banner

CNTT&NCKH –Giải pháp nào để học sinh Điện Biên có giải học sinh giỏi quốc gia môn tiếng Anh?

Thứ năm - 26/09/2013 04:32
Dienbien.edu.vn - Từ khi thành lập tỉnh Điện Biên năm 2004 đến nay, năm nào ngành giáo dục và đào tạo Điện Biên cũng có đội tuyển tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia lớp 12. Trong 8 môn dự thi gồm Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học và tiếng Anh thì 7 môn đều đã có giải, đặc biệt là Toán, Vật lý, gần đây là Sinh học, giải môn Hóa học có ít hơn một chút, còn Ngữ văn, Lịch sử và Địa lý là ba môn có giải mang tính truyền thống và bền vững. Tiếc thay khi môn Tiếng Anh – một môn học có thời lượng khá lớn, quan trọng được học từ lớp 6 vẫn chưa hề một lần đem lại niềm vui.
Việc đoạt giải học sinh giỏi quốc gia môn tiếng Anh sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho các em học sinh. Thừa nhận rằng việc đoạt giải này của học sinh miền núi là khó khăn hơn học sinh các tỉnh đồng bằng, kinh tế văn hóa xã hội phát triển, nhưng không có nghĩa là không thể. Năm học 2012-2013 đã có một học sinh của THPT Chuyên Lê Quý Đôn thiếu chưa đến nửa điểm để có thể đoạt giải khuyến khích quốc gia môn tiếng Anh lớp 12…

Chúng ta không thể phủ nhận việc trong tỉnh có một lượng đáng kể học sinh yêu thích, có năng khiếu, năng lực tốt môn tiếng Anh nhưng chưa có điều kiện tốt nhất để phát huy và định hướng đúng. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi mạnh dạn đưa ra một số suy nghĩ có thể phù hợp với thực tế ở tỉnh Điện Biên và điều kiện quan trọng để thực hiện là sự chung tay, đồng thuận của các lực lượng liên quan từ học trò đến gia đình, thầy cô, trường học, cơ quan quản lý chỉ đạo và cộng đồng xã hội.

Thứ nhất là việc phát hiện, tạo nguồn. Trong số trên 60 nghìn học sinh tiểu học, đã có hàng trăm trẻ thực sự yêu thích môn tiếng Anh, tập trung chủ yếu ở thành phố và các thị trấn. Năm 2013 đã có trên 2000 trẻ được học tiếng Anh theo chương trình bắt buộc chính thức của Bộ Giáo dục và Đào tạo từ lớp 3, trên 1000 em đang học lớp 4 và từ năm học 2013-2014 là học ở lớp 5. Việc phát hiện tạo nguồn phải được thực hiện từ học trò tiểu học. Các em sẽ có đủ 10 năm học tiếng Anh ở phổ thông cho tới khi tốt nghiệp THPT. Các nhà giáo cần làm cho các em hiểu môn tiếng Anh là môn quan trọng, bình đẳng với các môn học khác, là công cụ không thể thiếu trong quá trình học tập, cũng như trình độ tin học, các trình độ và kĩ năng sống khác…. đặc biệt là khi các em học lên cao đẳng, đại học, ra cuộc sống, làm việc trong môi trường hội nhập quốc tế sâu rộng, hướng tới là những công dân toàn cầu…
 
Học sinh đạt chứng chỉ tiếng Anh quốc tế tự tin dẫn chương trình tại Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học tỉnh
 
 Sau khi phát hiện những học sinh yêu thích và có năng khiếu cần động viên khuyến khích tạo điều kiện để các em được học nội dung, thời lượng hợp lý bộ môn này. Cho các em thấy tầm quan trọng, vai trò của tiếng Anh đối với đời sống, học tập, công tác và hội nhập quốc tế trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Những tấm gương tuổi trẻ thành công nhờ học vấn và ngoại ngữ có nhiều trên sách, báo, truyền hình, các biên tập viên, phát thanh viên, các MC nổi tiếng, chương trình TALK Vietnam, các cán bộ ngoại giao…gần gũi hơn là các anh chị ở tại địa phương nhờ học tốt, ngoại ngữ tốt hiện đã bước đầu thành công trên con đường học vấn như du học, học bổng chính phủ các nước, học ở các đại học quốc tế uy tín…. sẽ có tác động rất tốt đến trẻ.

Tạo điều kiện để trẻ tham dự các cuộc thi tiếng Anh phù hợp như thi các kĩ năng tiếng Anh tại trường, câu lạc bộ tiếng Anh, thi Olimpic tiếng Anh trên internet, thi viết các bài luận tiếng Anh, học tiếng Anh trên truyền hình. Hàng ngày có thể giao tiếp 10 đến 20 câu, học 2-5 từ mới, mẫu câu mới.

Với học sinh cấp THCS, do các em đã được học tiếng Anh một số năm trước nên nhận thức và vốn tiếng Anh đã tương đối nhiều cần kế thừa phát triển các giải pháp nêu trên và có một số biện pháp mới phù hợp với lứa tuổi và nhận thức. Tạo điều kiện để trẻ tham dự các cuộc thi tiếng Anh phù hợp như thi hùng biện tiếng Anh tại trường, câu lạc bộ tiếng Anh, thi Olimpic tiếng Anh trên internet, thi viết các bài luận tiếng Anh, học tiếng Anh trên truyền hình. Hàng ngày có thể giao tiếp 10 đến 20 câu, học 5 – 10 từ mới, mẫu câu mới. Tăng cường hội thoại hàng ngày với bạn bè, thầy cô. Học hát các bài tiếng Anh trên internet, xem phim, ca nhạc trên truyền hình có phụ đề tiếng Việt hoặc không có phụ đề.
 
Một góc Paris tráng lệ
 
Thúc đẩy phát triển của câu lạc bộ tiếng Anh trong mỗi trường hoặc theo địa bàn cư trú, thi viết bài luận, thi nói tiếng Anh theo một chủ đề từ đơn giản đến phức tạp, từ chủ đề hẹp đến rộng. Hình thức có thể tổ chức cuộc thi liên trường, liên khối, giữa các lớp khối chuyên Anh 10, 11, 12, có thể chủ đề giờ sinh hoạt lớp, sinh hoạt dưới cờ…Hiện nay có tình trạng khá nhiều học sinh trung học học tốt tiếng Anh thể hiện qua làm bài kiểm tra viết, ngữ pháp nhưng các kĩ năng khác như nghe, nói, viết còn rất hạn chế, chúng ta thiếu môi trường giàu tính ngoại ngữ, cả tỉnh Điện Biên chưa có các nhà đầu tư nước ngoài về các lĩnh vực. Các chuyên gia quốc tế đến làm việc đều có phiên dịch người Việt từ các dự án. Các tour du lịch với khách nước ngoài đều được đặt trước với các công ty đặt tại Hà Nội, Lào Cai.

Ở trường học các em còn thiếu nhiều sự tự tin, mạnh dạn, ngại nói, sợ nói sai trong giao tiếp thầy và trò, trò với trò, giữa các em với khách du lịch. Các trường học thiếu vắng bản tin, bài viết, bài hát bằng tiếng Anh trên loa, trên bảng tin của trường. Chưa mạnh dạn đưa các trò chơi trí tuệ, các điệu nhảy mang tính quốc tế vào trường học, chắc ngoài hip - hop thì học sinh Điện Biên chưa biết nhảy mang tính tập thể, chia sẻ như Gangnam Style hay Flasmob.

Việc nghe nhạc tiếng Anh trong học trò chủ yếu là theo vấn đề thị hiếu lớp trẻ, xem phong cách biểu diễn, trang phục, dàn dựng sân khấu, ánh sáng, nghe giai điệu mà không hiểu hoặc hiểu rất ít về ca từ nội dung, ngữ nghĩa. Buồn lắm khi sau đến 6 năm học tiếng Anh học trò chưa viết được bài luận 10 dòng, chưa nói được hay phát âm chưa chuẩn ngoài vài câu sinh hoạt đơn giản như tên, tuổi, gia đình, địa chỉ, cha mẹ…theo đúng câu văn mẫu. Hạn chế dần việc thầy cô dùng tiếng Việt để giảng tiếng Anh trong suốt giờ học, trong cả năm học.

Ở thành phố Điện Biên Phủ hiện đã có trên dưới 10 em học sinh cấp tiểu học và THCS yêu thích tiếng Anh, ngoài học trên lớp các em đã học thêm tại trung tâm Ngoại ngữ - Tin học thuộc Sở hoặc học thêm với các thầy cô khác, đã tham dự kì thi lấy chứng chỉ nhiều cấp độ của đại học Cambridge tại Hà Nội. Nhiều em khác đạt giải cao học sinh giỏi cấp tỉnh môn tiếng Anh…đây là nguồn dự tuyển rất tốt, định hướng các em thi vào lớp chuyên ngữ trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn và đội tuyển trong vài năm học tới.
 
Nét cổ kính ở các thành phố Châu Âu
 
Với các em gia đình có điều kiện về người thân, kinh tế có thể khuyến khích phụ huynh tạo cơ hội cho các em vào dịp hè đi du lịch các tỉnh thành trong nước có môi trường giao tiếp tiếng Anh tốt như Sa Pa, Đà Nẵng, Nha Trang, Huế. Dự khóa học, bồi dưỡng tiếng Anh tại các trung tâm Anh ngữ, các lớp ôn luyện thêm ở Hà Nội, các thành phố lớn, các trường đại học. Tham dự chuyến du lịch giao lưu hè tại các trường học quốc tế tại Hà Nội (Acadamy school…),  ở các nước Singapore, Malaysia, Australia, có cơ hội giao tiếp tiếng Anh với người nước ngoài…

Giải pháp với đội ngũ là tương đối khó thực hiện song cũng cần suy nghĩ và từng bước thực hiện. Mặc dù đội ngũ giáo viên tiếng Anh cả nước nói chung đều đạt chuẩn về trình độ đào tạo nhưng lại chưa đạt chuẩn theo trình độ khung tham chiếu Châu Âu. Bên cạnh việc tự học tự bồi dưỡng nâng cao trình độ đóng vai trò quan trọng nhất, là việc tham dự các khóa bồi dưỡng nâng cao của Sở tổ chức, dự thi lấy  chứng chỉ quốc tế (TOEFL, IELTS…) do các đơn vị uy tín tổ chức, đạt chuẩn C1 theo khung tham chiếu Châu Âu về ngoại ngữ.  Mời giảng viên, giáo viên trường chuyên khác, các trường đại học trong nước đến thỉnh giảng, mời giáo viên bản địa, các nước nói tiếng Anh đến bồi dưỡng, giảng dạy cho thầy và trò đội tuyển. Cử giáo viên đi tu nghiệp ở nước ngoài ngắn hạn và dài hạn bằng một phần kinh phí tự túc, ngân sách hỗ trợ, đa phần lựa chọn hiện nay là đi Singapore, Australia gần gũi, có đông cộng đồng người Việt và tiết kiệm hơn.  

Chúng ta cần xác định, không chỉ giáo viên tiếng Anh mới cần nâng cao trình độ tiếng Anh mà còn nâng cao kiến thức các môn khác. Giáo viên các môn khoa học cơ bản khác đặc biệt là ở trường chuyên có trách nhiệm học tiếng Anh, để từng bước từ nay đến năm 2015 sẽ giảng dạy một số tiết, chuyên đề môn Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học bằng tiếng Anh.

Đối với chương trình, sách giáo khoa, sách tham khảo ôn luyện và các chuyên đề nâng cao, bên cạnh định hướng chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường chuyên, trường chuẩn quốc gia, trường chất lượng cao cần thiết đầu tư xây dựng cho mình chương trình cụ thể, phù hợp với thực tiễn, xu thế chung, hiện đại, cập nhất vấn đề mới thường xuyên liên tục, đảm bảo tính mềm dẻo và linh hoạt. Việc này cần có chỉ đạo định hướng của Sở và các phòng Giáo dục và Đào tạo. Bên cạnh chương trình này, đội ngũ nhà giáo nên tích cực lồng ghép, tích hợp kiến thức môn khác trong dạy và học ngoại ngữ. Khai thác chuyên đề có yếu tố nước ngoài vừa mở rộng thêm các chuyên đề kiến thức văn hóa, địa lý, lịch sử quốc tế vừa nâng cao trình độ ngoại ngữ theo hướng học sinh cần sử dụng kiến thức liên môn để giải quyết một vấn đề thực tiễn./.
 
                                               Nguyễn Hùng Cường – phòng CNTT&NCKH.

Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập337
  • Máy chủ tìm kiếm26
  • Khách viếng thăm311
  • Hôm nay21,649
  • Tháng hiện tại542,467
  • Tổng lượt truy cập136,894,280
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi