banner

GDMN - Cô giáo mầm non điểm trường vùng cao Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé

Chủ nhật - 09/12/2018 19:12
Dienbien.edu.vn - Không ít người khi đặt chân đến vùng cao, vùng khó khăn đều thừa nhận, chỉ các thầy giáo, cô giáo thật sự tâm huyết mới đủ sức bám trụ với nghề. Cách xa trung tâm Thành phố hơn 200 cây về phía cực Tây của tổ quốc, đến với trường Mầm non Leng Su Sìn, đó là nơi cô giáo Lường Thị Lập đang công tác và làm việc.
Trường Mầm non Leng Su Sìn ngoài trung tâm còn có 4 điểm lẻ với 100% học sinh là người dân tộc thiểu số Mông Hà Nhì. Trong tổng số 15 cán bộ, giáo viên của nhà trường, cô giáo Lường Thị Lập được ghi nhận là một tấm gương điển hình tiêu biểu, trẻ tuổi, nhiệt huyết.
Tốt nghiệp sư phạm mầm non trường CĐSP Hải Dương, Lường Thị Lập lên công tác tại trường mầm non Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé- một huyện biên giới đặc biệt khó khăn của tỉnh Điện Biên. Được nhà trường phân công dạy ở điểm trường lẻ Cà Là Pá, so với các điểm trường khác trên địa bàn thì điểm trường cô giáo Lường Thị Lập công tác từ năm 2012 đến hết năm học 2017-2018 là điểm trường còn nhiều khó khăn nhất. Con đường tới lớp của cô giáo Lập ghập ghềnh sỏi đá, không chỉ vậy mà muốn đến được điểm trường nơi cô đang giảng dạy phải đi bộ lên dốc và đi qua một con suối, có thời điểm lũ cuốn mất cầu, việc vượt suối vô cùng vất vả, nhiều hôm cô đến lớp với quần áo ướt đẫm thế nhưng cô luôn cố gắng và ngày nào cũng có mặt ở lớp đúng giờ. Sau khi đến được trường cô bắt tay ngay vào công việc dọn dẹp lớp học sạch sẽ và chuẩn bị đón trẻ.
Dạy trẻ mầm non đã khó, trẻ ở điểm bản lại càng khó hơn, lớp học đơn sơ, chỉ có mấy cô trò giữa núi rừng heo hút. Có hôm trời mưa rét, đã đến giờ học vẫn một mình cô giáo bơ vơ vì chưa cháu nào đến lớp, cô lại phải lặn lội đến từng nhà đón trẻ. Nhiều cháu người dân tộc thiểu số mới ra lớp không thạo tiếng Việt, có lúc cô nói xuôi nhưng trò làm ngược, cô thấy buồn vô cùng... Phải nói rằng chỉ có những người trong nghề mới thấu hiểu được nỗi gian truân của giáo viên vùng cao, đặc biệt là giáo viên mầm non. Song vượt qua mọi khó khăn, mỗi sáng cô vẫn đều đặn đến trường, cô đón trẻ, chải tóc cho các con, dạy các con những bài học hay và ý nghĩa...
Lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo
Khi đến trường cô giáo như mẹ hiền.

Cô giáo Lập như một người mẹ luôn dành tình cảm yêu thương cho các con của mình, chăm lo cho các cháu từng bữa ăn giấc ngủ. Ngoài việc chăm sóc, dạy dỗ các cháu, cô còn nấu cơm cho các cháu ăn, giặt quần áo và vệ sinh cho các cháu. Nếu như các ông bố, bà mẹ ngày nghỉ ở nhà chúng ta chăm sóc cho hai em bé đã đủ bận rộn, ấy vậy mà, cô Lường Thị Lập cũng như các cô giáo mầm non ở nhiều điểm bản khác cùng lúc phải trông nom, dạy dỗ vài ba chục trẻ, đó là một sự cố gắng không ngng nghỉ. Nhiều hôm trẻ nghỉ học cô đã không quản ngại đường xá xa xôi vào từng gia đình tuyên truyền vận động, đón các cháu ra lớp. Khó khăn vất vả là vậy, nhưng rồi nhờ tình yêu thương trẻ đã giúp cô lấy lại tinh thần, gắn bó với bản, với lớp hơn.
Để trẻ thật sự thích đến trường, cô Lập thường xuyên tìm tòi, đổi mới phương pháp dạy học, tuyên dương các cháu kịp thời và luôn tạo sự gần gũi, thân thiện. Nhiều hôm các cháu tan học về hết, chỉ còn mình cô ở lại cặm cụi làm đồ dùng, đồ chơi để chuẩn bị cho ngày mai các cháu đến lớp có thêm bất ngờ mới, niềm vui mới cho các hoạt động học tiếp theo. Đối với các cô giáo vùng cao trong đó có cô giáo Lập thì niềm vui lớn nhất đối với các cô đó chính là nhìn thấy trẻ ngày ngày đến lớp, nhìn thấy các cháu khỏe mạnh, chăm ngoan, ngày một tiến bộ.

Trong công việc, cô luôn nêu cao tinh thần học hỏi đồng nghiệp, tích cực trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, hồ sơ giáo án luôn được xếp loại tốt, đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Ngoài việc thực hiện tốt nhiệm vụ giảng dạy của mình, cô giáo Lập còn rất nhiệt tình tham gia các hoạt động phong trào do Công Đoàn nhà trường và Ngành giáo dục phát động như tham gia các hoạt động thể dục, thể thao, văn nghệ...  
Với tình yêu thương con trẻ, lòng nhiệt huyết với nghề, cô giáo Lường Thị Lập luôn hoàn thành tốt mọi công việc được giao và hơn hết cô luôn nhận được đó chính là sự yêu quý của trẻ, sự tin tưởng của cha mẹ trẻ, sự tín nhiệm của đồng nghiệp. Cô xứng đáng là tấm gương nhà giáo mầm non tiêu biểu, một hình ảnh mẫu mực về lòng yêu nghề, sự tận tụy, hết lòng vì công việc, vì các cháu học sinh thân yêu./.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập140
  • Thành viên online1
  • Máy chủ tìm kiếm21
  • Khách viếng thăm118
  • Hôm nay34,781
  • Tháng hiện tại105,024
  • Tổng lượt truy cập136,456,837
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi