banner

CNTT&NCKH - NGHỀ GIÁO

Thứ năm - 12/11/2015 22:31
Bằng tất cả những gì chân thật nhất trong lòng mình, tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành một cô giáo.
Tôi nghĩ, có nhiều người chọn làm nhà giáo, cơ bản đó là sự lựa chọn nghề nghiệp. Nhưng đối với tôi, chọn làm nhà giáo, không thuần túy là chỉ là chọn nghề, mà là chọn yêu thương, có khi là chọn cả đam mê. Tuổi 17, tôi vẫn chỉ là một học trò, không hiểu nhiều, hiểu sâu cuộc sống này hơn bất kì ai, nhưng tôi đã thực sự thấm thía ít nhiều những gì tôi thấy, tôi hiểu về giá trị của sự lựa chọn ấy. Sự lựa chọn mà mãi đến khi tuổi học sinh của tôi đã gần khép lại, tôi mới nhận ra. Hình như tuổi trẻ chúng ta đều vô tâm như vậy, hay đó chỉ là sự vô tâm của riêng tôi và những gì tôi cảm thấy bây giờ là một sự ân hận muộn màng bồng bột?

Một người học trò đến trường đến lớp, được nhận sự dìu dắt, dạy dỗ của thầy cô, cũng giống như đứa con trở về nhà mình và ngả vào vòng tay yêu thương của cha mẹ. Ông bà tôi luôn nhắc nhở tôi rằng: “Nuôi con mới thấu lòng cha mẹ”. Vậy, thầy cô cũng như cha mẹ, cũng là cha mẹ. Chỉ khi nào làm thầy, ta mới hiểu được lòng thầy.

Có lẽ, trong suốt đời học sinh của mình, chưa bao giờ tôi thực sự hiểu thầy cô tôi. Tôi cũng giống như những người học trò khác, cũng có thừa những cạn nông, những dại dột. Tôi vẫn chỉ đơn thuần hiểu “đi học” là nhận về cho mình tri thức, nhưng có mấy khi nào dành tấm lòng mình nghĩ về những người cho? Tôi đã từng viết rất nhiều những bài văn về thầy cô, từ khi mọi thứ còn non nớt, cho đến khi biết nghĩ suy, hình ảnh thầy cô trên trang giấy hình như lúc nào cũng đẹp lắm. Nhưng bây giờ nhìn lại, tôi nhận ra rằng, biết yêu thầy cô không thể hiện ở những điều như thế. Chúng ta có thể nói, có thể thấy, rằng chúng ta yêu thầy cô của mình, nhưng yêu, chưa chắc đã thực sự hiểu. Có lẽ đứa học trò nào cũng vậy, chúng không hiểu, đằng sau những gì thầy cô dạy dỗ, đằng sau những lời mắng mỏ, sự nghiêm khắc, và đơn thuần là để đứng trên bục giảng, thầy cô đã bỏ ra biết bao nhiêu yêu thương. Tình cảm ấy, đã san sẻ ra từ tình cảm của một người mẹ, một người cha. Thầy cô, họ cũng là những người cha, người mẹ. Họ dạy dỗ biết bao học sinh, có khi còn khó nhọc, vất vả hơn dạy dỗ những đứa con của mình. Tuổi học trò, nhiều khi mải chơi hơn học, chúng lười biếng, ngủ gật, nghịch ngợm, ngang bướng… Chính vì không hiểu, chúng luôn “biết cách” làm phụ lòng thầy cô. Với mẹ cha, con cái luôn là đứa trẻ, với thầy cô, học trò ở tuổi nào cũng vẫn như mầm cây cần được ươm bón nâng niu. Chúng vẫn luôn sống với tất cả những gì chúng cảm thấy trong tuổi trẻ của mình, bao gồm cả những ích kỉ thiếu suy nghĩ, bao gồm cả việc vô tâm làm thầy cô buồn lòng. Thầy cô gắn bó sâu sắc với những tuổi trẻ ấy, thầy cô rất hiểu và luôn bao dung.. Chỉ có lũ học trò là chẳng bao giờ chịu hiểu…

Trong cuộc sống này, có những điều thật lớn lao, thật thấm thía nằm ở phía sau những điều giản đơn mà chúng ta thường thấy. Ngoài những gì chúng ta thấy ở thầy cô khi họ đứng trên bục giảng, còn nhiều điều hơn thế nữa…Cấp Ba là bước đệm cuối chuẩn bị cho bước ngoặt lớn đầu tiên của tuổi trưởng thành, bản thân tôi cũng như các bạn khác đều cảm thấy ít nhiều lo lắng, khó khăn và áp lực. Mỗi khi tôi than thở về việc học tập mệt mỏi, tôi luôn nhận được sự động viên của bố mẹ. Và tôi có nhớ nhất một lần bố nói với tôi rằng: “Con biết mệt cho mình, thì hãy biết hiểu cho thầy cô”. Mà trong lúc ấy, tôi có lắng nghe nhưng lại không để tâm. Thật sự rằng, những giây phút ích kỉ đó càng khiến cho ta thấm thía sâu sắc khi nghĩ lại. Vì tôi đã nhận ra được ý nghĩa từ lời dạy của bố. Tôi đã nhận ra rằng, trong cái sự mệt mỏi có thể nghe được từ bất kì đứa học trò nào, luôn có tiếng thở dài thầm lặng của thầy cô. Chúng ta rất mệt, vậy thầy cô còn mệt đến nhường nào? Chúng ta mệt vì bài tập nhiều, lịch học dày đặc, điểm số bài thi không cao… Thầy cô thì lo lắng từ từng bài giảng, lo rằng liệu học sinh đã hiểu bài chưa, lo không soạn giáo án kịp hôm sau vì hôm nay đi dạy về muộn… Thầy cô lo từ những cái nhỏ, cũng là vì học sinh. Hình như trước mắt là nỗi đau của mình thì thường con người ta không màng đến nỗi đau tương tự như thế xung quanh? Học trò không hiểu sự nỗ lực và hy sinh của thầy cô, nên chúng chỉ thấy chúng mệt. Thêm một chút thời gian mang lại kiến thức cho học trò là thầy cô bớt đi một chút thời gian cho gia đình, cho con cái. Thầy cô ươm mầm xanh để học trò được đứng dưới bóng cây râm mát, thầy cô bớt đi giấc ngủ, bớt đi sức lực, bớt đi những mong muốn cá nhân để cho học trò được thêm quá nhiều điều. Chúng ta chỉ biết nhận mà thôi. Chúng ta yêu thương thầy cô bao nhiêu mà sao vẫn phụ lòng thầy cô nhiều vậy?


Ảnh minh họa

Chúng ta xót xa khi thấy bố mẹ cả ngày đi làm vất vả rồi vê nhà lại thêm bao nhiêu công việc gia đình. Bố mẹ chịu đựng những điều khó khăn để cho chúng ta những điều tốt đẹp. Thầy cô cũng là những người cha mẹ như thế, chúng ta thương mẹ cha rất nhiều, sao không biết dành tình cảm đó cho thầy cô khi họ cũng hy sinh cho chúng ta như mẹ cha vậy? Có những thứ trôi qua rồi, ngẫm lại mới thấy mình vô tâm. Trong những lúc nhiều khó khăn và áp lực nhất, người sát cánh quan trọng nhất vẫn là thầy cô. Tôi nhớ những ngày mùa đông học ca muộn, khi tôi đến lớp thấy cô giáo tôi đã chờ ở đó từ bao giờ. Tôi nhớ vào những ngày cuối tuần, có khi cả vào những ngày nghỉ lễ, kì thi lại sát gần, cô giáo tôi vẫn cùng chúng tôi đến lớp. Có khi con ốm, cô giáo còn cố nán lại với học sinh, lòng thì lo lắng cho con, tâm thì không yên khi nghĩ về học trò. Tấm lòng ấy, chúng ta đã có ai hiểu hết? Thầy cô luôn động viên chúng ta hãy cố gắng lên, nhưng hình như chúng ta chưa bao giờ làm điều đó với thầy cô mình. Đằng sau sự say mê miệt mài trên lớp, đằng sau dáng vẻ bình thản, nụ cười ấm áp hiền hậu với học trò, thầy cô ai cũng có một gia đình, một cuộc sống riêng với đầy những lo toan. Có những khó khăn, thậm chí là nỗi buồn, nỗi đau, thầy cô luôn cố nén lại trong mỗi tiếng giảng bài. Thầy cô là những người tiếp lửa, tôi cảm thấy ở thầy cô tôi có một sự không cho phép bản thân được yêu đuối. Trước những buồn lo con người ta có khi còn gục ngã, nhưng trước học trò thầy cô luôn giấu tất cả vào thật sâu. Chúng ta vẫn chỉ mải mê làm theo ý mình mà chẳng mấy khi nhận ra nỗi buồn trên gương mặt cô thầy. Nỗi buồn ấy là gì? Sự lo âu hay sự thất vọng mỗi khi học trò chểnh mảng học tập, khi học trò không nghe lời, khi những học trò mà thầy cô thương yêu lại vô tâm vô tình làm những buồn lo trong lòng thầy cô thêm canh cánh. Tại sao thầy cô luôn hiểu, luôn bao dung cho tất cả những lỗi lầm của học trò, mà tấm lòng thầy cô chẳng bao giờ học trò thấu suốt, nỗi buồn của thầy cô chẳng mấy khi chúng ta biết biết cảm thông?

Trong cuộc sống này, mỗi con người sống phải có sự tri ân. Học trò có ngày 20-11 hàng năm để bày tỏ tình cảm, sự biết ơn với cô thầy dạy dỗ mình. Nhưng tôi tự hỏi, tại sao sau bao nhiêu nỗ lực và hy sinh của thầy cô, ngày tri ân chỉ có một? Tại sao cho đến tận khi mười hai năm làm học trò kết thúc, mỗi người mới viết được một lá thư tri ân cô thầy? Ý nghĩa của tri ân là gì? Đó đã chắc là những tình cảm thật lòng chưa hay chỉ là những lời chót lưỡi đầu môi thôi, lúc bày tỏ thì thật xúc động mà giây phút sau đã quên ngay rồi? Có những ai rớt rơi nước mắt khi nghĩ về cô thầy mình chưa? Tôi nghĩ, yêu thương thầy cô bằng tình cảm thuần túy, học trò nào cũng làm được, những nếu tình cảm ấy xuất phát từ sự thấu hiểu thực sự, thì có lẽ khi nghĩ về thầy cô, bằng tấm lòng tri ân, ai cũng sẽ khóc! Tại sao chúng ta không tri ân thầy cô trong từng ngày trôi qua, ngay khi thầy cô ở bên cạnh, từng phút giây dành cho học trò những điều thật quý giá?

Chính bản thân tôi đã một lần thực sự cảm nhận được những trằn trọc, những thương yêu sâu sắc của cô giáo tôi rõ ràng như hơi thở, đã một lần tôi nhìn thấy ánh mắt bộn bề âu lo mà đong đầy kì vọng của cô thầy mà tôi vẫn thấy nơi cha mẹ mình, một lần dường như tất cả những gì cô thầy dành cho chộn rộn trong chính tấm lòng tôi. Một lần thôi, nhưng những gì tôi thấy đủ để ghi sâu nhớ mãi, đủ để hạnh phúc, đủ để mạnh mẽ, đủ để bất cứ khi nào nghĩ về cũng muốn òa khóc. Tôi thật may mắn khi có được những vô giá ấy trong cuộc đời mình. Ngôi trường cấp ba nơi tôi đang theo học, nơi có những hy sinh thầm lặng đã cho tôi một hành trang để tiến xa hơn trong ước mơ của mình. Nao lòng đến chẳng thể nói ra hai từ “biết ơn”. Những điều đó dường như chẳng bao giờ là đủ. Tôi vẫn chưa nhìn thấy niềm hạnh phúc nơi thầy cô được làm nên từ mình. Biết ơn muộn màng hình như vẫn là vô ơn nhiều lắm.

Nghĩ ra sao, thấu ra sao, tôi vẫn không có ý định chọn nghề “gõ đầu trẻ” như thầy cô tôi đã chọn. Tôi thấy ở thầy cô tôi, trong sự lựa chọn ấy có thật nhiều yêu thương, thật nhiều hy sinh, cũng có cả những ước mơ nữa. Dường như không phải chỉ có con cái mới là ước mơ của cha mẹ, mà chính học trò cũng là ước mơ của những người đi gieo hạt mầm tri thức. Nơi học trò thầy cô gửi gắm yêu thương cùng với ước mơ của chính mình, để cho những người trẻ ấy, khi đã không còn bồng bột, cạn nông, bước ra cuộc sống kia sẽ trở thành những người có ích. Bản thân tôi, không chọn nghề giáo vì tôi chỉ muốn làm một học trò. Tôi muốn mỗi lần mình ngẩng đầu lên là lại thấy bầu trời của nghề nghiệp cao quý ấy, lại nhìn thấy những người dẫn đường thầm lặng, lại được dắt tay đi qua những nông cạn của cuộc đời. Và có lẽ tôi không chọn, vì tôi thấy mình chẳng thể đủ, vì từ điều cơ bản nhất, cho đến bây giờ, tôi đã thực sự hiểu hết thầy cô tôi đâu…

Học sinh: Phạm Thị Quỳnh Nga
Lớp Chuyên Văn 12C5. Khóa 2014-2016 trường THPT chuyên Lê Quý Đôn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập321
  • Máy chủ tìm kiếm34
  • Khách viếng thăm287
  • Hôm nay18,631
  • Tháng hiện tại663,716
  • Tổng lượt truy cập135,142,009
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi