banner

CHVH - NGUYỄN THỊ QUANG THÁI MỘT THIÊN TÌNH SỬ CAO ĐẸP

Chủ nhật - 21/10/2018 20:25
Nguyễn Thị Quang Thái xuất thân trong một gia đình gốc Hà Nội, ở làng Mọc, Thượng Đình, nay thuộc quận Thanh Xuân, nhưng sinh ra ở Vinh, nơi cha Nguyễn Huy Bính làm nhân viên công ty đường sắt (vốn thường được gọi là Sở Hỏa xa), mẹ là bà Đậu Thị Thư, quê gốc ở Đức Thọ (Hà Tĩnh).

Quang Thái là con thứ, sinh năm Ất Mão (1915), kém chị gái là Nguyễn Thị Minh Khai năm tuổi. Chị có mối kỳ duyên với một thanh niên cách mạng sau trở thành Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Lần đầu chị gặp Võ Nguyên Giáp là trong một chuyến tàu dừng đỗ ở ga Vinh năm 1928.

Khi ấy, Quang Thái lên tàu cùng với Hồ Tâm là em gái của chị Hải Đường, một người bạn cùng sinh hoạt trong Tân Việt Cách mạng đảng với Võ Nguyên Giáp. Còn Võ Giáp khi ấy đang được Liên Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh nhờ thu xếp đưa chị Minh Khai ra Bắc hoạt động.

Lần thứ hai, năm 1929, Võ Nguyên Giáp đang làm việc ở nhà ông Lê Ấm, con rể cụ Phan Châu Trinh thì Quang Thái, vừa mới đỗ vào trường Đồng Khánh (Huế) đến gặp để xin gia nhập vào tổ nữ sinh Đỏ thuộc phạm vi do anh phụ trách. Lúc ấy chị mới chỉ coi anh như một người anh lớn, hơn nữa, một cấp trên.

Lần thứ ba, cũng là gặp lại nhau nhưng trong một trường hợp trớ trêu, hai người cùng bị bắt giam trong nhà lao Thừa Phủ (Huế), lúc Pháp đàn áp phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh năm 1931. Khi bị áp giải ngang qua dãy nhà giam nữ, anh chợt thấy Quang Thái, đã bị giam ở trong tù. Chị có câu nói nổi tiếng dặn dò các tù nhân: “Không ai tố giác bạn. Bạn đừng tố giác ai!”. 

          Quang Thái có một bài thơ sáng tác trong tù, đầy khẩu khí:
                        Mười sáu xuân qua sống ở đời
                        Nhân tình nghĩ đến lệ đầy vơi
                        Trông phường đế quốc lòng ngao ngán
                        Thấy bạn cần lao dạ rối bời
                        Quyết chí hy sinh, thây kẻ chết
                        Đem lòng phấn đấu, mặc đầu rơi
                        Ngọn cờ vô sản bao giờ phất
                        Chín suối hồn ta miệng mỉm cười.

Hiển hiện trong bài thơ của chị một nhiệt huyết yêu nước cháy bỏng và ý chí đấu tranh giải phóng nước nhà, đưa nhân dân thoát khỏi xích xiềng nô lệ. Khi đó chị mới là một nữ sinh 16 tuổi. Lý tưởng cao đẹp đã tiếp cho người nữ chiến sĩ cách mạng một sức mạnh phi thường để giữ vững lòng kiên định sắt son trước những đòn roi tra tấn của kẻ thù.

Cuối năm 1931, Quang Thái được trả tự do. Võ Nguyên Giáp cũng được ra tù sau 15 tháng bị giam hãm, nhưng vẫn còn bị cầm cố, quản thúc tại quê nhà. Hai người từ đấy mới có thư từ thăm hỏi nhau, tình quyến luyến ngày một thêm thắm thiết.

Và tình yêu đã nảy nở trong đấu tranh cách mạng.

Năm 1935, hai người thành hôn ở Vinh, rồi ra Hà Nội thuê một căn nhà nhỏ ở phố Đường Thành. Võ Nguyên Giáp vừa học trường Đại học luật, vừa viết báo, dạy học tư, còn Quang Thái đỗ vào khoa Hộ sản trường Y, nhưng chỉ học được một thời gian thì bị đuổi vì bị phát hiện đã tham gia hoạt động bí mật trong giới sinh viên, học sinh.

Năm 1939, anh chị sinh được con gái đầu lòng, đặt tên là Võ Hồng Anh, sau này sang Liên Xô, vào trường Đại học Tổng hợp Lômôlnôxốp, bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ Toán – Lý, được nhận giải thưởng Côvalépxcaiya.

Hồng Anh ra đời trong tay mẹ chưa đầy một năm thì tình hình biến chuyển lớn. Mặt trận bình dân Pháp đổ, chiến tranh thế giới bùng nổ. Pháp tăng cường đàn áp cách mạng ở Đông Dương. Võ Nguyên Giáp phải rút vào hoạt động bí mật.

Năm 1940, theo chỉ thị của Bác Hồ, Võ Nguyên Giáp sang gặp Bác ở Trung Quốc, chuẩn bị một bước mới cho cách mạng Việt
Nam.

Một buổi chiều thứ sáu tháng 5 năm 1940, Quang Thái ôm con nhỏ lên chia tay với chồng trên một con đường vắng bên hồ
Tây. Cuộc chia tay bịn rịn nhưng không nước mắt yếu mềm bởi hai người đã có chung một tình yêu, một lý tưởng. Nhưng không ngờ đó cũng là lần gặp mặt cuối cùng của Võ Nguyên Giáp với người vợ hiền, người đồng chí  cách mạng kiên trinh.

Trong xa cách mỗi người một phương trời, Quang Thái ở nhà vẫn vừa nuôi con, vừa tiếp tục công tác bí mật.

Hai năm sau, năm 1942, trong một cuộc khám xét nhà, mật thám Pháp đã bắt Quang Thái rồi đưa chị ra Tòa án binh, kết án 16 năm tù giam. Vẫn luôn giữ ý chí kiên trung bất khuất trước kẻ thù, chị đồng thời liên kết động viên chị em giữ vững phẩm giá cách mạng, đấu tranh chống tra tấn tù nhân.
Trong những ngày căng thẳng, có một sự kiện về Quang Thái mà sau này nếu không có đồng chí Lê Duẩn nói thì không ai biết. Đó là trong một phiên tòa xử vụ Nam Kỳ Khởi nghĩa, ngoài hành lang trước khi vào phòng xử, anh Ba Duẩn gặp chị Minh Khai. Chị có sẵn một bức thư ngỏ gấp nhỏ ném cho anh. Chẳng may thư rơi xuống đất, gần tên lính canh. Chính vào lúc ấy, Quang Thái đứng gần đó, nhanh tay nhặt và nuốt ngay bức thư vào bụng. Về sau kể lại sự việc này đồng chí Lê Duẩn nói: “Năm 1940, nhờ có chị Quang Thái, nên tôi thoát khỏi án tử hình” (1).

Đến năm 1944, trong nhà lao xảy ra dịch bệnh thương hàn, nhiều chị em tù nhân bị nhiễm bệnh. Với kiến thức y học sẵn có, Quang Thái hết lòng săn sóc chị em bị bệnh, nhưng rồi sau chính chị cũng bị lây nhiễm. Khi biết mình không qua khỏi được, chị nhắn người nhà đưa con gái Hồng Anh vào cho chị được trông thấy con lần cuối. Bà nội đưa bé Hồng Anh từ Nghệ An ra với mẹ, nhưng nửa đường, tàu bị máy bay bắn phá, đành phải quay về.

Rồi Quang Thái mất, khi vẫn chưa được gặp con. Hẳn trong những giây phút cuối, chị nhớ thương da diết quặn lòng đứa con gái bé bỏng đã phải xa cha khi chưa đầy một tuổi và mất mẹ khi chưa kịp nhớ gì về mẹ. Trong trái tim nữ đồng chí kiên trung đã dâng hiến trọn đời cho lý tưởng, cho cách mạng hẳn cũng nặng đầy nỗi nhớ thương hướng về người bạn đời, người đồng chí thân yêu mà chị không còn bao giờ gặp lại, dù chỉ hơn một năm nữa thôi, cách mạng thành công, nước nhà độc lập.

Quang Thái đã hy sinh, khi mới vừa 29 tuổi. Đó là ngày 15 tháng Hai năm 1944.

Ngày ấy Võ Nguyên Giáp còn đang ở Việt Bắc xây dựng khu giải phóng Cao – Bắc – Lạng – Thái – Hà – Tuyên, không biết tin gì về vợ.

Mãi đến tháng 3 năm 1945, về dự Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ, đồng chí Trường Chinh mới nói cho anh biết chị Quang Thái đã mất trong tù, từ một năm trước... Sau những phút im lặng tái tê người, anh phải nén lại nỗi đau để tiếp tục bàn việc lớn chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa sắp tới.
Sau này, anh kể lại trong Hồi ký Những chặng đường lịch sử:

“Từ ngày lên đường đi họp, tôi hy vọng về đây gặp các anh, sẽ được biết tin nhà. Mấy năm qua không được tin gì về gia đình. Tôi có đôi lần gửi thư về nhà, nhưng không rõ có đến nơi hay không. Tôi cảm thấy ngày chúng tôi gặp nhau không còn xa nữa.

Buổi đầu gặp lại anh Trường Chinh và các anh sau bao năm xa cách, thật là vui mừng khôn xiết. Tôi đang nghe các anh kể chuyện địch khủng bố gắt gao dưới xuôi, thì anh Trường Chinh nói:

Chị Thái chỉ vì gửi cháu chưa được, chưa kịp đi bí mật thì bị chúng bắt. Cũng không ngờ chị lại mất ở trong tù.

Tôi lặng người đi. Lát sau tôi hỏi:

-Anh nói sao? Thái mất rồi ư?

Anh Trường Chinh có vẻ ngạc nhiên, hỏi lại:

- Anh chưa biết tin à?

Khi ở Cao Bằng, các anh cũng có lần nghe tin đâu như Thái bị bắt, nhưng vẫn giấu, chưa muốn cho tôi biết.

Tôi bàng hoàng đi sang buồng bên, vẫn chưa tin hẳn điều anh nói là sự thật.

Tôi nằm nhớ lại ngày chúng tôi mới gặp nhau ở Huế, khi cùng hoạt động bí mật, nhớ đến những lời hứa hẹn cùng nhau phấn đấu trọn đời, nhớ lại những điều đã dặn dò nhau khi chia tay, nghĩ đến Hồng Anh...

Sau này tôi mới biết, trong thời gian tôi đi xa, Thái vẫn tiếp tục hoạt động, làm liên lạc cho Trung ương. Sau lần đi Sài Gòn để gặp chị Minh Khai lần cuối cùng trước khi chị bị đế quốc đem xử bắn, trở về nhà được ít lâu thì Thái bị bắt.

Trong nhà tù, bọn đế quốc tìm mọi cực hình tra tấn, để truy tìm mối dây liên lạc với anh Hoàng Văn Thụ. Thái đã quyết không khai một lời, và đã mất tại nhà giam Hỏa Lò Hà Nội”.
Chỉ bấy nhiêu lời tự bạch mà mở ra biết mấy thương yêu gắn bó đối với người đã mất.

***

Cũng như chị gái của mình - chị Nguyễn Thị Minh Khai, Quang Thái đã sống, chiến đấu và hy sinh như chính những vần thơ cháy bỏng chị viết năm 16 tuổi, ở trong tù:

                         Quyết chí hy sinh, thây kẻ chết
                          Đem lòng phấn đấu, mặc đầu rơi
                        Ngọn cờ vô sản bao giờ phất
                         Chín suối hồn ta miệng mỉm cười.

Chị không có mặt để gặp lại anh trong ngày chiến thắng, nhưng lá cờ Độc Lập đã bay cao trong nắng gió Ba Đình.

Còn anh, lại tiếp tục cùng với Đảng, Bác Hồ và nhân dân đi tiếp cuộc trường chinh gian khổ, vĩ đại để đến thắng lợi cuối cùng, rồi mới gặp lại con gái thương yêu đã nhiều năm sống vắng cha.

Thiên tình sử cao đẹp của hai người thế là đã khép lại để đi vào thiên thu, biểu hiện mãi mãi cái Đẹp trong Tình yêu và Cách mạng.    

Chú thích:
       (1)   Rút từ cuốn “Đồng chí Lê Duẩn, một nhà lãnh đạo lỗi lạc, một tư duy sáng tạo lớn của cách mạng Việt
Nam” - NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, từ trang 41./.


 

Tác giả: Phạm Thị Xuân Châu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập207
  • Thành viên online1
  • Máy chủ tìm kiếm44
  • Khách viếng thăm162
  • Hôm nay29,416
  • Tháng hiện tại768,533
  • Tổng lượt truy cập135,246,826
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi