banner

GDTH - Đánh giá kết quả 6 năm thực hiện Chương trình Seqap trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Thứ bảy - 05/11/2016 05:35

GDTH - Đánh giá kết quả 6 năm thực hiện Chương trình Seqap  trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Chương trình Đảm bảo chất lượng giáo dục trường học (Seqap) được triển khai từ năm học 2010 – 2011 ở 36 tỉnh vùng khó khăn với 284 huyện, 1628 trường trên cả nước. Thông qua đầu tư cơ sở vật chất, bồi dưỡng tăng cường năng lực giáo viên, hỗ trợ các trường tiểu học chuyển sang hệ thống học tập dựa trên cơ chế dạy học cả ngày, Chương trình hướng tới mục tiêu cải thiện chất lượng giáo dục trường học, nâng cao kết quả học tập của học sinh, tạo cơ hội bình đẳng giữa các nhóm đối tượng.
Được triển khai tại 40 trường tiểu học thuộc 7 huyện trên địa bàn tỉnh Điện Biên từ tháng 3 năm 2010, đến nay Chương trình đã đi qua chặng đường hơn nửa thập kỉ. Ngày 28/10/2016, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên đã tổ chức Hội nghị Tổng kết Chương trình Seqap, nhân dịp này Phòng Giáo dục Tiểu học có một số đánh giá về kết quả 6 năm thực hiện Chương trình Seqap.

Chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học được triển khai trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn sát sao, kịp thời của Ban quản lý Chương trình Seqap Trung ương về xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện các hoạt động của Chương trình. Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên đã ban hành Quyết định số 746/QĐ-UBND ngày 09/8/2011 phê duyệt Đề án dạy học 2 buổi/ngày và bán trú cho học sinh cấp tiểu học tỉnh Điện Biên giai đoạn 2011-2015 tạo tiền đề cho việc huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học, đào tạo đội ngũ giáo viên, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện tại các nhà trường. Chương trình luôn nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các cấp chính quyền địa phương; sự phối hợp của các Sở, ban, ngành liên quan; sự đồng thuận của phụ huynh học sinh, sự chủ động tích cực của cán bộ quản lý giáo viên trong quá trình triển khai thực hiện. Qua 6 năm được ưu tiên triển khai ở các trường tiểu học vùng khó khăn, có đông đồng bào dân tộc của tỉnh, Chương trình đã hoàn thành được nhiều mục tiêu đề ra.
 
Về lộ trình chuyển đổi trường tiểu học dạy học nửa ngày sang dạy học cả ngày (FDS)
 
Kết thúc năm học 2015-2016, toàn tỉnh có 7 huyện tham gia chương trình Seqap với 40 trường; 132 điểm trường; 703 lớp 15.158 học sinh; trong đó có 31/40 trường thuộc xã khó khăn (75%); 12921 học sinh dân tộc thiểu số (85,3%); 40/40 trường đều thực hiện dạy học cả ngày, với 100% học sinh ở tất cả các khối lớp, tất cả các điểm trường đều được học từ 30 – 35 tiết/tuần. Tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày tăng cao; năm học 2010-2011 có 3364/5273 (63,8%) học sinh tại 16 trường tham gia Seqap được học 2 buổi/ngày đến năm học 2015-2016 đã có 100% học sinh tại 40 trường Seqap được học 2 buổi/ngày, nâng tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày trên toàn tỉnh từ 31,4% năm 2010 lên đạt 96,5% năm 2016.


Trường Tiểu học tham gia Dự án Seqap

Các trường tiểu học tham gia Chương trình Seqap đã tích cực chủ động trong việc xây dựng kế hoạch, phối hợp với chính quyền địa phương, cộng đồng thôn bản, phụ huynh học sinh tổ chức các hoạt động nhằm tuyên truyền và thu hút học sinh tham gia học cả ngày; tổ chức, chỉ đạo các lớp thực hiện học cả ngày phù hợp, đảm bảo hiệu quả.


Học sinh trường tiểu học ăn trưa tại trường

Được sự hỗ trợ của Chương trình Seqap, sự quan tâm phối hợp của chính quyền địa phương, cộng đồng, sự cố gắng của các nhà trường, chất lượng giáo dục của các trường Seqap từ năm học 2010-2011 đến nay đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Học sinh ở các điểm trường đi học đều hơn, không còn hiện tượng học sinh bỏ học; tỷ lệ duy trì sĩ số đạt trên 99,5%; tỷ lệ học sinh phải rèn luyện trong hè giảm đáng kể; tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học tăng từ 98,0% năm 2010-2011 lên 99,7% năm 2015 – 2016.


Tổ chức thực hiện dạy học cả ngày ở trường tiểu học tham gia dự án Seqap

Về cải thiện trọng tâm sư phạm đối với trường tiểu học chuyển sang FDS

Trong các năm học tham gia Seqap, các đơn vị trường đã căn cứ Sổ tay hướng dẫn lập kế hoạch FDS, tình hình thực tế nhà trường, địa phương lập kế hoạch dạy học cả ngày (FDS) theo từng năm học phù hợp với điều kiện nhà trường. Nội dung, chương trình, thời khóa biểu dạy học các tiết tăng thêm được các trường căn cứ vào hướng dẫn dạy học cả ngày của Sở Giáo dục Đào tạo, các tài liệu do chương trình Seqap cung cấp và thực tế đối tượng học sinh các khối lớp, xây dựng kế hoạch, phân phối chương trình, chỉ đạo thực hiện dạy các tiết tăng linh hoạt, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường, trình độ của học sinh. Cùng với việc lập kế hoạch và tổ chức thực hiện, các trường tiểu học tham gia Seqap đã vận dụng linh hoạt thời gian trong việc tổ chức các hoạt động dạy học và giáo dục phù hợp với đặc điểm lứa tuổi học sinh như:

Tổ chức dạy học củng cố kiến thức kỹ năng môn Toán, môn Tiếng Việt cho học sinh vào các tiết tăng thêm; dạy tăng cường Tiếng Việt cho học sinh dân tộc; triển khai dạy Tiếng Việt CNGD tại 33/40 trường Seqap, tích hợp rèn luyện, nâng cao khả năng học tập Tiếng Việt qua thực hiện tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc qua các môn học khác.


Dạy Tiếng Việt lớp 1 tại Trường Tiểu học Thanh Luông, huyện Điện Biên

 
Hình thức tổ chức dạy học trong các trường Seqap của tỉnh được áp dụng đa dạng, phong phú, mềm dẻo, linh hoạt, mở về không gian, thời gian, quy mô, đối tượng và số lượng; học sinh có được nhiều cơ hội trải nghiệm; huy động nhiều lực lượng tham gia tổ chức các hoạt động giáo dục trong nhà trường như giáo viên, phụ huynh, các tổ chức đoàn thể trong và ngoài nhà trường cùng tham gia.


Hoạt động Câu lạc bộ ở các trường tham gia Seqap

 
Tài liệu sử dụng trong dạy học cả ngày được giáo viên căn cứ vào trình độ của học sinh, sử dụng sách giáo khoa, sách giáo viên, kết hợp với tài liệu được cung cấp từ chương trình, xây dựng nội dung giảng dạy linh hoạt,  thực hiện phù hợp, đáp ứng với nội dung chương trình và bài dạy, tăng cường sử dụng tài liệu được cung cấp từ chương trình. Tài liệu được cung cấp từ Chương trình Seqap đã giúp giáo viên xây dựng nội dung dạy các tiết tăng thêm, củng cố kiến thức kỹ năng cho học sinh,... tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp, hỗ trợ các hoạt động dạy học.

Về chính sách hỗ trợ của địa phương khi chuyển đổi sang FDS

          Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường tiểu học tham gia Chương trình Seqap làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, huy động cộng đồng, các lực lượng xã hội, chính quyền địa phương trong việc tham gia phối hợp, hỗ trợ nhà trường trong các hoạt động dạy học, hoạt động ngoài giờ lên lớp, nội ngoại khóa; hỗ trợ tổ chức ăn trưa cho học sinh; đóng góp ngày công lao động tu sửa cơ sở vật chất nhà trường,... Trong 5 năm thực hiện FDS, 40 trường tham gia Seqap đã huy động kinh phí xã hội hóa giáo dục từ phụ huynh học sinh, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các đơn vị, lực lượng trên địa bàn được 6.857 triệu đồng tu sửa phòng học, làm nhà bếp, nhà ăn, công trình vệ sinh, đóng bàn ghế, giường, khoan giếng,... hỗ trợ nhà trường đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ dạy học cả ngày và tổ chức ăn trưa bán trú cho học sinh.


Sự tham gia của cộng đồng trong các hoạt động của trường tiểu học FDS

 
Một số trường đã huy động học sinh không được hưởng chế độ từ Chương trình Seqap tham gia ăn trưa, bán trú tại trường; huy động phụ huynh học sinh được hưởng chế độ từ Seqap đóng góp thêm kinh phí để tổ chức ăn trưa 3 bữa, 4 bữa/tuần cho học sinh; tổng kinh phí huy động đóng góp để tổ chức ăn trưa cho học sinh trong 5 năm (2010-2016) là 9.552,36 triệu đồng. 

Về tăng cường năng lực cho đội ngũ giáo viên và CBQL để thực hiện FDS

Hàng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên tiểu học theo đúng hướng dẫn và kế hoạch của Ban Quản lý Chương trình Seqap Trung ương. Cán bộ quản lý, giáo viên tiểu học tham gia bồi dưỡng luôn nêu cao ý thức tổ chức kỷ luật, chấp hành tốt nội quy lớp tập huấn, tham gia học tập tự giác, tích cực kể cả thời gian bồi dưỡng tập trung và tự học, tự nghiên nghiên cứu tài liệu. Cách thức bồi dưỡng, tập huấn, tập huấn chuyên sâu đảm bảo theo đúng hướng dẫn, có đổi mới phù hợp với điều kiện thực tế địa phương.


Tập huấn cán bộ quản lý và giáo viên do Chương trình Seqap tổ chức
 
Kết quả bồi dưỡng, tập huấn giúp cho đội ngũ cán bộ quản lý các trường nắm chắc hơn cách quản lý và sử dụng các loại quỹ; hiểu rõ mô hình trường tiểu học dạy học cả ngày; biết cách lập kế hoạch cho phù hợp thực tiễn nhà trường; nắm vững hơn công tác quản lý dạy và học cả ngày, quản lý hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp ... từ đó chỉ đạo, quản lý nhà trường đạt hiệu quả. Đối với giáo viên được bồi dưỡng một số mô đun về phương pháp dạy học tích cực; một số kỹ thuật dạy học, hệ thống bài tập củng cố kiến thức, kỹ năng môn tiếng Việt, môn Toán;  hoạt động giáo dục Âm nhạc trong trường tiểu học dạy học cả ngày ; tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, tổ chức các hoạt động câu lạc bộ, hoạt động trải nghiệm sáng tạo... giúp giáo viên tổ chức các hoạt động dạy học tại trường dạy học cả ngày phù hợp với thực tế các nhà trường.


Tập huấn cán bộ quản lý và giáo viên tham gia Seqap do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức
 
Trong 6 năm tham gia Chương trình Seqap, toàn tỉnh đã có 16 giáo viên tham gia các lớp đào tạo ngắn hạn (03 giáo viên Tiếng Anh, 06 giáo viên dạy Tiếng Mông, 02 giáo viên Tin học, 02 giáo viên Thể dục, 01 giáo viên Âm nhạc, 01 giáo viên Mỹ Thuật) do Chương trình SEQAP trung ương tổ chức bồi dưỡng tập trung từ 3 đến 6 tháng. Tiếp thu nội dung do Chương trình Seqap tập huấn, bồi dưỡng, các giáo viên đã vận dụng, triển khai các nội dung được học tập tại các trường tiểu học tham gia Seqap đạt hiệu quả khá tốt.

Về tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường FDS

Tổng khối lượng xây dựng hoàn thành đến 06/2016 gồm 20 trường với 39 phòng học, 08 phòng đa năng, 26 công trình vệ sinh. Bên cạnh đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn chương trình Seqap, tỉnh Điện Biên đã huy động các nguồn vốn khác để xây dựng mới, cải tạo sửa chữa nhà lớp học, nhà ở nội trú cho học sinh, nhà công vụ giáo viên, nhà vệ sinh và mua sắm thiết bị cho các trường thuộc chương trình Seqap với tổng số tiền 56,176 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia, kiến thiết, ngân sách địa phương, xã hội hóa…


Phòng học đa năng do Seqap xây dựng ở Trường Tiểu học Số 2 Nà Tấu, huyện Điện Biên
 
Tại Hội nghị tổng kết Chương trình Seqap do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên tổ chức, các đại biểu về dự Hội nghị đã đánh giá cao những tác động tích cực của Chương trình Seqap triển khai trên Điện Biên. Những sự đầu tư xây dựng theo hướng đồng bộ, chuẩn hóa đã đem lại cho các trường tiểu học một diện mạo mới, đạt được tiêu chí của trường chuẩn Quốc gia. Kết thúc năm học 2015-2016 đã có 37/40 trường tham gia Chương trình Seqap đạt chuẩn Quốc gia; nâng tỉ lệ trường tiểu học được kiểm định đánh giá ngoài đạt chuẩn chất lượng giáo dục ở mức độ cao.


Đồng chí Nguyễn Sỹ Quân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo  phát biểu tại Hội nghị tổng kết Chương trình Seqap


Các đại biểu về dự Hội nghị Tổng kết Seqap
 
Thành công của Chương trình sau 6 năm triển khai ở Điện Biên đã để lại nhiều bài học trong quá trình triển khai:
 
Trước hết, cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Quản lý Chương trình Seqap các cấp, sự tham gia của chính quyền địa phương, cộng đồng vào các hoạt động của Chương trình. Làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức về dạy học cả ngày FDS nhằm tạo sự đồng thuận ủng hộ về vật chất, tinh thần của chính quyền các cấp, cha mẹ học sinh và nhân dân, đồng thời phối kết hợp tốt với nguồn lực từ các chương trình, dự án, đề án khác để nâng cao chất lượng, hiệu quả và tính bền vững của Chương trình.

Coi trọng công tác lập kế hoạch FDS, kế hoạch được xây dụng trên cơ sở đánh giá phân tích thực trạng về cơ sở vật chất, thiết bị, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh của nhà trường; có sự tham gia của chính quyền địa phương và được các cấp quản lý phê duyệt; các giải pháp thực hiện kế hoạch cần chi tiết,  khả thi.

Xây dựng Chương trình, thời khóa biểu các tiết tăng, tổ chức các hoạt động tập thể, các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, sinh hoạt câu lạc bộ,… cần sát với đối tượng học sinh, đảm bảo không quá tải và phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường, góp phần tạo hứng thú, tích cực học tập và tham gia các hoạt động khác của học sinh.

Tổ chức tốt các hội thảo, bồi dưỡng chuyên môn theo 17 Modun, thường xuyên tổ chức sinh hoạt chuyên môn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thực hiện Chương trình Seqap trong và ngoài nhà trường để giúp giáo viên tổ chức tốt các hoạt động theo mục tiêu của Chương trình Seqap.

Thực hiện tốt công tác bán trú cho học sinh. Ngoài các chính sách của nhà nước, của tỉnh các trường cần tăng cường sự đóng góp của cha mẹ học sinh bằng vật chất, bằng ngày công lao động để tổ chức ăn trưa cho tất cả học sinh trong các ngày học cả ngày. Mặt khác, các trường chú trọng việc thành lập Ban Quản lý bán trú, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, thực hiện tốt nội quy, quy chế bếp ăn bán trú; thực hiện an toàn thực phẩm, quản lý các hoạt động buổi trưa đối với học sinh.


Không gian xanh của trường Tiểu học Số 1 Noong Luống, huyện Điện Biên
 
Hội nghị Tổng kết đã khép lại hành trình 6 năm của Chương trình Seqap trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Phát huy những hiệu quả của Seqap, Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên xác định: Dạy học cả ngày là yếu tố quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện học sinh, đảm bảo tỉ lệ học sinh đi học chuyên cần và giảm thiểu tỉ lệ học sinh bỏ học. Vì vậy, Sở sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình tới tất cả các trường tiểu học trong toàn tỉnh; duy trì bền vững việc thực hiện dạy học 2 buổi/ngày; nâng cao chất lượng dạy học buổi 2 bằng việc xây dựng phân phối chương trình, nội dung tiết dạy tăng thêm phù hợp với điều kiện nhà trường và trình độ học sinh. Tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên đặc biệt là giáo viên dạy các môn chuyên Âm nhạc, Mỹ thuật, Tiếng Anh, Tin học, Thể dục. Huy động các nguồn lực ưu tiên đầu tư bổ sung thêm các phòng chức năng, phòng học bộ môn, trang thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu dạy học cả ngày; tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Đồng thời, tăng truyền thông, làm tốt công tác xã hội hóa để có thể tổ chức cho học sinh ăn trưa, bán trú tại trường đối với các trường vùng khó khăn trong toàn tỉnh.

Đây chính là cơ sở nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện học sinh theo tinh thần Nghị quyết 29, Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; đưa sự nghiệp giáo dục và đào tạo của Điện Biên ngày càng phát triển bền vững./.
 

Tác giả: Đào Thái Lai – Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập139
  • Máy chủ tìm kiếm19
  • Khách viếng thăm120
  • Hôm nay19,284
  • Tháng hiện tại245,667
  • Tổng lượt truy cập136,597,480
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi