banner

GDMN- Nữ viên chức ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ với phong trào thi đua lập thành tích chào mừng ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10)

Thứ năm - 18/10/2018 05:35
Dienbien.edu.vn- Hòa trong không khí phấn khởi và tự hào của phụ nữ cả nước chào mừng ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, nữ viên chức ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ đã tổ chức nhiều sự kiện để chào mừng và kỷ niệm 88 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Thời điểm này, tại các trường trong toàn huyện đang diễn ra rất nhiều hoạt động như: Tọa đàm, tổ chức giao lưu văn nghệ, thể thao, tổ chức thi nấu ăn và nhiều hoạt động khác để chào mừng ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10. Có thể thấy, trong bầu không khí vui tươi này, giữa tiết trời se lạnh của chớm đông ửng hồng trên gương mặt mỗi người phụ nữ đó là những phút giây hạnh phúc khi được nhận những lời chúc mừng, những bó hoa tươi thắm từ gia đình, bạn bè và đồng nghiệp. Nói về tâm tư của mình trong những ngày này, cô giáo Bùi Thị Thủy, giáo viên trường PTDTBT TH Nà Khoa vui vẻ cho biết: “Mặc dù nghề giáo rất vất vả nhưng bản thân chưa bao giờ thôi yêu nghề, yêu thương các em học sinh. Bên cạnh những vất vả của công việc, không tránh khỏi những lo toan của cuộc sống. Với gia đình tôi, tôi luôn dành thời gian để chia sẻ công việc hằng ngày cùng các thành viên trong gia đình, mặc dù biết sự hi sinh thầm lặng của gia đình dành cho tôi là rất lớn”.
1

Ngày nay, thời đại của khoa học công nghệ - Phụ nữ Việt Nam tiếp tục vươn lên để khẳng định mình. Họ không ngừng trau dồi kiến thức, khả năng giao tiếp, các kỹ năng mềm, chăm chỉ nghiên cứu khoa học, năng động sáng tạo. Vậy làm thế nào để người phụ nữ có thể vừa duy trì được mối quan hệ gia đình bền chặt, một tổ ấm hạnh phúc vừa đảm đương tốt công việc ngoài xã hội. Nói về vấn đề này, cô giáo Nguyễn Thị Thu Hằng, Hiệu trưởng trường mầm non Si Pa Phìn cho biết: “Xét từ bản thân vừa là người quản lý ở cơ quan vừa là người phụ nữ của gia đình, làm thế nào để hài hòa giữa công việc và gia đình. Trong công việc tôi đã phải đề ra mục tiêu rõ ràng, khoa học, hợp lý; về gia đình tôi dành thời gian chăm sóc con cái, phụ những công việc hàng ngày cùng chồng, con. Bên cạnh đó còn kể đến sự động viên, giúp đỡ từ phía gia đình và sự ủng hộ của ngành, của tập thể nhà trường đã giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ được giao…”.
Từ thực tế trên cho thấy, phụ nữ “giỏi việc trường - đảm việc nhà” là một vấn đề không hề dễ dàng, đặc biệt là người phụ nữ làm công tác giáo dục. Trong công việc hay cuộc sống không thể lúc nào người phụ nữ cũng kiên cường với một tinh thần thép để luôn sống lạc quan và làm việc hiệu quả nếu không có sự quan tâm, giúp đỡ của đồng nghiệp và gia đình. Đặc biệt là đối với những nữ nhà giáo đang công tác tại vùng đặc biệt khó khăn như huyện Nậm Pồ thì các cô đều phải hy sinh, cố gắng rất nhiều như sống xa gia đình, xa các con, giao thông đi lại khó khăn…thiếu thốn rất nhiều cả vật chất và tinh thần nhưng các cô giáo vẫn luân phiên nhau ngày, đêm cắm ở những điểm bản xa trung tâm để mang cái chữ, mang ánh sáng văn hóa đến cho các em nhỏ. Tâm sự của cô giáo Lò Thị Muôn, giáo viên đang cắm ở điểm bản Hô Củng, một điểm bản xa của trường Mầm non Chà Tở:“Bản thân tôi đã nhiều năm công tác tại các điểm bản xa của trường, vì chưa lập gia đình nên tôi thường xung phong dạy ở các lớp xa trung tâm, tạo điều kiện cho những giáo viên có gia đình, có con nhỏ dạy ở các điểm bản gần. Ở đây, tôi coi trẻ như chính con em mình. Tuy cuộc sống có nhiều thiếu thốn về vật chất và tinh thần nhưng tôi vẫn luôn cố gắng trong công việc, được dạy các em nhỏ là niềm vui lớn nhất của tôi”.

Cô Nguyễn Thị Thu Hằng - Hiệu trưởng trường MN Si Pa Phìn nhận cờ thi đua của UBND Tỉnh Điện Biên tặng tập thể nhà trường
Trao đổi với ông Nguyễn Xuân Thuận- Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ nói về vấn đề này ông cho biết: Toàn ngành giáo dục đang có gần 1600 viên chức trong đó lực lượng nữ viên chức chiếm 55,6%. Trong việc quy hoạch, bổ nhiệm hàng năm có rất nhiều nữ viên chức được giới thiệu đưa vào quy hoạch và bổ nhiệm; trong chuyên môn đã có giáo viên nữ đã đạt được nhiều thành tích trong việc ôn luyện học sinh giỏi đã có nhiều em đạt giải; có nhiều sáng kiến kinh nghiệm hay phục vụ trong việc giảng dạy và học tập của học sinh; tham gia các hội thi do ngành tổ chức đã đạt được nhiều giải cao và danh hiệu cao quý....điều này đã khẳng định vị trí, uy tín của đội ngũ nữ viên chức trong ngành. Tuy nhiên để quản lý sao cho hiệu quả đòi hỏi ngành cũng phải đưa ra nhiều giải pháp phù hợp để mỗi nữ viên chức đều đảm đương được thiên chức của người phụ nữ và hiệu quả công việc trong cơ quan.
Trong bầu không khí vui tươi chào mừng ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, các cô giáo ngành giáo dục và đào tạo huyện Nậm Pồ như được cộng thêm niềm vui trên bục giảng, bên các em học sinh thân yêu; hạnh phúc khi được nhận những lời chúc mừng, những bó hoa tươi thắm từ người thân, bạn bè, đồng nghiệp như thế cũng đã đủ để các cô vững bước trên con đường đã lựa chọn. Bác Hồ kính yêu của chúng ta từng nói rằng: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà nên tốt đẹp rực rỡ’’ đã cho thấy vai trò to lớn của người phụ nữ trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước./.

Tác giả: Thương Hoàng - Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập216
  • Máy chủ tìm kiếm39
  • Khách viếng thăm177
  • Hôm nay21,381
  • Tháng hiện tại141,684
  • Tổng lượt truy cập136,493,497
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi