Năm 2017 là năm thứ 3 Bộ Giáo dục và đào tạo tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2 trong 1, vừa kết hợp làm căn cứ xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa làm căn cứ xét tuyển Đại học và Cao đẳng. Và phương án tổ chức kỳ thi này năm 2017 vừa được Bộ họp báo công bố chiều qua, 28/9 với nhiều nội dung thay đổi so với kỳ trước. Và thông tin từ họp báo cũng cho thấy, việc tổ chức kỳ thi quan trọng này sẽ tiếp tục còn cải cách nữa.
Để tìm hiểu sâu về công tác này, chuyên mục Góc nhìn thẳng VietNamNet có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga về vấn đề này.
Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, việc tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia với ý nghĩa 2 trong 1 là một bước cải cách lớn của ngành giáo dục. Tuy nhiên, các thông tin họp báo cho thấy vẫn còn sẽ tiếp tục thay đổi nữa. Xin ông cho biết, tại sao việc tổ chức kỳ thi này lại có sự thay đổi nhiều như vậy? Và năm 2018, phương án tổ chức kỳ thi này có thay đổi nữa hay không?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Hiện nay, chúng ta đổi mới kỳ thi tốt nghiệp PTTH quốc gia và tuyển sinh Đại học, Cao đẳng thì không thể làm trong 1 năm được. Nếu chúng ta làm một lần, học sinh sẽ bị sốc. Việc đổi mới như vậy sẽ không thành công được.
Từ 2015, Bộ đã giảm từ 4 kỳ thi còn 1 kỳ thi. Đó là một sự thay đổi rất lớn. Năm 2016, chúng ta tổ chức kỳ thi này ở tất cả các tỉnh, thành phố, thí sinh không phải ra khỏi địa phương vất vả để thi. Đó là bước tiến thứ hai. Và năm 2016, chúng ta bắt đầu thay đổi phương thức tổ chức thi.
Như vậy, hai năm 2016-2017, chúng ta thay đổi hình thức thi, chuyển phần lớn môn thi tự luận trước đây thành thi trắc nghiệm khách quan, để làm tăng độ tin cậy của kỳ thi.
Những năm trước, dù điều động một số lượng lớn các giảng viên Đại học về các địa phương nhưng về đề thi tự luận luôn luôn xảy ra sự tiêu cực trong quá trình coi thi và chấm thi nên kết quả không thực sự đảm bảo độ chính xác tuyệt đối.
Khi chuyển sang thi trắc nghiệm khách quan, việc coi thi, chấm thi như vậy sẽ loại trừ được yếu tố không khách quan từ con người nên đảm bảo kết quả sẽ chính xác hơn.
Mỗi một lần đổi mới cải cách như vậy, thí sinh sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn, áp lực thi sẽ giảm đi Tôi tin chắc chắn rằng, kỳ thi 2017 tới này, áp lực tâm lý sẽ nhẹ nhàng hơn, áp lực tâm lý giảm đi, các em sẽ tự tin hơn trong quá trình làm bài thi.
Năm 2017 có thể nói là năm đã hoàn thiện cả về phương thức tổ chức thi và hình thức thi của thí sinh. Như vậy, những năm tiếp theo, chúng ta lại dựa trên mô hình này, chỉ thay đổi về mặt kỹ thuật nữa thôi. Ví dụ thay vì thí sinh làm bài trên giấy thì thí sinh làm trên máy. Còn thi tổ hợp hiện nay sẽ chuyển sang bài thi tích hợp khi chương trình sách giáo khoa mới đã được áp dụng đại trà.
Thí sinh sẽ bớt áp lực hơn khi kỳ thi cải tiến (ảnh: Vietnamnet)
Nhà báo Phạm Huyền: Xin dẫn một ví dụ ở môn thi thứ 4. Trong tương lai, môn thi này sẽ chuyển sang, từ bài thi tổ hợp thành tích hợp. Vậy, thi tích hợp là gì và tại sao, Bộ không áp dụng ngay ở kỳ thi này mà phải chờ trong vòng 3 năm nữa?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Đúng vậy. Bài thi tổ hợp là chúng ta ghép 3 môn riêng rẽ vào một bài thi với các câu hỏi riêng từng môn. Ví dụ, bài thi môn khoa học tự nhiên, sẽ có câu thi cho môn Lý, bài thi môn Hoá, bài thi môn Sinh, tức 3 môn độc lập với nhau.
Khi chúng ta chuyển sang bài thi tích hợp, tức là, kiến thức môn Lý sẽ có kiến thức môn Hoá, kiến thức môn Sinh có kiến thức môn Hoá , rồi kiến thức Sinh Hoá chẳng hạn. Rõ ràng, việc đó là sự thay đổi rất lớn, kéo theo sự thay đổi phương pháp học tập cũng như chương trình học của học sinh. Do vậy, không thể làm ngay bây giờ được. Vì khi đó, chúng ta phải đổi mới sách giáo khoa. Khi đổi mới sách giáo khoa với các kiến thức đan xen như vậy thì sau này, thí sinh mới có thể áp dụng thành bài thi tích hợp.
Nhà báo Phạm Huyền:Vậy có thể hiểu, bài thi tích hợp khó hơn bài thi tổ hợp?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Cũng không phải là khó, mà là kiến thức phải đan xen nhau.
Nhà báo Phạm Huyền: Dư luận đang tranh cãi rất nhiều về thi trắc nghiệm môn Toán. Vậy xin hỏi ông, giữa thi tự luận và thi trắc nghiệm thì theo ông, thi trắc nghiệm tốt hơn cho thí sinh?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Phải hiểu rằng, mục đích của kỳ thi THPT quốc gia, sử dụng đánh giá tổng quát để cung cấp cho các trường, từ đó xét tốt nghiệp THPT và cung cấp cơ sở dữ liệu cho các trường đại học có thể tuyển sinh. Tức là, kiến thi rất tổng quát, đánh giá tổng quan kiến thức học sinh thu lượm được trong quá trình học phổ thông. Đây không phải là kỳ thi học sinh giỏi để tìm ra học sinh giỏi chuyên biệt, như giỏi Toán, giỏi Lý, giỏi Hoá.
Với mục đích đấy, cả thi tự luận hay trắc nghiệm đều có thể đạt mục tiêu này. Nhưng một kỳ thi tổ chức với hàng triệu thí sinh tham gia như kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gía, phương tính thi trắc nghiệm môn Toán rất là phù hợp. Việc học thi không có gì thay đổi so với trước đây.
Đối với thí sinh, đã quen với bài thi trắc nghiệm 4 môn mà các em đã làm từ 2007, để làm tốt bài tốt nghiệp theo hình thức trắc nghiệm, các em vẫn phải học tất cả các chương trình giống như tự luận thôi.
Vì vậy, việc học-thi không có gì thay đổi so với khi các em thi tự luận trước đây.
Nhà báo Phạm Huyền:Thay đổi nhiều như vậy thì liệu có làm nâng cao chất lượng đào tạo giáo dục hay không?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Rõ ràng khi tổ chức kỳ thi tốt, công bằng, nghiêm túc, các trường Đại học, Cao đẳng sẽ chọn lựa được thí sinh phù hợp vào học.
Đối với phổ thông, nếu chúng ta thay đổi hình thức thi thì đã tác động lớn tới việc dạy học.
Trước đây, chúng ta làm bài thị tự luận, không thể bao quát các chương trình. Giờ, thí sinh học tủ, thi trắc nghiệm thì học sinh học hết kiến thức ở SGK thì kiến thức thi đảm bảo hơn.
Còn việc tổ chức nhiều môn thi thì sẽ bớt áp lực ở phổ thông, các môn học đều có ý nghĩa, có mục đích, có giá trị cho học sinh, để các em có kiến thức toàn diện.
Tất cả việc đổi mới thi THPT quốc gia và tuyển sinh Đại học, Cao đẳng cũng là một khâu trong quá trình đổi mới căn bản toàn diện ngành giáo dục và đào tạo, qua đó, nâng cao chất lượng đào tạo nói chung.
Thực hiện: Phạm Huyền - VietNamNet
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn