Lao động nữ là một bộ phận quan trọng không thể tách rời của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn, đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác nữ công trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị cũng như tham gia các hoạt động xã hội của các cơ quan, đơn vị. Song, làm thế nào để nâng cao chất lượng hoạt động, phát huy vai trò của Ban nữ công quần chúng thì không phải Ban Chấp hành Công đoàn cấp nào cũng có thể làm tốt.
Hiện nay, Công đoàn ngành Giáo dục phối hợp với LĐLĐ các huyện, thị, thành phố quản lý 10 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và quản lý trực tiếp 40 Công đoàn cơ sở, với tổng số hơn 16 nghìn cán bộ, nhà giáo và lao động (CBNG-LĐ), trong đó có hơn 10 nghìn nữ CBNG-LĐ, chiếm tỷ lệ hơn 60%. Để triển khai thực hiện tốt công tác vận động nữ CBNG-LĐ, Ban Chấp hành công đoàn các cấp đã thành lập 10 Ban nữ công cấp trên trực tiếp cơ sở và 40 Ban nữ công quần chúng cơ sở, với 67 cán bộ nữ làm công tác nữ công. Như vậy, số Công đoàn cơ sở có tỷ lệ nữ đủ để thành lập Ban nữ công chiếm 100%. Đa số Ban Chấp hành công đoàn và Ban nữ công quần chúng các cấp trong tỉnh hoạt động kiêm nhiệm, kinh nghiệm tổ chức hoạt động của một số cán bộ công đoàn, cán bộ nữ công còn hạn chế, trong tổ chức các hoạt động còn lúng túng, nội dung sinh hoạt chưa phong phú, sáng tạo, công tác vận động nữ thực hiện chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình chưa được thường xuyên, thiếu giải pháp, tư tưởng sinh con trai nối dõi vẫn còn. Một số Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và Công đoàn cơ sở cũng chưa quan tâm trú trọng chỉ đạo Ban nữ công hoạt động; công tác thông tin, báo cáo chưa đầy đủ, kịp thời.
Nghị Quyết Đại hội XIV Công đoàn ngành Giáo dục, nhiệm kỳ 2012-2017, xác định nhiệm vụ về công tác vận động nữ: “Đổi mới các hình thức hoạt động nữ, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác nữ công, nâng chất lượng hoạt động công tác nữ công, phát huy vai trò của Ban, tổ nữ công các cấp”. Phương châm hoạt động của Công đoàn ngành Giáo dục là hướng mạnh về cơ sở, thực hiện mục tiêu xây dựng tổ chức Công đoàn trở thành tổ ấm, là chỗ dựa cho người lao động. Với tỷ lệ nữ CBNG-LĐ toàn ngành chiếm 60%, Công đoàn ngành Giáo dục luôn đánh giá cao vai trò và đóng góp của nữ CBNG-LĐ trong mọi mặt hoạt động của tổ chức Công đoàn. Đã tích cực chỉ đạo các cấp Công đoàn đổi mới hình thức, phương pháp, chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác vận động nữ; kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban nữ công quần chúng, đảm bảo đủ năng lực tham mưu cho Ban Chấp hành Công đoàn về công tác vận động nữ CBNG-LĐ theo tinh thần NQ 6b/TLĐ của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khoá X về “Công tác vận động nữ CNVC-LĐ thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước”. Hướng dẫn, chỉ đạo Ban Nữ công quần chúng xây dựng chương trình, kế hoạch và duy trì sinh hoạt thường xuyên theo quy định; tạo điều kiện để cán bộ nữ công hoạt động, sâu sát, nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng và những khó khăn của nữ CBNG-LĐ để tham mưu, đề xuất Ban Chấp hành công đoàn có giải pháp giải quyết kịp thời. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc hoạt động của Ban Nữ công, tổ nữ công. Công đoàn ngành Giáo dục đã cho CĐCS bình chọn những nữ cán bộ nữ công tiêu biểu nhất đi dự Hội nghị biểu dương, giao lưu trao đổi kinh nghiệm trực tiếp với cán bộ nữ công Công đoàn cơ sở tiêu biểu trong việc tổ chức các hoạt động nữ, nhằm nhân rộng những mô hình, phương pháp hoạt động hiệu quả của cán bộ nữ công công đoàn do LĐLĐ tỉnh tổ chức.
Đ/c Hoàng Ngọc Vinh - Chủ tịch LĐLĐ Tỉnh trao tặng Bằng khen cho các cán bộ nữ công CĐCS tiêu biểu
Để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Nữ công quần chúng cơ sở, Công đoàn ngành Giáo dục hướng dẫn việc chấm điểm, phân loại hoạt động của Ban Nữ công quần chúng cơ sở theo 4 mức: Xuất sắc, tốt, khá và trung bình với tổng số điểm 95 điểm và được cộng từ 1 đến 5 điểm thưởng đơn vị có những mô hình, hình thức họat động mới đem lại hiệu quả hoạt động cao. Ban nữ công, Công đoàn cơ sở tự chấm điểm gửi về Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, cùng thời điểm với báo cáo tự chấm điểm của Công đoàn cơ sở.
Quan tâm công tác tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức, nghiệp vụ cho cán bộ công đoàn về những quan điểm cơ bản của Đảng, Nhà nước, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, LĐLĐ tỉnh về công tác vận động nữ; về vai trò, trách nhiệm của Công đoàn các cấp trong việc thành lập, hướng dẫn Ban nữ công hoạt động. Bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác nữ công; về vai trò, trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban nữ công quần chúng; nội dung, hình thức, phương pháp hoạt động nữ công và trách nhiệm xây dựng tổ chức của Ban Nữ công quần chúng các cấp. Tổ chức tập huấn về kỹ năng tuyên truyền, phổ biến, tư vấn pháp luật; kỹ năng viết tin, bài tuyên truyền các hoạt động cho cán bộ công đoàn.
Tổ chức Hội nghị biểu dương, các tập thể, cá nhân tiêu biểu xuất sắc thực hiện Nghị quyết 6b/NQ-TLĐ và Chỉ thị 03/CT-TLĐ của Tổng Liên đoàn về đẩy mạnh phong trào thi đua “giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ CBNG-LĐ, giai đoạn 2010-2015. Thông qua hoạt động, động viên cán bộ nữ CBNG-LĐ phát huy tài năng, trí tuệ của mình, góp phần xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ và Nghị quyết 06b/NQ-TLĐ ngày 29/01/2011 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về công tác vận động nữ CNVCLĐ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước.
Củng cố kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban nữ công quần chúng các cấp, thực hiện tốt công tác vận động nữ CBNG-LĐ, là nhiệm vụ quan trọng của tổ chức Công đoàn mà Nghị quyết Đại hội XIV Công đoàn ngành Giáo dục đề ra, thực hiện có hiệu quả mục tiêu: đoàn kết, vận động nữ CBNG-LĐ phát huy tiềm năng, nội lực, nâng cao trình độ, năng lực, tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng người nữ cán bộ, công chức, viên chức, lao động có sức khỏe, có tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động sáng tạo, có lối sống văn hóa, có lòng nhân hậu, tham gia tích cực các hoạt động xã hội, xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững. Xây dựng và phát triển Ban, tổ nữ công công đoàn các cấp vững mạnh, thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nữ CBNG-LĐ, góp phần vào thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và bình đẳng giới của tỉnh./.