến hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình và số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có giảng viên, báo cáo viên cấp quốc gia, cấp tỉnh về phòng, chống bạo lực gia đình; trên 95% số nạn nhân và số người có hành vi bạo lực gia đình được tiếp cận các hoạt động hỗ trợ về phòng, ngừa bạo lực gia đình, tư vấn pháp lý, chăm sóc y tế, bảo vệ sự an toàn cho nạn nhân, giáo dục chuyển đổi hành vi và trên 90% (miền núi khó khăn, vùng sâu, vùng xa đạt trên 70%) số xã, phường, thị trấn nhân rộng mô hình phòng, chống bạo lực gia đình.
Để đạt được các mục tiêu trên cần phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và đầu tư nguồn lực của Chính quyền các cấp; sự tham gia, phối hợp của các Bộ, ngành, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, toàn xã hội trong công tác phòng chống bạo lực gia đình. Đẩy mạnh tuyên truyền vận động phòng chống bạo lực gia đình, đảm bảo nguyên tắc lồng ghép với việc thực hiện bình đẳng giới, đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả và đồng bộ, phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức và linh hoạt, phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng địa phương. Xây dựng bộ máy tổ chức và đội ngũ cán bộ của cơ quan quản lý nhà nước về phòng chống bạo lực gia đình từ Trung ương tới cơ sở, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của các ngành chức năng, các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức phi chính phủ về pháp luật, kiến thức, kỹ năng phòng chống bạo lực gia đình. Tăng cường sự phối hợp liên ngành, huy động sự tham gia, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, tổ chức chính trị-xã hội, của các tổ chức và cá nhân trong công tác phòng chống bạo lực gia đình. Xây dựng khung giám sát, cơ chế giám sát việc triển khai thực thi Luật ở các địa phương, các Bộ, ngành và thường xuyên cập nhật số liệu, thông tin về công tác phòng chống bạo lực gia đình để có sự điều chỉnh, bổ sung phù hợp. Nghiên cứu khoa học và trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong lĩnh vực phòng chống bạo lực gia đình giữa các địa phương, giữa các quốc gia trong khu vực và toàn cầu./.