Về dự Hội nghị có các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh; các đồng chí lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo; lãnh đạo Công đoàn ngành; lãnh đạo các phòng chuyên môn, nghiệp vụ Sở cùng hơn 60 đồng chí là lãnh đạo phòng Giáo dục và Đào tạo, Hiệu trưởng, tổ trưởng chuyên môn, giáo viên các trường tiểu học, THCS trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên.
Đồng chí Lê Văn Quý - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại Hội nghị Tại Hội nghị các đại biểu đã được nghe báo cáo đánh giá kết quả triển khai thực hiện mô hình trường học mới tại các trường tiểu học và THCS trên địa bàn tỉnh; báo cáo phản ánh rõ những điểm mạnh, những mặt tích cực của mô hình dạy học VNEN cũng như thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện mô hình đó là:
Thực hiện mô hình trường học mới VNEN cơ bản đã tạo ra sự thay đổi tích cực trong các nhà trường, không khí học tập dân chủ, hợp tác; học sinh chủ động tích cực với các hoạt động ở lớp, ở gia đình, cộng đồng; giáo viên dạy mô hình VNEN đã thực hiện được việc chuyển đổi từ vai trò giảng giải, truyền thụ kiến thức sang tổ chức, hướng dẫn học sinh cách học; theo dõi, kiểm soát học sinh tự học.
Học sinh học mô hình VNEN bước đầu đã biết cách tự học theo tài liệu hướng dẫn, dưới sự định hướng, hỗ trợ đúng lúc, kịp thời của giáo viên; chủ động, tích cực trong hoạt động học ở lớp và hoạt động ứng dụng ở nhà, có nhiều cơ hội để tham gia, bày tỏ ý kiến. Học sinh học theo VNEN đã mạnh dạn, tự tin, linh hoạt trong giao tiếp hợp tác với bạn bè, thích đến trường và hứng thú học tập.
Tuy nhiên bên cạnh những ưu điểm, kết quả đã đạt được trong quá trình thực hiện dạy học theo mô hình VNEN cũng gặp phải những khó khăn, vướng mắc đó là một số học sinh khi tiếp cận mô hình VNEN còn bỡ ngỡ, chưa biết cách tự học, chưa hứng thú tham gia thảo luận nhóm, thụ động, trông chờ, ỷ lại vào nhóm trưởng . Một số học sinh tiểu học người dân tộc kỹ năng sử dụng tiếng Việt của các em còn hạn chế nên khó khăn trong việc giải quyết các yêu cầu bài tập đặt ra. Đối với học sinh chưa tự giác có thể sẽ nói chuyện riêng, không tập trung khi giáo viên đang hướng dẫn nhóm khác. Ngoài ra việc bố trí sắp xếp học theo nhóm, cộng với sĩ số lớp đông sẽ khó khăn cho giáo viên trong việc bao quát lớp cũng như tiến độ học tập và hỗ trợ các em trong quá trình khám phá kiến thức. Chưa kể một số học sinh học giỏi muốn nhóm mình sớm hoàn thành nhiệm vụ nên có thể đọc bài cho bạn chép hoặc cho bạn nhìn bài. Khi nghiệm thu kết quả, giáo viên thấy các học sinh trong nhóm đều hoàn thành nhiệm vụ nên có thể chủ quan không giảng lại mà có thể trong thực tế còn học sinh chưa hiểu hết bài.
Giáo viên khi thực hiện phương pháp dạy học VNEN không linh hoạt, chủ động có thể xảy ra tình trạng những học sinh giỏi thì ngày càng năng động, tự tin, tiến bộ nhanh nhưng những học sinh yếu kém thì càng chậm tiến bộ.
Hội nghị với tinh thần cởi mở, trách nhiệm, dân chủ và thẳng thắn, các đại biểu đã nhiệt tình chia sẻ những kinh nghiệm và kết quả đã đạt được trong thời gian qua đồng thời nên lên những giải pháp nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn trong thời gian tới.
Với không khí từng bừng, nhộn nhịp chuẩn bị bước vào năm học cùng với quan điểm chỉ đạo một cách linh hoạt nhằm không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục. Chúng tôi tin tưởng rằng mô hình trường học mới sẽ từng bước được khẳng định, góp phần vào việc đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2018./.