banner

GDMN - Nhóm trẻ tư thục Phương Nam, Thành phố Điện Biên Phủ - mô hình phát triển nhóm trẻ ngoài công lập

Chủ nhật - 09/04/2017 20:37
Dienbien.edu.vn - Trong những năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự tạo điều kiện của các Sở, ban, ngành, sự phối hợp chặt chẽ của UBND các huyện, thị xã, thành phố, sự nỗ lực cố gắng của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên toàn ngành giáo dục, sự vào cuộc của cả cộng đồng, sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh đã có bước phát triển vững chắc, toàn diện. Cùng với giáo dục công lập, giáo dục tư thục ngày càng được quan tâm phát triển.
Tuy nhiên cùng với những khó khăn chung của bậc học mầm non cả nước, giáo dục mầm non tỉnh Điện Biên còn không ít những khó khăn thách thức như: Thiếu giáo viên, thiếu cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đồ dùng đồ chơi; tỷ lệ huy động dân số 0-2 tuổi học nhà trẻ chưa cao.

Nghị quyết số 14/NQ-TU ngày 20 tháng 11 năm 2015 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế tỉnh Điện Biên đưa ra mục tiêu cụ thể đến năm 2020: tỉ lệ huy động trẻ trong độ tuổi trẻ nhà trẻ ra lớp đạt 50%.

Để thực hiện mục tiêu đó, cùng với các giải pháp tăng cường điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ nhằm tiếp tục phát triển nhóm trẻ trong các trường mầm non công lập, phòng Giáo dục và Đào thành phố luôn quan tâm, tạo điều kiện phát triển trường/nhóm lớp mầm non tư thục. Đến nay, Thành phố đã có 02 trường mầm non tư thục, 03 nhóm trẻ độc lập tư thục, góp phần tăng tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi từ 0 đến 2 tuổi ra lớp: Năm học 2013-2014, tỉ lệ trẻ nhà trẻ ra lớp đạt 20,6%; Năm học 2014-2015, đạt 34,3%; Năm học 2015-2016, đạt 35,4%; tính đến thời điểm tháng 3 năm 2017 tỉ lệ trẻ nhà trẻ ra lớp đạt 43,2%.

Trong số 03 nhóm trẻ tư thục được cấp phép, nhóm trẻ Phương Nam tại địa chỉ số 98, tổ 6, phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ là nhóm trẻ huy động tốt trẻ trong độ tuổi nhà trẻ ra lớp.

Nhóm trẻ Phương Nam được thành lập tháng 11 năm 2015 do bà Trần Thị Khánh làm chủ nhóm. Do có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành giáo dục, từng là hiệu trưởng trường công lập trên địa bàn Thành phố, sau khi về hưu, với sự đam mê yêu ngành, yêu nghề, mến trẻ, bà Khánh đã xin cấp phép thành lập nhóm trẻ tư thục Phương Nam. Ngày đầu thành lập cơ sở của bà cũng gặp không ít khó khăn, phải xoay sở kinh phí để đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị khoảng 100 triệu đồng, trong đó: phòng học là sử dụng phòng khách của gia đình; lát nền đá hoa, lợp mái vòm ngoài trời để tăng diện tích cho trẻ vui chơi hết khoảng 70 triệu; mua thiết bị, đồ dùng đồ chơi, camera giám sát nối mạng internet hết 20 triệu đồng; mua biển bảng, bàn ghế, các dụng cụ phục phục nấu ăn hết 10 triệu đồng. Khi mới thành lập cơ sở chỉ có từ 5 đến 7 trẻ (năm 2015), bằng nỗ lực của bản thân, uy tín nghề nghiệp, sự chăm sóc và giáo dục tân tình chu đáo đối với trẻ và sự quan tâm của phòng Giáo dục và Đào tạo đến nay đã có 27 trẻ duy trì tại nhóm trẻ (nguồn chủ nhóm trẻ Phương Nam cung cấp).
 
Hoạt động chơi mà học của nhóm trẻ tư thục Phương Nam

Qua trao đổi, bà Khánh cho chúng tôi biết: “Tôi mở cơ sở nhóm trẻ tư thục là do sự đam mê và yêu nghề, đồng thời tăng thêm thu nhập cho gia đình, tạo công ăn việc làm cho sinh viên ngành học mầm non chưa có việc làm (1 giáo viên, 1 bảo mẫu) với mức lương từ 4.000.000 đến 4.500.000 đồng/người/tháng…”.

Cơ sở của bà được nhiều phụ huynh tin tưởng và gửi con em của mình, từ khi mở đến nay các cháu được đảm bảo tuyệt đối an toàn và không có ý kiến phản hồi xấu nào từ phía phụ huynh”. Bà trao đổi thêm: “Cũng nhờ sự quan tâm của các cấp Ủy, Đảng chính quyền địa phương và phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Điện Biên Phủ nên thủ tục thành lập nhanh gọn; trong thời gian tới do nhu cầu gửi trẻ tăng nên tôi có ý định mở thêm cơ sở nhóm trẻ mầm non, một mặt là tạo công ăn việc làm cho các sinh viên tốt nghiệp chưa có việc làm, một mặt tăng thu nhập cho các thành viên trong gia đình, người thân, đặc biệt là đáp ứng nhu cầu cần gửi con của nhiều phụ huynh theo yêu cầu (kể cả thứ 7 và chủ nhật), tôi cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của tôi về việc mở và quản lý nhóm trẻ tư thục cho những ai cần mở nhóm trẻ tư thục”.
Hoạt động chăm sóc trẻ của nhóm trẻ Phương Nam
 
Chia sẻ với chúng tôi về thành công của mình trong việc gây dựng uy tín của nhóm trẻ mà mình đang làm chủ, theo bà Khánh cần chú trọng một số nội dung sau:

Một là: Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi một cách tương đối đầy đủ, cơ sở khang trang, có các thiết bị camera giám sát, để phụ huynh ở đâu cũng biết được con mình đang học gì, chơi gì, ăn gì, làm gì…

Hai là: Hợp đồng làm việc với những giáo viên, những bảo mẫu có trình độ chuyên môn, có năng lực trong hoạt động giáo dục và chăm sóc trẻ, có tinh thần trách nhiệm với công việc, có lòng yêu nghề mến trẻ và coi trẻ như con em mình. Đặc biệt khi hợp đồng có thời gian thử việc để lựa chọn được đúng người, đúng việc theo yêu cầu của nhóm trẻ.

Ba là: Là người chủ nhóm trẻ, đã từng là hiệu trưởng nhiều năm tại trường mầm non công lập trên địa bàn thành phố nhưng khi về làm nhóm trẻ, chính bản thân mình vừa là người quản lý đồng thời vừa là người trực tiếp giáo dục chăm sóc trẻ trong nhóm, do vậy các kinh nghiệm nghề nghiệp cũng như kiến thức mà mình tích tụ được qua nhiều năm công tác được truyền lại cho những giáo viên công tác tại nhóm trẻ của mình.

Bốn là: Mặc dù là nhóm trẻ tư thục nhưng nhóm trẻ luôn thực hiện các hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ bám sát vào Chương trình giáo dục mầm non mà Bộ Giáo dục và Đào tạo bàn hành và các chỉ đạo về chuyên môn của phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Điện Biên phủ, đồng thời nhóm trẻ luôn cập nhật những đổi mới về các phương pháp chăm sóc giáo dục trẻ…

Năm là: Quan tâm đến từng trẻ, nắm được hoàn cảnh, sự phát triển riêng của từng cháu, tạo điều kiện để các cháu đều phát triển tốt về trí tuệ, sức khỏe cũng như thể chất; lôi cuốn để trẻ vui vẻ hứng thú khi được học tập, vui chơi tại nhóm trẻ.

Sáu là: Luôn ân cần, niềm nở với phụ huynh, hằng ngày giáo viên chú trọng trao đổi với phụ huynh về các vấn đề trong hoạt động chăm sóc giáo dục của trẻ.

Như vậy, Việc mở nhóm trẻ tư thục không những mang lại việc làm và thu nhập cho sinh viên ngành giáo dục mầm non chưa có việc làm, giáo viên ngành mầm non về hưu còn sức khỏe và khả năng, năng lực công tác mà còn giảm tải cho các trường mầm non công lập, đồng thời đáp ứng nhu cầu của xã hội về các dịch vụ chất lượng cao phục vụ cho giáo dục, đáp ứng nhu cầu của một số bộ phận phụ huynh khi phải làm việc ngoài giờ hoặc ngày nghỉ (thứ 7, chủ nhật), đồng thời tăng thu nhập cho các tổ chức và cá nhân khi mở nhóm trẻ. Đặc biệt các nhóm trẻ tư thục phát triển sẽ làm tăng tỉ lệ huy động trẻ từ 0 đến 2 tuổi ra lớp, góp phần hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đảng bộ tỉnh đề ra trong những năm tới./.

Tác giả: Phạm Ngọc Cảnh

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập88
  • Máy chủ tìm kiếm18
  • Khách viếng thăm70
  • Hôm nay25,697
  • Tháng hiện tại696,528
  • Tổng lượt truy cập136,148,897
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi