banner

GDMN- Phát huy hiệu quả từ các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non tỉnh Điện Biên

Thứ tư - 16/08/2017 20:53
Dienbien.edu.vn - Những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Chính phủ và các Bộ, Ngành trung ương cùng với sự quyết tâm, nỗ lực của toàn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh, giáo dục mầm non của tỉnh đã có những bước phát triển vững chắc. Quy mô trường, lớp và trẻ tăng, đội ngũ cán bộ, giáo viên được tăng cường cả về số lượng và chất lượng; cơ sở vật chất trường lớp học từng bước được đầu tư nâng cấp; giáo dục vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm, chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ ngày càng được nâng lên.
Tuy nhiên, Điện Biên là tỉnh có địa hình hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, thời tiết khắc nghiệt, nhất là địa bàn vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; dân cư sống phân tán, xa trung tâm xã, xa trường học; tỷ lệ hộ nghèo cao, trình độ dân trí chưa đồng đều, một số nơi vẫn còn tồn tại những phong tục tập quán lạc hậu (tảo hôn, mê tín dị đoan, di dịch cư tự do, tuyên truyền đạo trái pháp luật) ảnh hưởng không nhỏ đến việc huy động trẻ ra lớp và việc nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ.

Trong bối cảnh kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn, Điện Biên là tỉnh nghèo (hàng năm trên 90% ngân sách của tỉnh là do trung ương cấp), đầu tư cho giáo dục mầm non còn nhiều hạn chế; công tác xã hội hóa giáo dục, huy động sự đóng góp từ nhân dân hạn hẹp do đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn.

Trong khi đó, quy mô giáo dục mầm non tiếp tục tăng nhanh, điều kiện để đảm bảo chất lượng như cơ sở vật chất trường lớp học, giáo viên và thiết bị chưa đáp ứng đủ yêu cầu, nhất là các trường ở khu vực vùng cao, vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn. Chính vì vậy, việc phát huy hiệu quả từ các chương trình, dự án nhằm hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non là hết sức cần thiết.

Nhằm phát huy hiệu quả từ các chương trình, dự án, các cấp quản lý giáo dục mầm non (GDMN) của tỉnh đã tập trung vào một số giải pháp chủ yếu như sau:

Tích cực tham mưu triển khai các chương trình, dự án

Chỉ đạo thực hiện công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương về việc thực hiện các chương trình, dự án trong việc hỗ trợ cho hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ thông qua các hoạt động như tuyên truyền qua các hội nghị, qua trang web của Sở, của Phòng Giáo dục và Đào tạo, qua hội thảo, tập huấn…

Cấp học mầm non rất ít các chương trình, dự án hỗ trợ. Nhờ sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, sự ủng hộ từ các tổ chức, các nhân, đặc biệt là sự tham mưu tích cực từ phía ngành giáo dục, trong những năm học gần đây, tỉnh có được sự hỗ trợ từ một số chương trình dự án, tiêu biểu như: dự án Tăng cường khả năng sẵn sàng đi học cho trẻ mầm non của Ngân hàng thế giới, dự án Tỉnh bạn hữu trẻ em của tổ chức Unicef, chương trình Phát triển vùng của tổ chức “Tầm nhìn thế giới”, dự án “Tạo cơ hội bình đẳng giáo dục cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số” và dự án "Môi trường học tập chất lượng và an toàn cho trẻ em dân tộc thiểu số" của tổ chức Save the Children.
1
Thăm mô hình “Bà mẹ trợ giảng” tại điểm trường - trường Mầm non Pú Nhung, huyện Tuần Giáo
 
Phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch thực hiện các hoạt động của các chương trình, dự án

Ngành giáo dục đã tích cực phối hợp xây dựng kế hoạch thực hiện các hoạt động của các chương trình, dự án. Trong quá trình xây dựng kế hoạch, chú trọng tham mưu ưu tiên hỗ trợ các đối tượng là trẻ thuộc nhóm trẻ thiệt thòi, trẻ dân tộc thiểu số, trẻ thuộc vùng đặc biệt khó khăn, trẻ chưa nhận được sự hỗ trợ của nhà nước. Chỉ đạo các cơ sở nhận được sự hỗ trợ đầu tư, tận dụng các nguồn lực xã hội hóa giáo dục nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị, đồ dùng dạy học và tài liệu liên quan đến việc nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ. Chỉ đạo các cơ sở thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chế độ chính sách hỗ trợ cho trẻ theo quy định. Phối hợp tổ chức thực hiện các hoạt động kiểm tra, giám sát các hoạt động của các chương trình, dự án tại các cơ sở được thụ hưởng.

Triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non

Triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các hoạt động hỗ trợ của các chương trình, dự án theo kế hoạch; phát huy hiệu quả các hoạt động hỗ trợ nhằm khắc phục khó khăn, tạo đà cho GDMN phát triển.

Dự án tăng cường khả năng sẵn sàng đi học cho trẻ mầm non đã hỗ trợ cho trẻ mẫu giáo vùng khó khăn, trẻ dân tộc thiểu số được ăn trưa tại trường, góp phần quan trọng vào việc huy động trẻ ra lớp, đi học chuyên cần. Do trình độ dân trí của một số đồng bào dân tộc thiểu số chưa cao nên các trường mầm non phải hướng dẫn, hỗ trợ cha mẹ trẻ rất nhiều trong việc hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để đảm bảo cho trẻ được hưởng các chế độ chính sách theo quy định. Đồng thời thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động cha mẹ trẻ sử dụng các nguồn kinh phí hỗ trợ đó phục vụ cho các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ ở trường. Cùng với triển khai hỗ trợ ăn trưa cho trẻ, ngành giáo dục đã triển khai tích cực các hoạt động của Dự án trong công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ (tập huấn 10 mô đun ưu tiên trực tiếp và các mô đun nâng cao qua mạng Internet) và thực hiện kiểm định chất lượng các trường mầm non.

Trong những năm gần đây, Điện Biên có 4 huyện (Mường Chà, Tuần Giáo, Tủa Chùa, Điện Biên Đông) với 12 xã được thụ hưởng sự hỗ trợ của các dự án, tổ chức trong công tác chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số như: Dự án Tỉnh bạn hữu trẻ em của tổ chức Unicef với hoạt động chủ yếu là hỗ trợ tổ chức tập huấn về chuyên môn cho giáo viên, chú trọng tập huấn về nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức các hoạt động dạy tăng cường tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số. Trong quá trình tổ chức các hoạt động, nhằm tạo hiệu quả đồng bộ, Dự án cũng đã quan tâm mở rộng sự hỗ trợ đến các đơn vị huyện khác trong tỉnh.
Chương trình Phát triển vùng của Dự án “Tầm nhìn thế giới” với mô hình “Bà mẹ trợ giảng” và bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên, hỗ trợ cơ sở vật chất, thiết bị để tổ chức bán trú cho trẻ, các trường thuộc các xã dự án đã vận động phụ huynh cùng tham gia làm đồ dùng đồ chơi phục vụ cho các hoạt động học và hoạt động chơi của trẻ.

Dự án “Tạo cơ hội bình đẳng giáo dục cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số” của Tổ chức Save the Children được triển khai ở huyện Điện Biên Đông với mô hình dạy tiếng Việt dựa trên ngôn ngữ mẹ đẻ cho trẻ dân tộc thiểu số. Ở những nơi giáo viên không biết tiếng dân tộc, cộng đồng sẽ tham gia lựa chọn các bà mẹ trợ giảng để cùng làm việc với giáo viên, phát triển kế hoạch bài học và hỗ trợ giảng dạy trẻ dân tộc thiểu số bằng cả tiếng Việt và tiếng mẹ đẻ. Các hoạt động của Dự án nhằm giải quyết khó khăn về rào cản văn hóa và ngôn ngữ của trẻ em dân tộc thiểu số thông qua việc kết hợp sử dụng tiếng Việt và ngôn ngữ mẹ đẻ của trẻ làm phương tiện giảng dạy. Sự kết hợp này sẽ đảm bảo hình thành cho trẻ nền tảng ngôn ngữ mẹ đẻ vững chắc và tạo cầu nối cho việc học tốt tiếng Việt như ngôn ngữ thứ hai.

Dự án do tổ chức Cứu trợ trẻ em SCI tài trợ được triển khai thực hiện tại huyện Điện Biên Đông với mục tiêu nhằm xây dựng những mô hình, có thể nhân rộng ở những cộng đồng nghèo và khó khăn nhất, mang lại cho trẻ em vùng hưởng lợi từ dự án các cơ hội phát triển đầy đủ. Dự án đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất như phòng học, bếp và nhà vệ sinh cho các trường, điểm trường khó khăn; tăng cường kỹ năng cho giáo viên mầm non, tiểu học, cha mẹ trẻ hướng dẫn trẻ làm quen với Toán và đọc viết; hướng dẫn các kỹ năng vệ sinh cá nhân cho trẻ tại trường và gia đình,...

Chương trình Quỹ trò nghèo vùng cao hỗ trợ trẻ 2 tuổi và trẻ 3,4,5 tuổi không thuộc đối tượng hỗ trợ của nhà nước để hỗ trợ tiền ăn trưa tại trường với định mực 6000 đồng/ngày/trẻ tại huyện Điện Biên, Tuần Giáo và nhiều tổ chức, cá nhân khác đã hỗ trợ làm nhà lớp học, tổ chức bán trú cho trẻ và các trang thiết bị phục vụ công tác chăm sóc, giáo dục trẻ tại trường mầm non.

Các cơ sở GDMN tăng cường huy động các nguồn lực từ cộng đồng, cha mẹ trẻ cùng với các chính sách của nhà nước và sự hỗ trợ của các dự án, chương trình nhằm nâng cao chất lượng các điều kiện để thực hiện chăm sóc giáo dục trẻ theo chương trình GDMN như: nâng cấp, bổ sung hệ thống phòng học, tôn tạo xây dựng môi trường giáo dục đảm bảo an toàn, thân thiện cho các cơ sở giáo dục mầm non đặt biệt là ở các điểm trường vùng đặc biệt khó khăn, biên giới.
 
Kết quả đạt được

Sự hỗ trợ tích cực từ các chương trình, dự án đã góp phần không nhỏ vào kết quả phát triển giáo dục mầm non của tỉnh. Cụ thể:
Tăng tỷ lệ huy động trẻ đến trường: Đến tháng 5/2017, toàn tỉnh có 172 trường với 2.253 nhóm lớp, tổng số trẻ đi học là 52.655 trẻ. Tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ đi học đạt 24,0%, trẻ mẫu giáo đạt 97,6%; riêng trẻ 5 tuổi đạt 99,6%. 100% trẻ ở các cơ sở giáo dục mầm non được học 2 buổi/ngày. Số lớp mẫu giáo 5 tuổi: 1029 lớp, trẻ 5 tuổi đến trường là 13.778 trẻ.

Trẻ có cân nặng bình thường đạt tỷ lệ 96,2%; trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, tỷ lệ 3,8%.Trẻ có chiều cao bình thường đạt tỷ lệ 95,5%; trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi, tỷ lệ 4,5%.Tỷ lệ trẻ ăn bán trú tại trường 95,8%.

100% trẻ học 2 buổi/ngày, tỷ lệ trẻ đi học chuyên cần: 95,8%; 100% số trường, nhóm/lớp thực hiện chương trình GDMN; Chất lượng đánh giá trẻ theo các lĩnh vực phát triển: thể chất đạt 92,7%; nhận thức đạt 90,9%; ngôn ngữ đạt 91,3%; tình cảm và kỹ năng xã hội đạt 92,6%; thẩm mỹ đạt 91,8 %; Tổng số trẻ dân tộc thiểu số được tăng cường tiếng Việt 44.268 trẻ tỷ lệ 100%.

100% cán bộ quản lý, giáo viên được bồi dưỡng các mô đun ưu tiên của dự án Tăng cường khả năng sẵn sàng đi học cho trẻ mầm non

Các đơn vị đã chỉ đạo giáo viên thực hiện tốt công tác tự học, tự bồi dưỡng, tham gia các hoạt động bồi dưỡng đầy đủ, thực hiện sinh hoạt chuyên môn theo quy định. Động viên, tạo điều kiện cho cán bộ quản lý, giáo viên tham gia các lớp nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu thực hiện các hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ.

Tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị, học liệu

Tổng số phòng học hiện có toàn ngành là 2.253 phòng, trong đó: kiên cố: 1121 phòng ,tỷ lệ 49,8%; bán kiên cố: 384 phòng, tỷ lệ 17%; tạm: 748 phòng, tỷ lệ 33,2%.

Số lớp có đủ thiết bị, đồ dùng, đồ chơi theo quy định: 1782/2253 lớp đạt 79,1% (trong đó lớp mẫu giáo 5 tuổi 1029/1029 lớp đạt 100%). Tổng số sân chơi ngoài trời 1024 sân, trong đó có 550/1024 sân chơi có 5 loại thiết bị đồ chơi trở lên đạt 53,7%.

Có được kết quả đó là do các đơn vị đã tích cực trong công tác tham mưu, phối hợp triển khai thực hiện các chương trình, dự án liên quan đến GDMN. Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, xã hội hóa giáo dục nhằm huy động nhiều lực lượng cùng với ngành Giáo dục thực hiện nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ. Quan tâm chỉ đạo các cơ sở GDMN huy động tối đa trẻ trong độ tuổi đến trường mầm non, duy trì số lượng và nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Chương trình GDMN, phát triển chương trình GDMN phù hợp với điều kiện vùng miền, đặc biệt là đối với các lớp mẫu giáo ghép và việc thực hiện tăng cường tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số. Chỉ đạo tích hợp các chuyên đề giáo dục một cách linh hoạt vào chương trình GDMN phù hợp với đối tượng trẻ theo vùng miền. Chỉ đạo các đơn vị phối kết hợp chặt chẽ với các chương trình, dự án tổ chức cho CBQL, GV tham gia hội thảo, tập huấn, trao đổi kinh nghiệm về phát triển giáo dục mầm non phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương./.

Tác giả: Nguyễn Thị Huệ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập351
  • Máy chủ tìm kiếm20
  • Khách viếng thăm331
  • Hôm nay25,294
  • Tháng hiện tại674,684
  • Tổng lượt truy cập135,152,977
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi