Ban biên tập xin giới thiệu tới bạn đọc toàn văn nội dung cuộc phỏng vấn:
Phóng viên (P.V): Xin ông khái quát về thực trạng đội ngũ cán bộ, giáo viên của tỉnh ta hiện nay?
Ông Nguyễn Sỹ Quân: Có thể nói rằng, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý của ngành GD&ĐT tỉnh cơ bản đủ về số lượng, tương đối đồng bộ về cơ cấu; trình độ đào tạo ngày càng được chuẩn hóa, đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục.
Năm học 2015 - 2016, ngành GD&ĐT tỉnh có 16.171 biên chế công chức, viên chức (146 biên chế công chức hành chính, 16.025 biên chế viên chức sự nghiệp); trong đó, 100% cán bộ quản lý, 98,7% giáo viên mầm non và phổ thông có trình độ đào tạo đạt chuẩn trở lên.
Căn cứ quy mô trường, lớp, học sinh, qua các đợt tuyển dụng viên chức, thời gian qua, ngành GD&ĐT đã kịp thời tuyển dụng, bố trí cơ bản đủ giáo viên. Đến nay, các cơ sở giáo dục từ cấp tiểu học đến THPT đã đủ định mức giáo viên. Riêng đối với cấp học mầm non, do quy mô trẻ mầm non ra lớp trong những năm trở lại đây tăng nhanh, đồng thời số lượng vị trí việc làm giáo viên mầm non được giao còn hạn chế nên ngành còn thiếu một lượng nhỏ biên chế.
P.V: Vừa qua, Bộ GD&ĐT đã có nhiều đổi mới trong GD&ĐT, vậy những đổi mới này liên quan như thế nào đến đội ngũ cán bộ, giáo viên thưa ông?
Ông Nguyễn Sỹ Quân: Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã khẳng định: “Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá, xã hội hoá, dân chủ hoá và hội nhập quốc tế, trong đó, đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý là khâu then chốt”. Để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ, mục tiêu về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT theo Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Hội nghị BCH TW 8 khóa XI, ngành đã thực hiện tốt công tác phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới GD&ĐT. Đây vừa là nhiệm vụ cũng vừa là giải pháp quan trọng:
Một là: Đổi mới phương pháp giảng dạy theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh đòi hỏi phải thực hiện chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo từng cấp học và trình độ đào tạo; tiến tới tất cả giáo viên tiểu học, THCS, giáo viên, giảng viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải có trình độ từ đại học trở lên, có năng lực sư phạm. Giảng viên cao đẳng, đại học có trình độ từ thạc sĩ trở lên và phải được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm. Đổi mới mạnh mẽ mục tiêu, nội dung, phương pháp đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng và đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của nhà giáo theo yêu cầu nâng cao chất lượng, trách nhiệm, đạo đức và năng lực nghề nghiệp.
Hai là: Đổi mới phương pháp, kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh đòi hỏi phải tăng cường năng lực cho cán bộ quản lý, giáo viên. Triển khai diễn đàn trên mạng để chỉ đạo và hỗ trợ hoạt động đổi mới sinh hoạt tổ/nhóm chuyên môn trong trường phổ thông; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng sinh hoạt tổ/nhóm chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học; triển khai tích cực dạy học theo định hướng tăng cường năng lực, kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển năng lực học sinh; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và quản lý.
Tập huấn cán bộ quản lý, giáo viên các trường Tiểu học tham gia chương trình Seqap
Ba là: Đổi mới căn bản công tác quản lý giáo dục, đào tạo, đòi hỏi đội ngũ cán bộ quản lý phải được đào tạo về nghiệp vụ quản lý. Thực hiện công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và hội nhập quốc tế.
Bốn là: Có chế độ ưu đãi đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Việc tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trên cơ sở đánh giá năng lực, đạo đức nghề nghiệp và hiệu quả công tác.
P.V: Thưa ông! Với tỉnh Điện Biên, việc triển khai thực hiện những đổi mới của Bộ GD&ĐT có thuận lợi và khó khăn gì? Ngành GD&ĐT tỉnh đã triển khai thực hiện các đổi mới đó như thế nào trong thời gian qua?
Ông Nguyễn Sỹ Quân: Những năm qua, ngành GD&ĐT tỉnh luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành, đoàn thể xã hội, sự đồng thuận của nhân dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp để ngành triển khai, thực hiện các kế hoạch, nhiệm vụ đổi mới. Cùng với đó, các chế độ chính sách của Đảng, Nhà nước cùng sự hỗ trợ từ các chương trình, dự án đã tác động tích cực đến việc nâng cấp cơ sở vật chất, phát triển quy mô trường lớp, huy động học sinh ra lớp và đổi mới giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục…
Bên cạnh những thuận lợi đó, khó khăn lớn nhất của ngành GD&ĐT Điện Biên là địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn, dân cư không tập trung, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nhận thức về tầm quan trọng của việc học trong một bộ phận đồng bào vùng sâu, vùng xa còn hạn chế. Những yếu tố trên đã ảnh hưởng đến việc huy động và duy trì số lượng, tính chuyên cần của học sinh và công tác xã hội hoá giáo dục. Ngoài ra, nguồn vốn đầu tư cho phát triển giáo dục những năm gần đây giảm dẫn đến việc đầu tư, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất gặp nhiều khó khăn; đặc biệt là cơ sở vật chất của các trường mầm non, các điểm trường vùng sâu, biên giới, vùng dân tộc.
Về việc triển khai thực hiện các đổi mới của Bộ, vừa qua, chúng tôi đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 94/QĐ-UBND ngày 5/2/2015 phê duyệt Kế hoạch hành động “Đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” tỉnh Điện Biên. Tăng cường quản lý và chỉ đạo, triển khai các hình thức và phương pháp dạy học mới: Tăng cường tổ chức lớp học 2 buổi/ngày; thực hiện thí điểm phương pháp “Bàn tay nặn bột”, dạy thí điểm Tiếng Việt lớp 1- Công nghệ giáo dục tại 65 trường tiểu học thuộc 8 huyện; Dự án trường tiểu học mới tại Việt Nam (GPE-VNEN) với định hướng lấy học sinh làm trung tâm ở tiểu học tại 68 trường và mở rộng tại 55 trường tiểu học; triển khai thực hiện thí điểm Mô hình trường học mới lớp 6 THCS tại 60 trường.
Mô hình trường học mới Việt Nam tại trường tiểu học số 2 Quài Nưa, huyện Tuần Giáo
Bên cạnh đó, Sở đã chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch giáo dục định hướng phát triển năng lực học sinh, xây dựng các chủ đề tích hợp, liên môn; chú trọng giáo dục đạo đức và giá trị sống, rèn luyện kỹ năng sống, tổ chức các cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học và vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các vấn đề thực tiễn cấp trung học; cuộc thi dạy học theo chủ đề tích hợp dành cho giáo viên cấp trung học; qua đó góp phần nâng cao chất lượng dạy học, hoạt động giáo dục của các trường phổ thông, nhằm thực hiện mục tiêu phát triển năng lực, phẩm chất học sinh, làm cơ sở cho việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới.
Đặc biệt, năm học vừa qua, Sở đã hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2015 theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT. Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 tại Điện Biên diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng kế hoạch, đúng quy chế; kết quả thi phản ánh đúng trình độ người học, làm căn cứ để xét tốt nghiệp THPT đồng thời cung cấp dữ liệu cho các cơ sở giáo dục đại học xét tuyển sinh.
P.V: Để chăm lo, tạo điều kiện tốt nhất cho cán bộ, giáo viên có cuộc sống tốt hơn, có thể cống hiến hiệu quả, hết mình với nghề; thời gian tiếp theo, ngành GD&ĐT sẽ làm gì thưa ông?
Ông Nguyễn Sỹ Quân: Để nâng cao chất lượng giáo dục nói chung đáp ứng yêu cầu về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, chúng tôi xác định: Công tác ổn định, nâng cao chất lượng đời sống cho cán bộ giáo viên là một trong những nhiệm vụ then chốt giúp họ yên tâm công tác, tạo niềm tin, động lực để mỗi người cố gắng, cống hiến hiệu quả, hết mình với nghề. Chính vì thế, ngành tiếp tục thực hiện tốt quy chế dân chủ, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của cán bộ, giáo viên. Thực hiện nghiêm túc, đúng, đủ, kịp thời, công bằng các chế độ chính sách về tiền lương, thưởng, dạy thêm, tiền trợ cấp, phụ cấp, các chế độ bảo hiểm... cho cán bộ, giáo viên. Bố trí, sắp xếp công việc phù hợp cho viên chức sau khi được cử đi đào tạo nhằm sử dụng hiệu quả chất lượng nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đề nghị các cấp, ngành có liên quan tiếp tục bổ sung các cơ chế, chế độ chính sách cho cán bộ quản lý, giáo viên nhằm ổn định đội ngũ. Tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, giáo viên, nhân viên; qua đó khơi dậy niềm tự hào về mái trường, về nghề “trồng người” cao quý, giúp mỗi người thêm gắn bó, trách nhiệm, tâm huyết trong công tác GD&ĐT. Tích cực đề nghị chính quyền các cấp; vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, cha mẹ học sinh và nhân dân trên địa bàn quan tâm hỗ trợ đất, cấp đất để làm nhà ở cho cán bộ, giáo viên. Ngoài ra, chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với tổ chức công đoàn chăm lo đời sống tinh thần cho cán bộ, giáo viên như: Gặp mặt nhân các ngày lễ, tết; thăm hỏi lúc ốm đau, hiếu, hỷ, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, tham quan, du lịch…
Xin trân trọng cảm ơn ông!