banner

GDMN - Chia sẻ kinh nghiệm số 35. Tổ chức hoạt động ngoại khóa cho trẻ ở trường mầm non

Thứ tư - 29/06/2016 03:52
dienbien.edu.vn. Giai đoạn đi học mầm non (từ 2 - 6 tuổi) là giai đoạn phát triển quan trọng trong cuộc đời của trẻ. Ở giai đoạn này, trẻ hình thành, phát triển giao tiếp xã hội, phát triển tư duy, trí tuệ, thể chất và nhiều kỹ năng khác là tiền đề cho cuộc sống sau này.
Chúng ta biết rằng tư duy của trẻ mầm non phát triển từ tư duy trực quan đến tư duy trừu tượng và trong giai đoạn này chủ yếu là trẻ tư duy trực quan. Bởi vậy, chúng ta cho trẻ tiếp xúc nhận biết thực tiễn càng nhiều càng tốt cho bé. Trẻ sẽ nhận biết nhiều hơn những gì chúng học trong các giờ học ở trường thông qua các hoạt động ngoại khóa. Việc tham gia các hoạt động ngoại khóa sẽ giúp trẻ học hỏi, quan sát, khám phá, sáng tạo thêm nhiều điều mới hơn; giúp trẻ có nhiều niềm vui, hứng thú, tự tin, linh hoạt, hòa đồng gắn kết với bạn bè; phát triển năng khiếu; củng cố và phát triển các kỹ năng sống giúp trẻ dễ dàng thích nghi, hòa nhập khi đến các môi trường khác…

- Ngoài tham gia các hoạt động trong chế độ sinh hoạt ở trường trẻ có thể tham gia các hoạt động hỗ trợ phát triển năng khiếu, sở trường như:

Trẻ tham gia các giờ học tạo hình: vẽ, nặn, xé dán, cắt dán… tạo ra các tác phẩm nghệ thuật;

Các giờ học nhạc, đàn, hát, múa, đóng kịch…;

Trẻ học thể dục nhịp điệu, bóng đá, cờ vua…;

Trẻ học tiếng Anh. Thông qua trò chơi, bài hát, câu chuyện… thú vị, hấp dẫn trẻ có hứng thú và yêu thích môn học này, tự tin hơn trong giao tiếp
 

Giờ học tiếng Anh của các bé lớp mẫu giáo lớn trường MN Hoa Sen, Hà Nội

Các giờ học này được tổ chức trên cơ sở nhu cầu, sở thích của cá nhân trẻ và cha mẹ trẻ.

- Với đa dạng các chủ đề và hình thức tổ chức, các trường mầm non có thể tổ chức các hội thi, giao lưu, ngày hội như: văn nghệ, đọc thơ, kể chuyện, đóng kịch, trò chơi dân gian, vẽ tranh theo chủ đề…; ngày 8/3, ngày 20/11, ngày 22/12…, ngày hội thể thao, Tết trung thu, ngày/tuần lễ dinh dưỡng, các ngày hội truyền thống của địa phương… tạo sân chơi lý thú và bổ ích cho trẻ.


Ngày hội thể thao của bé tại trường MN Lay Nưa TX. Mường Lay

- Khi trẻ được tham gia các hoạt động ngoài trời như: dạo chơi, tham quan, dã ngoại… sẽ phát triển khả năng tự khám phá, thêm bạn bè, thêm tự tin, thêm kỹ năng sống.

- Một số hoạt động ngoại khóa hình thành ở trẻ trách nhiệm với cộng đồng, giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc như: giúp đỡ bạn gia đình có hoàn cảnh khó khăn, thăm hỏi gia đình thương binh liệt sỹ, viếng nghĩa trang liệt sỹ, thăm làng nghề truyền thống, các hoạt động bảo vệ môi trường…
 
 
Các bé trường MN 7/5 TP. Điện Biện Phủ thăm Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ
 
Các cơ sở giáo dục mầm non có thể đa dạng hóa các hoạt động ngoại khóa, hằng năm lựa chọn hoạt động, xây dựng kế hoạch cụ thể, đảm bảo tính hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn và quản lý tốt các hoạt động ngoại khóa hướng đến tạo các cơ hội cho trẻ phát triển đạt mục tiêu giáo dục mầm non trong giai đoạn hiện nay.

Để thực hiện được thành công các hoạt động ngoại khóa, các nhà trường cần xác định các điều kiện đảm bảo cho từng hoạt động, mỗi hoạt động phải có kế hoạch cụ thể, chi tiết.

Ví dụ tham khảo về nội dung cơ bản của kế hoạch một hoạt động ngoại khóa:

KẾ HOẠCH TỔ CHỨC NGOẠI KHÓA “BÉ KHÁM PHÁ NÔNG TRẠI”

- Mục tiêu: tạo cơ hội cho trẻ được trải nghiệm thực tế, nâng cao hiểu biết và cảm xúc của trẻ về cuộc sống đang diễn ra xung quanh mình về môi trường tự nhiên cũng như nâng cao sức khoẻ, sức đề kháng và hình thành kỹ năng tham gia các hoạt động tập thể, giao tiếp với các bạn bè xung quanh.

- Thời gian tổ chức: 0,5 ngày (ngày…)

Địa điểm: Nông trại A

- Đối tượng tham gia: Khối mẫu giáo lớn (60 trẻ)

- Chương trình chi tiết (gồm thời gian và nội dung hoạt động cụ thể cho cả quá trình từ khi chuẩn bị, bắt đầu cho đến kết thúc buổi ngoại khóa, có thể dự kiến sản phẩm thu được sau buổi ngoại khóa.):

+ 07h00: Xe bắt đầu đưa các con tới Nông trại

07h30 - 08h00: Các con cùng khám phá Nông trại

Các bé bắt đầu cuộc hành trình khám phá Nông trại, các con sẽ được chia thành những nhóm, những tốp nhỏ và bước vào cuộc hành trình khám phá thế giới động vật và thực vật của nông trại.

Các bé sẽ được các cô, chú chủ nông trại giới thiệu về những cây trồng, những con vật nuôi có ở xung quanh bé.

Trong chuyến hành trình khám phá các bé còn được các cô, chú chủ nông trại giới thiệu về những loại sinh vật có lợi, có hại cho mùa màng…

Đặc biệt hơn nữa là các con sẽ được vào một lớp học “Tìm hiểu nghề nông”. Các con được xem những hiện vật là những công cụ làm việc hàng ngày của bác nông dân (cái cày, cái cuốc, cái xẻng, cái dần, cái thúng…) và công dụng của chúng.

+ 08h00 - 8h30: Công việc nhỏ

Các con sẽ được các cô, chú chủ nông trại đưa ra khu thực hành để trực tiếp tham gia vào những công việc hàng ngày của nhà nông (bắt cá, trồng cây, cùng chăm sóc một số con vật: bò, thỏ, dê, lợn…)

+ 08h30 đến 08h45: lắng nghe lời chuyên gia

Trẻ tập trung về khu vực sân của nông trại. Trẻ đã tham gia vào công việc của nhà nông, chân tay đã bị bám đầy dơ bẩn vì thế các bé sẽ được tham gia vào lớp học soi kính hiển vi tìm hiểu và nhận biết những nguy cơ tồn tại quanh các bé… và sẽ nhận được những lời khuyến cáo từ chuyên gia.

+ 08h45 - 10h00: Chương trình vinh danh và Ngày hội làng quê

Tại khu vực sân của nông trại, trẻ tham gia chương trình vinh danh “Nông dân nhí tài ba” cô chú chủ nông trại sẽ đưa ra các câu hỏi để xem các con đã thu hoạch được những gì tại Nông trại sau một thời gian tìm hiểu, từ đó tìm ra được bạn giành được giải thưởng “Nông dân nhí tài ba”.

Chương trình “Ngày hội làng quê”, trẻ cùng tham gia các trò chơi dân gian như: đi cà kheo, đẩy gậy, tát nước trên đồng,… các bé học tô tượng và cùng thỏa sức sáng tạo với những màu vẽ trên sản phẩm của mình và đó sẽ là món quà nhỏ các con mang về tặng Mẹ, người thân.

+ 10h30: kết thúc chương trình, các bé lên xe về trường.

- Tổ chức thực hiện (phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên tham gia và các lực lượng hỗ trợ khác): Trong quá trình thực hiện buổi ngoại khóa giáo viên của trường chia thành các nhóm hỗ trợ, giúp đỡ, hướng dẫn trẻ theo sự phân công của ban tổ chức.

Tổ chức các hoạt động ngoại khóa là hình thức hỗ trợ thiết thực cho việc thực hiện chương trình giáo dục mầm non ở các cơ sở giáo dục mầm non. Tuy nhiên, để tránh việc lạm dụng các hoạt động ngoại khóa, tổ chức các hoạt động không đạt hiệu quả, các trường tuyệt đối không ép buộc trẻ phải tham gia các hoạt động này dưới mọi hình thức, công khai minh bạch về kinh phí tổ chức, có quy chế và phân công nhiệm vụ cũng như giao trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên phụ trách, huy động các lực lượng ngoài nhà trường tham gia phối hợp, hỗ trợ thực hiện đồng thời phải bồi dưỡng năng lực, kỹ năng tổ chức hoạt động ngoại khóa cho đội ngũ giáo viên, nhân viên của trường./.

Tác giả: Trần Thị Thúy

Nguồn tin: Phòng GDĐT thành phố Điện Biên Phủ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập156
  • Máy chủ tìm kiếm56
  • Khách viếng thăm100
  • Hôm nay31,630
  • Tháng hiện tại792,442
  • Tổng lượt truy cập136,244,811
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi