banner

VP - “Nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý”

Thứ tư - 09/11/2016 20:54
Dienbien.edu.vn - Mỗi năm, cứ đến ngày 20 tháng 11, chúng ta lại thấy bồi hồi, thấy xôn xao và hân hoan niềm kiêu hãnh. Bởi một điều thật giản dị mà cũng thật ý nghĩa – chúng ta là những người thầy, là những người làm thầy – một nghề được cả xã hội trân trọng và tôn vinh. “Duyên phận đã đưa chúng ta đến với nghề giáo cao quý. Chúng ta được xã hội, được chính quyền chấp nhận là người có quyền nuôi dưỡng và phát triển văn hóa, lịch sử ngàn năm của dân tộc, là người khai trí, luyện đức và rèn tâm cho những thế hệ học sinh, là những người ký tên đầu tiên vào nhật ký cuộc đời các em học sinh
Từ xưa, ca dao đã có câu:

Muốn sang thì bắc cầu kiều
Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy.
 
Bác Hồ đã từng nói: “Người thầy giáo tốt – thầy giáo xứng đáng là thầy giáo – là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh. Nhà giáo được vinh danh là “Kỹ sư tâm hồn”, nghề dạy học được vinh danh là “Nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý”. Đây là một điều rất vẻ vang”.


(ảnh- internet)

 
Nếu trước đây, vai trò của người thầy đã được xã hội thừa nhận và đánh giá cao thì bây giờ vai trò người thầy đã được nâng lên tầm cao mới. Dưới sự bùng nổ của thời đại công nghệ thông tin, hàng loạt các phương tiện kỹ thuật ra đời đã hỗ trợ đắc lực cho người học. Có quan điểm cho rằng người thầy đã không còn là tâm điểm, vai trò người thầy đã mờ nhạt dần trong tâm trí người học. Tuy nhiên, các nhà lý luận dạy học vẫn khẳng định: “ngay cả trong nhà trường hiện đại, với sự hỗ trợ mạnh mẽ của công nghệ thông tin thì vai trò quyết định nhất đối với chất lượng giáo dục vẫn thuộc về các yếu tố liên quan trực tiếp tới người thầy”.

Chất lượng giáo dục, hiệu quả đào tạo được quyết định bởi những người thầy giỏi, có tâm với nghề, yêu ngành, yêu nghề, và đặc biệt là mong muốn cống hiến hết sức khả năng của mình có được, nhằm bồi dưỡng cho thế hệ trẻ những kiến thức bổ ích, thiết thực đối với quá trình xây dựng đất nước nói chung, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa nói riêng.

Nghề giáo là một nghề mà không phải ai cũng làm được. Đây là một nghề thiêng liêng và vô cùng cao quý. Người thầy như người lái đò đưa người qua sông rồi lại tiếp tục với những chuyến đò cần mẫn của mình, để ươm mầm kiến thức cho những tài năng tỏa sáng, cống hiến hết sức mình cho sự nghiệp trồng người. Trong sự nghiệp giáo dục đào tạo, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa, người thầy sẽ luôn là người chỉ đường, dẫn lối cho thế hệ trẻ để mỗi con người được đào tạo sẽ là những nhân tài của thế hệ tương lai. Trong giai đoạn hiện nay, khi đất nước đang trên bước đường đổi mới, vai trò vị thế người thầy càng được khẳng định. Để đảm nhận được sứ mệnh cao cả, thiêng liêng đó, người thầy sẽ luôn trau dồi đạo đức, tư cách nghề nghiệp, trình độ chuyên môn để luôn luôn xứng đáng đối với sự tin cậy của Đảng, nhà nước, của toàn thể thế hệ tương lai.  Đồng thời, chúng ta cũng phải đóng cửa bảo nhau thật thẳng thắn, khi một bộ phận rất nhỏ trong đội ngũ nhà giáo chưa tận tâm với nghề, chưa tận nghĩa với đời

Đội ngũ nhà giáo chúng ta hãy ngẩng cao đầu, nhận lấy sứ mạng vẻ vang, làm cho con em nhân dân các dân tộc Điện Biên học giỏi hơn, trưởng thành hơn, hạnh phúc hơn. Mỗi thầy cô giáo hãy là một tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo… Làm nghề giáo đòi hỏi người đứng trên bục giảng phải biết chịu đựng và vượt qua khó khăn trước mắt, đem hết sức mình cống hiến cho thế hệ tương lai của đất nước. Phải trải qua thử thách mới trở thành một nhà giáo có bản lĩnh, có tâm, có đức và có tài. Con đường chúng ta đang đi có núi cao, đèo sâu nhưng cũng có trời xanh, biển rộng. Hãy bước những bước chân quả quyết trên hành trình không mệt mỏi ấy để hằng năm, cứ mỗi dịp 20 tháng 11 về, lòng ta lại “xôn xao niềm vui”, “hân hoan niềm kiêu hãnh” của những người được làm thầy!

Trong chuỗi những hoạt động kỷ niệm 34 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên sẽ tổ chức tọa đàm vào ngày 18/11/2016 tại nhà đa năng của trường THPT Phan Đình Giót. Đây là một hoạt động có ý nghĩa thiết thực hướng về đội ngũ nhà giáo của tỉnh, cũng là dịp để các thế hệ học sinh với tấm lòng thành kính đang và sẽ luôn khắc ghi trong lòng đạo lý: Uống nước nhớ nguồn, tôn sư trọng đạo.

Chúng ta yêu nghề giáo và trọn đời thủy chung, son sắt với nghề:

"Viên phấn trắng hướng cuộc đời bay bổng
Mực đỏ chấm bài là máu chảy từ tim".
 

Tác giả: Đoàn Trần Hiệp

Nguồn tin: Sở Giáo dục và Đào tạo

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập117
  • Thành viên online1
  • Máy chủ tìm kiếm15
  • Khách viếng thăm101
  • Hôm nay16,483
  • Tháng hiện tại242,866
  • Tổng lượt truy cập136,594,679
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi