banner

Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh tại trường PTDTBT TH Tân Lập, Điện Biên Đông

Chủ nhật - 06/03/2022 22:36
Dienbien.edu.vn: Trường PTDTBT – TH và THCS Tân Lập được thành lập từ ngày 01/7/2020. Năm học 2021- 2022 trường có 22 lớp với 650 học sinh. Trong đó, học sinh bán trú là 514 học sinh, riêng cấp tiểu học có 312 học sinh bán trú sinh hoạt và học tập tại nhà trường.Các em học sinh bán trú đều là dân tộc Mông, nhà cách xa trường từ 8 đến 18 Km nên các em không thể đi về hàng ngày. Các em đa số là con hộ nghèo, đời sống kinh tế của gia đình rất khó khăn, phụ thuộc chủ yếu vào nương rãy. Bố mẹ các em trình độ nhận thức còn nhiều hạn chế nên việc giáo dục kỹ năng sống cho các em đều do thầy cô giáo đảm nhận.
Việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh tiểu học rất khó vì các em còn nhỏ tuổi đặc biệt là học sinh khối lớp 1 và 2. Nhiều em đến lớp chưa quen còn khóc, chưa biết cách vệ sinh cơ thể, chưa biết cách ăn, uống hợp vệ sinh, chưa nhận biết được những nguy hiểm khi đi chơi gần ao, hồ sông suối hoặc sử dụng điện… Nhận thức rõ sự cần thiết phải giáo dục kỹ năng sống cho các em học sinh, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã xây dựng kế hoạch, phân công giáo viên đón học sinh, sắp xếp chỗ ở cho từng học sinh, đảm bảo an toàn và thuận lợi nhất cho các em khi sinh hoạt và học tập tại trường.

Giáo viên hướng dẫn học sinh vệ sinh cá nhân
         
Việc đầu tiên là giáo dục kỹ năng xếp hàng ngay ngắn, thẳng hàng, giữ trật tự trong các hoạt động chung như xếp hàng trước khi ăn cơm, trước khi vào lớp. Giúp các em rèn tính kỷ luật, tôn trọng tập thể. Nếu học sinh nào chưa làm đúng, các thầy cô giáo  sẽ hướng dẫn, nhắc nhở đến khi làm được. Tuy nhiên, đối với học sinh lớp 1 và 2 thì giáo viên cần phải kiên nhẫn và có lòng yêu trẻ mới thành công.


Giáo viên hướng dẫn học sinh gấp chăn
         
Vệ sinh cá nhân như rửa mặt, chải tóc, tắm giặt là kỹ năng rất cần thiết và quan trọng, nó ảnh hưởng đến sức khoẻ và tâm lý của học sinh. Thông thường trẻ em dân tộc thiểu số ở vùng cao, các em chưa có kỹ năng vệ sinh cá nhân, quần áo không thay, giặt thường xuyên nên khi đến trường các em vẫn giữ thói quen đó.

         
Với vai trò là người cha, người mẹ thứ hai của các em, các thầy cô giáo hướng dẫn cách rửa mặt cho sạch, cách tắm, cách giặt quần áo, gội đầu. Đối với trẻ lớp 1 và 2 thầy cô vừa làm vừa hướng dẫn cho các em, mỗi ngày một chút dần dần các em biết cách làm, nhiều học sinh lớp 4, 5 làm rất thuần thục kỹ năng vệ sinh cơ thể, các em biết chăm chút bản thân: tóc buộc gọn gàng ( nữ), quần áo sạch sẽ, có bạn còn biết giặt quần áo xong ngâm com pho cho thơm. Bên cạnh các thầy cô hướng dẫn, nhà trường còn phân công các học sinh lớp 4,5 giúp đỡ, hỗ trợ các em nhỏ khi vệ sinh cá nhân. Với tinh thần đó, nhà trường đã trở thành gia đình thứ hai của các em học sinh, tinh thần đoàn kết, yêu thương, đùm bọc nhau được lan toả và ngày càng bền vững.

         
Mỗi ngày thức dậy, các em được rèn kỹ năng gấp chăn màn, vệ sinh phòng ở. Chăn màn được các thầy cô hướng dẫn gấp gọn gàng, xếp ngay ngắn trên giường. Ban đầu các bạn nhỏ rất lúng túng khi gấp chăn vì nhiều bạn nhỏ xíu mà chăn thì quá lớn. Thầy cô dạy các bạn phải đoàn kết, phải hợp sức mới làm được. Vậy là mỗi bạn một góc dưới sự hướng dẫn của thầy cô chăn được gấp rất gọn gàng, các bạn nhỏ vui lắm khi lần đầu tự gấp được chăn. Được các thầy cô khen, ai cũng vui và cố gắng. Việc vệ sinh phòng ở cũng phải tập mãi mới làm được, có nhiều bạn còn chưa biết cầm chổi như thế nào, cứ luống cuống mãi mà không quét được. Thầy, cô lại ân cần chỉ bảo từng bước một, cách quét thế nào cho sạch. Lúc đầu các bạn nhỏ tập làm nhưng chưa hiệu quả nhưng được thầy cô tận tình hướng dẫn và động viên nên các bạn cũng cố gắng và làm được.


Giáo viên hướng dẫn học sinh thu hoạch rau

         
Cuộc sống bán trú tại nhà trường, ngoài giờ học các em còn vui chơi, nhưng nếu không chỉ cho các em các mối nguy hiểm thì sẽ sảy ra những điều đáng tiếc. Ban giám hiệu nhà trường phân công giáo viên cảnh báo các nguy hiểm mà các em dễ gặp phải như: ngã hoặc sảy ra thương tích khi nô đùa, nghịch điện, chơi ở ao hồ, sông suối trên đường về nhà, đi theo người lạ…Ở mỗi hoạt động, giáo viên phải làm mẫu để học sinh dễ hiểu, dạy các em cách phòng chống để đảm bảo an toàn cho bản thân và người xung quanh.

          Ngoài các hoạt động trên, học sinh còn được thầy cô giáo hướng dẫn cách trồng rau xanh cải thiện đời sống. Các thầy cô dạy các em phải thực hiện theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “ Tuổi nhỏ thì làm việc nhỏ, tuỳ theo sức của mình”. Các bạn lớp 4,5 lớn hơn thì dùng cuốc để cuốc đất, trồng rau. Các bạn nhỏ lớp 1,2,3 nhỏ hơn thì thầy cô dạy cách nhổ cỏ, bắt sâu cho rau. Đặc biệt, khi thu hoạch rau nhập cho nhà trường các bạn nhỏ vui lắm vì thành quả lao động của lớp sẽ được trả tiền để trang trí lớp học, liên hoan và giúp các bạn hoàn cảnh khó khăn trong lớp. Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh bán trú Tiểu học là một trong những nhiệm vụ quan trọng và rất cần thiết của trường. Các thầy cô giáo đã hi sinh thời gian, công sức để giúp các em hình thành những kỹ năng tốt và cần thiết để thích nghi với cuộc sống bán trú xa nhà.
         
Dù còn rất nhiều khó khăn, vất vả nhưng các thầy cô giáo luôn yêu thương học sinh như con mình và hết lòng giáo dục các em. Với sự nỗ lực không ngừng mệt mỏi đó, chắc chắn sẽ tạo ra được một môi trường bán trú có tính kỷ luật, giàu tình yêu thương và lành mạnh./.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập273
  • Máy chủ tìm kiếm46
  • Khách viếng thăm227
  • Hôm nay30,203
  • Tháng hiện tại839,197
  • Tổng lượt truy cập135,317,490
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi