banner

GDMN - Chia sẻ kinh nghiệm số 5 - Một số kinh nghiệm làm đồ dùng, đồ chơi cho trẻ mầm non từ nguyên vật liệu thiên nhiên

Thứ năm - 04/07/2013 05:58
Dienbien.edu.vn - “Những gì sách dạy chúng ta cũng giống như lửa. Chúng ta lấy nó từ nhà hàng xóm, thắp nó trong nhà ta, đem nó truyền cho người khác, và nó trở thành tài sản của tất cả mọi người” (Voltaire). Chúng ta hãy cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm hay trong giáo dục để ngọn lửa tri thức, ngọn lửa nhiệt huyết đối với giáo dục luôn cháy sáng.
Trẻ em rất yêu thích đồ chơi, ngoài việc giải trí, đồ chơi có tác dụng giáo dục cao, nhất là trong những năm đầu đời của con người. Mỗi món đồ chơi, ít nhất cũng cung cấp một cơ hội để trẻ tìm hiểu, khám phá. Các món đồ chơi tốt sẽ tham gia vào quá trình nhận thức, tác động tích cực tới các giác quan của trẻ, khuyến khích phát huy trí tưởng tưởng và cho trẻ cơ hội học tập kỹ năng tương tác với người khác và nhiều kỹ năng khác. Trẻ em bất cứ ở đâu, bất cứ dân tộc nào, cũng mong muốn có đồ chơi để chơi.


Trẻ làm cùng cô bàn ghế bằng vỏ chai nhựa



Học đếm với máy bay giấy tự gấp

Đồ chơi giúp phát triển nhận thức của trẻ, với đồ chơi, trẻ được vui chơi và học tập cùng một lúc. Học thông qua đồ chơi và trò chơi giúp trẻ hình thành thái độ tích cực với việc học tập. Giáo viên sử dụng nó để dạy các kiến thức về môi trường xung quanh, văn học, các biểu tượng toán học, tạo hình..., cung cấp và rèn luyện những kỹ năng xã hội cần thiết cho trẻ và cho sự trưởng thành sau này của chúng. Nó có ý nghĩa như đồ dùng để dạy và học. Đồ chơi của trẻ và đồ dùng dạy học của cô giáo tuy hai tên gọi nhưng chung một ý nghĩa. Sử dụng đồ chơi để dạy học là phù hợp với đặc điểm tâm lý và nhận thức của trẻ em, giúp cho giáo viên có cơ sở thực hiện tốt chương trình giáo dục mầm non. Lớp học mầm non không thể không có đồ chơi cũng như giáo viên mầm non không thể không có đồ dùng dạy học. Do đó, bằng mọi hình thức, nhà trường và các cô giáo cần cung cấp cho trẻ đồ chơi càng nhiều càng tốt.

Làm đồ chơi cho trẻ còn góp phần giao lưu tình cảm giữa cô và trẻ. Nó thể hiện tình cảm của giáo viên với trẻ, với nghề. Nếu không yêu trẻ cô giáo khó lòng có thể tự nguyện dành thời gian để làm một món đồ chơi nào đấy cho chúng. Trẻ em cũng dể dàng nhận thấy điều đó, trẻ rất vui sướng đón nhận khi được món đồ chơi do bàn tay cô giáo làm ra. Với trẻ chúng chưa có những khái niệm đánh giá khắt khe về tính thẩm mỹ, tính bền vững. Quan trọng với trẻ là niềm vui và sự hào hứng với món đồ chơi đó. Vì vậy, các cô giáo cũng không nên quá lo lắng về các tính năng, chất lượng hoàn thiện của những món đồ chơi tự tạo, không nên làm các món đồ chơi quá cầu kỳ đến nỗi trẻ không được chơi vì cô sợ chúng làm hỏng. Làm một món đồ chơi tốn ít thời gian tuy trông không được cầu kỳ đẹp mắt mà trẻ được chơi thì sẽ có giá trị hơn một thứ đồ chơi làm công phu tốn kém mà chỉ để ngắm. Đồ chơi cô làm ra nếu tạo cho trẻ hứng thú chơi và học, cho trẻ thêm những niềm vui khi tới trường đã là một món đồ chơi hữu ích.


Trẻ chơi đội mũ bảo hiểm, lái xe máy − đồ chơi tự làm cùng cô (Điểm trường Co Pục – Hua Thanh – Điện Biên)
 
Như vậy chúng ta có thể nói lớp học mầm non không thể không có đồ chơi cũng như giáo viên mầm non không thể không có đồ dùng dạy học. Do đó, bằng mọi hình thức, nhà trường và các cô giáo cần cung cấp cho trẻ đồ chơi càng nhiều càng tốt. Đồ chơi có vai trò quan trọng như vậy nhưng không phải tất cả trẻ em đều có đồ chơi. Những hình ảnh trẻ em thiếu thốn đồ chơi thấy rất rõ ở những lớp điểm lẻ trong trường. Việc giáo viên mầm non tự làm đồ chơi mục đích trước hết để cung cấp thêm đồ chơi cho lớp, bù đắp sự thiếu thốn và giảm chi phí mua sắm. Trẻ rất hứng thú với tất cả các loại đồ chơi và nhất là những đồ chơi tự làm đơn giản đều có chức năng giúp trẻ tiếp cận với thế giới xung quanh, giúp trẻ giải trí và học tập.Với việc làm đồ dùng đồ chơi từ những nguyên vật liệu thiên nhiên, hay phế thải tạo nhiều đồ chơi cho trẻ, góp phần bảo vệ môi trường và đáp ứng nhu cầu chơi của trẻ, đặc biệt là ở trường mầm non nằm ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Xin chia sẻ cùng các đồng nghiệp một số kinh nghiệm làm đồ dùng, đồ chơi mở cho trẻ mầm non từ nguyên vật liệu thiên nhiên.

1. Lựa chọn và chuẩn bị

1.1 Lựa chọn đồ chơi cần làm

Để lên kế hoạch làm đồ chơi, đồ dùng dạy học, giáo viên cần căn cứ theo Chương trình giáo dục mầm non mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo như thông tư 02/2010/TT-BGDĐT ngày 11 tháng 02 năm 2010 Ban hành danh mục đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học tối thiểu đối chiếu với danh mục trên với thực tế hiện trạng cơ sở vật chất và độ tuổi của lớp học,  lựa chọn nội dung, chủ đề tổ chức hoạt động giáo dục cho phù hợp từ đó lập kế hoạch sưu tầm, tận dụng những nguồn vật liệu sẵn có, phong phú của địa phương để phát huy khả năng sáng tạo của giáo viên trong việc làm đồ chơi, đồ dùng dạy học cho phù hợp với nội dung đã lựa chọn. Đồ chơi phải có cấu trúc đơn giản, màu sắc đẹp để cuốn hút trẻ, thể hiện tính hồn nhiên, ngộ nghĩnh và có nét hài hước phù hợp với tâm sinh lý độ tuổi trẻ.

Khi thực hiện làm đồ chơi cần lưu ý như: Lựa chọn nguyên vật liệu an toàn, lường trước để loại trừ mọi rủi ro mà trẻ sẽ gặp phải khi chơi, hạn chế những đồ chơi mang tính trưng bày, trang trí có độ bền không cao.

1.2 Chuẩn bị nguyên vật liệu

Vật liệu làm đồ chơi cho trẻ vô cùng phong phú và đa dạng, bên cạnh những gì nhà trường đã trang bị, ngay từ đầu năm học các lớp nên huy động các phụ huynh học sinh cùng nhau đóng góp cho “Quỹ vật liệu” của lớp. Nguồn vật liệu được lấy từ thiên nhiên và các vật liệu tái chế tìm thấy trong gia đình, ngoài cửa hàng, trên đường làng...

Nguyên vật liệu để làm đồ chơi có thể sưu tầm dễ dàng như: Từ động vật ( vỏ sò, vỏ ốc, vỏ hến, lông chim...), từ thực vật (gỗ, thân tre, cành cây, rơm rạ, lá cây, quả khô, hột hạt...), từ nguồn vô cơ như (đá, sỏi, đất sét, cát,..)

Khi sử dụng các nguyên vật liệu tái chế cần chú ý lựa chọn vật liệu sạch sẽ và an toàn, hộp, vỏ nhựa...phải được rửa sạch, phơi khô.

Không dùng các nguyên vật liệu sắc nhọn dễ vỡ có thể gây thương tích cho trẻ.

1.3 Chuẩn bị dụng cụ

Mỗi giáo viên trước khi làm đồ chơi cần có một bộ đồ dùng để làm như: Kéo, dao, dập gim, dập lỗ, ghim và kẹp, hồ và keo dán, bút lông và màu vẽ, băng keo các loại, ...

a) Cách tiến hành: Cần nghiên cứu và lựa chọn đối tượng: Là các đối tượng cụ thể, đơn lẻ, hoặc nhóm đối tượng như là đồ dùng sinh hoạt, con vật, phương tiện giao thông... 

Ví dụ: Con voi, Máy bay, ô tô, cái bát, chiếc bàn là, bộ ấm chén...

- Đề tài là đối tượng đi theo chủ đề có tính phối hợp  

Ví dụ như: Nhân vật ba cô gái trong câu truyện “Ba cô gái”

b)Vẽ mẫu và tạo hình các bộ phận: Sau khi đã lựa chọn vật liệu, cần tiến hành vẽ hình và nghiên cứu các chi tiết cấu trúc đồ chơi sao cho phù hợp, khoa học và phải đảm bảo yếu tố thẩm mỹ: Vẽ phác hình tổng quát, sau đó vẽ chi tiết các bộ phận, tiếp đến là điểm màu và can hình và thực hiện.

c)Thực hiện và lắp ráp: Tạo hình các bộ phận chính, tạo hình các chi tiết nhỏ, tô màu và sau đó rắp ráp đến từng bộ phận chính với các chi tiết nhỏ riêng lẻ. 

Ví dụ: Làm con Thỏ


Cắt và tranh trí tai con  thỏ



Làm  thân và đầu con Thỏ



d) Trang trí

Trang trí thêm các chi tiết, màu sắc cho đối tượng thêm sinh động hoặc có thể trang trí thêm môi trường không gian (nếu có )

2. Làm và sử dụng đồ dùng có hiệu quả

Muốn sử dụng đồ dùng đồ chơi tự tạo có hiệu quả thì phải tính toán ngay từ khâu chuẩn bị làm đồ dùng đồ chơi đó để tránh lãng phí thời gian, công sức và tiền bạc. Giáo viên làm những đồ dùng, đồ chơi mà thật sự trong lớp không có hoặc không thể thay thế được. Khi bắt tay vào làm đồ dùng, giáo viên chú ý đến tính sư phạm, tính mỹ thuật, tính kinh tế, tính sáng tạo của đồ dùng.
Những đồ dùng giáo viên làm đang được sử dụng trong lớp đa số từ các nguyên vật liệu gần gũi nhất, dễ tìm thấy nhất ở bất cứ nơi đâu. Ví dụ như rơm, lá cây, chai nước ngọt, hộp sữa, đĩa CD, ống hút...Với những nguyên vật liệu đó, cô và trẻ có thể thao tác, làm nên những con vật hay chơi rất nhiều hoạt động khác nhau như xếp hàng rào, chơi bán hàng...


Giáo viên chú trọng cho trẻ chơi các trò chơi dân gian, truyền thống từ những đồ chơi đồ chơi sẵn có trong thiên nhiên hoặc làm các đồ chơi truyền thống như chơi đá hòn lè, làm kèn, làm con trâu bằng lá mít, lá đa...Các hoạt động này không mất nhiều thời gian, công sức mà trẻ cũng hứng thú tham gia thực hiện cùng cô. Sau đó, từ những nguyên vật liệu nguyên sơ, dễ tìm đó, cô tạo ra những đồ chơi khác nhau, làm những đồ chơi đơn giản, trẻ có thể thực hiện cùng với cô trong hoạt động vui chơi, tạo hình ngoài tiết học như: Tranh sáng tạo, lọ hoa, các hình hình học...Với những đồ dùng này giáo viên chỉ cần chuẩn bị các hộp sữa, thìa sữa chua, đĩa CD, lon bia, nhánh cây khô...giáo viên cắt bỏ những phần khó của đồ chơi, sau đó hướng dẫn trẻ sắp xếp và dán ngay ngắn các phần lại với nhau để tạo thành một đồ chơi, và với những đồ chơi này, trẻ chơi được rất lâu, sử dụng được tất cả các chủ đề trong hoạt động làm quen chữ viết, môi trường xung quanh, làm quen với toán...Ngoài những đồ chơi đó, giáo viên làm những đồ chơi có tính chất sử dụng và độ khó cao hơn, chú trọng đến khẳ năng sử dụng đồ dùng như ô cửa bí mật, ngôi nhà đa năng, vòng quay đa năng...

Ví dụ như với bộ đồ dùng “Vòng quay đa năng”
 

 
Lấy ý tưởng từ các chương trình “Chiếc nón kỳ diệu” trên truyền hình, vòng quay có cấu tạo gồm đế và bảng quay, điều đặc biệt ở đây là các hình ảnh, các con số, chữ cái có thể thêm vào, bớt ra. Với đế và khung làm bắng gỗ, phoóc đổ xi măng nên rất bền, có thể tháo lắp để tạo thành các đồ dùng riêng biệt và với mỗi phần riêng của bộ vòng quay khi kết hợp với các đồ dùng khác sẽ tạo thành bộ đồ dùng mới theo từng ý tưởng của cô và trẻ. Với bộ vòng quay này, các lớp thường xuyên sử dụng trong các hoạt động, mỗi lần sử dụng có thể thay đổi cách đặt vòng quay nằm hay đứng, tách riêng biệt hay kết hợp vòng quay...là đã tạo ra công năng sử dụng mới cho đồ dùng. Bộ đồ dùng này giúp cho các giáo viên tiết kiệm được rất nhiều thời gian cho việc chuẩn bị đồ dùng, đồng thời trẻ rất hứng thú với bộ đồ dùng này, trẻ nghĩ ra rất nhiều cách chơi khác nhau với đồ dùng.

3. Tuyên truyền về hiệu quả đồ dùng đến phụ huynh

Với cuộc sống bề bộn ngày nay đã làm cho không ít phụ huynh không còn có thời gian chăm sóc con cái, không có thời gian chơi cùng với con mà thay vào đó là mua sắm những đồ chơi hiện đại, được sản xuất trên các dây truyền công nghiệp hiện đại, trên thị trường đồ chơi Trung Quốc và nước ngoài chiếm đa số, bên cạnh có những đồ chơi mang tính giáo dục, phát huy được trí tuệ, sự thông minh của trẻ nhưng cũng có đồ chơi không an toàn, kích động tính hiếu chiến, bạo lực như súng, gươm, mặt nạ dữ dằn...và nhiều đồ chơi gây sợ hãi, không có tính chân, thiên, mỹ đã gây tác hại không nhỏ đến tâm lý trẻ.

Việc tuyên truyền đến phụ huynh về ý nghĩa của việc làm đồ dùng đồ chơi từ nguyên vật liêu thiên nhiên (nguyên vật liệu mở) gắn với trò chơi dân gian, gần giũ, sử dụng các nguyên vật liệu sẵn có, rẻ tiền. Đồ chơi, trò chơi truyền thống chính là một phần của văn hóa dân tộc, từ việc giáo dục cho trẻ hiểu biết về bản sắc văn hóa dân tộc qua đồ chơi, trò chơi dân gian được phục hồi sẽ cho trẻ có cơ hội tiếp cận với văn hóa cổ truyền của dân tộc.

Ví dụ như các trò chơi ném còn, ô ăn quan, nhảy dây, đá cầu...không cần những đồ chơi tốn kém mà chỉ tận dụng những nguyên vật liệu sẵn có, và tốn ít công sức phụ huynh có thể làm được một đồ chơi cho con trẻ.

Bên cạnh việc tuyên truyền về đồ chơi, trò chơi truyền thống, đồ chơi tự tạo là loại đồ chơi làm bằng nguyên vật liệu đơn giản, dư thừa mà ở bất cứ đâu cũng có. Phụ huynh có thể dễ dàng tự làm cho con và hưỡng dẫn con cùng chơi. Đây là một quá trình sáng tạo cần thiết, tập cho trẻ nhiều kỹ năng tự mình có thể làm và sáng tạo trong quá trình học mà chơi, chơi mà học. Với việc trò chuyện với trẻ về các nguyên vật liệu và cách làm ra đồ dùng đồ chơi đó, trẻ trở thành một tuyên truyền viên tích cực trong việc tuyên truyền đến phụ huynh về các đồ dùng đồ chơi có tính chất giáo dục phù hợp với trẻ. Từ đó, phụ huynh tích cực hơn trong việc hỗ trợ các nguyên vật liệu phế thải, và nguồn nguyên liệu này rất phong phú, có nhiều nguyên vật liệu là phế thải từ đặc thù nghành nghề của phụ huynh, mặt khác phụ huynh cũng hứng thú trong việc làm các đồ dùng đồ chơi từ các vật liệu phế thải thay cho các đồ dùng mua trôi nổi trên thị trường.

4. Quản lý đồ dùng

Với những đồ dùng, đồ chơi được cấp phát cũng như đồ dùng tự làm của cô và trẻ hoặc của phụ huynh hỗ trợ thì Giáo viên phải cập nhật thường xuyên, đầy đủ thiết bị dạy học vào sổ tài sản của lớp, có ghi chú rõ ràng.

Có tủ, giá, kho đựng thiết bị dạy học và nên có mô tả tóm tắt về đồ dùng, chú thích về cách sử dụng đồ dùng. Nhiều đồ dùng dạy học đồ chơi tự làm có độ bền vững chưa cao, do đó bên cạnh việc làm đồ dùng, giáo viên phải chú ý đến độ bền chắc, cần bảo quản tốt, vệ sinh thường xuyên, theo dõi để sửa chữa hoặc vứt bỏ, làm thay thế ngay các thiết bị dạy học cùng nhóm khác.

Hy vọng một số kinh nghiệm này sẽ giúp các đồng nghiệp đem lại hiệu quả khi làm đồ dùng, đồ chơi mở cho trẻ mầm non từ nguyên vật liệu thiên nhiên. Mong muốn nhận được những chia sẻ, trao đổi của các đồng nghiệp./.

Tác giả: Nguyễn Thị Huệ

Nguồn tin: Trường THPT Thanh nưa, huyện Điện Biên

Tổng số điểm của bài viết là: 55 trong 16 đánh giá

Xếp hạng: 3.4 - 16 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập173
  • Máy chủ tìm kiếm55
  • Khách viếng thăm118
  • Hôm nay30,741
  • Tháng hiện tại750,463
  • Tổng lượt truy cập136,202,832
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi