banner

VP – Văn học nhà trường số 12: Truyện ngắn Vợ chồng người hàng xóm

Thứ năm - 26/09/2013 20:40
Dienbien.edu.vn – Điện Biên với trên 13 nghìn nhà giáo và trên 120 nghìn học sinh phổ thông, sinh viên các trường chuyên nghiệp, trong đó có nhiều nhà giáo, học sinh, sinh viên yêu văn học nghệ thuật và có năng lực sáng tác với nhiều tác phẩm đoạt giải, đăng tải trên các báo và tạp chí trong và ngoài tỉnh, nhiều tác phẩm đã được xuất bản và nhận được sự mến mộ của công chúng.
Trang văn học nhà trường đăng tải các bài viết, những sáng tác của thầy trò các nhà trường gồm các thể loại: thơ, tản văn, văn xuôi, nhạc, họa, …mỗi tháng có từ một đến hai số. Trân trọng giới thiệu và mong nhận được sự cộng tác của các nhà giáo, các em học sinh sinh viên cùng bạn đọc. Cảm ơn các tác giả đã gửi bài về chuyên mục.
 
Vợ chồng người hàng xóm
 
                                                Đặng Thị Oanh – Cao đẳng sư phạm Điện Biên
 
Quẳng cái xe phượng hoàng đã cà tàng vào cái hàng rào ọp ẹp ở đầu cổng, chân nam đá chân chiêu, hắn đi siêu vẹo vào nhà, vừa đến đầu hồi đã nghe tiếng mụ vợ tru tréo từ dưới bếp vọng ra:

- Có khổ thân tôi không cơ chứ! Chồng ơi là chồng, Ông đã về đấy phỏng, Ông vào đây! Vào đây! Vào ngay đây cho tôi hỏi! Thế cái nồi cơm điện của tôi đâu rồi? Vừa mới sáng nay tôi còn cắm cơm cho con ông ăn để nó đi học, vậy mà bây giờ nó đã không cánh mà bay. Trời ơi là trời! sao cái thân tôi nó lại khốn nạn thế này! Ông đã đem bán nó ở đâu? Ông đi chuộc ngay nó về cho tôi! Đi ngay đi!

Vừa nói Mụ vợ vừa cầm tay chồng lắc mạnh khiến người hắn nghiêng ngả, ngật ngưỡng theo từng câu gào thét của mụ vợ. Bất chợt, Hắn giật mạnh tay ra, khiến Mụ vợ ngã dúi về phía trước. Không nói không rằng một tiếng, Hắn đỏ vằn con mắt, bỏ mặc mụ vợ nằm ngã ở đó, lảo đảo đi lên nhà. Mụ vợ bàng hoàng nằm tại chỗ, mặt xanh như tàu lá. Mặc dù đang lên cơn tam bành, nhưng trước phản ứng giận dữ của chồng, Mụ biết lúc này, cần phải im ngay không thể tiếp tục cơn giận nữa. Ở với hắn hơn chục năm nay Mụ biết tính chồng, những lúc như thế này tốt nhất là im đi thì hơn, nói thêm vài câu nữa thì chẳng bị vài cái đá thì cũng dăm ba cái bạt tai. có khi còn sảy ra án mạng nữa ấy chứ. Con người ta lúc say rượu thì có làm chủ được hành động của mình đâu. Vì thế, Mụ cố kìm nén cơn giận đang trào lên tận cổ, kéo vạt áo lau nước mắt rồi nặng nề đứng dậy.

Về ở với nhau đã hơn chục năm nay, Mụ đâu phải là người không yêu chồng, thương con. Mọi công việc ruộng nương, cấy hái,… đều đổ tất lên vai Mụ. Mụ phải tần tảo hôm sớm lo cái ăn cái mặc cho gia đình, rồi phải chịu thua thiệt bạn bè đủ đường mà không bao giờ Mụ hé răng kêu ca phàn nàn nửa lời. Nhưng chồng Mụ, hắn có biết đấy là đâu, nay rượu, mai rượu, lúc nào cũng say chẳng còn biết giời biết đất gì nữa. Mụ buồn lắm, không biết đã bao nhiêu lần Mụ hạ quyết tâm cai rượu cho chồng. Nhưng Hắn vẫn chứng nào tật ấy, nay hứa bỏ rượu nhưng mai lại vẫn rượu. Càng ngày càng đổ đốn thêm ra. Hết tiền trong túi, Hắn móc trộn tiền ở ví của vợ để mua, được vài lần, Mụ vợ Hắn phát hiện ra. Mụ cất dấu tiền kỹ hơn. Không có tiền để mua rượu, Hắn lấy đồ dùng trong nhà bán dần đi, và cứ mỗi một lần như thế vợ chồng hắn lại cãi vã nhau kịch liệt. Lúc đầu hắn còn trình bầy lý do lý chấu, sau Hắn chẳng cần lý giải gì nữa. Hắn mặc kệ cho Mụ vợ tha hồ ca thán, chửi rủa. Hắn nghĩ, cái giống đàn bà sao mà lắm nhời thế, thật là khó chịu! Nhưng thôi, mình là người có lỗi. Nó xót của lên có kêu ca vài lời thì cũng cố chịu đựng vậy, cứ giả điếc không cần nghe gì hết. Mồm nó nói, tai nó liền đó, nó nghe, mình có nghe đâu mà sợ. Nói mãi mỏi mồm rồi nó  cũng phải im. Mặc kệ, cứ đoàn hoàng, hai chai, ba chai chả việc gì hết.
 

Ảnh minh họa của Ban biên tập từ Internet

 
Ngồi lặng lẽ trên ghế, Mụ vợ suy nghĩ mông lung nhiều lắm, Tại sao Mụ lại khổ sở thế này, tại sao chồng Mụ không biết suy nghĩ như chồng người ta. Lắm lúc nhìn cảnh nhà hàng xóm, thấy chồng họ đàng hoàng, tu chí làm ăn, lo lắng cho vợ, cho con mà Mụ ao ước quá. Đã có người hàng xóm nửa đùa nửa thật nói với mụ rằng: Tại Mụ đảm đang tháo vát lo hết phần của chồng, để chồng không phải làm gì cả, nhàn cư vi bất thiện nên mới sinh bệnh như thế, cứ phải để ông ấy phải lao động phải làm mà ăn thì ông ấy mới sáng mắt ra được. Mụ nghe vậy cũng ngẫm nghĩ nhiều lắm. Mụ tính, hay bây giờ mình bỏ về nhà mẹ đẻ vài hôm để cho Hắn phải nghĩ, Mụ đã khổ quá nhiều rồi.

Mụ quyết tâm lắm, Mụ đứng dậy, đi lên nhà. Hắn say rượu nằm dài trên đất chắn ngang cửa ra vào, áo quần xộc xệch, miệng phun phì phì. Mụ rón rén đi vòng qua Hắn, vào buồng, mở tủ lấy quần áo nhét vội vào chiếc túi cũ, rồi lại rón rén bước vòng qua hắn đi ra cửa. Bỗng Hắn cựa mình. Mụ giật bắn người, đứng sững lại. Hắn lẩm bẩm điều gì đó trong miệng rồi co rúm người lại và oẹ một cái, hai cái rồi nôn thốc nôn tháo. Rượu, bia đồ nhắm giờ đây đã thành một hỗn hợp phủ đầy trên mặt hắn trông ghê khiếp. Như phản xạ tự nhiên, Mụ bỗng quên rằng mình đang giận chồng, Mụ vất ngay túi quần áo xuống đất, lật đật chạy lại bên chồng. Một tay đỡ đầu hắn, tay kia rút cái khăn trên vai lau mặt cho hắn. Hơi rượu trộn lẫn với thức ăn từ đống mửa bốc lên một mùi khó chịu. Mụ nhăn mặt đỡ Hắn dậy đi vào buồng. Mụ kéo lê Hắn từng bước khó nhọc, đặt được Hắn lên giường rồi, Mụ mệt quá, việc cố sức vừa rồi cộng với bệnh tật khiến Mụ thở dốc, chân tay bủn rủn, mồ hôi vã ra, mắt hoa lên. Mụ lảo đảo rồi ngã phịch xuống đất, và cũng lịm đi.

Bóng chiều đã ngả dài trên hiên nhà. Chiếc đồng hồ trên tường điểm hồi chuông bốn giờ chiều, đánh thức Hắn tỉnh dậy, Hắn mở mắt nặng nhọc, đầu Hắn như có ngàn tảng đá đè nặng trĩu. Xung quanh không gian im ắng quá: con mụ vợ lắm mồm, tham việc của hắn đi đâu rồi? mà như thế càng hay, Mụ ấy cứ đi luôn cũng được. Hắn bực dọc nằm nghĩ.
 

Có tiếng bụng Hắn sôi í óc. Phải rồi, từ sáng đến giờ ăn được một chút thì chắc lúc nãy đã nôn ra hết cả rồi. Hắn thấy khát nước quá, muốn ngồi dậy uống chút nước mà không nhấc nổi được cái đầu. Hắn chống một tay lên, cố gắng ngồi dậy rồi lảo đảo bước xuống đất. Bỗng chân Hắn đá phải vật gì mềm mềm dưới đất. Hắn đưa mắt nhìn xuống. Có vật gì đó đen đen lù lù dưới chân. Hắn dụi mắt định thần nhìn kỹ rồi thảng thốt la lên:

- Trời ơi! Nó! Vợ tôi. Cứu với! Cứu với! Cứu vợ tôi với!

Những tiếng chân người chạy dồn vào ngõ, rồi lại chạy dồn ra đưa chị vợ vào viện, những tiếng hỏi thăm đứt quãng, lao xao:

- Ai đấy? Ai bị sao đấy? 
- Vợ thằng "Nam rượu" bị ngất nằm ở dưới đất. Chồng say bí tỷ có biết gì đâu. May mà đưa vào bệnh viện vẫn còn kịp, chứ muộn thêm một tý nữa thì có trời cứu!
- Khổ thân con bé đó, chăm chỉ làm ăn là vậy mà chồng thì cứ nay rượu mai chè, rõ khổ!

- Nhưng lần này thì thằng chồng sáng mắt ra rồi nhé, sức người đâu có phải sức voi, có vàng mười ở trong nhà mà không biết giữ!

Lặng lẽ ngồi cả mấy ngày đêm bên giường vợ trong bệnh viện, Hắn không dám ngẩng mặt nhìn ai. Mấy ngày nay, tuy rất thèm rượu nhưng mỗi lần định ra quán làm vài chén cho đỡ thèm, thì không hiểu sao, ngay lúc đó, trong đầu hắn, lại hiện lên hình ảnh người vợ nằm sõng soài trên mặt đất, với khuôn mặt hốc hác, khắc khổ, nổi rõ những đường gân xanh yếu ớt, là hắn không muốn uống rượu nữa. Hắn hối hận lắm! May mà trời còn thương Hắn, cho Hắn kịp tỉnh dậy để đưa vợ đến viện, chứ không thì … Hắn lạnh người không dám nghĩ tiếp nữa. Trong đầu Hắn đang nung nấu một kế hoạch: Hắn sẽ cố gắng cai rượu. Hắn sẽ làm lành với vợ, sẽ xin lỗi vợ về lỗi lầm của mình, khi vợ tỉnh lại. Hắn lại rụt rè nắm lấy bàn tay vợ, cái bàn tay lủng củng toàn xương và gân xanh. Và vẫn tư thế ngồi khắc khổ, vẻ mặt đầy hối hận, Hắn ngủ thiếp đi bên giường vợ.

Bệnh viện về đêm chìm trong không gian yên tĩnh, Mụ vợ sau giấc ngủ dài tỉnh dậy, thấy Hắn ngủ ngục, mệt mỏi bên giường bệnh, Mụ lặng lẽ nhìn chồng mà lòng đầy thương cảm. Chiếc đồng hồ trên tường chỉ bốn giờ sáng. Mụ yếu ớt nắm lấy bàn tay thô giáp của Hắn. Hắn giật mình tỉnh dậy, không dấu niềm vui bất ngờ, xen lẫn vẻ lo lắng, hối lỗi. Hắn muốn nói với vợ rất nhiều, nhưng lại chẳng nói được điều gì. Hắn chỉ biết nhìn vợ bằng ánh mắt xót xa của một kẻ đang hối hận về những lỗi lầm của mình. Mụ vợ cũng lặng yên không nói gì, nhưng bàn tay nhỏ bé của Mụ như cố nắm chặt tay Hắn hơn, và cả hai đều cảm thấy không cần phải nói thêm một lời nào nữa, vì họ tin rằng ngày mai sẽ đến. Ngày mai đó, chắc chắn ánh mặt trời sẽ rực rỡ hơn, ấp áp hơn sẽ xoá đi mọi tàn dư của bóng đêm đen tối.
 
                          Giới thiệu và biên tập: Vũ Việt Đức – Phó Chánh Văn phòng Sở.

Tổng số điểm của bài viết là: 14 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 4.7 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập307
  • Máy chủ tìm kiếm14
  • Khách viếng thăm293
  • Hôm nay18,118
  • Tháng hiện tại538,936
  • Tổng lượt truy cập136,890,749
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi