banner

GDMN- Điện Biên nỗ lực phấn đấu hoàn thành phổ cập Giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi vào thời điểm tháng 5 năm 2014

Thứ bảy - 29/03/2014 10:46
Dienbien.edu.vn- Điện Biên là một tỉnh miền núi phía Tây Bắc có đường biên giới dài 400,8 km (biên giới Việt - Trung dài 40,8 km, biên giới Việt - Lào dài 360 km) với tổng diện tích tự nhiên 9.562,9 km2.
Toàn tỉnh có 10 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 08 huyện, 01 thị xã và 01 thành phố) với 130 xã/ phường/ thị trấn, trong đó có 05 huyện thuộc Chương trình 30a của Chính phủ; dân số khoảng 52,3 vạn người, gồm 19 dân tộc, trong đó dân tộc Thái chiếm 38%, dân tộc Mông chiếm 35%, dân tộc Kinh chiếm 18%, còn lại là các dân tộc khác. Đời sống của đại bộ phận người dân trong tỉnh còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo khá cao (38,7%), địa bàn rộng, dân cư phân bố không tập trung, tình trạng di dịch cư tự do ảnh hưởng không nhỏ đến thực hiện công tác phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi.


Hội nghị giao ban trực tuyến về công tác phổ cập GDMN

Với đặc thù là một tỉnh miền núi, địa hình hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, thời tiết khắc nghiệt, nhất là địa bàn vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; dân cư sống phân tán, xa trung tâm xã, xa trường học nên mạng lưới trường mầm non còn phân tán. Toàn tỉnh có 163 trường mầm non nhưng có tới 930 điểm trường có trẻ 5 tuổi, số lớp mẫu giáo ghép chiếm tỉ lệ 42%. Cơ sở vật chất tuy được quan tâm nhưng còn nhiều hạn chế: số phòng học tạm còn nhiều, thiếu thiết bị, đồ dùng, đồ chơi cho trẻ, thiếu hệ thống các phòng chức năng phục vụ cho công tác chăm sóc giáo dục trẻ, thiếu nhà công vụ cho giáo viên, đặc biệt là ở các điểm trường vùng khó khăn; một số đơn vị quỹ đất dành cho trường Mầm non còn hạn chế, chưa đáp ứng được so với quy mô phát triển của cơ sở GDMN. Đội ngũ giáo viên một số huyện còn thiếu, điều kiện sinh hoạt của giáo viên ở vùng cao, vùng biên giới còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Trong điều kiện đó, cùng với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, cán bộ, giáo viên cấp học mầm non luôn cố gắng khắc phục khó khăn, kiên cường bám trường, bám lớp, vận động học sinh ra lớp, tích cực đổi mới phương pháp nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ; đồng thời  làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, huy động sự quan tâm của xã hội, cộng đồng cho sự phát triển GDMN, phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi (PCGDMNTNT).


Các cô giáo trường MN Mường Lói tự đóng gạch bavanh xây cổng trường

Phát huy kết quả đạt được trong năm 2013 với 7/10 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn PCGDMNTNT, ngay từ đầu năm học 2013-2014, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu với Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục cấp tỉnh tăng cường kiểm tra, đôn đốc các huyện, thị xã, thành phố trong trong việc thực hiện đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn để phấn đấu toàn tỉnh đạt chuẩn vào thời điểm tháng 5 năm 2014. Ban chỉ đạo cấp tỉnh đã có 02 đợt kiểm tra kỹ thuật vào tháng 9 /2013 và tháng 02/2014 tại tất cả các đơn vị cấp huyện. Sau mỗi đợt kiểm tra Sở đều tổ chức rút kinh nghiệm kịp thời, qua các cuộc họp giao ban trực tiếp, giao ban trực tuyến, chỉ đạo bằng văn bản. Với tinh thần trách nhiệm cao, các đoàn kiểm tra đã sâu sát đến từng cơ sở, có những hình ảnh minh chứng cụ thể về ưu điểm cũng như tồn tại hạn chế của từng đơn vị, tư vấn chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp để thực hiện tốt hơn các tiêu chí. Đồng thời, Sở cũng có văn bản đề nghị UBND các huyện quan tâm, tạo điều kiện về nguồn lực, chỉ đạo các cơ sở khẩn trương khắc phục tồn tại hạn chế. Nhờ vậy những khó khăn, vướng mắc tại đơn vị khẩn trương được tháo gỡ, khắc phục.

Tại thời điểm kiểm tra kỹ thuật lần cuối trước khi các đơn vị kiểm tra công nhận năm 2014, tất cả 10/10 huyện, thị xã, thành phố có đủ bộ hồ sơ theo quy định, các đơn vị cập nhật các dữ liệu đầy đủ, kịp thời, hồ sơ được lưu giữ đầy đủ, sắp xếp tương đối khoa học.

Các đơn vị có rất nhiều cố gắng trong việc thực hiện đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn PCGDMNTNT theo quy định. Cụ thể:

1. Các tiêu chí về trẻ em

Đa số các huyện, thị xã, thành phố đã có nhiều cố gắng trong việc chỉ đạo, triển khai các giải pháp nhằm huy động tối đa số trẻ trong độ tuổi mầm non ra lớp, tỉ lệ huy động trẻ 5 tuổi đều đạt và vượt so với quy định (90% trở lên, trong đó nhiều đơn vị có tỷ lệ huy động trẻ năm tuổi ra lớp đạt ở mức 100% như: Thành phố Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên, huyện Tuần Giáo, thị xã Mường Lay... Các cơ sở GDMN đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ như: Tuyên truyền vận động cha mẹ trẻ đóng góp cùng với chế độ hỗ trợ bữa ăn trưa của Nhà nước để tổ chức cho trẻ ăn bán trú tại trường, phối hợp với cha mẹ trẻ thực hiện các nội dung giáo dục trẻ theo chương trình GDMN, các tỉ lệ về chăm sóc, giáo dục trẻ đảm bảo so với quy định.

2. Các tiêu chí về giáo viên

Các huyện, thị xã, thành phố và các cơ sở giáo dục mầm non đã quan tâm sắp xếp đủ giáo viên cho các lớp mẫu giáo 5 tuổi, ưu tiên bố trí giáo viên có trình độ chuyên môn trên chuẩn để dạy các lớp mẫu giáo năm tuổi, đảm bảo tỉ lệ theo quy định. 100% giáo viên dạy các lớp mẫu giáo năm tuổi được hưởng các chế độ chính sách theo quy định hiện hành.


Phòng học 3 cứng được xây dựng từ nguồn xã hội hóa giáo dục
tại huyện Nậm Pồ

3. Các tiêu chí về cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng, đồ chơi

Các huyện, thị xã, thành phố đã chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tiến hành rà soát các điều kiện, tiêu chuẩn về CSVC, thiết bị theo quy định. Từ đó, đầu tư kinh phí để làm mới, tu sửa phòng học, mua sắm đồ dùng, thiết bị, đồ chơi và học liệu cho các lớp mẫu giáo 5 tuổi. Các đơn vị đã bố trí đủ phòng học cho các lớp mẫu giáo năm tuổi, đảm bảo 1 lớp/1 phòng học. Nhiều đơn vị đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, huy động các nguồn đóng góp xã hội hóa giáo dục để xây dựng phòng học theo hướng bán kiên cố, xây dựng cảnh quan trường lớp xanh, sạch, đẹp, huy động nhân dân đóng góp vật liệu, công lao động để làm nhà bếp, công trình vệ sinh, làm sân chơi, đồ chơi ngoài trời tự tạo, tường rào... tiêu biểu như các huyện Nậm Pồ, Điện Biên, Tuần Giáo,...

Bên cạnh kết quả đã đạt được, các đơn vị vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Về hồ sơ, việc cập nhật một số thông tin về trẻ ở một số đơn vị chưa kịp thời. Kết quả kiểm tra thực tế tại cơ sở, toàn tỉnh còn 23 phòng học cho các lớp 5 tuổi chưa đạt yêu cầu, một số công trình vệ sinh và nhà bếp tại điểm trường chưa đảm bảo yêu cầu; một số điểm trường thiếu nguồn nước sạch, thiếu đồ chơi ngoài trời...

Ngày 21 tháng 3 vừa qua, tại Hội nghị giao ban sơ kết giữa học kì II năm học 2013-2014, lãnh đạo Sở đã giành nhiều thời gian họp bàn về công tác phổ cập giáo dục các cấp học, trong đó có phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Điều đáng mừng là lãnh đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo đều thể hiện rõ quyết tâm đã tích cực triển khai khắc phục những tồn tại hạn chế của đơn vị mình và đang tiến hành kiểm tra công nhận đạt chuẩn cấp xã, cấp huyện năm 2014 đảm bảo đúng tiến độ.

Với sự chỉ đạo sâu sát của các cấp lãnh đạo, quyết tâm cao của các đơn vị, đặc biệt là sự nỗ lực cố gắng rất lớn của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên các cơ sở giáo dục mầm non trong toàn tỉnh, tin tưởng rằng GDMN tỉnh Điện Biên sẽ hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi vào đúng thời điểm những ngày tháng 5 lịch sử này, như một thành tích đầy ý nghĩa chào mừng kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ./.

Tác giả: Trần Thị Tố Uyên

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập138
  • Máy chủ tìm kiếm9
  • Khách viếng thăm129
  • Hôm nay28,433
  • Tháng hiện tại880,533
  • Tổng lượt truy cập135,358,826
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi