banner

Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục an toàn giao thông cho trẻ em mẫu giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non

Thứ hai - 24/05/2021 05:59
Dienbien.edu.vn - Trong những năm gần đây tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT) có những diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông ngày càng gia tăng trở thành vấn đề bức xúc của toàn xã hội.
Để ngăn ngừa những tai nạn giao thông trước hết phải giáo dục Luật Giao thông, ý thức và văn hóa tham gia giao thông cho mọi đối tượng trong đó có trẻ em lứa tuổi mẫu giáo là hết sức cần thiết. Một số giải pháp các cơ sở GDMN cần quan tâm thực hiện để nâng cao chất lượng giáo dục ATGT cho trẻ mẫu giáo như:
 (1) Đẩy mạnh truyền thông về giáo dục an toàn giao thông cho trẻ trong cơ sở giáo dục mầm non
Đẩy mạnh truyền thông về giáo dục an toàn giao thông cho trẻ trong cơ sở giáo dục mầm non nhằm nâng cao nhận thức của cha mẹ trẻ em và cộng đồng về giáo dục ATGT cho trẻ em trong các cơ sở GDMN nói chung và đối với trẻ em mẫu giáo nói riêng. Đồng thời tăng cường huy động các nguồn lực, các lực lượng trên địa bàn quan tâm đầu tư, phối hợp thực hiện giáo dục ATGT cho trẻ em trong các cơ sở GDMN.
Ngoài việc xây dựng môi trường giáo dục chứa đựng nội dung tuyên truyền về ATGT và giáo dục ATGT cho trẻ mầm non thì việc tăng cường các hoạt động truyền thông, đa dạng các hình thức truyền thông nhằm hướng tới nhiều đối tượng cha mẹ trẻ em và nhân dân trên địa bàn, phù hợp với đặc thù từng địa phương, đơn vị.
Sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng; xây dựng chuyên mục trên website của trường; tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề; giao lưu, hội thi; sử dụng pano, áp phích, khẩu hiệu...; tăng cường các hoạt động hướng dẫn của giáo viên, nhân viên nhà trường tới phụ huynh học sinh thông qua trao đổi hằng ngày, xây dựng và gửi các video về Hướng dẫn cha mẹ giáo dục trẻ tại gia đình gửi vào các nhóm zalo, facebook... với cha mẹ của trẻ.
Nội dung truyền thông tập trung vào một số vấn đề trọng tâm như:
- Các quy định về tín hiệu giao thông đường bộ, hệ thống các biển báo giao thông đường bộ;
- Các kỹ năng đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông như: Quy định bắt buộc về đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng phương tiện xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện, xe máy điện; cách lựa chọn mũ đạt tiêu chuẩn an toàn và đội mũ bảo hiểm đúng cách;
- Ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông, xử lý tình huống khi tham gia giao thông; hành vi sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông;
- Đấu tranh, lên án các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông; giới thiệu các mô hình, bài học kinh nghiệm trong công tác đảm bảo an toàn giao thông và giáo dục an toàn giao thông cho trẻ mẫu giáo;
- Vai trò của gia đình, người thân trong việc thay đổi thói quen và hành vi chưa đúng khi tham gia giao thông;
- Một số khẩu hiệu tuyên truyền về an toàn giao thông...
(2) Tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục mầm non về giáo dục ATGT cho trẻ mẫu giáo
Thông qua các hoạt động sinh hoạt chuyên môn hằng tháng, việc xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình GDMN nói chung và thực hiện lồng ghép, tích hợp giáo dục ATGT cho trẻ mẫu giáo được triển khai tới giáo viên trong các tổ chuyên môn, giáo viên được dự giờ một số hoạt động giáo dục ATGT do giáo viên trong trường thực hiện. Tại các buổi sinh hoạt chuyên môn này, cán bộ quản lý, giáo viên được trao đổi, thảo luận tháo gỡ khó khăn và thống nhất trong việc triển khai thực hiện giáo dục ATGT cho trẻ.
(3) Tăng cường tổ chức các hoạt động giáo dục an toàn giao thông cho trẻ mẫu giáo trong các cơ sở GDMN theo hướng trải nghiệm, thực hành
Để đảm bảo tính phù hợp giữa nội dung giáo dục an toàn giao thông với cách học chủ yếu của trẻ ở độ tuổi mẫu giáo - học qua chơi, các cơ sở GDMN tổ chức các hoạt động giáo dục ATGT cho trẻ mẫu giáo theo hướng trải nghiệm, thực hành làm thay đổi căn bản cách thức tổ chức các hoạt động giáo dục trẻ ở trường mầm non của giáo viên cho phù hợp với trẻ hơn, trẻ dễ nhớ và trẻ học mà vui, không căng thẳng, không mệt mỏi nhàm chán.
Thay vì tổ chức các hoạt động giáo dục theo cách thức truyền thống (giáo viên sử dụng hình ảnh, trò chuyện với trẻ về nội dung giáo dục ATGT) thì giáo viên điều chỉnh kế hoạch giáo dục, thay đổi phương pháp, hình thức giáo dục cho phù hợp hơn với nội dung giáo dục an toàn giao thông.
Hoặc thay vì tổ chức cho trẻ học Luật Giao thông qua tranh, ảnh, video trong lớp giáo viên cho trẻ đóng vai, thực hành một số quy định của Luật Giao thông ở khu chơi giao thông của trường hoặc giáo viên tự sắp xếp, bố trí trong lớp hoặc ngoài sân trường... Giáo viên có thể sử dụng các đồ chơi để xây dựng các mô hình giao thông để giáo dục ATGT cho trẻ như: “Ngã tư đường phố”, “Con đường về nhà”, “Vòng xuyến giao thông”… để trẻ thực hành.
Trường Mầm non Thanh Trường, TP. Điện Biên Phủ tổ chức chương trình giao lưu "Tôi yêu Việt Nam"
Bên cạnh đó, các hoạt động như: Mời cơ quan cảnh sát giao thông phối hợp tổ chức buổi trò chuyện với trẻ, tổ chức hội thi, giao lưu... giữa các khối lớp, các trường hay cụm trường được tăng cường cũng tạo cơ hội, tạo môi trường để trẻ được trải nghiệm, giao lưu sự hiểu biết và kỹ năng tham gia giao thông an toàn với các bạn cùng lứa tuổi, giúp trẻ tự tin hơn trước đám đông.
Giờ học về ATGT của các bé mẫu giáo trường Mầm non xã Thanh Chăn huyện Điện Biên có sự phối hợp của lực lượng Công an xã Thanh Chăn
Sự phối hợp của cha mẹ trẻ trong việc tham gia vào các hoạt động giáo dục ATGT cho trẻ ở trường tích cực hơn, hiệu quả và thiết thực hơn. Thông qua đó nâng cao nhận thức của cha mẹ trẻ em và cộng đồng về vai trò của GDMN đối với sự phát triển của trẻ em nói chung và vai trò, ý nghĩa của việc giáo dục ATGT cho trẻ nói riêng.
(4) Xây dựng mô hình "Trường mầm non an toàn giao thông"ở các cơ sở giáo dục mầm non
Xây dựng mô hình "Trường mầm non an toàn giao thông" hướng tới giúp các cơ sở GDMN giải quyết những vấn đề khó khăn, tồn tại của đơn vị trong việc thực hiện Luật Giao thông đường bộ và thực hiện giáo dục an toàn giao thông cho trẻ mầm non.
Các trường mầm non tùy tình hình thực tiễn để xây dựng mô hình "Trường mầm non an toàn giao thông" cho phù hợp. Các mô hình này mang tính chất riêng của từng trường, hướng vào các mô hình phối hợp giữa các lực lượng khác nhau trên địa bàn để giải quyết những vấn đề có yếu tố, có nguy cơ không an toàn giao thông hoặc mô hình giúp nâng cao kiến thức, kỹ năng thực hiện giáo dục an toàn giao thông cho trẻ mẫu giáo của đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở GDMN...  Một số định hướng xây dựng mô hình như:
- Giải pháp tránh ách tắc giao thông ở khu vực cổng trường trong thời gian phụ huynh đưa, đón trẻ.
- Giải pháp thực hiện đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục an toàn giao thông cho trẻ mẫu giáo.
- Giải pháp phối hợp với cha mẹ trẻ em và huy động các lực lượng trong cộng đồng thực hiện giáo dục an toàn giao thông cho trẻ.
- Giải pháp tham mưu, huy động các nguồn lực bổ sung cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng, đồ chơi giáo dục an toàn giao thông cho trẻ mầm non...
(5) Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện giáo dục an toàn giao thông cho trẻ mẫu giáo tại các cơ sở giáo dục mầm non
Hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện mục tiêu, nội dung giáo dục ATGT cho trẻ được các cán bộ quản lý, tổ trưởng tổ chuyên môn của các trường thực hiện thường xuyên. Hoạt động này giúp các trường quản lý chặt chẽ và hỗ trợ trực tiếp cho giáo viên trong quá trình thực hiện các hoạt động giáo dục ATGT cho trẻ ở trường.
Các cơ sở GDMN thực hiện tốt giáo dục ATGT cho trẻ là góp phần hình thành sớm ở trẻ thói quen, ý thức chấp hành pháp luật và văn hóa của con người trong xã hội văn minh hiện nay./.

Tác giả: Trần Thị Thúy

Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập132
  • Máy chủ tìm kiếm11
  • Khách viếng thăm121
  • Hôm nay37,404
  • Tháng hiện tại916,015
  • Tổng lượt truy cập135,394,308
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi