banner
Nhiệt liệt chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024)

Nâng chất lượng lớp học ghép ở vùng cao

Chủ nhật - 27/02/2022 19:42
Dienbien.edu.vn - Năm học 2021 - 2022, toàn tỉnh có 231 lớp học ghép với hơn 3.700 học sinh cấp tiểu học. Những lớp học ghép chỉ có từ 10 đến 15 em nhưng đây là mô hình khá phổ biến ở các điểm trường vùng cao. Nhằm góp phần đảm bảo quyền được đi học, các thầy, cô giáo ở các điểm trường phải cố gắng, nỗ lực trau dồi kiến thức, chuyên môn, bám trường, bám bản để một lúc dạy 2 lớp với 2 trình độ khác nhau.
1
Một buổi học lớp ghép tại Điểm trường Ma Lù Thàng 2, Trường PTDTBT Tiểu học Huổi Lèng, xã Huổi Lèng, huyện Mường Chà.
Cách trung tâm xã Huổi Lèng (huyện Mường Chà) hơn 10km, Điểm trường Tiểu học Ma Lù Thàng 2 (Trường PTDTBT Tiểu học Huổi Lèng) có hơn 10 học sinh học lớp ghép 2 trình độ (lớp 1 và 2). Lớp học vỏn vẹn vài bộ bàn ghế nhưng được sắp xếp ngồi quay lưng lại với nhau. Vào giờ học, học sinh mỗi khối lớp lại hướng ánh mắt về phía hai chiếc bảng đen ở 2 phía cuối lớp để ghi bài. Dù 2 khối lớp khác nhau, song việc học tập của các em cũng khá quy củ và nghiêm túc. Đã nhiều năm gắn bó với các điểm trường bản, dạy các lớp ghép nên giờ đây thầy giáo Lò Văn Chinh, Trường PTDTBT Tiểu học Huổi Lèng quen với công việc “3 vai”: vừa nấu ăn cho các em vừa dạy học cả 2 trình độ trong cùng lúc. Để làm tốt các công việc đó, thầy Chinh phải tranh thủ giờ giải lao nấu bữa cơm trưa cho học sinh.
Thầy Chinh trải lòng: “Khi dạy lớp ghép, chúng tôi cũng được tập huấn nâng cao chuyên môn, trình độ khá đầy đủ. Tuy nhiên, để dạy tốt 1 lớp 2 trình độ, những giáo viên như tôi phải hoạt động liên tục, thường xuyên phải đi lại trong lớp để điều tiết và phân phối thời gian giảng dạy cho phù hợp với 2 trình độ, chẳng mấy khi được ngồi yên một chỗ. Trong khi đó, lớp học cả 2 buổi/ngày mà nhà các em lại xa, nếu về nhà ăn cơm trưa thì vừa mất nhiều thời gian, vừa khiến các em mệt mỏi, ảnh hưởng đến việc học. Được sự phân công của trường nên tôi phải sắp xếp thời gian dạy học hợp lý để tranh thủ nấu ăn cho các em, làm sao không ảnh hưởng đến việc học tập. Dù vất vả nhưng vì các em học sinh nên tôi luôn cố gắng để nâng cao chất lượng giáo dục vùng cao…”.
Năm học này, Trường PTDTBT Tiểu học Huổi Lèng có 1 điểm trường trung tâm và 5 điểm bản với 20 lớp, 427 học sinh, trong đó có 2 lớp học ghép. Theo chương trình giáo dục mới, lớp học ghép giữa lớp 1 và 2 có số lượng học sinh hạn chế chỉ từ 10 đến 15 học sinh/lớp. Chia sẻ về công tác dạy học tại các lớp ghép, thầy giáo Hoàng Thanh Nghị, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Huổi Lèng cho biết: Các điểm trường lẻ có lớp ghép thường cách xa trung tâm xã, địa hình giao thông đi lại khó khăn; một số điểm trường lẻ số lượng học sinh ít nên khó khăn trong công tác quản lý, xây dựng kế hoạch mở lớp ghép và nâng cao chất lượng giáo dục tại các lớp ghép. Vì vậy, đối với các lớp học ghép, nhà trường đã chủ động xây dựng kế hoạch, phân công những giáo viên nhiệt tình, có chuyên môn, kinh nghiệm, tâm huyết để giảng dạy. Có như vậy mới đảm bảo chương trình cũng như chất lượng giáo dục của nhà trường…
Mường Nhé là địa phương có nhiều lớp ghép với 118 lớp mầm non (lớp ghép 2 độ tuổi: 10 lớp, 249 trẻ; lớp ghép 3 độ tuổi: 108 lớp, 2.206 trẻ) và 46 lớp ghép, 702 học sinh đối với cấp tiểu học. Những lớp ghép được mở đến tận bản đã tạo điều kiện cho tất cả các em ở vùng cao được tới trường học chữ. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dạy học ở các lớp ghép vẫn gặp không ít khó khăn. Ông Phạm Thiết Chùy, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé cho biết: Ở các lớp học ghép lứa tuổi mầm non, số trẻ trong một lớp đông, nhiều độ tuổi khác nhau mà chỉ có 1 cô giáo; sự bất đồng ngôn ngữ giữa cô và trò, giữa trẻ và trẻ (trẻ khác dân tộc) khiến quá trình chăm sóc giáo dục trẻ gặp nhiều khó khăn… Còn với cấp tiểu học, các trường gặp khó trong công tác quản lý, chỉ đạo, xây dựng kế hoạch mở lớp ghép vì địa bàn rộng, giao thông bị chia cắt. Số lượng lớp ghép trong một đơn vị trường nhiều, học sinh lớp ghép đông và trình độ học sinh không đồng đều khiến chất lượng giáo dục ở một số lớp chưa cao. Ngoài ra, còn do có nhiều chương trình giáo dục (Chương trình hiện hành trình độ 1; Chương trình VNEN trình độ 2,3,4,5) được tổ chức cùng một lớp nên gây khó khăn cho việc xây dựng kế hoạch dạy học các lớp ghép…
Lớp học ghép là một thực tế diễn ra ở nhiều điểm trường vùng cao trong tỉnh. Thời gian qua, cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị dạy học được đầu tư, nâng cấp, song vẫn còn nhiều khó khăn, trong đó có một số điểm trường, lớp học cho lớp ghép còn là nhà tạm. Mặt khác, nhiều điểm trường bắt buộc phải bố trí lớp ghép có 2 trình độ không liền kề nên khó tổ chức các môn học chung, như: Đạo đức, mĩ thuật, âm nhạc, tự nhiên và xã hội… Mặc dù chất lượng của lớp ghép không bằng lớp đơn nhưng đây là giải pháp tình thế đối với vùng cao khi có ít học sinh, đường sá đi lại khó khăn.
Ông Cù Huy Hoàn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo chia sẻ: Nhằm tạo điều kiện cho học sinh lớp ghép có cơ hội được học tập trong điều kiện thuận lợi nhất, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy học lớp ghép. Trong đó quan tâm chỉ đạo các trường tích cực bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ giáo viên dạy học lớp ghép. Tăng cường công tác sinh hoạt chuyên môn cấp cụm trường nhằm trao đổi, thảo luận, nâng cao năng lực dạy học lớp ghép, tháo gỡ khó khăn cho giáo viên. Hướng dẫn các trường tổ chức sinh hoạt chuyên đề cụm, chuyên đề trường…về phương pháp, hình thức tổ chức dạy học lớp ghép để phát triển toàn diện học sinh; chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch định kỳ hàng tuần, tháng, quý kiểm tra, đôn đốc nhất là tại các điểm bản xa trung tâm, đảm bảo hiệu quả trong công tác dạy học lớp ghép. Bổ sung, thay thế, cung cấp thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi, phần mềm dạy học phù hợp, chú ý lớp ghép tại xã đặc biệt khó khăn. Quan tâm sắp xếp đội ngũ giáo viên theo hướng ưu tiên bố trí giáo viên cùng dân tộc thiểu số với học sinh…
Dù còn nhiều khó khăn, song việc đổi mới, linh hoạt trong dạy học cùng với sự tâm huyết của đội ngũ giáo viên “bám trường, bám lớp” cũng như triển khai đồng bộ nhiều giải pháp của ngành Giáo dục, chất lượng giáo dục lớp ghép tại các trường trên địa bàn tỉnh đã từng bước được nâng lên, đặc biệt là nâng cao năng lực, phẩm chất cho học sinh tại các điểm trường nơi vùng sâu, vùng xa, biên giới.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập214
  • Máy chủ tìm kiếm59
  • Khách viếng thăm155
  • Hôm nay38,987
  • Tháng hiện tại3,455,609
  • Tổng lượt truy cập74,164,989
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi