banner

KHTC - 10 kết quả tiêu biểu ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên đã đạt được trong lĩnh vực kế hoạch và tài chính năm 2017

Thứ ba - 02/01/2018 04:17
Dienbien.edu.vn: Trong năm 2017, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên đã tích cực, chủ động tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đạt được những kết quả tiêu biểu trong lĩnh vực kế hoạch và tài chính. Đó là:
1. Xây dựng Quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Điện Biên giai đoạn 2016-2025, định hướng đến 2030

Ngày 14/01/2009, UBND tỉnh ban hành Quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Điện Biên giai đoạn 2008-2015, định hướng đến năm 2020 kèm theo Quyết định số 31/QĐ-UBND. Sau 08 năm triển khai, đến nay đại đa số các chỉ tiêu, mục tiêu đã thực hiện đúng, đạt và vượt Quy hoạch. Tuy nhiên một số mục tiêu, chỉ tiêu đã không còn phù hợp với định hướng chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo của Đảng, Nhà nước và điều kiện thực tế của tỉnh.
1
Lễ khai giảng tại Trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên
 
Thực hiện chủ trương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế, Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên đã xây dựng Quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Điện Biên giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2030 và đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 707/QĐ-UBND ngày 17/8/2018. Quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo đã được phê duyệt là căn cứ để Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 5 năm và hàng năm; là nguồn thông tin cung cấp cho các cấp, các ngành, các tổ chức kinh tế, chính trị, xã hội, các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh tìm hiểu, xúc tiến đầu tư, hỗ trợ phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh.

2. Huy động các nguồn lực đầu tư bổ sung cơ sở vật chất, thiết bị trường học đáp ứng yêu cầu phát triển quy mô và đổi mới giáo dục

Các cơ quan quản lý giáo dục, các cơ sở giáo dục và đào tạo đã tích cực, chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp, phối hợp với các cơ quan liên quan huy động, lồng ghép các nguồn vốn và huy động các nguồn lực từ nhân dân xây dựng, tu sửa phòng học, phòng công vụ, phòng nội trú và nhiều hạng mục khác, bổ sung thiết bị, đồ dùng dạy học, cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học.

Đến nay toàn ngành đã có 9.018 phòng học (5.492 phòng kiên cố chiếm 60,90%; 2.042 phòng bán kiên cố chiếm 22,64%; 1.484 phòng tạm chiếm 16,46%), trong đó: 7.423 phòng học thông thường (phòng kiên cố chiếm 59,63%, bán kiên cố chiếm 21,90%, phòng tạm chiếm 18,47%); 1.595 phòng học theo chức năng (phòng kiên cố chiếm 66,83%, phòng bán kiên cố chiếm 26,08%, phòng tạm chiếm 7,09%). Phòng công vụ có 2.512 phòng (798 phòng kiên cố chiếm 31,77%, 1.065 phòng bán kiên cố chiếm 42,40%, 649 phòng tạm chiếm 25,83%), đáp ứng khoảng 64% nhu cầu của cán bộ, giáo viên, nhân viên. Phòng nội trú có 3.047 phòng (1.251 phòng kiên cố chiếm 41,6%, 1.343 phòng bán kiên cố chiếm 44,07%, 453 phòng tạm chiếm 14,87%), đáp ứng 72,8% nhu cầu của học sinh, sinh viên.

3. Xây dựng Quy trình tổ chức bếp ăn tập thể trong các cơ sở giáo dục

Năm học 2017-2018, toàn ngành có 526 trường với 7.438 lớp và 185.917 học sinh, sinh viên. Trong số đó có 922 trường/điểm trường có bếp ăn tập thể phục vụ học sinh bán trú, nội trú. Các trường học có học sinh bán trú, nội trú ngoài việc giáo dục, quản lý học sinh đã chủ động phân công giáo viên, nhân viên nhập lương thực, thực phẩm, nguyên nhiên liệu,...để tổ chức nấu ăn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho học sinh. Tuy nhiên trong quá trình tổ chức bếp ăn tập thể một số trường chưa nắm rõ, dẫn tới chưa thực hiện đẩy đủ các yêu cầu về tài chính, về vệ sinh an toàn thực phẩm.
2
Trường PTDT bán trú tiểu học xã Mường Toong, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên tổ chức nấu ăn cho học sinh bán trú
 
Thực hiện đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng chăm sóc học sinh bán trú, nội trú, tại các trường tổ chức bếp ăn tập thể, Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên đã xây dựng và ban hành Văn bản hướng dẫn tổ chức bếp ăn tập thể trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Văn bản hướng dẫn cụ thể các nội dung về tổ chức quản lý; điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị; quy trình xây dựng thực đơn; quy trình nhập lương thực, thực phẩm, nguyên liệu, nhiên liệu; tổ chức thanh toán; tổ chức tự kiểm tra, giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm của bếp ăn tập thể. Hướng dẫn là căn cứ quan trọng giúp các trường học từng bước thực hiện đúng các quy định.

4. Xây dựng Quy trình tổ chức dịch vụ căng tin trong trường học

Trong bối cảnh xã hội hóa giáo dục mạnh mẽ, các dịch vụ trong trường học ngày càng được quan tâm, đặc biệt là dịch vụ căng tin trong trường học. Tuy nhiên các cơ sở giáo dục trên tỉnh Điện Biên chưa được nhà nước đầu tư kinh phí xây dựng căng tin. Với quan điểm phục vụ học sinh, một số cơ sở giáo dục sử dụng một phần cơ sở vật chất đã được Nhà nước đầu tư hoặc làm nhà tạm để tổ chức căng tin mang tính chất phục vụ trong đơn vị.

Ngày 15/12/2017, Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Văn bản hướng dẫn quy trình, thủ tục kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết để tổ chức dịch vụ căng tin trong trường học. Văn bản hướng dẫn giúp các cơ sở giáo dục tổ chức  dịch vụ căng tin trong trường học đúng quy định, huy động nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho Căng tin trong trường học, tạo ra nguồn thu nhất định cho các trường để hỗ trợ các hoạt động trong trường học, nhất là phong trào, văn hóa, văn nghệ, thể thao.

Thông qua việc tổ chức dịch vụ căng tin trong trường học sẽ góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng bữa ăn cho học sinh, nhất là học sinh bán trú, nội trú; đáp ứng nhu cầu ăn uống, giải khát của một bộ phận cán bộ, giáo viên và học sinh trước giờ học, trong giờ ra chơi, chờ tiết,.... Giáo dục học sinh ý thức giữ gìn vệ sinh, trật tự, văn minh khi sinh hoạt ăn uống ở nơi đông người; hướng dẫn cho các em những kỹ năng như: phải xếp hàng để mua hàng, tự phục vụ, ăn uống lịch sự, giúp học sinh tăng tính tự lập, tự chủ...

5. Tăng cường quản lý, chỉ đạo ngăn ngừa tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục

Điện Biên là một tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, kinh phí đầu tư cho giáo dục và đào tạo chủ yếu từ ngân sách Nhà nước. Các trường học đều thực hiện nghiêm túc các quy định về thực hiện thu các khoản đóng góp thỏa thuận giữa nhà trường và cha, mẹ học sinh, tổ chức vận động thu các khoản xã hội hóa theo đúng quy trình.

Để ngăn ngừa tình trạng lạm thu trong trường học, Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến và quán triệt nội dung các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, của UBND tỉnh đến các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành Văn bản hướng dẫn chi tiết về thu giá, phí dịch vụ và các khoản huy động, đóng góp của nhân dân trong các cơ sở giáo dục; Văn bản chấn chỉnh và xử lý tình trạng làm thu trong các cơ sở giáo dục.

Ngay từ đầu năm học, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, Sở Y tế tổ chức kiểm tra việc thực hiện các khoản thu, chi đầu năm và các điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong bếp ăn tập thể tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Các cơ sở giáo dục được kiểm tra đều thực hiện đúng các quy định của Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh và các hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo đối với các khoản thu và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

6. Tích cực chủ động phòng chống, khắc phục, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra

Trong năm 2017 trên địa bàn cả nước nói chung và tỉnh Điện Biên nói riêng, thời tiết bất thường diễn ra với quy mô lớn và tần suất nhiều hơn các năm trước. Trước tình hình đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên đã chủ động xây dựng Kế hoạch phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; ban hành Văn bản chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong trường học, phối hợp với chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể bảo quản cơ sở vật chất, thiết bị trường học của đơn vị.
3
Trường mầm non Mường Lói, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên nhanh chóng khắc phục thiệt hại sau thiên tai,  tổ chức Lễ Khai giảng năm học 2017-2018 đúng thời gian quy định
 
Các cơ sở giáo dục đã thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, diễn biến mưa lũ, sạt lở đất,... nghiêm túc thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn về người và tài sản. Một số điểm trường lẻ chịu ảnh hưởng do mưa lớn kéo dài đã chủ động khắc phục thiệt hại và phối hợp với các lực lượng cứu hộ để nhanh chóng ổn định tổ chức, đảm bảo các điều kiện tốt nhất cho các hoạt động dạy và học. Sở Giáo dục và Đào tạo chủ động báo cáo UBND tỉnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo về tình hình thiệt hại do thiên tai gây ra đối với các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh; làm đầu mối tiếp nhận ủng hộ từ các tập thể, cá nhân, tổ chức từ thiện, thiện nguyện trên cả nước hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục có thiệt hại do thiên tai gây ra.

7. Nghiên cứu tham mưu các giải pháp phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh

Ngày 07/11/2016, UBND tỉnh có Quyết định số 1416/QĐ-UBND phê duyệt Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Điện Biên đến năm 2020. Trong Chương trình giải pháp chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và dự toán ngân sách năm 2017, UBND tỉnh giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì tham mưu các giải pháp thực hiện hiệu quả đề án phát triển nguồn nhân lực.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung nghiên cứu và tham mưu UBND tỉnh ban hành Văn bản số 3547/UBND-KGVX ngày 04/12/2017 chỉ đạo các Sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh Điện Biên đến năm 2020. Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành Văn bản số 2869/SGDĐT-KHTC ngày 13/12/2017 chỉ đạo các trường Cao đẳng, các phòng Giáo dục và Đào tạo, các đơn vị trực thuộc chủ động thực hiện các giải pháp nhằm tạo ra lực lượng lao động có trình độ, kỹ năng, kỹ thuật đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh.

8. Đẩy mạnh các hoạt động xã hội hóa nhằm huy động tối đa các nguồn lực đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo

Công tác xã hội hoá giáo dục được ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong phát triển giáo dục tại tỉnh. Trong các hoạt động xã hội hóa, ngành tập trung vào việc huy động dân số trong độ tuổi đến trường, duy trì sỹ số học sinh, quyên góp ủng hộ học sinh bán trú, học sinh nghèo, cán bộ giáo viên có hoàn cảnh khó khăn; xây dựng, tôn tạo cảnh quan môi trường; xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị trường học; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên.
4
Khánh thành công trình lớp học điểm trường Pa Cá, Trường Tiểu học xã Nà Tòng,huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên
 
Thực hiện làm nhà lớp học, nhà công vụ, nhà nội trú ở vùng đặc biệt khó khăn, biên giới theo tiêu chí Ba cứng “nền cứng, khung cứng, mái cứng” và xây dựng, tôn tạo cảnh quan môi trường (bồn hoa, sân đường, tường rào…), các địa phương vận động, huy động nhân dân hỗ trợ vật liệu sẵn có ở địa phương (cát, đá, sỏi, gỗ, …), Nhà nước hỗ trợ nguyên vật liệu chính (sắt, thép, xi măng, gạch, tôn, kỹ thuật,…), cán bộ, giáo viên và học sinh tổ chức lao động. Năm học 2016-2017 toàn ngành đã xây mới 133 phòng học, 77 phòng nội trú, 60 phòng công vụ, 80 phòng vệ sinh, 676 m2 sân bê tông; vận động nhân dân hiến 47.844m2 đất để xây dựng trường học (huyện Điện Biên Đông 31.490m2, huyện Tùa Chùa 11.600m2, huyện Tuần Giáo 4.154m2, huyện Mường Nhé 420m2, huyện Mường Ảng 220m2); huy động 20.386 ngày công lao động từ nhân dân, phụ huynh và học sinh. Tổng giá trị ước tính 22.215 triệu đồng, trong đó ngân sách Nhà nước và hỗ trợ bằng hiện vật ước tính 17.372 triệu đồng, huy động đóng góp từ nhân dân ước tính 4.843 triệu đồng.

Các đơn vị, cá nhân tài trợ kinh phí xây dụng cho các trường mầm non và phổ thông với tổng kinh phí trên 41.000 triệu đồng, cụ thể: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 5.000 triệu đồng, Quỹ trò nghèo vùng cao (xây trường THPT) 2.500 triệu đồng, Tổ chức trẻ em Rồng Xanh 2.430 triệu đồng, Ngân hàng An Bình 1.500 triệu đồng, Máy tính Canon Việt Nam và Vemba - Tập đoàn Vingroup 1.168 triệu đồng, Quỹ thiện tâm (Thông qua Quỹ trò nghèo vùng cao) 1.000 triệu đồng, Hội trẻ em đường phố (tổ chức phi chính phủ) 920 triệu đồng, Đại sứ quán Ấn Độ 999 triệu đồng, Câu lạc bộ Niềm tin Hà Nội 915 triệu đồng, Ông Võ Hồng Nam 900 triệu đồng, Quỹ trò nghèo vùng cao (xây trường mầm non và tiểu học) 900 triệu đồng, Công đoàn giáo dục thành phố Hà Nội 500 triệu đồng,... Kết quả xây mới được 133 phòng học (10 phòng kiên cố, 94 phòng bán kiên cố, 29 phòng tạm), 1 nhà đa năng, 56 phòng nội trú (30 phòng kiên cố, 15 phòng bán kiên cố, 11 phòng tạm), 28 phòng công vụ (7 phòng kiên cố, 14 phòng bán kiên cố, 7 phòng tạm), 45 phòng vệ sinh (10 phòng kiên cố, 33 phòng bán kiên cố, 2 phòng tạm), 02 nhà bếp, 7.790 m2 sân bê tông,...

9. Thực hiện hiệu quả các giải pháp tuyên truyền, quảng bá thông tin, đào tạo nguồn nhân lực du lịch theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Điện Biên Phủ - Pá Khoang

Ngày 24/8/2015 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Điện Biên Phủ - Pá Khoang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành Chương trình phát triển Du lịch của tỉnh và Kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Điện Biên Phủ - Pá Khoang.
5
Học sinh trường THPT Lương Thế Vinh  thăm quan di tích lịch sử
 
Nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực phát triển du lịch của tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền, giới thiệu về các di sản, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, Khu du lịch quốc gia Điện Biên Phủ - Pá Khoang, tiềm năng, vai trò và ý nghĩa của Khu du lịch đối với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Xây dựng Kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục, hoạt động ngoại khóa gắn với các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh của tỉnh. Tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, giáo dục hướng nghiệp, vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết tình huống, hoạt động trải nghiệm sáng tạo gắn với chủ đề du lịch. Tuyên truyền, vận động, khuyến khích, tổ chức dạy tiếng Anh, nhất là tiếng Anh giao tiếp cho học sinh, sinh viên khu vực có di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh của tỉnh.

Trường Cao đẳng sư phạm tỉnh, trung tâm GDTX tỉnh có nhiệm vụ khảo sát nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, trang bị các giá trị sống, rèn luyện các kỹ năng mềm,… đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực du lịch tỉnh Điện Biên nói nói riêng. Trên cơ sở đó, tham mưu đề xuất Sở Giáo dục và Đào tạo trình UBND tỉnh cho phép hợp tác, liên kết với các trường đại học, cao đẳng trong và ngoài nước mở các khóa đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch của tỉnh.

10. Tham mưu xây dựng và triển khai, tổ chức thực hiện các chương trình, đề án, quy hoạch, kế hoạch phát triển giáo dục và đào tạo

Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên đã tích cực, chủ động tham mưu Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh xây dựng và triển khai, tổ chức thực hiện các chương trình, đề án, quy hoạch, kế hoạch nhằm phát triển giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh.

Trong năm 2017, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu xây dựng: Quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Điện Biên giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2030; Đề án thành lập trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Điện Biên; Đề án đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh Điện Biên tại các tỉnh Bắc Thái Lan giai đoạn 2016-2025; Kế hoạch xây dựng trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia tỉnh Điện Biên giai đoạn 2016-2025; Kế hoạch thành lập, mở rộng và nâng quy mô các Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Điện Biên, giai đoạn 2018-2025; Đề án thành lập trường THCS và THPT Quyết Tiến; Đề án thành lập trường thực hành sư phạm tỉnh Điện Biên; Đề án thành lập trường phổ thông năng khiếu Thể dục thể thao tỉnh Điện Biên; Quy định khoảng cách và địa bàn xác định học sinh không thể đi đến trường và trở về trong ngày, tỷ lệ khoán kinh phí phục vụ việc nấu ăn tập trung cho học sinh trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
 

Tác giả: Đặng Việt Cường

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập188
  • Thành viên online1
  • Máy chủ tìm kiếm51
  • Khách viếng thăm136
  • Hôm nay31,630
  • Tháng hiện tại791,985
  • Tổng lượt truy cập136,244,354
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi