Năm học 2014- 2015 đã qua đi, có thể thấy đây là năm học đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết số 29- NQ/TW ngày 04/11/2013 Hội nghị lần thứ VIII Ban chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. Với sự chỉ đạo sát sao của Ban Quản lý Dự án VNEN cấp tỉnh; sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương; sự chỉ đạo trực tiếp của các Phòng Giáo dục và Đào tạo; sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, ban ngành đóng trên địa bàn; sự đồng thuận, giúp đỡ của các bậc phụ huynh học sinh, các trường tham gia Dự án trong toàn tỉnh đã thu được những kết quả đáng khích lệ:
Tỉ lệ huy động trẻ vào lớp 1 đạt 99,9% kế hoạch; học sinh hoàn thành chương trình lớp học đối với 68 trường tham gia Dự án là 18.435/18.671 em đạt 98,74%; học sinh chưa hoàn thành chương trình là 236/18.671em chiếm 1,26%. Đánh giá về năng lực đạt 18.526/18.671 (99,22%); không đạt 145/18.671 (chiếm 0,78%). Đánh giá về phẩm chất đạt 18.650/18.671 (99,89%); chưa đạt 211/18.761 (chiếm 0,11%).
Khai giảng năm học mới 2015- 2016
Đối với 49 trường nhân rộng Dự án, trong năm học qua cũng gặt hái được nhiều kết quả đáng khích lệ. Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình lớp học đạt 9.444/9.487 (99,55%); học sinh chưa hoàn thành chương trình 43/9.487 (chiếm 0,45%). Đánh giá về năng lực đạt 9.475/9.487 (99,87%); chưa đạt 12/9.487 (chiếm 0,13%). Đánh giá về phẩm chất đạt 9.481/9.487 (99,94%); chưa đạt 6/9.487 (chiếm 0,06%). Chất lượng môn tiếng Việt của học sinh dân tộc được nâng lên, cụ thể: số học sinh dân tộc trong toàn tỉnh được đánh giá xếp loại là 55.049, số học sinh hoàn thành chương trình là 54.121/55.049 đạt 98,3%, số học sinh chưa hoàn thành là 928/55.049 chiếm 1,7% (chất lượng trên không bao gồm học sinh khuyết tật).
Đồng thời đổi mới về Phương pháp dạy và học là đổi mới về cách đánh giá học sinh tiểu học. Cách đánh giá mới giúp phụ huynh và học sinh giảm nhẹ áp lực, tạo điều kiện cho các em phát triển toàn diện; rèn cho các em khả năng tự đánh giá, tham gia đánh giá, tự học, tự điều chỉnh cách học; giao tiếp, hợp tác; có hứng thú học tập và rèn luyện để tiến bộ; giúp người dạy đánh giá được sự tiến bộ thường xuyên của học sinh qua từng tiết học, từng hoạt động dạy học, từ đó giáo viên kịp thời phát hiện và điều chỉnh hình thức tổ chức dạy học cho phù hợp; nâng cao trách nhiệm và lương tâm nhà giáo khi tiến hành đánh giá, nhận xét học sinh.
Dự giờ chuyên môn tại trường Tiểu học Ban Mai- Tuần Giáo
Hoạt động ngoài giờ lên lớp- Ttrường TH Tỏa Tình huyện Tuần Giáo
Bước vào năm học mới 2015- 2016, toàn ngành tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, triển khai thực hiện Kết luận của Hội nghị Trung ương 8 (Khóa XI) về “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.
Phát huy những kết quả đạt được trong năm học qua, 117 trường tiểu học thực hiện Mô hình trường học mới quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ năm học 2015- 2016 với các giải pháp sau:
- Tiếp tục đổi mới tư duy nhận thức, nâng cao vai trò của cán bộ quản lý và giáo viên trong nhà trường, mấu chốt là nhận thức về yêu cầu, nhiệm vụ đổi mới căn bản toàn diện giáo dục; tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo, quản lý; tăng cường tự chủ cùng với tự chịu trách nhiệm cho người đứng đầu cơ sở giáo dục; thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp giáo dục làm trọng tâm; đổi mới đồng bộ phương pháp và hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá hoạt động giáo dục, hoạt động ngoài giờ lên lớp, nâng cao chất lượng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu.
- Duy trì số lượng học sinh ra lớp đối với các trường vùng sâu, vùng xa; dạy học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình; bồi dưỡng, nâng cao chất lượng dạy học; hoàn thiện đổi mới phương pháp dạy học theo Mô hình VNEN; điều chỉnh hình thức tổ chức dạy học, tài liệu hướng dẫn học cho phù hợp với đối tượng, giúp học sinh tự học đạt hiệu quả.
- Tiếp tục tập huấn, trao đổi để triển khai đồng bộ và hiệu quả phương pháp dạy, phương pháp học, đánh giá học sinh, tổ chức lớp học nhằm hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh; chỉ đạo cụ thể việc đổi mới sinh hoạt chuyên môn tại các trường, điều chỉnh tài liệu Hướng dẫn học (theo hướng dẫn tại Công văn số 86/GPE-VNEN ngày 18/3/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo); Lập kế hoạch, tổ chức cho cán bộ quản lý, giáo viên tham quan, trao đổi giữa các trường triển khai mô hình trường học mới ở địa phương, tham quan, trao đổi với các địa phương khác.
- Đối với những vùng khó khăn, vùng có đông học sinh dân tộc thiểu số, cần tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, dạy tăng cường tiếng Việt cho học sinh bằng nhiều hình thức để có cơ hội giao tiếp bằng tiếng Việt.
- Xây dựng môi trường giao tiếp tiếng Việt cho học sinh qua các hoạt động dạy học tiếng Việt trong các môn học và hoạt động giáo dục; tổ chức các trò chơi học tập, các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, làm truyện tranh, cây từ vựng; sử dụng hiệu quả các phương tiện hỗ trợ các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết; sử dụng hiệu quả thư viện thân thiện, thư viện lưu động; tổ chức ngày hội thi đọc, thi kể chuyện, giao lưu “Tiếng Việt của chúng em”...
Với tinh thần trách nhiệm, lòng nhiệt huyết với công việc, các nhà trường quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ năm học 2015- 2016 với thành tích cao nhất, xứng đáng với sự tin tưởng giao phó của các cấp, các ngành đối với công tác giáo dục của tỉnh Điện Biên./.