banner

Văn phòng. Người giúp Tô Hoài cho dế mèn đi phiêu lưu

Thứ ba - 06/10/2015 04:06
Dienbien.edu.vn - Người giúp Tô Hoài cho dế mèn đi phiêu lưu. Ông không chỉ là vị giáo sư khả kính của hàng nghìn học trò, mà còn là người quen của nhiều thế hệ người Việt qua bộ sách 3 tập Hỏi đáp về động vật .
          GS Đào Văn Tiến, nhà sinh học bậc thầy, là người đặt nền móng cho ngành sinh học Việt Nam. Ông không chỉ là vị giáo sư khả kính của hàng nghìn học trò, mà còn là “người quen” của nhiều thế hệ người Việt qua bộ sách 3 tập “Hỏi đáp về động vật”.
 

Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Đào Văn Tiến (23/8/1920 – 3/5/1995) là nhà sinh học Việt Nam, đặc biệt có nhiều công trình trong lĩnh vực động vật học. “Tập hợp các công trình điều tra cơ bản về động vật học ở Việt Nam (1957 - 1980)” của ông đã được Nhà nước tặng thưởng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ đợt I (tháng 9/1996). Sau đó ít năm, ông lại được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về công trình tập thể Atlas Việt Nam.

          Muốn biết về động vật cứ nhờ “thầy Tiến”

          Tên tuổi GS Đào Văn Tiến không chỉ quen thuộc trong giới khoa học.

          Những câu chuyện về sự “liên quan” của ông tới đủ mọi thành phần người dân vẫn còn trong trí nhớ của nhiều người.

          TS Vũ Thế Long, một học trò của ông kể lại: “Chiều hôm ấy, tôi có việc phải lên gặp giáo sư Đào Văn Tiến để lên kế hoạch đi rừng tìm hiểu tập tính động vật. Hồi ấy chiến tranh, lớp học sơ tán trong rừng, ở cùng với đồng bào. Mùa đông lạnh cóng, thầy khoác cái áo bông ngồi co ro trên tấm phản. Tôi vừa mới bàn được dăm câu cùng thầy thì thằng con bác chủ nhà chạy vào reo lên “Cụ Tiến! Cụ Tiến! Cháu bắt được con này”.

          Thằng bé biết thầy tôi là chuyên gia động vật nên hễ bắt dược con gì nó cũng đem trình cụ và cụ bao giờ cũng ân cần giảng giải cho nó: Con nào có lợi, con nào có hại, đời sống của chúng ra sao…

          Những câu hỏi của trẻ thơ thầy giải thích rất cặn kẽ và sau đó thầy viết thành mục “Hỏi đáp về động vật” đăng trên báo Khoa học và đời sống. Sau này thầy tập hợp lại in thành sách rất có ích”. Rất nhiều người có kỷ niệm với bộ sách ba tập "Hỏi đáp về động vật" của GS Đào Văn Tiến như có cô thanh niên xung phong thời chống Mỹ hiểu tập tính kỳ quặc của những chú kỳ đà, cầy bay, cheo cheo, voọc quần đùi… mà cô thường gặp dọc đường mòn Hồ Chí Minh.  Trên báo Thiếu niên Tiền phong, cậu bé người Dao ở Cao Bằng kể rằng nhờ đọc sách "ông Tiến", em cảm thấy thương những chú cu cườm, sáo sậu, chích choè, chìa vôi…, và không còn nỡ đặt bẫy chim rừng như trước nữa.

          Nhà văn Đoàn Giỏi, tác giả Đất rừng phương nam, Tê giác trong vườn xanh… tâm sự về “nỗi buồn” của người ông trước sự hiếu kỳ của cô cháu gái. “Buồn thay, tôi chỉ là một nhà văn sơ thiển! Giá như tôi có được một phần nhỏ kiến thức của ông Đào Văn Tiến, nhà động vật học lỗi lạc đầu tiên thời thuộc Pháp, thì ắt con bé sẽ mê, sẽ phục ông nội nó phải biết!

          Nói chuyện về kinh nghiệm sáng tác với các cây bút trẻ, nhà văn Tô Hoài, tác giả Dế mèn phiêu lưu ký, cho biết: “Hiểu biết của tôi về động vật là nhờ đọc những bài viết của GS Đào Văn Tiến”.

          Những năm chống Mỹ, trên đường Trường Sơn, đã có những người lính cãi nhau “toé khói” về tên con trăn “mắc võng” hay “mắt võng”? Người này thì quả quyết là “mắt võng”, bởi lẽ trên lớp da loài trăn đó thấy vằn lên những nét thẫm hình quả trám như những cái mắt trên chiếc võng. Người kia bác lại với lý do: Thân hình con trăn uốn cong, trông cứ y như chiếc võng anh bộ đội hay o thanh niên xung phong vẫn mắc đêm đêm để ngủ giữa cây rừng Trường Sơn... Bất phân thắng bại! Cuối cùng, cả đơn vị đành gửi thư ra Hà Nội, nhờ GS Đào Văn Tiến giải đáp. Ông cho biết, phải gọi là “trăn mắt võng” mới đúng…

          “Kinh tế lắm nó hỏng người!” Nhà sư phạm mẫu mực, nhà khoa học cần cù, trung thực và nghiêm túc… là những điều học trò luôn nhắc khi nói tới ông. Ông luôn luôn tâm đắc câu nói của GS Hồ Đắc Di: “Ở đại học không chỉ dạy nghề mà còn phải dạy người”. Nhưng con người ông còn có một đặc điểm nữa, mà học trò, đồng nghiệp không thể quên.

          Có một câu nói của người thầy mà TS Vũ Thế Long nhớ mãi. Ông Long kể chuyện: “Khi vào đại học, tôi theo học ngành Động vật học nên phải đi thực tập vào rừng săn bắn thu mẫu vật.
          Hôm ấy, người ta săn được một con cầy mang qua cửa lớp, giáo sư Đào Văn Tiến cho cả lớp tạm dừng để xem con cầy mới săn được. Thầy lấy tay dí vào cái tuyến xạ hương của con vật và quyệt vào mũi cho tôi ngửi. Một mùi hương hăng hắc rất lạ mà tôi chưa từng được ngửi trong đời.


GS Đào Văn Tiến cùng các thế hệ học trò

          Thầy bảo: “Đây là một loại hương liệu quý mà dân Ả Rập thường tìm mua làm thuốc”. Tôi buột mồm nói: “Giá như săn được nhiều cầy hương lấy xạ làm nước hoa đem bán thì hẳn là giàu to!”. Thầy mắng ngay: “Đang đi học mà đã nghĩ đến chuyện làm giàu! Kinh tế lắm nó hỏng người!”.

          Ngày ấy săn bắn thú rừng chưa bị cấm nhưng thầy đã nhìn xa thấy rộng mà dạy chúng tôi phải biết giữ gìn và bảo vệ thiên nhiên. Từ đó, chúng tôi có ý thức hơn về việc khai thác thú rừng và bảo vệ nguồn gien quý hiếm. Câu ấy tôi nhớ cho đến già “Kinh tế lắm nó hỏng người!”.

          GS.TS Mai Đình Yên (Hội Sinh thái học Việt Nam) đã học tập, làm việc, cộng tác với GS Đào Văn Tiến đúng 40 năm. Với ông Yên, GS Đào Văn Tiến “Đã đóng vai trò người thầy, người anh, đã dìu dắt tôi vượt qua các khó khăn về chuyên môn, học tập nghiên cứu giảng dạy, kể cả công tác rèn luyện đạo đức của nhà khoa học yêu nước, yêu nhân dân lao động, yêu sinh viên, tự tin để hoàn thành tốt nhiệm vụ”. Đã có nhiều bài học mà tôi được học từ ông. Ở đây, tôi chỉ xin kể lại với các nhà khoa học và sinh viên bài học cuối cùng.

          Tôi nhớ vào khoảng năm 1994, lúc này hoạt động xuất bản các tài liệu rất dễ dàng mà lại có “thù lao cao”, ông có nhiều bản thảo khoa học và tài liệu giảng dạy rất tốt, nếu in xuất bản chắc sẽ có đời sống tốt hơn và cũng phục vụ tốt hơn cho giảng dạy và nghiên cứu. Tôi đề xuất “Anh cho xuất bản đi”, ông đã trả lời tôi ngay không do dự “Các tài liệu này chưa đầy đủ, tôi đang bổ sung hoàn thiện, khoa học mà thành “mỳ ăn liền” là hỏng đấy””.

          GS Đào Văn Tiến đã được Nhà nước ta truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về “Tập hợp các công trình điều tra cơ bản về động vật học ở Việt Nam” và, sau đó ít năm, lại được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về công trình tập thể Atlas Việt Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập217
  • Máy chủ tìm kiếm26
  • Khách viếng thăm191
  • Hôm nay25,697
  • Tháng hiện tại700,849
  • Tổng lượt truy cập136,153,218
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi