banner

GDTX-CN. Tiếp cận “Đêm tình mùa xuân” trong truyện “Vợ chồng A Phủ” từ điểm nhìn văn hóa Lễ hội

Thứ tư - 07/09/2016 04:14
Tiếp cận tác phẩm văn học từ điểm nhìn văn hóa là sự soi chiếu đối tượng từ góc độ văn hóa, góc độ các giá trị. Bằng cái nhìn “quen mà lạ”, dùng mã văn hóa Lễ hội để khám phá một đoạn trích quen thuộc trong truyện "Vợ chồng A Phủ" (Chương trình Ngữ văn lớp 12), tác giả đã mang đến một nhận diện mới về tình yêu - gương mặt thuần khiết nhất của VĂN HÓA. Ban Biên tập trân trọng giới thiệu bài viết của nhà giáo Trần Chinh Dương – Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn.
“Vì có tình yêu nên có lễ hội” (Trịnh Công Sơn)
 
1. Lễ hội trong “Đêm tình mùa xuân”, quen mà lạ

Viết từ những năm 50 của thế kỉ trước, đến nay truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” vẫn luôn xứng đáng là tác phẩm “kinh điển” trong văn học viết về vùng Tây Bắc của Tổ quốc.

Là một cây bút sắc sảo bậc thầy về tài miêu tả sinh hoạt, phong tục, trong tác phẩm, Tô Hoài đã khắc họa sinh động một Tây Bắc với vẻ đẹp văn hóa làm say lòng người. Ở đó, các giá trị văn hóa trở thành một thứ “chất dẫn” mạnh, giúp người đọc khám phá chiều sâu của thế giới tâm hồn con người; giá trị văn hóa lại cũng chuyển hóa để trở thành những giá trị người, thành những biểu tượng cốt lõi của sự sống.

Đoạn văn làm tỏa rạng tài bút ấy của nhà văn chính là đoạn có tính chất “linh hồn” của tác phẩm: Đêm tình mùa xuân. Tiếp cận đoạn này, nếu chú trọng đến diễn biến tâm lý nhân vật, coi thiên nhiên phong tục chỉ có tính chất làm nền dễ dẫn đến cái nhìn vội về tình yêu và tâm huyết của Tô Hoài. Rất cần có một cái nhìn khác, để thấy được, việc lựa chọn những chi tiết miêu tả thế giới bên trong cô Mị và thế giới phong tục ở bên ngoài là hữu cơ gắn bó, là hữu ý, là một dụng công tài tình, và không tách rời với chỉnh thể nghệ thuật là toàn bộ tác phẩm. Trong khuôn khổ bài viết này, người viết lựa chọn điểm nhìn văn hóa, dùng mã văn hóa Lễ hội để giải mã những xử lý nghệ thuật của nhà văn.

Lễ hội trong “Vợ chồng A Phủ”, rất quen, mà rất lạ. Bởi trong tác phẩm, Lễ hội không chỉ tồn tại như một đối tượng nhà văn chọn để miêu tả hiện thực, mà còn trở thành phương tiện để miêu tả nhân vật, trở thành nội dung - bản chất của nhân vật.

2. Từ Hội trong Đêm tình mùa xuân

Lễ hội là sinh hoạt tôn giáo, văn hóa, nghệ thuật của cộng đồng, phản ánh nguyện vọng, ước mơ chính đáng mà con người chưa có khả năng thực hiện trong cuộc sống đời thường. Tường tận về ý nghĩa đó, nhà văn Tô Hoài đã đặt hình tượng Mị vào không gian nghệ thuật của Lễ hội mùa xuân Hồng Ngài để khám phá, dẫn dắt và lý giải thế giới khát vọng bên trong nhân vật. Theo đó, nhà văn bắt đầu miêu tả từ chi tiết “Trên đầu núi, các nương ngô, nương lúa gặt xong,…” cho đến hết cảnh Mị bị A Sử trói đứng.

Trước tiên là kể và tả về Hội của người Mông - một thế giới Folklore sống động của mùa xuân Hồng Ngài với điểm nhấn là Đêm tình mùa xuân. Bản chất của Hội là vui chơi với hệ thống trò chơi, trò diễn phong phú, đa dạng, nhưng Tô Hoài không có ý định miêu tả chi tiết một thế giới vui chơi trong đoạn truyện này, mà ông muốn vẽ ra một không gian nghệ thuật hữu ý. Ở đó, có đám đông tham gia là “Trẻ con đi hái bí đỏ, tinh nghịch, đã đốt những lều canh nương để sưởi lửa./ Đám trẻ đợi Tết, chơi quay, cười ầm trên sân chơi trước nhà./ Trai gái, trẻ con…”. Có không gian cộng đồng của “sân chơi trước nhà”, “mỗi đầu làng đều có một mỏm đất phẳng làm cái sân chơi chung ngày Tết”… Có thời tiết vừa quen thuộc vừa cực đoan đặc biệt: “Gió thổi vào cỏ gianh vàng ửng, gió và rét rất dữ dội”. Có sắc màu của “những chiếc váy hoa đã đem ra phơi trên mỏm đá xòe như con bướm sặc sỡ”. Có âm thanh tiếng khèn, sáo, và điệu nhảy đặc trưng của người Mông… Mùa xuân đến, các làng Mèo đỏ đang bước vào thì hưởng thụ, cả về vật chất và tinh thần: “các nương ngô, nương lúa gặt xong,…”, “ngô lúa đã xếp yên đầy các nhà kho”, “cứ ăn Tết khi gặt hái vừa xong, không kể ngày, tháng nào”.

Lễ hội là sự hợp thành của Lễ và Hội. Trong sinh hoạt dân gian, Hội là một sinh hoạt dân dã phóng khoáng, còn Lễ lại là nghi thức có tính quy phạm nghiêm ngặt. Trong tác phẩm, Tô Hoài nhiều lần chú trọng miêu tả Lễ, ở đoạn này, ông miêu tả cả Lễ và Hội nhưng trọng tâm miêu tả là Hội. Về dung lượng, chỉ có ba câu văn tả trực tiếp Lễ cúng ma ngày Tết diễn ra trong không gian nhà thống lý; còn lại là nhiều câu văn dành cho miêu tả Hội (gồm những chi tiết miêu tả mùa xuân về và đêm tình mùa xuân). Về cái nhìn, ông muốn dành một ưu ái cho Hội mùa xuân.

Trong đêm tình mùa xuân, ông tả Hội trước: Ở mỗi đầu làng đều có một mỏm đất phẳng làm cái sân chơi chung ngày Tết. Trai gái, trẻ con ra sân chơi ấy tụ tập đánh pao, đánh quay, thổi sáo, thổi khèn và nhảy.

Đoạn kế tiếp tả Lễ: Cả nhà thống lí Pá Tra vừa ăn xong bữa cơm Tết cúng ma. Xung quanh, chiêng đánh ầm ĩ, người ốp đồng vẫn còn nhảy lên xuống, run bần bật. Vừa hết bữa cơm lại tiếp ngay bữa rượu bên bếp lửa.

Hai đoạn văn gần nhau, tự nó toát lên cái nhìn so sánh của người viết và khơi gợi ý so sánh ở người đọc. Nhìn ở góc độ vật chất, đó là thế giới của nghèo và giàu; nhìn ở góc độ địa vị, đó là thế giới của dân dã và chức sắc; nhìn ở góc độ phong tục, đó là thế giới của bên vui chơi và bên thờ cúng; nhìn từ góc độ tuổi tác, bên thường gắn với trẻ, bên gắn với già; nhìn từ tính chất của hoạt động thì một bên trần tục và một bên linh thiêng. Góc độ nào cũng hợp lý, nhưng có nghĩa lý và liên quan mật thiết với hình tượng Mị, cần chú ý cặp trần tục và linh thiêng. Nhìn từ thân phận Mị, thế giới trần tục ở ngoài kia trở thành thế giới của tự do - thế giới Mị khao khát, thế giới linh thiêng ở trong này biến thành thế giới của giam cầm - thế giới Mị muốn chối bỏ. Miêu tả Lễ ở đoạn này thống nhất với cách miêu tả Lễ trong tác phẩm. Nhận thấy, ở mỗi đoạn miêu tả Lễ (Lễ cúng trình ma đón con dâu mới, Lễ cúng ma bắt vạ A Phủ), Tô Hoài đều thể hiện một nhãn quan nghệ thuật: Lễ là công cụ để giai cấp thống trị thực hiện âm mưu biến con người thành nô lệ cho thần quyền và cường quyền. Thế nên, Lễ trong tác phẩm là thế giới của cái thiêng đã bị bóp méo, của vui chơi bên thuốc phiện, của bóc lột và cầm tù. Ngược lại, thế giới Hội là thế giới của trần tục, của vui chơi dân dã, của hưởng thụ và tự do.

Tô Hoài đã nhìn ra, để khám phá Mị, phải đặt cô ở trong Hội. Vì, từ gốc tích, cô thuộc về thế giới người bình dân, một cô gái con nhà lao động, không sinh ra trong sang giàu, nên đêm xuân ấy chỉ biết “lịm mặt ngồi đấy nhìn mọi người nhảy đồng, người hát, nhưng lòng Mị thì đang sống về ngày trước.” Mị vốn thuộc về thế giới của tự do, nên sau đó, cô có ý định vượt thoát khỏi không gian nhà thống lý, để đi chơi, bước ra thế giới bên ngoài chứ không phải là sống cùng Lễ đón năm mới ở nhà thống lý. Hội trở thành một phép thử, kết quả là phản ứng đa sắc của nhân vật, và phản ứng đỉnh cao chính là hành động sửa soạn đi chơi.  

3. Đến Hội trong thế giới của Mị

Nhìn thế giới và con người trong mối tương quan bền chặt về cấu trúc, thấy, cấu trúc Hội bên ngoài đã để lại tiếng vang của nó ở một cấu trúc bên trong, chính là thế giới của Mị. Có một thế giới Hội mùa xuân ở Hồng Ngài thì cũng có một thế giới Hội xuân đang thức dậy trong lòng Mị.

Hội mùa xuân để lại những tiếng vang đầu tiên trong hành động của Mị. Ngoài đầu núi “có tiếng ai thổi sáo rủ bạn đi chơi” thì Mị cũng “ngồi nhẩm thầm bài hát của người đang thổi”; người uống rượu thì Mị cũng uống rượu; người đem váy hoa “ra phơi trên mỏm đá xòe như con bướm sặc sỡ” thì Mị cũng “quấn lại tóc”, “với tay lấy cái váy hoa vắt ở phía trong vách”; trai gái tụ tập đánh pao, đánh quay thì Mị cũng sửa soạn để đi chơi;… Đó không phải là một miêu tả đơn giản, đó là tổ chức nghệ thuật có dụng ý của nhà văn.

Hội còn để lại tiếng vang ở thế giới bên trong cô Mị. Điểm nhấn được lựa chọn miêu tả là âm thanh tiếng sáo, hơi rượu tỏađám chơi, cuộc chơi. Tiếng sáo xuất hiện 6 lần, trong những trạng thái khác nhau: khi mùa xuân đến, tiếng sáo ngoài đầu núi lấp ló khiến Mị “thiết tha bổi hổi”; khi Mị lén uống rượu và say, tai Mị “văng vẳng tiếng sáo gọi bạn đầu làng”; khi Mị bước vào buồng và nghĩ về tuổi trẻ, về mối quan hệ vợ chồng với A Sử, “tiếng sáo gọi bạn yêu vẫn lửng lơ bay ngoài đường”; khi sửa soạn đi chơi, “trong đầu Mị đang rập rờn tiếng sáo”; bị trói trong bóng tối Mị “vẫn nghe tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi, những đám chơi”; chi tiết cuối cùng về tiếng sáo khi Mị lúc mê lúc tỉnh là một câu đơn đặc biệt: “Tiếng sáo.” Rượu được nhắc đến ba lần: lần đầu lúc Mị uống say “cứ uống ực từng bát”, lần hai khi bị trói “hơi rượu còn nồng nàn”, lần ba “hơi rượu tỏa” lúc Mị nồng nàn tha thiết nhớ trong đêm bị trói. Và rất nhiều những biến thể của chơi, như “muốn đi chơi”, “sắp đi chơi”, “những cuộc chơi”, “những đám chơi”… Như vậy, qua miêu tả của nhà văn, mỗi hình ảnh vừa mang ý nghĩa thực, lại vừa mang ý nghĩa tâm lý - biểu tượng. Sáo là âm thanh hiện tại, đồng thời hiện diện cho quá khứ; rượu làm nên cơn say thể xác, nhưng cũng là cái nồng nàn tha thiết của trái tim; chơi là nhu cầu vật chất nhưng chơi còn gắn với những ý niệm tinh thần.


Ảnh: Nguồn internet

4. Và sự soi chiếu nhau của hai thế giới

Ở trên là hai cấu trúc tương đồng trong đoạn Đêm tình mùa xuân - Hội xuân Hồng Ngài với Hội xuân trong lòng Mị. Thế giới bên ngoài là một vũ trụ lớn, thì con người trong thế giới ấy là một tiểu vũ trụ. Quy luật của thế giới này soi chiếu quy luật của thế giới kia. Vậy, điều sâu kín mà Tô Hoài gửi gắm trong thế giới Đêm tình mùa xuân là gì?

Mị và trạng thái thiêng

Lễ hội thường ngắn ngủi nhưng lại được xem như là những khoảnh khắc thăng hoa của cuộc sống, ở đó con người thức tỉnh về cả ý thức và cảm xúc, sống với thế giới mơ của mình - gọi là trạng thái thiêng. Mị đang ở trong thế giới nhà thống lý - thế giới từ thiêng liêng đã hóa tục, và có một thế giới trần tục ở ngoài kia đã hóa thành thiêng liêng. Muốn vượt thoát, Mị phải ở trong trạng thái thiêng ấy. Có hai “chất dẫn” mạnh giúp Mị sống trong khoảnh khắc đó, chính là rượu và sáo. Rượu, Mị mượn ở thế giới của Lễ; sáo, Mị nghe từ thế giới của Hội. Rượu Mị tìm đến. Sáo tìm đến Mị. Một yếu tố có tính vật chất, một yếu tố có tính tinh thần, nhưng đều có tác động mạnh đến tâm lý - tình cảm của nhân vật.  

Trong trạng thái thiêng của Hội, người tham gia thường nảy sinh hai cảm hứng: sáng tạo và hưởng thụ. Sáng tạo và hưởng thụ được thực hành trong những hành động hát, múa, nhảy, nghe, tán thưởng, đồng cảm,… Và như vậy, cô Mị có đủ cả sáng tạo và hưởng thụ: cô “nhẩm thầm bài hát của người đang thổi”, cô nghe tiếng sáo, tưởng tượng về tiếng sáo, và cảm xúc nhớ nhung, bổi hổi, thiết tha dâng lên trong lòng từ tiếng sáo…

Mị và nhu cầu hưởng thụ

Hưởng thụ trong Hội là một nhu cầu chính đáng, một nhu cầu văn hóa, không mang nghĩa tiêu cực. Với Mị, có lẽ cần nói về hưởng thụ nhiều hơn sáng tạo, bởi đây là giá trị đã mất, nay nó trở lại để bù đắp. Và sự bù đắp làm cho hưởng thụ có diện mạo đủ đầy. Vì đã mất tuổi trẻ nên giờ đây cô nghĩ “Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ.” Vì đã mất tự do nên Mị khao khát tự do, nhìn lại cuộc sống hiện tại bị cầm tù của mình mà khóc. Vì đã mất tình yêu, nên Mị lúc ấy mới thấy rõ “A Sử với Mị, không có lòng với nhau mà vẫn phải ở với nhau”. Trong miêu tả của nhà văn, những ý niệm của Mị về tuổi trẻ, tự dotình yêu được láy đi láy lại dưới nhiều hình thức diễn đạt khác nhau, biến thành một dòng ngôn ngữ nội tâm chảy trôi mãnh liệt.

Hưởng thụ đến trong nghĩ suy, hưởng thụ cũng mau chóng thôi thúc hành động. Kí ức của một thời tài hoa, thổi sáo giỏi, có nhiều người mê giờ đây không sở hữu được nữa, nhưng vẫn có cách làm cho nó hữu hình, đó là cách sửa soạn để đi chơi. Trước khi đi chơi, cô thắp sáng gian buồng tối, quấn tóc, với tay lấy váy hoa, áo… Đó là cách hưởng thụ của một người phụ nữ để cảm thấy mình đẹp, dù thực tế có lẽ không còn trẻ đẹp như xưa, để có thể tự tin bước vào những cuộc chơi, đám chơi. Hành động đi chơi bị A Sử dập tắt, nhưng cách nhà văn nói đến chuyện chơi, sự lặp lại ý nghĩ đó trong tâm trí nhân vật đã cho thấy Mị - con người chỉ biết nghĩ mình như con trâu, con ngựa - đã thức tỉnh về lao động và nghỉ ngơi, về bóc lột và hưởng thụ.

Hưởng thụ cao nhất: tình yêu

Nếu hiểu “những cuộc chơi, những đám chơi” thuộc về thế giới của hưởng thụ, thì chơi cũng có ý nghĩa vật chất và tinh thần của nó. Chơi là trạng thái cơ thể được vận động thoải mái, tinh thần thư giãn, được làm những điều như mong muốn. Nhưng chơi còn có ý nghĩa văn hóa thú vị gắn với đêm tình mùa xuân ở Hồng Ngài và những đêm tình mùa xuân trong kí ức của Mị, đó là cuộc chơi - cuộc tình, đám chơi tìm bạn tình. Câu hát về quả pao là câu hát Mị nhớ nhất về thời trẻ, cứ láy đi láy lại như một điệp khúc ám ảnh, nhắc nhớ những cuộc chơi Mị đã bị đánh mất thời trẻ: “Anh ném pao, em không bắt/ Em không yêu, quả pao rơi rồi…”, đến lúc đã bị trói vẫn là câu hát ấy nối tiếp “Em không yêu, quả pao rơi rồi. Em yêu người nào, em bắt pao nào…”.

Câu hát trong Đêm tình mùa xuân được miêu tả gắn với tiếng sáo. Sáo, tự nó đã tỏa ra một ý nghĩa tinh thần đặc biệt - biểu tượng đẹp về tình yêu. Điều này dường như không xa lạ trong văn hóa của người Mông. Sáo là nhạc cụ “linh hồn” của người Mông, giúp họ chở tải những bài dân ca say đắm của dân tộc mình, được phô diễn trong những dịp lễ hội, đặc biệt là hội Gầu tào (đón năm mới). Khảo sát ngôn từ của đoạn Đêm tình mùa xuân, thấy rằng, tiếng sáo hầu hết đều gắn với các ý niệm về yêu như “lấp ló đã có tiếng ai thổi sáo rủ bạn đi chơi”; Mị nhẩm thầm bài hát của người đang thổi “Ta không có con trai con gái/ Ta đi tìm người yêu”; “Tai Mị văng vẳng tiếng sáo gọi bạn đầu làng”; “Ngày trước… Có biết bao nhiêu người mê, ngày đêm đã thổi sáo đi theo Mị”; “Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ… Bao nhiêu người có chồng cũng đi chơi ngày Tết. Huống chi A Sử với Mị, không có lòng với nhau mà vẫn phải ở với nhau (ý thức cao nhất về tình yêu - và thứ không phải tình yêu)… Mà tiếng sáo gọi bạn yêu vẫn lửng lơ bay ngoài đường”. Như thế, âm thanh tiếng sáo dẫn Mị đến với thế giới tinh thần cao nhất, kiểu hưởng thụ tinh thần cao nhất: tình yêu. Mị từng được yêu và giờ đây Mị lại muốn yêu.

Sáo, không đơn giản chỉ là một nhạc cụ. Sáo là một biểu tượng nghệ thuật, một giá trị tinh thần mạnh mẽ mà người Mông đã lựa chọn để chở tải những ước mơ, những say đắm trong một thực tại còn nhiều đau khổ. Sáo trở thành “chất dẫn thiêng” để đưa con người đến với “vùng đất thiêng”, ở đó lấp lánh vẻ đẹp của những trái tim khát yêu, khát sống. Còn ai hiểu về tâm hồn ấy của người Mông hơn Tô Hoài? Tài tình, khi ông đã bắt được linh hồn của mùa xuân Hồng Ngài để rồi ngay từ đầu nảy ra tên gọi “Đêm tình mùa xuân” hết sức tự nhiên, như gọi tên một cô gái mới lớn đang sửa soạn bước vào cuộc yêu đầu đời.

5. “Vì có tình yêu nên có lễ hội”

Câu nói của nhạc sĩ tài danh họ Trịnh, một tâm hồn hiểu nhạc, hiểu đời, hiểu yêu, phải chăng gợi nhắc chúng ta về một ứng xử: hãy lấy tình yêu để làm nên Lễ hội, hãy lấy Lễ hội để nuôi dưỡng tình yêu. Đời người là Lễ hội lớn nhất rồi! Hãy sống cuộc đời này như sống hết một Lễ hội, để biết trân quý từng giây thiêng liêng mà chúng ta may mắn được có. 

Tác giả: Trần Chinh Dương - Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn

Tổng số điểm của bài viết là: 40 trong 8 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 8 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập79
  • Máy chủ tìm kiếm12
  • Khách viếng thăm67
  • Hôm nay21,076
  • Tháng hiện tại214,687
  • Tổng lượt truy cập136,566,500
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi