banner

GDTH - Giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học cấp tiểu học tại các điểm trường lẻ ở huyện Mường Ảng

Thứ tư - 05/04/2017 02:53
Trong những năm qua vấn đề nâng cao chất lượng dạy, học tại các điểm trường đã được ngành giáo dục huyện Mường Ảng đặc biệt quan tâm và trú trọng. Nhiều giải pháp được đưa ra nhằm từng bước rút ngắn chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa điểm trường chính với các điểm trường lẻ, góp phần nâng cao dân trí các dân tộc thiểu số vùng cao, vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn.
Hiện toàn huyện Mường Ảng có tới 44 điểm trường lẻ, trong đó chủ yếu là các điểm trường ở bản vùng cao, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Rào cản về ngôn ngữ đã ảnh hưởng không nhỏ đến trình độ nhận thức của các em học sinh nơi đây. Ngoài việc học tập các em còn phải tham gia giúp đỡ gia đình, kiến thức các em tiếp nhận chủ yếu vẫn là bài giảng của giáo viên trên lớp, còn việc tự học ở nhà hầu như không có. Ở những điểm trường này cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu ... đã ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả dạy và học tại các điểm trường.


Lớp học tại điểm trường Thộ Lộ trường PTDTBT Tiểu học Bản Bua (ảnh chụp năm học 2016 - 2017)
 
Đây chính là những khó khăn chung mà các điểm trường ở huyện nghèo Mường Ảng đã và đang gặp phải. Trước thực tế đó ngành giáo dục đã có nhiều giải pháp nhằm từng bước nâng cao được chất lượng giáo dục ở tại các điểm trường lẻ này.

Trên cơ sở các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân hảo tâm, phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Ảng đã tăng cường tu sửa cơ sở vật chất các phòng học đã được đầu tư trước đây, làm mới các phòng học cho các điểm trường theo hướng nhà tạm (khung sắt lợp tôn có trần chống nóng) dần đáp ứng yêu cầu học tập của các em học sinh tại các điểm trường.


Lớp học tại điểm trường Pha Hún trường tiểu học Xuân Lao
 
Chỉ đạo các trường thí điểm xây dựng một điểm trường lẻ làm mẫu về cơ sở vật chất, công tác tổ chức dạy và học. Đây sẽ là mô hình để học hỏi, trao đổi, rút kinh nghiệm và từ đó dần nhân rộng sang các điểm trường khác. Muốn làm được việc đó các nhà trường phải làm tốt công tác huy động sự hỗ trợ công sức của phụ huynh, phối hợp các đoàn thể trong và ngoài nhà trường cùng tham gia tu sửa, làm mới cơ sở vật chất các điểm trường.


Cán bộ giáo viên trường PTDTBT TH Bản Bua và Đoàn thanh niên xã Ẳng Tở làm sân tại điểm trường Huổi Hỏm

 
Chỉ đạo các trường thường xuyên sử dụng hiệu quả thiết bị được cấp, ngoài ra giáo viên thường xuyên tự làm đồ dùng, sưu tầm thêm các mẫu vật gần gũi với học sinh... qua đó giúp học sinh tại các điểm trường được trực quan và hiểu bài hơn. 

Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lí và giáo viên. Thực hiện tốt các chế độ chính sách cho giáo viên, học sinh vùng dân tộc, miền núi.

Tích cực chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, đổi mới việc kiểm tra đánh giá giá học sinh theo hướng phát triển năng lực người học, xây dựng môi trường học tập thân thiện tại các điểm trường... nhằm thu hút học sinh đến trường đến lớp.

Hàng năm chỉ đạo các trường cử cán bộ, giáo viên tham gia các lớp học tiếng dân tộc thiểu số do Trung tâm GDTX huyện tổ chức; triển khai tập huấn phương pháp sử dụng tiếng dân tộc thiểu số trong dạy tăng cường tiếng Việt tại 13/13 trường tiểu học... từ đó giáo viên biết sử dụng tiếng dân tộc thiểu số hỗ trợ trong dạy học hàng ngày. Việc sử dụng tiếng dân tộc thiểu số trong dạy học là việc làm rất cần thiết và quan trọng đặc biệt là dạy các khối lớp 1, 2 và các lớp tại các điểm trường lẻ giúp các em mở rộng được vốn từ tiếng Việt, nhưng song song với đó phòng Giáo dục và Đào tạo cũng chỉ đạo các trường tuyệt đối không được lạm dụng tiếng dân tộc mà luôn phải xác định là để hỗ trợ nâng cao chất lượng trong dạy học tại các nhà trường. Ngoài ra để đảm bảo các học sinh nắm kiến thức bài thì giáo viên phải dạy đến đâu chắc đến đo và thường xuyên giảng thêm cho các em. Mặc dù vẫn thực hiện giờ giấc theo thời gian biểu như điểm trường chính nhưng trong những giờ ra chơi, lúc rảnh rỗi hoặc vào thời gian buổi chiều giáo viên đều sắp xếp thời gian cho các em được ôn lại bài, hướng dẫn làm bài tập nhiều lần để các em nhớ lâu được cách làm. Thường xuyên giáo dục các kĩ năng sống như kĩ năng giao tiếp... lồng ghép trong các tiết học, hoạt động tập thể, các trò chơi và đặc biệt những ngày lễ lớn như ngày khai giảng, kỉ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11... được tổ chức tại trường trung tâm nên đưa học sinh tại các điểm bản về cùng tham gia.

Thực hiện tốt việc dạy học phân hóa theo đối tượng học sinh vào các buổi chiều từ khâu xây dựng kế hoạch nội dung phải sát, phù hợp với đối tượng học sinh của lớp. Muốn có được một kế hoạch sát với đối tượng của lớp người giáo viên phải biết từng học sinh của mình đã làm được những gì, còn hạn chế và yếu kém chỗ nào từ đó xây dựng nội dung phù hợp theo từng nhóm đối tượng học sinh và nội dung các tiết tăng buổi chiều người giáo viên nên thiết kế theo các mức thang từ dễ đến khó để học sinh có hứng thú học tập. Trong quá trình dạy giáo viên giao nhiệm vụ theo từng nhóm đối tượng học sinh

Tăng cường công tác kiểm tra, dự giờ tư vấn và rút kinh nghiệm giáo viên dạy các điểm trường lẻ qua các đợt kiểm tra chuyên đề, kiểm tra chuyên ngành và kiểm tra nội bộ trường học.

Tham mưu với UBND huyện chỉ đạo chính quyền địa phương, các đoàn thể của các xã cùng phối hợp với các trường đóng trên địa bàn xã làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, tuyên truyền tới người dân cho con em đến trường, đến lớp đảm bảo tỷ lệ chuyên cần, không bỏ học đặc biệt là tại các bản lẻ.          

Mặt khác, ngành giáo dục huyện cũng thường xuyên tổ chức các chuyên đề cấp huyện, cụm trường, hội thi, hội thao cho đội ngũ giáo viên, nhất là các giáo viên giảng dạy tại điểm trường lẻ để các giáo viên này có cơ hội được giao lưu học hỏi lẫn nhau về kinh nghiệm hay trong giảng dạy. Cụ thể năm học 2016-2017 phòng Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức 02 chuyên đề cấp huyện về dạy học môn tiếng Việt lớp 1 theo chương trình Công nghệ giáo dục, 06 chuyên đề cấp cụm về dạy học VNEN và phương pháp dạy học các tiết tăng đối với hai môn Toán và tiếng Việt.

Sau khi đã triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục các điểm trường khá hiệu quả tại các trường phòng Giáo dục và Đào tạo từ những năm học trước. Đến nay chất lượng giáo dục học sinh tại các điểm trường đã được nâng lên rõ rệt, từng bước rút ngắn chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa điểm trường chính với các điểm trường lẻ.

Từ những thành công trên, chúng tôi nhận thấy rằng để nâng cao chất lượng giáo dục nói chung, chất lượng giáo dục các điểm trường lẻ nói riêng thì việc đưa ra các giải pháp đồng bộ như đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đẩy mạnh đổi mới pháp dạy học, ứng dụng CNTT, dạy tăng cường tiếng Việt cho học sinh, dạy học phân hóa theo đối tượng học sinh... Bên cạnh đó cần làm tốt công tác kiểm tra, đôn đốc rút kinh nghiệm cho các đơn vị nhà trường. Chúng tôi tin rằng với cách làm như trên thì chất lượng giáo dục các điểm trường lẻ ở trường học huyện Mường Ảng được nâng lên từng ngày, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân các dân tộc huyện Mường Ảng cũng như đòi hỏi ngày càng cao của xã hội. 

Tác giả: Vũ Duy Hội – Phòng GD&ĐT Huyện Mường Ảng

Tổng số điểm của bài viết là: 16 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập148
  • Máy chủ tìm kiếm11
  • Khách viếng thăm137
  • Hôm nay25,697
  • Tháng hiện tại697,067
  • Tổng lượt truy cập136,149,436
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi