banner

CNTT&NCKH - Những bài viết, những câu chuyện cùng đọc và suy nghĩ - số 13: “Email ngỏ” của thầy Hiệu trưởng gửi học sinh và Bàn về thắng và bại, dại và khôn trong cuộc sống.

Thứ năm - 12/09/2013 20:18
Dienbien.edu.vn – Có thể vì nhiều lý do khác nhau, bạn đọc không có đủ thời gian để đọc hết các tin bài trên các báo. Chúng tôi cũng vậy. Với suy nghĩ như thế, chúng ta cùng đọc và chia sẻ với nhau những thông tin bổ ích. Đó là các bài viết mà chúng tôi cho là đáng để chúng ta, những nhà giáo và các em học sinh cùng đọc và suy ngẫm.
Chúng tôi hy vọng các trường, các nhà giáo sau khi đọc, bằng nhiều hình thức có thể in ra, chuyển tải tới học sinh của trường mình coi đây là những ví dụ, những câu chuyện minh họa từ thực tiễn, góp phần vào việc nâng cao nhận thức của lớp học trò hiện nay. Mong nhận được sự góp ý của bạn đọc. Trân trọng giới thiệu

1.  Tháng 8 năm 2013, báo điện tử dantri.vn có đăng một “Email ngỏ” của thầy Hiệu trưởng gửi học sinh trong ngày lễ nhập trường.

Bức thư của thầy Hiệu trưởng Trường THPT FPT Nguyễn Xuân Phong gửi tới học sinh của mình trong ngày lễ nhập trường đã gây được nhiều xúc động trong học sinh và phụ huynh.

Đây cũng là bức email đầu tiên được gửi tới hòm thư điện tử của từng học sinh trong trường. Bức thư chứa đựng nhiều thông điệp giáo dục của ngôi trường mới được thành lập. Trường THPT FPT là hệ phổ thông nằm trong Trường Đại học FPT, hoạt động theo mô hình nội trú, nơi học sinh sẽ được học cách sống tự lập và định hướng nghề nghiệp sớm.  

Các em học sinh khóa 1 của Trường THPT FPT thân mến,

Viết bức thư mở này cho các em thực sự là một việc rất khó khăn. Tất cả tâm huyết, sức lực, trí tuệ của cán bộ giảng viên nhà trường trong mọi hành động đều hướng tới các em, là những sản phẩm, đồng thời cũng là chủ nhân và ý nghĩa của sự tồn tại của Trường. Tất cả những điều đó khó lòng có thể truyền tải hết trong một bức thư, dù có viết dài bao nhiêu đi chăng nữa. Vì vậy thầy buộc phải lựa chọn một thông điệp, hy vọng nó sẽ bao trùm được phần nào trong vô số những điều muốn gửi gắm đến các em.

Đó là Thông điệp về sự đa dạng và cân bằng trong mọi mặt của cuộc sống với việc sử dụng một cấu trúc câu khá quen thuộc trong nhiều ngôn ngữ: không chỉ mà còn. Cuộc sống không chỉ có nụ cười mà còn có không ít nước mắt, không chỉ có chiến thắng mà còn vô vàn lần chiến bại, không chỉ có cái thiện mà còn có cả cái ác luôn song hành cùng tồn tại.

Điều đầu tiên thầy muốn chia sẻ và nhắn nhủ với các em là mỗi học sinh FPT ở đây là một cá thể duy nhất, không lặp lại trên thế giới, với những đặc điểm và khả năng riêng mà không một ai khác có được. Mỗi học sinh có mặt ở đây cũng không phải là 1/160 trong tổng số học sinh của Trường mà là tất cả 100% với gia đình cũng như cá nhân em ấy hay nói cách khác mỗi học sinh là một thiên thần như lời một phụ huynh đã chia sẻ. Nhưng chính vì thế thầy mong các em hiểu rằng một tập thể không chỉ có những cá tính riêng mà còn có cả sự hòa hợp chung, nơi mỗi con người có quyền tự hào vì bản thân nhưng cũng vì thế mà càng phải biết tôn trọng và công nhận những đặc tính và sự khác biệt của người khác.


 Lễ nhập trường đầu tiên của học sinh THPT FPT diễn ra trang trọng và xúc động.
 
Về học tập, thầy mong muốn các em luôn hiểu rằng đầu ra và mục tiêu học tập của các em không chỉ có các kỳ thi tốt nghiệp, thi đại học, thi lấy chứng chỉ quốc tế mà còn có cả một kỳ thi lớn hơn rất rất nhiều và có ý nghĩa quan trọng bậc nhất đối với tất cả chúng ta, đó là kỳ thi cuộc đời, là những bài sát hạch của thực tế mà ở đó những kiến thức giả, những sự hời hợt, những việc học tủ, học vẹt hay gian lận sẽ có rất ít chỗ đứng.

GS. Hồ Ngọc Đại đã có một thông điệp, một mục tiêu rất sâu sắc cho ngành giáo dục: mỗi ngày đến trường náo nức một ngày vui. Dù còn có rất nhiều khó khăn khách quan nhưng đây là mục tiêu quan trọng mà trường THPT FPT luôn phấn đấu để các em thực sự có một cuộc sống và những giờ học vui vẻ, tràn đầy tiếng cười. Tuy nhiên thầy cũng mong các em hiểu rằng bất cứ quá trình học tập và rèn luyện nào cũng không thể chỉ có tiếng cười mà còn luôn đồng hành với nước mắt, với những thất bại, những khó khăn chồng chất có thể gây nản chí cho bất cứ ai. Và có như vậy thì những tiếng cười, những niềm vui mới thật sự có giá trị và ý nghĩa.

Nếu như trong phương thức học truyền thống thầy đọc trò chép, hay thầy giảng học sinh ghi nhớ một cách thụ động, các em chỉ thuần túy là một sản phẩm giáo dục hay một hình bóng của người thầy thì trong phương thức học tập chủ động hiện đại, các em không chỉ là những sản phẩm của giáo dục mà còn chính là chủ nhân của quá trình giáo dục và là những người góp phần rất quan trọng tạo nên sản phẩm ấy. Thầy mong rằng các em sẽ luôn ý thức được điều đó trong suốt quá trình học tập, chủ động và tích cực tham gia vào giờ học với một thái độ vui vẻ và để đầu óc của mình luôn rộng mở đón nhận những tri thức mới.

Thầy mong các em hiểu được rằng thời gian đến trường của mình không chỉ là để học các môn học văn hóa mà còn là để học cách sống, học cách chơi sao cho sống ra sống, học ra học và chơi ra chơi. Chính vì thế các em sẽ không chỉ có các thầy cô dạy trên lớp, các em còn có vô vàn những người thầy khác ở xung quanh có thể học tập được về cái đẹp, về thái độ đối với cuộc sống, một cách thức đối nhân xử thế, một lối suy nghĩ và tư duy, một kỹ năng sống, một môn thể thao hay thậm chí chỉ đơn giản là một cử chỉ hay lời nói đẹp. Những người thầy đa dạng và đến từ khắp nơi ấy có thể là một bác bảo vệ, là chị lao công, là các anh chị cán bộ, thầy cô quản nhiệm hay thậm chí có thể là những người bạn cùng lớp, cùng phòng.

Thầy mong các em không chỉ biết hướng đến một cuộc sống hiện đại, tiện nghi nhất có thể để có hiệu quả cao cho học tập cũng như là động lực vươn lên cho cuộc sống sau này mà còn biết rèn luyện, chịu khổ và lao động vất vả để tự lập sớm, biết cách vượt qua khó khăn và thích nghi trong mọi hoàn cảnh. Các em không chỉ được ở KTX có trang bị điều hòa, có đàn piano và những thiết bị hiện đại nhất trong học tập mà còn có cả những giờ lao động rửa bát trong bếp ăn, những buổi vệ sinh tập thể và cọ rửa toilet, những giờ chăm sóc cây cối ở vườn trường.

Thầy cũng mong các em hiểu một cách sâu sắc rằng cuộc sống không chỉ toàn những sự đầy đủ, tiện nghi như các em đang được hưởng ở đây, trong ngôi trường này mà còn có những mảnh đời bất hạnh ở ngay đâu đó xung quanh chúng ta, những hoàn cảnh khó khăn và đau lòng như chuyện các thầy cô giáo vùng cao còn phải dạy học trong những lán tranh dột nát hay có được bữa ăn sáng là nòng nọc, nhái bén, ễnh ương.

Các em đã bắt đầu bước vào lứa tuổi có nhiều thứ độc lập và mong muốn độc lập, thậm chí không ít em còn rất phấn khích khi được sống tự do thoải mái xa gia đình. Cuộc sống ngày càng hiện đại hơn, cái tôi và sự thỏa mãn nhu cầu cá nhân của mỗi con người ngày càng được đề cao. Đó là một xu thế không thể đảo ngược trong xã hội hôm nay, nhưng thầy mong các em khi hướng đến một cuộc sống đề cao cá nhân không chỉ biết nghĩ cho bản thân mình mà còn biết quan tâm hơn đến bố mẹ, tình cảm gia đình, những người đã và luôn sẵn sàng hy sinh tất cả cho tương lai của các em. Thế giới và cuộc sống sẽ còn thay đổi, nhưng với người Việt Nam thì gốc rễ gia đình vẫn luôn là điều còn mãi.

Thầy mong mỏi các em không chỉ biết chào hỏi những thầy cô dạy mình, những cán bộ hay bạn bè mình quen mà còn biết mỉm cười khi chào hỏi những người chưa quen đến trường. Đó đã là một truyền thống rất tốt từ các anh chị sinh viên ĐH FPT và mong rằng các em sẽ tiếp nối truyền thống đó.

Thầy mong các em không chỉ biết giữ một nếp sống và hành động cư xử văn minh, tuân thủ nội quy cho bản thân mình mà còn biết nhắc nhở, giúp đỡ, thậm chí đấu tranh để các bạn khác và những người xung quanh cùng tuân thủ.

Thầy cũng mong các em không chỉ biết hướng đến các giá trị toàn cầu, hòa nhập với thế giới mà còn biết gìn giữ những giá trị và bản sắc văn hóa của người Việt. Ra biển lớn nhưng vẫn luôn gìn giữ trong tim cái ao nhỏ làng mình.

Khi bắt đầu xây dựng dự án Trường THPT FPT, thầy nhớ lại một bộ phim truyền hình kinh điển về thời học sinh của Mỹ mang tên Những năm tháng tuyệt vời (The Wonder years) được chiếu trên kênh ABC mà thầy đã từng xem thời sinh viên. Thầy đã cho tìm lại các tập của bộ phim này và hy vọng sẽ có dịp được chiếu cho các em xem tại khu sinh hoạt chung. Điều thầy muốn nói ở đây là những năm tháng các em sẽ sống chính là những năm tháng tuyệt vời nhất trong cuộc đời của mỗi con người, là thời gian tuyệt vời để học tập, rèn luyện, để sống và để yêu thương!

Chúc các em sẽ thực sự có được những năm tháng có ích, đáng nhớ và tuyệt vời tại THPT FPT.

2.  Tháng 9 năm 2012, trang điện tử http://nhungbaivanhay.edu.vn có đăng một bài văn hay có tiêu đề “Bàn về thắng và bại, dại và khôn trong cuộc sống”.

Trong cuộc sống không thắng lợi nào mà không gặp những khó khăn, thử thách, không một thành công nào mà không phải bước qua chông gai. Cái chính là mỗi chúng ta có kiên trì, nhẫn nại và quyết tâm vượt qua nó được hay không ?. Trong bài thơ “Dậy mà đi” của Tố Hữu có câu:“Ai chiến thắng mà không hề chiến bại/Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần”...

Trước hết chúng ta cần hiểu được chiến thắng, chiến bại, khôn và dại trong hai câu thơ trên. Cũng giống như một cuộc chạy đua người có thể lực khỏe, kĩ thuật chạy tốt thì sẽ đến đích sớm hơn còn người về sau là người thua cuộc hay người về trước tiên gọi là người chiến thắng, còn lại là người chiến bại.

Suy cho cùng, chiến thắng là đạt đến mốc quy định một cách nhanh nhất, tốt nhất đạt chỉ tiêu đặt ra và hài lòng với kết quả đó.


 
Còn chiến bại là người có kết quả sau cùng, bị trượt và kết quả đó không như mong muốn.

Khái niệm “khôn” và “dại” nghĩa là không ai sinh ra mà có thẻ hiểu hết, có thẻ biết, có thể có kiến thức được mà phải qua một quá trình rèn luyện, tiếp thu mới có được. “Khôn” ở đây là sự thông minh, lanh lợi mà cái trái của nó là “dại’- hành động, suy nghĩ ngốc nghếch, lệch lạc.

Với cách sử dụng hai cặp từ trái nghĩa trong hai câu thơ đã làm nổi bật ý nghĩa sâu sắc mà nhà thơ muốn gửi đến người đọc, người nghe đồng thời ông cũng làm toát lên một chân lý sáng ngời, đó là “trên con đường thành công luôn có thất bại” hay tục ngữ cũng có câu: “thất bại là mẹ thành công”.

Trước tiên chúng ta cần hiểu được câu thơ thứ nhất:

“Ai chiến thắng mà không hề chiến bại”

Chiến thắng ở đây trước hết là phải chiến thắng chính bản thân mình, chiến thắng cái “con’ giữ lấy phần “người” trong “con người”. Việc ấy không mấy dễ dàng nhưng cũng không phải là không làm được. mỗi chúng ta rèn luyện tính kiên trì, cần cù, chịu khó có vậy mới dành chiến thắng trong cuộc chạy đua với sự phát triển của xã hội.

Trên con đường đời cũng vậy, học tập rồi tìm việc làm và bắt đầu cuộc sống tự lập rất khó, nhất là con đường lập nghiệp.Không phải kiến thức học ở nhà trường luôn được áp dụng ngoài thực tế, nó phải qua sự suy nghĩ, tư duy mới thực hiện được.Nếu con đường lập nghiệp ấy trơn tru, bằng phẳng ắt sẽ không có kết quả như mong muốn, phải có thất bại đôi lần ta mới tìm được cái hay, cái phương pháp tối ưu để có hiệu quả cao trong công việc.

Hơn hết là sẽ rèn luyện được đức tính chịu khó, kiên trì, biết cách đối mặt với khó khăn, thử thách và vượt lên chính bản thân mình. Thất bại không phải là cái xấu, cái không tốt mà nó là một vật cản, một chướng ngại vật trên con đường thành công, chỉ cần biết cách vượt qua được nó là sẽ đến đích. Nhiều người khi gặp khó khăn lại chùn bước, có suy nghĩ tiêu cực về bản thân, tự ti và bỏ cuộc...Không phải đường đi khó mà lòng người xợ khó, xợ vượt suối lội đèo...Việc đó là không nên. Cũng như trong những năm tháng đấu tranh gian khổ chống ngoại xâm, đã có rất nhiều anh hùng đã hi sinh, đã từng thất bại dưới tay bọn ngoại xâm song càng khổ càng thôi thúc tinh thần chiến đấu của họ để rồi kết thúc thắng lợi, kéo cao lá cờ đỏ sao vàng.

Đối với câu:

“Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần”

Cũng giống như câu thơ trên, ở đây “khôn” và “dại” là hai từ đối lập nhau muốn khôn thì đôi lúc phải dại. có dại mới nên khôn.cũng giống như em bé muốn biết đi thì phải tập đi, đi từng bước sẽ phải có nhiều lần té đau ấy vậy mới biết chập chững được.Là con người phải tiếp thu, học hỏi lẫn nhau.Không ai là hoàn hảo là tốt khi không từng vấp ngã, thất bại, dại khờ một lần và từ đó họ biết cách đứng dậy, sửa sai để có được cái tốt, cái khôn ngoan. Trên con đường đến sự thành công luôn có thất bại vậy ta chọn thất bại trước để đến thành công hay thành công đển đỉnh điểm rồi thất bại, sụp đổ.
 


Tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng – khởi đầu cho chặng đường mới…

 
Là học sinh đôi khi gặp những bài toán khó, nhiều lúc muốn buông bút vì không làm được nhưng nếu có tinh thần tự giác, ham học hỏi chúng ta sẽ làm được, tìm được đáp án đúng có thể bằng nhiều phương pháp giải khác nhau. Tìm được những ẩn số kia bằng chính mình, bằng cái cách biết vượt lên khó khăn ấy bạn sẽ cảm thấy vui hơn. Nhưng cũng có lúc phải sai vì bài khó, lúc không tìm ra đáp án đúng, cũng đừng nên nản lòng “học thầy không tày học bạn”, thầy cô và bạn bè là quyển sách giả tối ưu cho mỗi chúng ta.

Tố Hữu đã dùng hai câu thơ, hai câu hỏi phủ định nhưng không cần trả lời người đọc, người nghe cũng đã hiểu được ý ngĩa sâu xa của nó. Như một quy luật cho sự thành công, chiến thắng luôn có thất bại, những lần vấp ngã. Song đừng vì thế mà nản lòng hãy tìm cách đứng dậy và bước tiếp đến phía trước, con đường thành công kia.

Qua hai câu thơ ngắn gọn trong bài “Dậy mà đi” của nhà thơ Tố Hữu đã gửi đến một thông điệp đối với chúng ta, những ai đang trượt ngã hãy đứng dậy và bước tiếp, những ai đang thành công thì hãy cố gắng phấn đấu để thành công hơn nữa./.

Tổng hợp: Nguyễn Hùng Cường – Phòng CNTT&NCKH

Tổng số điểm của bài viết là: 33 trong 7 đánh giá

Xếp hạng: 4.7 - 7 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập185
  • Máy chủ tìm kiếm17
  • Khách viếng thăm168
  • Hôm nay29,453
  • Tháng hiện tại559,283
  • Tổng lượt truy cập136,911,096
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi