Chủ trì hội thảo có ông Nguyễn Bá Minh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Trần Công Phong - Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam. Tham gia hội thảo có gần 200 đại biểu là cán bộ chuyên viên Vụ Giáo dục mầm non và các Vụ Cục liên quan; lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo; lãnh đạo phòng Giáo dục mầm non, phòng Tổ chức cán bộ Sở Giáo dục và Đào tạo; đại diện cán bộ quản lý, giáo viên các cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) của 31 tỉnh khu vực phía Bắc; trung tâm truyền thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo và một số cơ quan báo chí đến đưa tin.
Ông Trần Công Phong - Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam phát biểu tại hội thảo Phát biểu khai mạc hội thảo, Ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ GDMN nhấn mạnh: Hiện nay giáo viên mầm non chịu nhiều áp về công việc: thực tế làm việc trên 8giờ/ngày, đối tượng trẻ nhỏ chưa biết tự chăm sóc bản thân, tính chất công việc có nhiều rủi ro… song hệ thống chính sách còn nhiều bất cập. Hội thảo nhằm đánh giá chế độ lao động, hệ thống chính sách đối với giáo viên mầm non, làm cơ sở đề xuất điều chỉnh chính sách trong giai đoạn tới.
Phần tham luận của các đơn vị dự hội thảo diễn ra sôi nổi. Các đại biểu đi sâu phân tích, đánh giá về chế độ lao động, hệ thống chính sách đối với giáo viên mầm non tại các địa phương, đơn vị, tập trung vào một số khó khăn vướng mắc như: Thời gian làm việc thực tế hiện nay của giáo viên mầm non khoảng 10giờ/ngày nhưng rất khó áp dụng việc tăng giờ theo các quy định hiện hành, nếu có 02 giáo viên/lớp thì việc sắp xếp so le như thế nào để đảm bảo an toàn cho trẻ? Các văn bản hiện hành chỉ quy định số giáo viên tối đa/lớp, không quy định tối thiểu nên nhiều nơi thiếu giáo viên, chỉ có 1 giáo viên/lớp, dẫn đến áp lực công việc rất lớn. Chưa có quy định cụ thể về nhiệm vụ và chế độ trực trưa cho giáo viên mầm non dạy 2 buổi/ngày. Khó khăn về sắp xếp thời gian để thực hiện sinh hoạt chuyên môn 2 buổi/tháng theo quy định của Điều lệ trường mầm non; khó khăn về kinh phí hợp đồng người nấu ăn theo định mức của Thông tư 06. Một số chế độ chính sách cho GDMN còn bất cập như hạng ngạch lương, phụ cấp lớp ghép, tăng cường tiếng Việt…
Đại biểu Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên tham luận tại hội thảo Kết luận hội thảo, Ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ GDMN khẳng định những khó khăn và ghi nhận sự cố gắng của các địa phương trong việc thực hiện phát triển GDMN đồng thời tổng kết những ý kiến phát biểu đề xuất của đại biểu để kiến nghị Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ ngành liên quan trong thời gian tới quan tâm, cụ thể như: Xem xét sửa lại Thông tư 06 quy định về định mức giáo viên, nhân viên trong các cơ sở GDMN công lập; cùng với nâng chuẩn trình độ đào tạo GVMN, đề xuất hạng ngạch giáo viên mầm non là hạng 2; quy định về thời gian để giáo viên mầm non sinh hoạt chuyên môn; có quy định cụ thể về xã hội hóa một số dịch vụ sự nghiệp công như dịch vụ: tổ chức ăn sáng, trực trưa, dọn vệ sinh…
Tin tưởng rằng kết quả hội thảo sẽ góp phần quan trọng trong việc đề xuất điều chỉnh chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, đẩy mạnh phát triển giáo dục mầm non trong giai đoạn tới./.