banner

GDTX&CN: Thí sinh cần biết 10 điểm nổi bật của Quy chế kì thi THPT quốc gia năm 2015

Thứ năm - 05/03/2015 03:07
Ngày 26 tháng 02 năm 2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế kì thi THPT quốc gia năm 2015, kèm theo Thông tư số 02/2015/TT-BGDĐT, theo đó quy định nhiều điểm đổi mới đối với thí sinh. Sau đây là 10 điểm nổi bật của Quy chế:
1. Thi tối đa 8 môn

Kỳ thi THPT quốc gia sẽ tổ chức thi 08 môn: Toán, Ngữ Văn, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ.

Thí sinh có quyền đăng ký thi cả 08 môn để có thêm nhiều cơ hội xét tuyển ĐH, CĐ. Nhưng để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh phải thi 04 môn (tối thiểu), gồm 03 môn thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ) và 01 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn thi còn lại.

Thí sinh đã tốt nghiệp THPT từ các năm trước dự thi để được xét tuyển sinh ĐH, CĐ phải thi đủ số môn theo yêu cầu tuyển vào ngành đào tạo do trường ĐH, CĐ quy định.

2. Miễn thi và thay thế môn ngoại ngữ

Riêng đối với môn Ngoại ngữ, thí sinh là thành viên đội tuyển quốc gia dự thi Olympic Quốc tế môn Ngoại ngữ theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, thí sinh có các chứng chỉ Quốc tế có uy tín theo quy định tại Công văn số 6031/BGDĐT-KTKĐCLGD ngày 23-10-2014 sẽ được miễn thi môn Ngoại ngữ để xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Thí sinh được miễn thi môn Ngoại ngữ được nhận điểm tối đa môn Ngoại ngữ (điểm 10) khi xét công nhận tốt nghiệp THPT; điểm quy đổi này được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Thí sinh không được học môn Ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng được chọn môn thi thay thế môn Ngoại ngữ trong số các môn tự chọn. Giám đốc sở GD-ĐT quyết định và báo cáo Bộ GD-ĐT.

3. Miễn thi tất cả các môn

Quy chế quy định miễn thi tất cả các môn của kỳ thi THPT quốc gia đối với người đã tham gia kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế hoặc Olympic khu vực các môn văn hóa nếu đáp ứng các điều kiện sau: được triệu tập vào học kỳ 2 lớp 12; xếp loại cả năm lớp 12: hạnh kiểm loại tốt, học lực từ loại khá trở lên; có tên trong danh sách miễn thi của Bộ GD-ĐT.

Tương tự, miễn thi tất cả các môn của kỳ thi THPT quốc gia trong đội tuyển tham gia các cuộc thi Olympic quốc tế hoặc khu vực về khoa học kỹ thuật, thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ nếu đáp ứng các điều kiện sau: được triệu tập vào học kỳ 2 lớp 12; xếp loại cả năm lớp 12: hạnh kiểm và học lực từ loại trung bình trở lên; có tên trong công văn đề nghị miễn thi và xác nhận tham dự tập huấn và dự thi đúng quy định của cơ quan tuyển chọn gửi đến sở GD-ĐT trước ngày thi THPT quốc gia.

Ngoài ra, Bộ GD-ĐT quy định miễn thi cả bốn môn thi để xét tốt nghiệp đối với người khuyết tật đặc biệt nặng và người khuyết tật nặng theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012 của Chính phủ; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên; con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, bản thân bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.

4. Hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi trước ngày 30/4/2015

Học sinh lớp 12 nộp phiếu đăng ký dự (ĐKDT) thi tại nơi đang học là các trường THPT hoặc trung tâm giáo dục thường xuyên trước ngày 30/4/2015. Thí sinh tự do có thể gửi hồ sơ ĐKDT tại các điểm do sở GD-ĐT quy định.

Hiệu trưởng trường THPT, Giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc nơi thí sinh nộp phiếu ĐKDT tổ chức xét duyệt hồ sơ ĐKDT; chậm nhất trước ngày thi 20 ngày phải thông báo công khai những trường hợp không đủ điều kiện dự thi.

5. Đăng ký thi theo cụm

Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia sẽ đăng ký thi theo cụm. Cụm thi cho các thí sinh dự thi lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT, xét tuyển ĐH, CĐ sẽ có thí sinh của ít nhất hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Cụm thi này do trường ĐH chủ trì.

Cụm thi do các thí sinh dự thi chỉ để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT sẽ tổ chức thi tại trường hoặc liên trường phổ thông của tỉnh, do sở GD-ĐT chủ trì. Tham gia coi thi, chấm thi là cán bộ, giảng viên ĐH, CĐ và giáo viên THPT do các trường ĐH và các sở GD-ĐT phối hợp điều động.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT sẽ thành lập ban chỉ đạo thi THPT quốc gia (gọi tắt là ban chỉ đạo thi quốc gia) và Chủ tịch UBND tỉnh thành lập ban chỉ đạo thi cấp tỉnh. Thủ trưởng đơn vị chủ trì cụm thi quyết định thành lập hội đồng thi.

6. Đề thi tăng câu hỏi mở

Đề thi trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 sẽ được xây dựng căn cứ vào chương trình THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12; đảm bảo phân loại được trình độ của thí sinh, vừa đáp ứng yêu cầu cơ bản (để tốt nghiệp THPT) và yêu cầu nâng cao (để tuyển sinh ĐH, CĐ); đảm bảo tính chính xác, khoa học và tính sư phạm.

Lời văn, câu chữ phải rõ ràng; đề thi tự luận phải ghi rõ số điểm của mỗi câu hỏi; trong một kỳ thi, mỗi môn thi có đề thi chính thức và đề thi dự bị với mức độ tương đương; mỗi đề thi có hướng dẫn chấm, đáp án kèm theo.

Đề thi trong kỳ thi THPT quốc gia sẽ tiếp tục ra theo hướng đánh giá năng lực người học, tăng mức yêu cầu vận dụng, các câu hỏi mở, giảm yêu cầu thuộc lòng, ghi nhớ máy móc hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn.

7. Thang điểm 10

 Bộ GD-ĐT quyết định giữ thang điểm 10 trong quy chế thi THPT quốc gia để tránh xáo trộn, ảnh hưởng đến tâm lý của thí sinh. Theo đó, điểm của bài thi tự luận và bài thi trắc nghiệm đều được quy về thang điểm 10; điểm lẻ có thể đến 0,25; không quy tròn điểm.

8. Điểm liệt trong xét tốt nghiệp THPT là 1,0

Theo quy chế tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, thí sinh đạt 1,0 điểm/bài thi trở xuống, thí sinh bị kỷ luật hủy bài thi đối với một trong số các môn thi tối thiểu đã đăng ký sẽ không đủ điều kiện xét tốt nghiệp THPT. Như vậy, mức điểm liệt của kỳ thi THPT quốc gia là 1,0.

9. Thí sinh có quyền phúc khảo bài thi

Mọi thí sinh đều có quyền xin phúc khảo bài thi và phải nộp lệ phí phúc khảo theo quy định. Theo đó, sở GD-ĐT nhận đơn xin phúc khảo của thí sinh trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày công bố điểm thi và chuyển dữ liệu thí sinh xin phúc khảo bài thi đến hội đồng thi. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết hạn nhận đơn phúc khảo, hội đồng thi phải công bố kết quả phúc khảo.

10. Xét tốt nghiệp THPT: 50% điểm xét học bạ

Theo quy chế thi THPT quốc gia, các sở GD-ĐT có nhiệm vụ xét công nhận tốt nghiệp THPT cho các thí sinh dự thi. Việc xét tốt nghiệp dựa trên kết quả bốn môn thi tối thiểu và điểm trung bình cả năm lớp 12. Như vậy, điểm tốt nghiệp của mỗi thí sinh sẽ được tính:

Điểm xét tốt nghiệp = {(Tổng điểm bốn môn thi + điểm khuyến khích (nếu có) : 4) + điểm trung bình các môn lớp 12 + điểm ưu tiên (nếu có)} : 2.

Thí sinh đủ điều kiện dự thi, không có bài thi nào từ 1,0 điểm trở xuống được xét công nhận tốt nghiệp và được cấp chung một loại bằng tốt nghiệp THPT.
 

Nguồn tin: Trường PTDTNT THPT huyện Điện Biên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập244
  • Máy chủ tìm kiếm22
  • Khách viếng thăm222
  • Hôm nay17,669
  • Tháng hiện tại789,750
  • Tổng lượt truy cập135,268,043
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi