banner

GDMN- Chia sẻ kinh nghiệm số 27: Tăng cường đồ dùng, đồ chơi tự làm bằng nguyên vật liệu sẵn có tại địa phương

Thứ tư - 30/09/2015 04:49
dienbien.edu.vn - Việc tổ chức làm đồ dùng, đồ chơi từ nguyên vật liệu thiên nhiên, phế liệu cho trẻ mẫu giáo là một công việc vô cùng ý nghĩa, cần thiết và hữu ích trong các trường mầm non nói chung đặc biệt là các trường mầm non miền núi còn nhiều khó khăn như tỉnh Điện Biên.
Số này xin trân trọng giới thiệu bài tham luận của cô giáo Nguyễn Thị Huân, Hiệu trưởng trường Mầm non Mường Báng số 2 huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên về một số giải pháp “Tăng cường đồ dùng, đồ chơi tự làm bằng nguyên vật liệu sẵn có tại địa phương” để đồng nghiệp cùng chia sẻ.
 
Trẻ em bất cứ ở đâu, bất cứ dân tộc nào, cũng rất yêu thích đồ chơi, mong muốn có đồ chơi để chơi. Phương pháp giáo dục mầm non chủ yếu là thông qua việc tổ chức các hoạt động vui chơi để giúp trẻ em phát triển toàn diện. Để tổ chức các hoạt động này, người giáo viên cần dựa vào các yếu tố cơ bản là kiến thức, trình độ của bản thân, khả năng sư phạm và sự vận dụng linh hoạt các phương pháp để giúp trẻ phát huy tối đa việc tiếp nhận kiến thức và rèn luyện ký năng thực hành. Trẻ ở lứa tuổi mầm non chủ yếu là tư duy cụ thể. Do đó, các thiết bị, đồ dùng, dụng cụ trực quan là những thành tố thiết thực và là thế mạnh để hỗ trợ cho việc tổ chức các hoạt động giáo dục trẻ đạt hiệu quả tốt nhất.


Mô hình: Điện Biên quê hương em
 
Ngoài việc các trường được đầu tư, mua sắm thiết bị, đồ dùng theo danh mục thiết bị, đồ dùng, đồ chơi tối thiểu do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành thì trong những năm gần đây, phong trào tự làm đồ dùng dạy học, đồ chơi trẻ em trong các trường mầm non phát triển mạnh mẽ ở tỉnh Điện Biên nói chung và trường mầm non Mường Báng số 2 huyện Tủa Chùa nói riêng. Đây là việc làm hết sức thiết thực vì nó đã góp phần khắc phục kịp thời những thiết bị còn thiếu, bổ sung các thiết bị trường chưa có điều kiện mua sắm, đồng thời làm phong phú thêm trong việc tổ chức các hoạt động của trẻ.

Việc giáo viên mầm non tự làm đồ chơi mục đích trước hết để cung cấp thêm đồ chơi cho lớp, bù đắp sự thiếu thốn và giảm chi phí mua sắm cho nhà trường và gia đình trẻ. Làm đồ dùng đồ chơi từ những nguyên vật liệu thiên nhiên, hay phế liệu tạo nhiều đồ chơi cho trẻ, góp phần bảo vệ môi trường. Để có những món đồ chơi tự tạo, hiệu quả và tiết kiệm nhất là chọn các vật liệu tự nhiên và tái chế, đá, sỏi, cát, đất sét, nước, cây, lá, hạt, quả,... đều có thể tạo thành các món đồ chơi thân thiện gần gũi với thiên nhiên.

Xuất phát từ những ý tưởng trên, tôi nghĩ rằng việc tự làm đồ dùng dạy học, đồ chơi trẻ em từ phế liệu, nguyên vật liệu thiên nhiên là việc làm hết sức cần thiết và bổ ích với giáo viên các trường mầm non. Đặc biệt phong trào này có ý nghĩa quan trọng đối với trẻ em ở vùng núi có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn như huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên.

Trường MN Mường Báng số 2 thuộc xã Mường Báng huyện Tủa Chùa, được thành lập năm 2007, năm học 2015-2016 trường có tổng số 13 nhóm/lớp với 271 trẻ. Trường cách trung tâm huyện không xa, nhưng do mới được thành lập nên cơ sở vật chất, thiết bị của nhà trường còn nhiều thiếu thốn, nhất là đồ dùng đồ chơi phục vụ cho việc tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ theo chương trình giáo dục mầm non ở trường. Với trách nhiệm của người Hiệu trưởng, trên cơ sở nắm bắt tinh thần chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo, tôi hiểu rõ tầm quan trọng của việc làm đồ dùng đồ chơi tự tạo nên tôi đã đưa nhiệm vụ này vào mục tiêu và kế hoạch chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ của nhà trường. Trong nhiều năm qua bản thân tôi đã phát động cán bộ, giáo viên trong nhà trường tích cực tham gia làm đồ dùng và đồ chơi tự tạo, huy động sự ủng hộ của cha mẹ trẻ, hướng dẫn trẻ làm cùng cô giá, vì vậy đã bổ sung được rất nhiều đồ dùng, đồ chơi phục vụ cho các hoạt động dạy và học, tiết kiệm được nhiều kinh phí cho nhà trường và cho gia đình trẻ. Sản phẩm đồ dùng dạy học, đồ chơi cho trẻ của nhà trường tham gia các hội thi “Đồ dùng dạy học, đồ chơi tự làm” của cấp huyện và cấp tỉnh đạt nhiều giải cao. Tôi xin phép được báo cáo một số biện pháp tăng cường đồ dùng, đồ chơi tự làm bằng phế liệu và nguyên vật liệu sẵn có ở địa phương như sau:

1. Tuyên truyền tới đội ngũ cán bộ, giáo viên và cha mẹ trẻ

 Việc tự làm đồ dùng dạy học, đồ chơi trở thành một hoạt động sư phạm thường xuyên sẽ góp phần tích cực đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục trong giáo dục mầm non;

Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, tự làm, cải tiến, bảo quản, khai thác sử dụng một số đồ dùng, đồ chơi nhằm phục vụ tại chỗ và kịp thời, phù hợp với điều kiện của từng địa phương;

Tham gia hoạt động này giúp trẻ phát triển hài hòa về các mặt thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm - xã hội và thẩm mỹ.

Để cán bộ, giáo viên và cha mẹ trẻ nhận thức được điều này và có ý thức tự làm đồ dùng đồ chơi phục vụ cho các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ ở trường thì trước hết phải làm cho mọi người cùng hiểu rõ tầm quan trọng của đồ chơi đối với trẻ em và ý nghĩa của các đồ chơi tự tạo đối với việc tiết kiệm kinh phí và bảo vệ môi trường. Chính vì vậy nhà trường đã triển khai nội dung này trong các buổi họp buổi sinh hoạt chuyên môn của nhà trường, từ đó các giáo viên sẽ tiếp tục tuyên truyền tới các bậc cha mẹ trẻ, vận động cha mẹ trẻ tham gia làm đồ dùng đồ chơi cho trẻ chơi tại lớp và tại gia đình.

2. Hướng dẫn cán bộ, giáo viên và cha mẹ trẻ thu gom tích lũy nguyên vật liệu

Trước hết cần phải định hướng một số nguyên vật liệu sẵn có ở địa phương: Vỏ ốc, lá cây, các loại vỏ hộp, thùng giấy, bình/chai nước, một số hạt quả khô, tre, nứa... Giáo viên thu lượm, làm vệ sinh, phơi khô ráo, cất giữ cẩn thận. Muốn có nguồn nguyên vật liệu đa dạng và dồi dào cô giáo phải kết hợp cùng với cha mẹ trẻ để tích luỹ những đồ phế liệu trong gia đình để mang tới trường làm hoặc làm tại gia đình.

3. Hướng dẫn kỹ năng làm đồ dùng đồ chơi cho đội ngũ cán bộ, giáo viên và cha mẹ trẻ và các cháu học sinh

Ban giám hiệu nhà trường, tổ trưởng và những giáo viên khéo tay sẽ tổ chức hướng dẫn cho giáo viên kỹ năng làm đồ chơi, giới thiệu các mẫu đồ chơi cho giáo viên và cha mẹ trẻ cùng tham khảo và vận dụng để tự làm.

Giáo viên tổ chức cho trẻ tự làm đồ chơi, làm đồ chơi cùng cô. Trẻ có thể làm những món đồ chơi đơn giản như cắt các bìa các-tông làm hình học, hình lắp ghép, xé dán họa báo tạo thành bức tranh..... Khi món đồ chơi do tự tay mình làm ra, các cháu sẽ cảm thấy yêu quý và hứng thú hơn rất nhiều so với các đồ chơi mua sẵn.

4. Tổ chức triển lãm đồ dùng, đồ chơi và tham gia hội thi “Đồ dùng dạy học, đồ chơi tự làm” các cấp

Tổ chức triển lãm đồ dùng dạy học, đồ chơi và tham gia thi đồ dùng dạy học góp phần phát huy tính tích cực và khả năng sáng tạo của giáo viên để nghiên cứu và tự làm đồ dùng dạy học phục vụ thiết thực cho hoạt động đổi mới dạy học và bổ sung thiết bị đồ dùng dạy học nhà trường. Qua hội thi đã phát huy được tính tích cực của giáo viên, trẻ trong nhà trường, tận dụng được những nguyên liệu sẵn có trong tự nhiên, tranh ảnh, các loại phế liệu, vật liệu rẻ tiền để làm đồ dùng trực quan minh họa cho bài giảng. Mỗi năm nhà trường  đều phát động mỗi giáo viên làm khoảng 10 đồ dùng, đồ chơi tự tạo và lựa chọn sản phẩm có chất lượng tham gia dự thi đồ dùng đồ chơi các cấp. Các sản phẩm đạt giải được phổ biến, nhân rộng và sử dụng trong toàn trường.

5. Huy động sự giúp đỡ của chương trình dự án “Tầm nhìn Thế giới”

Nhà trường cũng đã phối hợp với dự án “Tầm nhìn thế giới” hỗ trợ thành lập Câu lạc bộ cha mẹ trẻ ở thôn bản, huy động và tổ chức cho các bậc cha mẹ trẻ tham gia các buổi làm đồ dùng đồ chơi để bổ sung đồ chơi vào lớp học của trẻ và có đồ chơi cho trẻ chơi tại nhà. Bên cạnh đó dự án “Tầm nhìn Thế giới” cũng đã tổ chức hội thi đồ dùng đồ chơi do chính tay cha mẹ trẻ làm, hội thi đã đã thu hút đông đảo cha mẹ trẻ tham gia làm đồ dùng đồ chơi cho trẻ. Kết quả qua các năm học cha mẹ trẻ làm được trên 250 đồ dùng đồ chơi mang đậm nét văn hóa của các dân tộc như: Búp bê dân tộc, quả còn, quả pao, quần áo dân tộc, một số con vật gần gũi với trẻ em địa phương như con ngựa, con dê, con trâu, con bò, côn trùng...

6. Tổ chức đánh giá kết quả làm đồ dùng đồ chơi và giá trị sử dụng của đồ dùng đồ chơi tự tạo

Việc huy động và hướng dẫn cán bộ giáo viên nhân viên và cha mẹ trẻ tham gia làm đồ dùng đồ chơi cho trẻ đã tăng cường rất nhiều số lượng đồ dùng đồ chơi phục vụ cho từng chủ đề, đặc biệt là những đồ chơi này rất gần gũi với trẻ và mang đậm bản sắc văn hóa địa phương nên trẻ rất hứng thú với những loại đồ chơi này.

Các đồ dùng được cán bộ giáo viên nhân viên và cha mẹ trẻ làm ra có nhiều chủng loại phong phú, đặc biệt là có những đồ dùng đồ chơi phục vụ rất hữu ích cho trẻ khám phá những nội dung kiến thức mà không có ở địa phương của trẻ như: máy bay, tàu hỏa, tàu thủy, ca nô, tranh ảnh về quê hương Bác Hồ, thủ đô Hà Nội...

Trong 05 năm qua nhà trường đều tổ chức Hội thi triển lãm đồ dùng đồ chơi cấp trường, thu hút được đông đảo cán bộ giáo viên nhân viên và cha mẹ trẻ học sinh tham gia. Nhà trường cũng đã tham gia vào tất cả hội thi làm đồ dùng đồ chơi cấp huyện và cấp tỉnh, đã 02 lần nhà trường đạt giải Nhất toàn đoàn hội thi cấp huyện, và có nhiều sản phẩm tham gia hội thi cấp tỉnh. Kết quả hội thi làm đồ dùng trong 05 cụ thể số lượng đồ dùng tham gia và các giải như sau:
 
Năm học Tổng số ĐDĐC Đạt giải cấp trường Đạt giải huyện Đạt giải cấp tỉnh
2010 - 2011 70 40 14 2 bộ
2011 - 2012 100 60    
2012 - 2013 120 80 15 2 bộ
2013 - 2014 150 100 20  
2014 - 2015 200 150    
 
Các loại đồ dùng đồ chơi được các cán bộ, giáo viên và cha mẹ trẻ tự tạo có rất nhiều chủng loại, tôi xin được giới thiệu một số sản phẩm tiêu biểu như sau:


1. Mô hình thủ đô Hà Nội

Được sử dụng bằng nguyên liệu: tre, gỗ,  bìa cát tông, nút chai lọ. Đây là việc lắp ghép các đồ chơi đơn giản thành một mô hình về thủ đô Hà Nội giúp trẻ miền núi chưa  được về thăm Hà Nội có thể được biết về thủ đô Hà Nội qua mô hình này, nếu để riêng từng loại đồ chơi thì còn để dùng chơi ở các góc hoặc trang trí lớp. Đồ chơi này được xếp giải A cấp huyện.

 
2. Mô hình lăng Bác Hồ

Bằng những phế liệu như hộp các-tông, cành cây khô, miếng gỗ, các vật liệu rẻ tiền để tạo nên mô hình lăng Bác Hồ giúp trẻ được tìm hiểu về lăng Bác thuận lợi hơn, ngoài ra khi tháo riêng các đồ chơi để trẻ chơi ở các góc và trang trí lớp. Đồ chơi này đạt giải A cấp huyện.


3. Mô hình nhà Bác Hồ ở Làng Sen

Được làm từ rơm, tre, cành cây khô, bìa các-tông, vỏ hộp để tạo mô hình nhà Bác, giúp trẻ quan sát nhà của Bác. Đồ dùng được xếp loại A cấp huyện, giải B cấp tỉnh.


 
4. Mô hình Điện Biên quê hương em

Đây là một mô hình được làm bằng tre, gỗ, phooc, nhựa, len, giúp trẻ được khám phá tìm hiểu về quê hương của mình. Đồ chơi được giải A cấp huyện, giải C cấp tỉnh.


 
5. Trang phục các dân tộc của bé và đồ chơi dân gian địa phương
 

 
6. Đồ chơi ném Pao
 

 
7. Đồ chơi ném Còn




 
8. Bộ đồ chơi âm nhạc

Các đồ chơi trên được tận dụng vải vụn, len, vỏ hộp sữa, hộp chè, lon bia.... để làm nên các món đồ chơi mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, rất hấp dẫn đối với trẻ. Các đồ chơi này đều đạt giải A cấp huyện, một số đồ chơi được tham gia cấp tỉnh.

 Tăng cường đồ dùng đồ chơi bằng phế liệu, nguyên vật liệu thiên nhiên để bổ sung đồ dùng đồ chơi cho trẻ trong nhà trường và tại gia đình của trẻ là việc làm hữu ích và hết sức quan trọng. Phong trào này không chỉ bổ sung đồ dùng đồ chơi phục vụ cho việc dạy và học của cô và trẻ mà nó còn góp phần tiết kiệm kinh phí cho các nhà trường và cho cha mẹ trẻ trong tình trạng chúng ta còn gặp khó khăn về kinh phí, mặt khác góp phần thu gom phế liệu bảo vệ môi trường. Không những vậy, khi làm đồ chơi tự tạo cũng góp phần giúp cho giáo viên và cha mẹ trẻ hiểu sâu hơn kiến thức về chương trình GDMN, phát huy sự sáng tạo của trẻ thông qua các sản phẩm bằng đồ chơi tự tạo, đồng thời thông qua các đồ chơi tự tạo này trẻ được cung cấp thêm những hiểu biết về xã hội và thế giới xung quanh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trẻ mầm non ngày càng tốt hơn, đáp ứng với mục tiêu yêu cầu của giáo dục và sự phát triển của đất nước.

Với tầm quan trọng của việc làm đồ dùng đồ chơi tự tạo bằng phế liệu và nguyên vật liệu sẵn có tại địa phương, tôi hy vọng tất cả cán bộ giáo viên nhân viên, các bậc cha mẹ trẻ và tất cả mọi người trong xã hội hãy tích cực làm đồ chơi cho trẻ, thể hiện tình cảm sự quan tâm của chúng ta tới thế hệ tương lai của đất nước, như lời Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã dạy: Tất cả vì tương lai con em chúng ta./.
           
TÀI LIỆU THAM KHẢO
 
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2009. Chương trình giáo dục mầm non, ban hành kèm theo Thông tư số: 17 /2009/TT-BGDĐT ngày 25 tháng 7 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. NXB Giáo dục Việt Nam.

2. Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2011. Chương trình bồi dưỡng thường xuyên giáo viên mầm non, ban hành kèm theo Thông tư 36/2011/TT- BGDĐT ngày 17/8/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. NXB Giáo dục Việt Nam.

3. Lê Thu Hương, 2010. Tổ chức hoạt động phát triển thẩm mỹ cho trẻ mầm non theo hướng tích hợp. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

4. Trần Thị Ngọc Trâm (chủ biên), Lê Thu Hương, Lê Thị Ánh Tuyết. 2009. Hướng dẫn tổ chức thực hiện Chương trình giáo dục mầm non – Mẫu giáo. NXB Giáo dục Việt Nam.

Tác giả: Nguyễn Thị Huân, Hiệu trưởng trường Mầm non Mường Báng số 2 huyện Tủa Chùa

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập180
  • Máy chủ tìm kiếm32
  • Khách viếng thăm148
  • Hôm nay23,384
  • Tháng hiện tại711,765
  • Tổng lượt truy cập136,164,134
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi