Trong nhiều năm qua, công tác truyền thông về giáo dục và đào tạo của Ngành Giáo dục Điện Biên còn một số hạn chế, bất cập như: Kế hoạch truyền thông còn chung chung, nội dung chưa phong phú, thiếu các bài viết chuyên đề, chuyên môn sâu. Hình thức, phương tiện truyền thông còn đơn điệu, tính tương tác chưa cao (người xem, người đọc chủ yếu tiếp nhận 1 chiều, thiếu tính tương tác, phản biện). Báo chí quan tâm song phương pháp tiếp cận đôi khi chưa phù hợp, mất nhiều thời gian, công sức của cả 2 bên nhưng vẫn bị động, hiệu quả chưa cao. Phóng viên thường xuyên gọi điện, đến cơ quan tìm gặp lãnh đạo để lấy thông tin, nhất là mùa thi; nhiều Báo đưa ra yêu cầu cung cấp thông tin đột xuất, gấp, kể cả nội dung chuyên môn sâu dẫn đến bị động trong chuẩn bị, trả lời…
Đại biểu Ngành GDĐT Điện Biên tham luận tại Hội nghị công tác truyền thông do Bộ GDĐT tổ chức năm 2024
Vài năm trở lại đây, Bộ GDĐT đặc biệt quan tâm đến công tác truyền thông: có Trung tâm truyền thông riêng, Kế hoạch, văn bản chỉ đạo, chuyên đề, tập huấn, chỉ đạo các địa phương cung cấp thông tin cho đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh,… Dưới sự chỉ đạo sát sao của Bộ GDĐT, thời gian qua công tác truyền thông của Ngành GDĐT Điện Biên đã có nhiều đổi mới:
Phát huy hiệu quả Cổng thông tin điện tử của Ngành (liên kết với Cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh và Website các đơn vị). Đến nay đã có khoảng 80 triệu lượt truy cập, trung bình hàng tháng có trên 3 triệu lượt truy cập, trung bình hàng ngày có gần 100 nghìn lượt truy cập. Fanpage “Ngành Giáo dục Điện Biên”, hiện có khoảng 30.000 người theo dõi với nội dung phong phú, đa dạng, lượng tương tác ngày càng tăng.
Kiện toàn Ban Biên tập và Tổ Kỹ thuật Trang thông tin điện tử và Fanpage; Ban hành Quy chế tổ chức hoạt động. Yêu cầu mỗi Phòng GDĐT ít nhất 03 tin, bài/tuần; mỗi đơn vị trực thuộc và phòng CMNV Sở GDĐT ít nhất 01 tin, bài/tuần); giao trách nhiệm biên tập, có chế độ nhuận bút theo Quy chế chi tiêu nội bộ. Hằng tháng giao bộ phận CNTT thống kê số lượng tin, bài của các đơn vị…
Chỉ đạo các đơn vị khuyến khích, đề nghị các thầy, cô giáo, các em học sinh, sinh viên tăng cường thông tin với bạn bè, đồng nghiệp, người thân theo dõi Website và Fanpage của ngành để cập nhật thông tin, hoạt động mới nhất của Ngành. Đồng thời tăng cường thông tin, viết tin, bài về những hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ; các hoạt động VH-VN-TDTT; kỹ năng sống; gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến; xây dựng cảnh quan, môi trường…
Sở đã tổ chức Chương trình “Giám đốc gặp gỡ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục và Đào tạo” theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến đến 100% các cơ sở giáo dục; cung cấp số điện thoại đường dây nóng, email của lãnh đạo.
Các cơ sở giáo dục đẩy mạnh truyền thông qua sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể, giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động trải nghiệm sáng tạo, sinh hoạt câu lạc bộ…, thu hút sự tham gia của nhiều giáo viên và học sinh, nhiều trường thành lập CLB Truyền thông, Ban nhiếp ảnh... học sinh tác nghiệp rất chuyên nghiệp.
Tích cực phối hợp, đẩy mạnh được sự tương tác giữa ngành giáo dục với Sở Thông tin Truyền thông và các cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn (Báo Điện Biên Phủ, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Cổng Thông tin điện tử tỉnh, Báo Giáo dục và Thời đại, Báo Nhân dân, Báo Quân đội nhân dân, Báo Lao động, Báo Nông thôn ngày nay, Báo Dân Việt, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam,…) một số báo điện tử và nhiều báo, tạp chí khác.
Đổi mới phương pháp tiếp cận với báo chí giúp chủ động, tiết kiệm được thời gian, mang lại hiệu quả tích cực cho cả 2 bên. Từ năm 2022, Sở GDĐT Điện Biên đã lập nhóm Za lo kết nối với phóng viên các các cơ quan thông tấn báo chí.
Để tránh bị động khi được yêu cầu cung cấp thông tin, Sở định hướng Báo chí gửi Đề nghị theo mẫu, nhờ đó việc chuẩn bị tác nghiệp của cả 2 bên diễn ra chu đáo hơn, chuyên nghiệp hơn và hiệu quả hơn.
Các hoạt động lớn, nhỏ … Ngành chủ động mời các Báo dự, đưa tin và luôn chủ động cung cấp thông tin. Thực hiện nhiều chuyên đề, nội dung truyền thông, Gameshow truyền hình... Ví dụ kỳ thi Tốt nghiệp THPT có: Thông cáo báo chí; thông tin trên Nhóm Truyền thông trước-trong-sau kỳ thi; họp Báo sau kỳ thi. Chuỗi các hoạt động chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Ngành chủ động gửi Giấy mời, cung cấp thông tin liên quan; các Báo luôn đưa tin rất nhanh chóng, kịp thời, mỗi hoạt động có nhiều Báo đưa tin, tạo hiệu ứng truyền thông sâu rộng.
Với những đổi mới tích cực, công tác truyền thông đã giúp Ngành GDĐT thông tin kịp thời…, định hướng dư luận, đánh giá đúng về những đổi mới và thành quả của ngành, tạo sự đồng thuận trong thực hiện nhiệm vụ… Kết quả khảo sát, điều tra xã hội học xác định Chỉ số CCHC năm 2023, Sở GDĐT đạt điểm cao nhất trong 19 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh. Thành công đó ngoài sự nỗ lực của toàn Ngành còn có vai trò to lớn của công tác truyền thông.
Trong thời gian tới, với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp lãnh đạo, sự hỗ trợ của các Ban, Sở, Ngành liên quan, đặc biệt là ngành Thông tin truyền thông và các cơ quan thông tấn báo chí, tin tưởng rằng, ngành Giáo dục và Đào tạo Điện Biên sẽ làm tốt hơn nữa công tác truyền thông, thu hút sự quan tâm ủng hộ của toàn xã hội đối với những đổi mới tích cực của Ngành./.