banner

GDTH - Phát triển vốn từ vựng tiếng Việt của học sinh dân tộc thiểu số thông qua sáng tác truyện, làm cây từ vựng, vẽ tranh khổ lớn

Thứ năm - 16/03/2017 23:39
Quá trình phát triển ngôn ngữ (nghe, nói, đọc, viết) của một người bắt đầu từ khi ở trong bụng mẹ đến hết cuộc đời. Trong đó "học nghe từ 0 tuổi, học nói từ 1 tuổi, học đọc và viết từ 6 tuổi". Theo các nghiên cứu gần đây, "trẻ em cần ít nhất 12 năm để có thể hiểu và đọc được, viết được ngôn ngữ mẹ đẻ của mình một cách thành thạo".
Nghị quyết 40/2002/NQ-QH của Quốc Hội khóa IX về đổi mới giáo dục phổ thông đã khẳng định: tiếng Việt là ngôn ngữ phổ thông được đưa vào dạy học thống nhất trong hệ thống giáo dục quốc dân. Tiếng Việt trong nhà trường tồn tại với hai tư cách: vừa là một môn học vừa là công cụ giao tiếp, học tập của học sinh. Do đó, "trình độ tiếng Việt (vốn từ, kiến thức về tiếng Việt và kỹ năng sử dụng vốn từ trong học tập, giao tiếp) có vai trò và ảnh hưởng rất quan trọng đối với khả năng học tập các môn học của học sinh".

Với các học sinh (HS) người Kinh, từ khi tập nói lúc một hai tuổi các em đã được tiếp xúc với tiếng Việt tại gia đình. Đến tuổi nhà trẻ, mẫu giáo, các em vẫn được sống trong môi trường giao tiếp tiếng Việt. "Khi vào bậc tiểu học, các em đã có vốn khoảng 4000 đến 4500 từ với các cấu trúc câu cơ bản" vậy mà học tiếng Việt và các kiến thức bằng tiếng Việt vẫn còn có khó khăn. 

Đối với HS người dân tộc, việc tiếp thu kiến thức và kỹ năng bằng tiếng Việt là hoàn toàn mới và vô cùng khó bởi tiếng mẹ đẻ của các em và tiếng Việt là hai ngôn ngữ khác nhau. Tiếng Việt là tiếng phổ thông nhưng vẫn là ngôn ngữ thứ hai. Các em chỉ tiếp xúc với tiếng Việt chủ yếu trong các giờ học và các kiến thức trong chương trình sách giáo khoa. Chính vì vậy nên chất lượng học tập không cao. "Kết quả dạy học tiếng Việt lớp 1 cho HS dân tộc ở một số địa phương rất thấp. Cụ thể, số HS của tỉnh Hà Giang đạt trung bình là 48% và yếu là 22%; số HS của tỉnh Đăk Nông đạt trung bình: 33%, yếu: 16%; số HS của tỉnh Gia Lai đạt trung bình: 33%, yếu: 16%..." 

Trong giao tiếp và tư duy, vốn từ là vật liệu. Mác nói: "Ngôn ngữ là vỏ hiện thực của lời nói và tư duy". Không đủ vốn từ hay vốn từ không được tích cực hóa thì không thể hiểu được ý của người khác nói, không thể diễn đạt được điều mình muốn nói cho người khác hiểu được. 

Vốn từ tồn tại bao hàm cả 3 thành tố: vỏ âm thanh, ký tự và ý nghĩa của nó. Ví dụ: khi diễn đạt một sự vật có ý nghĩa là vật dùng để viết, vỏ âm thanh của nó là "cái bút" chứ không phải là "cái bít". Nếu nói "cái bít", viết "cái bít" thì người nghe, người đọc không hiểu nó là cái gì!

Muốn có vốn từ phong phú, phải tích cực hóa vốn từ, nghĩa là phải huy động, sử dụng nó một cách tích cực nhất trong các hoạt động giao tiếp.

Bộ GD&ĐT xác định nâng cao chất lượng dạy học tiếng Việt cho HS dân tộc thiểu số cấp Tiểu học là một nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số nên đã ra các công văn chỉ đạo chỉ đạo cụ thể (số 7679/BGD&ĐT-GDTH ngày 22/8/2008; số 8114/BGD&ĐT-GDTH ngày 15/9/2009; số 145/TB-BGD&ĐT ngày 02/4/2010) và mở nhiều lớp tập huấn dạy học tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số cho cả cán bộ quản lý các cấp và giáo viên. Trong các phương pháp, phương pháp "Trực quan hành động" là ưu việt nhất. 

Thuật ngữ "Trực quan hành động" (TQHĐ) là cụm từ được dịch ra tiếng Việt từ tên gọi Total Physical Response (TPR), một phương pháp dạy học thông qua hành động. Phương pháp này rất hiệu quả đối với người bắt đầu học một ngôn ngữ mới (ngoài tiếng mẹ đẻ), cho phép người học tiếp thu ngôn ngữ mới một cách dễ dàng và tự nhiên mà không bắt buộc phải quá tập trung hay căng thẳng. 

"Tiến sĩ James J. Asher của trường Đại học Cambridge (nước Anh) đã đưa ra phương pháp TPR từ những năm 1960 và sau đó phương pháp này được áp dụng rộng rãi và hiệu quả ở nhiều nước trên thế giới. Với phương pháp này, người học được sử dụng tích cực các giác quan và vận động của cơ thể trong suốt quá trình tham gia vào hoạt động học tập và thực hành ngôn ngữ mới. Các kỹ năng nghe - quan sát - phản hồi (bằng hành động của cơ thể) được sử dụng hiệu quả trong quá trình học tập. Phương pháp này giúp giáo viên và học sinh có thể áp dụng một cách linh hoạt, sáng tạo các hoạt động dạy và học để đạt được những giờ học thực sự tích cực".

Phương pháp Trực quan hành động (TQHĐ) có 4 loại cơ bản: "TQHĐ với cơ thể: học ngôn ngữ thông qua hoạt động với các vận động cơ bản của cơ thể" và được áp dụng khi học sinh bắt đầu tiếp xúc với ngôn ngữ mới ở những giờ học đầu tiên, các em học sử dụng ngôn ngữ mới với các thao tác vận động của chính cơ thể mình.

"TQHĐ với đồ vật: học ngôn ngữ thông qua hoạt động với các đồ vật" và được áp dụng khi học sinh sử dụng vốn từ vựng học được để áp dụng vào việc thực hiện hành động với đồ vật xung quanh, sau khi nắm được các từ vựng chỉ vận động cơ bản của cơ thể.

"TQHĐ với hình ảnh: học ngôn ngữ thông qua hoạt động với hình ảnh", nghĩa là sử dụng tranh ảnh (vẽ hình ảnh hoặc tranh ảnh có sẵn) theo chủ đề, thông qua hoạt động vẽ tranh, làm cây từ vựng để phát triển vốn từ vựng tiếng Việt.

"TQHĐ với các câu chuyện: học ngôn ngữ thông qua hoạt động với nội dung các câu chuyện". HS có thể kể lại các câu chuyện cũ hoặc sáng tác truyện mới theo cách thức diễn lại các hành động của các nhân vật trong câu chuyện và có thể tự kể lại chuyện với nhiều từ ngữ sinh động, có thể rút ngắn, hoặc kể thêm với những đoạn mới hoặc sáng tác truyện mới với vốn từ tiếng Việt phong phú. Các câu chuyện sẽ làm các em hứng thú và hiểu sâu hơn nghĩa các từ. 

Hai loại TQHĐ đầu dành cho HS dân tộc thiểu số mới học tiếng Việt. Khi các em đã có một số vốn từ tiếng Việt, chúng ta áp dụng hai loại TQHĐ sau là TQHĐ với hình ảnh và TQHĐ với các câu chuyện với nhiều hình thức như vẽ tranh khổ lớn, làm cây từ vựng hoặc sáng tác truyện... với mục đích là làm giầu vốn từ vựng tiếng Việt cho HS dân tộc thiểu số, giúp các em hòa nhập với môi trường giáo trường phổ thông và có thể tự tin giao tiếp bằng tiếng Việt. 

Các tranh ảnh khổ lớn theo các chủ đề: có thể dùng tranh vẽ, ảnh màu hoặc đen trắng về cảnh vật, hình ảnh, hoạt động phổ biến tại địa phương. Ví dụ: sinh hoạt tại gia đình, chợ, sân trường, cảnh làng quê, các tụ điểm công cộng, các ngày lễ hội hay những sự kiện lớn, cảnh mọi người đang làm việc trong vườn hay trên cánh đồng...Những tranh ảnh này không yêu cầu cao về mặt nghệ thuật, nhưng yêu cầu phải có kích thước lớn (A3, A4) để đảm bảo học sinh dễ quan sát từ nhiều góc độ. Nên tập trung vào việc chỉ ra con người và các hoạt động, cây cối, địa điểm, động vật...Giáo viên có thể tô màu cho bức tranh, do vậy người trong bức tranh nên mặc những bộ quần áo với màu sắc quen thuộc của cộng đồng. Các thẻ tranh về đồ vật, người hoặc động vật đang trong một tư thế hành động nào đó (ngủ, ngồi, đi bộ, chạy...). Xây dựng một bộ cho mỗi nhóm nhỏ trong lớp. Càng nhiều thẻ tranh càng tốt. Giáo viên cũng có thể làm các thẻ từ hoặc thẻ câu để sử dụng cùng với thẻ tranh sử dụng trong các trò chơi với ngôn ngữ mới. 

Ví dụ: Từ bức tranh "Lễ hội nhảy lửa" HS có thể phát triển khá nhiều vốn từ vựng tiếng Việt như: "Người", "dân tộc Dao", "đàn ông", "đàn bà", "trẻ em", "củi", "lửa", "cái ô", "cái gùi", "cái chiêng", "cái cột", "con chó", "nhảy", "múa", "bó củi"...

Tranh được sử dụng từ dễ đến khó, từ chỉ các nhân vật trong tranh đến vẽ lại tranh và di chuyển tranh. Ví dụ: Sử dụng tranh và ghi chú diễn giải các tranh: trường học, nhà, trạm xá, cánh đồng, bạn Lử, bạn Páo, bạn Lở, bạn Mẩy... Sau đó treo các tranh xung quanh lớp học, yêu cầu HS vừa chỉ các tranh vừa đọc ghi chú; làm theo các tư thế của nhân vật trong tranh (đi, chạy, ngồi...) và cuối cùng yêu cầu học sinh di chuyển tranh theo lệnh: Lử chạy đến trạm xá; rủ bạn Páo đi về nhà; Mẩy đi tìm bạn Lở ở trường và rủ bạn đến chợ. Hoặc giới thiệu các tranh: "Đây là một cậu bé đang đi xe đạp. Đây là một người đàn ông đang lái ôtô. Các em hãy chỉ cho cô giáo và các bạn xem cậu bé đang đi xe đạp nào!"; "Hãy vẽ lại bức tranh cậu bé đi xe đạp!"; "Hãy di chuyển tranh để cậu bé đạp xe từ nhà đến trường!"...


Qua việc sử dụng tranh, HS dân tộc thiểu số sẽ dễ dàng nhớ và khắc sâu các từ mới.

 
"Cây từ vựng" là kỹ thuật phổ biến để tạo môi trường thuận lợi cho HS học từ vựng và ngôn ngữ, giúp học sinh tiếp xúc với các từ vựng cần học nhiều lần hơn.

Cây từ vựng được giáo viên bài trí đẹp và khoa học trong không gian lớp học để tăng cường sự tiếp xúc của HS với các từ vựng quan trọng của bài học trong ngày (hoặc trong tuần, trong chủ đề), làm cho việc học từ và ngôn ngữ gắn với sinh hoạt thường xuyên ở lớp và gắn với cuộc sống. "Cây từ vựng" gồm các từ theo chủ điểm đang học có thể được bố trí theo quan hệ các từ (hoặc cụm từ) có quan hệ Toàn bộ/Bộ phận, có quan hệ Nhân-quả, có cùng vần (hoặc cùng âm), hoặc từ đồng âm, hoặc đồng nghĩa (trái nghĩa), từ cùng chủ đề (gần nghĩa), hay là xếp theo thứ tự chữ cái... tuỳ theo cách lựa chọn của giáo viên và HS. Ví dụ khi học đến chủ đề thực vật trong môn Tự nhiên - Xã hội, giáo viên có thể hướng dẫn HS làm cây từ vựng: "Cây" gồm có: "Thân, rễ, lá, hoa, quả". Trong "Thân" lại có: "Thân cỏ, thân gỗ"; trong "Thân gỗ" lại có: "Cây xoan, cây mít....". Một ví dụ khác, khi học bài "Bàn tay mẹ", giáo viên có thể hướng dẫn cho HS làm Cây từ vựng như các ảnh dưới đây:

Sau khi làm được một "Cây từ vựng", trang trí ở một góc lớp, HS vừa nhớ được các từ mới, hiểu nghĩa các từ đó, lại vừa xâu chuỗi được các kiến thức khoa học trong chủ đề.
 
 
Tranh theo chủ điểm "Bàn tay mẹ"
 
Sáng tác truyện là phương pháp tốt nhất, cũng đòi hỏi trình độ tiếng Việt của HS dân tộc ở mức cao để có thể phát huy tính sáng tạo của các em. HS được đọc truyện (hoặc nghe cô giáo đọc), cô đặt những câu hỏi ngắn gọn liên quan đến câu chuyện (nhằm mục đích giới thiệu từ mới và phát triển kỹ năng giao tiếp cho các em) giúp cho học sinh hiểu câu truyện. Khi các em đã sẵn sàng, giáo viên đặt các câu hỏi mở và gợi ý cho HS trả lời đầy đủ rồi mới yêu cầu các em kể lại câu chuyện đã đọc (HS có thể kể theo giọng kể của tác giả hoặc đóng vai nhân vật khi kể). Giáo viên gợi mở để HS nói xem thích nhân vật nào, tình tiết nào và hướng dẫn các em bảo vệ ý kiến của mình trước người khác và mức độ cao nhất là kể lại (viết lại) câu chuyện theo ý mình. 

Thông qua việc sáng tác truyện, làm cây từ vựng hoặc vẽ tranh khổ lớn, học sinh dân tộc thiểu số được vừa học vừa chơi. Việc tư duy trừu tượng để nhớ từ, hiểu nghĩa từ tiếng Việt được gắn liền các hoạt động trực quan sinh động nên nhớ sâu, từ vỏ âm thanh, ký tự và hiểu rõ ý nghĩa của từ. Việc diễn đạt lại câu chuyện theo ý mình (hay sáng tác truyện mới), trình bày Cây từ vựng hoặc vẽ tranh khổ lớn đòi hỏi HS dân tộc phải sáng tạo và sử dụng nhiều từ tiếng Việt, các em sẽ hứng thú và tự tìm hiểu, học hỏi từ mới. Từ đó vốn từ tiếng Việt của các em sẽ phát triển nhanh, tốt và phong phú, các em dễ dàng hòa nhập với môi trường giáo dục phổ thông và sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt để tư duy học tập và giao tiếp.

Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 4.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập181
  • Máy chủ tìm kiếm13
  • Khách viếng thăm168
  • Hôm nay30,784
  • Tháng hiện tại721,493
  • Tổng lượt truy cập136,173,862
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi