banner

GDTrH – Tâm sự chuyến đi Mường Nhé….

Thứ hai - 30/09/2013 21:22
Dienbien.edu.vn - Tôi đi Mường Nhé! Cái thông tin nằm gọn lỏn trong tám con chữ ấy tưởng chừng như đơn giản nhưng lại là một điều ngạc nhiên đối với biết bao nhiêu người. Chỉ vì người ta không tin rằng một người ốm nhóc gầy còm như tôi lại có thể đi vào tận cái nơi địa đầu của Tổ quốc.
Mặc ai nói gì tôi vẫn chỉ cười và quyết tâm chuẩn bị sức khỏe cho chuyến đi. Thế là tôi đi. Bốn cô trò trên hai chiếc xe máy bắt đầu xuất phát từ thành phố Điện Biên Phủ lúc 7 giờ 30 phút. Bạn có biết không? Cái tâm trạng được đi công tác, vâng chính xác là đi công tác với tôi nó chộn rộn và khó tả vô cùng. Đã gần hai năm rồi, trừ 15 ngày ôn và thi tuyển sinh cao học cộng với 4 ngày đi khai giảng các trường bạn, tôi chưa hề được bước chân đi đâu ngoài cái cổng cong xinh đẹp của ngôi trường nơi tôi đang công tác.

Trời bắt đầu mưa, những dải mưa rơi theo chiều thẳng đứng ướt cả hai lần áo mưa tôi mặc. Vậy mà cô trò tôi vẫn mải miết đi, không chịu trú mưa một lần nào.

Em nói với tôi “Cô à, đây vẫn là đoạn đường dễ đi nhất đấy khi nào cô mệt cô bảo em nhé”.  Giá mà em biết được tâm trạng của tôi lúc đó. Tôi chưa hề mệt đâu, chỉ thấy loang loáng trước mắt mình những màn mưa trắng xóa và niềm vui khi đi dưới trời mưa như vậy.

Ra khỏi thị trấn huyện Mường Chà, đường đi không còn dễ nữa, trời cũng chẳng còn mưa mà lại nắng.... Cái kiểu thời tiết lúc mưa, lúc nắng ấy khiến tôi bắt đầu ngấm mệt. Lưng bắt đầu thấy mỏi rã rời nhưng tôi vẫn bị hút hồn bởi cảnh đẹp bên đường. Mùa này chẳng còn hoa ban, cũng chẳng thấy cúc quỳ của tôi nở rộ mà chỉ là những chùm hoa dại màu vàng thả từng dây, từng dây bên những hàng cây ven đường. Núi không cao mà thoai thoải đứng phơi mình trong nắng trong mưa...

12 giờ 30 cô trò tôi đến Chà Nưa. Ăn cơm và nghỉ lại một lúc tại nhà của thầy giáo Hiệu trưởng trường THCS Chà Nưa. Có đi xa nhà, đến những nơi như thế này mới biết đồng nghiệp mình đã sống và làm việc như thế nào. Một căn nhà lợp mái Pro xi măng, vách bằng gỗ lỗ chỗ những kẽ hở bằng bàn tay, bằng tờ giấy, tôi chợt  nhớ tới căn buồng Mị trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ nằm chỉ có một lỗ vuông bằng bàn tay nhìn ra chỉ thấy mờ mờ trăng trắng không biết là sương hay là nắng trong bài giảng hôm nào của mình, còn nhà của đồng nghiệp tôi thì nhìn qua vách thấy hẳn một khoảng trời.
 
Trẻ 5 tuổi ở điểm bản Mường Nhé (minh họa của Ban biên tập).
 
Thấy tôi cứ mải nhìn lên những bức vách, vợ thầy giáo nói “Chúng em quen rồi chị ạ. Mùa hè như thế lại thấy mát chỉ mùa đông là lạnh một chút thôi”. Tự nhiên tôi thấy mắt mình mờ đi, sống mũi cay xè.... Đồng nghiệp của tôi sống như vậy đấy. Cuộc sống gian khổ đã làm cho họ cứng cỏi hơn so với tuổi của mình những cũng không làm mất đi được vẻ lạc quan yêu đời của những người trẻ tuổi. Và vượt lên trên tất cả vẫn là những thành công trong cuộc sống, trong công việc; một gia đình hạnh phúc với hai đứa con trai, gái khỏe mạnh; những bằng khen của Ủy ban nhân dân tỉnh, giấy khen của Ủy ban nhân dân huyện, của Sở về sự cố gắng và thành công của họ trong những năm qua. Điều đó làm cho tôi thấy cảm phục họ hơn rất nhiều. Giữa núi rừng mờ sương, giữa gian khó bộn bề, họ vẫn là những người ngày đêm âm thầm gieo hạt cho sự sống, cho tình yêu thương nảy mầm ở mảnh đất tưởng như khô cằn vì nắng hạn này.

Tạm biệt họ cô trò tôi lại tiếp tục cuộc hành trình. Đoạn đường từ Chà Nưa đi vào trung tâm huyện mỗi lúc một khó đi, nó gập gềnh khúc khuỷu lượn vòng nhấp nhô lúc như sợi dây thừng vắt ngang sườn núi, lúc lại như những ngọn sóng hình sin dập dềnh trước mặt khiến nhiều lúc tôi  như muốn văng mình ra khỏi chiếc  xe máy bé nhỏ. Càng đi càng thấy hun hút đến rợn người.  Nghĩ lại mà thấy buồn cười khi tôi buột miệng hỏi em “Sao cô thấy cái biển Mường Nhé kính chào quý khách từ lâu mà đi mãi vẫn chẳng đến nơi, đường thì đầy đá dăm với ổ gà thế này”. Em cười và bảo “Cô ơi từ đó vào huyện phải gần 10 km nữa”. Nghe em nói vậy tôi lại tự an ủi mình: Cố lên nào sắp đến nơi rồi. Cuối cùng thì tôi cũng đến được nơi mà tên gọi của nó mỗi khi nhắc đến lại gợi cho người ta cảm giác về sự heo hút xa xôi vời vợi nghìn trùng.

Trung tâm huyện lỵ Mường Nhé nằm trên đất xã Mường Nhé bình yên như những gì tôi hình dung trong trí tưởng tượng của mình. Năm ngày công tác tại huyện lỵ xa xôi nơi miền cực tây của Tổ quốc là 5 ngày có quá nhiều những ý nghĩa và kỷ niệm lớn lao đối với riêng tôi. Đó là những đứa trẻ mình trần, tóc đỏ một màu nắng gió hồn nhiên lên lớn lên bất chấp mọi sương gió cuộc đời, là những gương mặt học trò xen lẫn cả niềm âu lo lẫn niềm vui sướng sau mỗi buổi thi, là những nếp nhà xiêu vẹo mái gianh, vách nứa với những cây tre xếp bằng làm giường.... Ở trong những căn nhà như thế mùa hạ nắng cháy da, cháy thịt, mùa đông lại tê tái cả tấm lòng. Vậy mà học trò của tôi vẫn cười, những nụ cười  như "mùa thu tỏa nắng" khi trả lời câu hỏi của tôi: "ở trong những căn nhà như thế này em có thấy vất vả không?" , "Cô ơi, không vất vả đâu vì vẫn còn có chổ để ở, vì vẫn được đến trường", "em đi học để được ăn no cô à, nhà em không có cơm đâu, cả ngày đi rừng mới kiếm được rau để đổi lấy tiền, chẳng khi nào được no bụng cả..." .
 
Trường mới vùng biên cương tổ quốc (minh họa của Ban biên tập)
 
Mười bảy năm trong nghiệp làm thầy tôi sẽ nhớ mãi hình ảnh một ngôi trường ngập trong màn mưa trắng xóa, đi từ lớp học này sang lớp học khác tôi phải xắn quần, xách dép và che ô bởi vì nước ngập trắng cả sân trường. Cũng chính ở nơi đầu sóng ngọn gió này bao nhiêu thiếu thốn vất vả nhưng bạn bè tôi, đồng nghiệp tôi và học trò của tôi đã chịu đựng, đã gồng mình lên để rồi khó khăn gian khổ lùi xa chỉ còn phía trước là một màu xanh ngập tràn niềm tin và hi vọng vào một tương lai tốt đẹp.

Năm ngày công tác, tôi chưa kịp đến nơi mà tôi ao ước được đến - nơi mà đồng nghiệp của tôi bảo rằng "một con gà gáy cả ba nước cùng nghe thấy tiếng". Ước mơ một lần trong đời được đặt chân đến nơi địa đầu tổ quốc, được giơ bàn tay bé nhỏ của mình lên chào cột mốc thiêng liêng xin được cất giữ trong lòng như một lời ước hẹn rằng một ngày tôi sẽ quay trở lại. Nhất định là như vậy!

Tạm biệt Mường Nhé, về với phố phường bận rộn những công việc hàng ngày, khó có thể diễn tả hết bằng lời những trải nghiệm khắc khoải trên mọi cung đường ta đã đặt chân đến, mọi gương mặt ta bất chợt nhìn qua, mọi ánh mắt ta vô tình chạm phải nhưng sẽ mãi ở trong trái tim mình ký ức về một vùng đất đang từng ngày kiêu hãnh đổi thay….
 
                                Nguyễn Mai Nguyệt – THPT Thành phố Điện Biên Phủ.

Tổng số điểm của bài viết là: 51 trong 11 đánh giá

Xếp hạng: 4.6 - 11 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập269
  • Máy chủ tìm kiếm20
  • Khách viếng thăm249
  • Hôm nay18,060
  • Tháng hiện tại538,878
  • Tổng lượt truy cập136,890,691
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi