banner

VP - Văn học nhà trường số 22: Truyện ngắn Xe đạp ơi

Thứ tư - 23/07/2014 23:29
Dienbien.edu.vn - Điện Biên với trên 15 nghìn cán bộ, nhà giáo và gần 120 nghìn học sinh phổ thông, sinh viên các trường chuyên nghiệp, trong đó có nhiều nhà giáo, học sinh, sinh viên yêu văn học nghệ thuật và có năng lực sáng tác với nhiều tác phẩm đoạt giải, đăng tải trên các báo và tạp chí trong và ngoài tỉnh, nhiều tác phẩm đã được xuất bản và nhận được sự mến mộ của công chúng.
Trang văn học nhà trường đăng tải các bài viết, những sáng tác của thầy trò các nhà trường gồm các thể loại: Thơ, tản văn, văn xuôi, nhạc, họa …mỗi tháng có từ một đến hai số. Trân trọng giới thiệu và mong nhận được sự cộng tác của các nhà giáo, các em học sinh sinh viên cùng bạn đọc. Cảm ơn các tác giả đã gửi bài về chuyên mục.

Trang văn học nhà trường số 22, Ban biên tập xin giới thiệu tới bạn đọc một câu chuyện cảm động về tình cảm gia đình, niềm hạnh phúc khi cùng nhau sẻ chia những khó khăn vất vả trong cuộc sống.
XE ĐẠP ƠI
                                                                         Đặng Thị Oanh - Trường CĐSP
Trời đã về chiều tối, nhạt nhòa trong ánh hoàng hôn tím mà lưng tôi vẫn ướt đẫm mồ hôi. Còng lưng, mải miết guồng trên chiếc xe đạp thống nhất cũ kỹ nhưng tôi không thấy mệt, tôi vừa lĩnh tiền làm phụ xây hai tháng hè. Chà cũng được khá khá đấy, những hai triệu cơ mà, tôi khoái chí, rờ tay vào gói tiền đang cộm lên trong túi áo ngực. Vừa đi, tôi vừa nhẩm tính. Trước tiên, sẽ mua một chiếc mini thật bon cho bõ những ngày xe hỏng, phải dắt suốt cả chặng đường dài. Thứ hai, phải mua một chiếc điện thoại Nokia để khi đi thực tập còn lên dáng với học trò chứ. Sinh viên năm cuối rồi mà không biết sử dụng điện thoại, sẽ bị cho là quê quá. Vừa tăng tốc, tôi vừa khẽ hát nhại theo nhạc của một bài hát: Xe đạp ơi, sẽ không còn đâu những ngày xưa dắt xe, giữa trưa hè, trong nắng gắt…
 
Mưu sinh (minh họa từ Internet)
 
Dựng xe trong sân, tôi vào bếp tìm mẹ nhưng sao hôm nay bếp vẫn lạnh tanh, mẹ đâu rồi? Định lên tiếng gọi mẹ, tôi chợt nhìn thấy thằng Cường - em tôi, hớt hải chạy từ đâu về, trên tay cầm lọ dầu xoa bóp. Tiếng nó hổn hển lẫn trong hơi thở:

- Anh ơi, mẹ bị ngã đau lắm, đang nằm trong buồng, mẹ bảo em sang cụ Hà xin thuốc cho mẹ, thuốc đây này.

Tôi đỡ lọ thuốc, vội vàng chạy vào trong buồng. Mẹ đang nằm tê tái vì đau. Thấy tôi, mẹ gượng ngồi dậy. Chân mẹ sưng vù, tím bầm, tôi xót xa bôi thuốc vào vết đau cho mẹ.

Trời đã choạng vạng tối, tôi vội chạy ra vườn hái nắm rau muống, rồi vào bếp nấu cơm. Thùng gạo đã hết. Sau khi vét những hạt gạo cuối cùng cho vào xoong bắc lên bếp, tôi lục lọi mãi trong góc chạn mới tìm được hai quả trứng gà để hấp vào nồi cơm.

Cơm chín, tôi xới một bát cho em. Thằng Cường được một quả trứng gà cứ hí hửng mừng rỡ! Tôi dặn nó, phải ăn cùng với cơm đấy nhé. Thằng bé, mắt cứ dán vào quả trứng, vâng dạ rối rít, rồi bê bát cơm ra đầu hè, ngồi ăn ngon lành. Tôi bưng bát cơm vào buồng mẹ, động viên mãi mẹ mới ăn được một nửa còn quả trứng, nói thế nào mẹ cũng nhất định không ăn, cứ bảo mang cho em, mẹ không sao đâu, nghỉ vài ngày sẽ khỏi!

Đêm đã khuya, tôi vẫn trằn trọc, cái chân mẹ sao sưng to thế nhỉ, có phải bị gãy xương không? Sáng mai phải đưa mẹ đi khám xem thế nào. Nhưng mẹ không còn tiền. Chiều nay, tôi đã lén sờ vào chiếc túi áo mọi khi mẹ vẫn để tiền ở đó... Vẩn vơ suy nghĩ rồi tôi cũng thiếp đi trong giấc ngủ chập chờn. Trong giấc ngủ của tôi hình ành chiếc xe mini mới và chiếc điện thoại Nokia cứ chập chờn xen lẫn hình ảnh mẹ bước đi tập tễnh, khuôn mặt khắc khổ, nhăn nhó… Bất giác, tôi giật mình tỉnh dậy, sờ lên túi áo ngực, những đồng tiền công làm thuê vẫn còn nguyên ở đó.

  Động viên, năn nỉ, chìa cả túi tiền cho mẹ xem, cuối cùng tôi cũng thuyết phục được mẹ đi khám chân. Bác sĩ kết luận, mẹ bị gãy 1 xương ở bàn chân. Tiền thuốc, tiền bó bột hết hơn 1 triệu. Vừa rút tiền trả, tôi vừa nghĩ, mình không mua điện thoại nữa, chỉ cần chiếc xe đạp mới đi thực tập là ổn rồi.

Những ngày mẹ nằm nghỉ ở nhà, bà con hàng xóm đến thăm, người cho chục trứng, người nải chuối, tiếng nói cười làm gian nhà bớt lạnh lẽo.
- Đã bảo làm vừa thôi, đừng cố, nhưng có nghe đâu chứ, may mà còn nhẹ đấy, chứ gẫy xương đùi thì nằm đến nửa năm ấy chứ! Tiếng bà Hà vừa gắt gỏng, vừa tràn đầy lo lắng, thương xót. Bà Thường phân bua thay mẹ:
- Không làm cố lấy tiền đâu mà cho thằng Dũng đi học. Nghe đâu năm nay cu cậu còn phải đi thực tập đấy. Lại còn sắp vào năm học mới rồi, thằng Cường học tiểu học cũng phải đóng góp kha khá đấy! Rõ khổ! các bà có biết cho không, hay chỉ biết trách... Sau lời phân bua của bà Thường, không gian trong nhà chợt lặng đi giây lát, rồi tiếng chuyện trò lại rôm rả.

Ngồi ngoài hè, tôi đã nghe hết câu chuyện. Thể nào, sắp khai giảng năm học mới rồi nhưng vẫn chưa thấy mẹ mua sách vở cho thằng Cường. Vụ lúa vừa rồi bị bệnh vàng lá, thóc gạo không đủ ăn, mẹ phải gánh gạch thuê vài tháng nay rồi, cái chân bị gẫy cũng vì gạch đổ… Lưỡng lự một lát, tôi sờ vào túi áo, vẫn còn gần một triệu. Tôi thầm nghĩ, chiếc xe tuy cũ nhưng chỉ cần sửa sang lại một chút vẫn có thể đi được. Lặng lẽ dắt chiếc xe cà tàng đi ra phố, một lát sau, tôi xách về đủ cả: cặp, vở viết, bút, thước và cả một bộ quần áo mới nữa chứ. Cu Cường phấn khởi quá, cười tít mắt, để lộ hết hai hàm răng xún.

Đi học (minh họa từ Internet)
 
Trời tháng 9, nắng trưa vàng rực rỡ. Mồ hôi nhễ nhại, hết giờ học, tôi gò lưng trên chiếc xe cà tàng đã được tân trang lại. Tuy không được như xe mới nhưng nó đã bon hơn trước nhiều. Vừa dắt xe vào sân, thằng Cường đã bám lấy tôi, tay hối hả lật từng trang vở, miệng khoe rối rít:

- Anh ơi, anh ơi! em được điểm 10 toán nhé, còn điểm 9 tiếng Việt cơ nữa đấy. Em giỏi không, anh đã được điểm 10 nào chưa?... Chưa à? Em giỏi hơn anh nhé!…

- Cường, con để anh vào nhà cho khỏi nắng đã nào, thế ai mua sách, mua áo đẹp cho Cường nhỉ? Tiếng mẹ tôi nhắc khẽ, mẹ đã tập tễnh đi lại được trong nhà.

- Anh Dũng ạ! Thằng Cường nhanh nhảu:
- Thế anh Dũng có giỏi không? Tiếng mẹ tôi hỏi đùa, thằng Cường bẽn lẽn:
- Có giỏi ạ! Rồi thằng bé vui vẻ cầm tay tôi cười nịnh bợ:
- Cả em và anh cùng giỏi, anh nhỉ!

Tôi ngắm điểm 9, điểm 10 tươi rói trong vở của thằng Cường mà lòng dâng trào niềm vui hạnh phúc như chính tôi được điểm 10 vậy. Sau khi nhấc cái xe lên hè cho đỡ nắng, tôi xách rổ ra vườn nhặt rau, gió ngoài đồng lúa thổi về mát rượi, mang theo hương thơm ngào ngạt. Phải rồi, lúa đang trổ bông, làm hạt. Mùa gặt lại sắp đến rồi!
 
                                          Giới thiệu và biên tập: Mai Hương - Chuyên viên Văn phòng Sở

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 2 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập555
  • Máy chủ tìm kiếm14
  • Khách viếng thăm541
  • Hôm nay33,422
  • Tháng hiện tại307,330
  • Tổng lượt truy cập136,659,143
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi