Theo quy định của Chính phủ, kinh doanh rượu thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Tổ chức, cá nhân sản xuất rượu công nghiệp, sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, phân phối rượu, bán buôn rượu, bán lẻ rượu, bán rượu tiêu dùng tại chỗ phải có giấy phép theo quy định. Tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công để bán cho doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp để chế biến lại phải đăng ký với UBND cấp xã.
Người dân bán rượu tại chợ phiên xã Tả Sìn Thàng, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên Rượu sản xuất để tiêu thụ trong nước và rượu nhập khẩu phải được dán tem và ghi nhãn hàng hóa theo quy định, trừ trường hợp rượu được sản xuất thủ công để bán cho doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp để chế biến lại; riêng rượu bán thành phẩm nhập khẩu không phải dán tem.
Hàng trăm can rượu trắng, rượu ba kích, rượu chuối hột không rõ nguồn gốc, không nhãn mác tại quận Nam Từ Liêm thành phố Hà Nội Các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về kinh doanh rượu, gồm: Kinh doanh rượu không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung ghi trong giấy phép theo quy định; sử dụng cồn thực phẩm không đáp ứng quy chuẩn, cồn công nghiệp hoặc nguyên liệu bị cấm khác để sản xuất, pha chế rượu; cho thuê, cho mượn giấy phép kinh doanh rượu; trưng bày, mua, bán, lưu thông, tiêu thụ các loại rượu không có tem, nhãn theo quy định, rượu không bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng, an toàn thực phẩm, rượu không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; bán rượu cho người dưới 18 tuổi, bán rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên qua mạng Internet, bán rượu bằng máy bán hàng tự động; quảng cáo, khuyến mại rượu trái quy định của pháp luật.
Sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh phải là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh được thành lập theo quy định và phải bảo đảm các điều kiện về an toàn thực phẩm, ghi nhãn hàng hóa rượu theo quy định.
Trong những năm qua, nhiều hộ cá thể sản xuất rượu thủ công sử dụng những nguyên liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ để pha chế rượu đã bị báo chí phản ánh, cơ quan chức năng xử lý. Đặc biệt tháng 02/2017, tại huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu có 08 người chết, 105 người bị ảnh hưởng, 126 người phải theo dõi ngộ độc rượu. Ngày 31/7/2017 tại bản Phiêng Vai, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên đã có 13 người phải đến các cơ sở y tế để cấp cứu, điều trị, do mắc các triệu chứng như khó chịu, đau đầu, chóng mặt, cồn cào, bị nôn sau khi uống rượu.
Nhiều người phải nhập viện do sử dụng rượu không rõ nguồn gốc Bà Nguyễn Thúy Hồng, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Điện Biên cho biết: Tình trạng người dân sử dụng rượu là đồ uống trong bữa ăn gia đình tại các tổ dân phố, thôn, bản cũng như các bữa ăn tập trung đông người, trong các dịp sự kiện, lễ hội, gặp mặt, ma chay, cưới hỏi, sinh nhật,… hiện vẫn còn phổ biến. Nguy cơ xảy ra ngộ độc rượu trên địa bàn tỉnh là rất cao. Để đảm bảo sức khỏe cho chính bản thân cũng như người thân, người tiêu dùng cần hết sức thận trọng, tuyệt đối không uống rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ bán trôi nổi trên thị trường. Hệ lụy lâu dài nhất của người thường xuyên uống nhiều rượu là phải đối mặt với các nguy cơ ngộ độc, mắc bệnh xơ gan, nhồi máu cơ tim, mất trí nhớ, rối loạn tinh thần, tử vong...
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 11 năm 2017. Bạn đọc có thể truy cập vào địa chỉ website http://thuvienphapluat.vn để biết thêm thông tin./.