banner

Xây dựng cộng đồng học tập trong trường mầm non

Thứ sáu - 26/02/2021 03:34
Dienbien.edu.vn- Cộng đồng học tập trước hết nên được hiểu từ góc độ xã hội là một nhu cầu gắn bó, liên kết của một nhóm người có cùng một mong muốn học tập dưới các hình thức học tập do nhóm chủ động lựa chọn hoặc xây dựng và ứng dụng.
Thứ hai, cộng đồng học tập có thể được hiểu là một môi trường cho việc ứng dụng, áp dụng phương pháp cộng đồng cộng cảm tự học, tự hướng dẫn, tự tạo động lực và một xã hội học tập suốt đời.

Trường Mầm non 20/10, thành phố Điện Biên Phủ tổ chức hoạt động trải nghiệm "Vui cùng chiến sĩ" cho các bé mẫu giáo
Cộng đồng học tập theo đó có nhiều dạng thức tồn tại, nhưng về cơ bản có những điểm gặp chung, đó là sự linh hoạt trong chương trình, nội dung, tài liệu, phương pháp, phương thức tổ chức dạy và học, tính tương tác cao giữa người học, người dạy/người hướng dẫn và một xu hướng mạnh mẽ trong việc xây dựng tổ/nhóm bạn cùng học. Cộng đồng học tập có thể là một nhóm bạn, một câu lạc bộ,  hoặc có thể là một lớp học, một nhà trường. 
Cộng đồng học tập trong trường mầm non là cộng đồng trong đó trẻ em mầm non học tập lẫn nhau và phát triển cùng nhau, giáo viên mầm non, cán bộ quản lý học tập lẫn nhau và phát triển cùng nhau, cha mẹ trẻ em và cộng đồng địa phương hỗ trợ và tham gia các hoạt động ở nhà trường, học tập lẫn nhau và phát triển cùng nhau.
Sự cần thiết phải xây dựng cộng đồng học tập trong trường mầm non
 Việc xây dựng cộng đồng học tập là xu thế đổi mới của xã hội hiện đại, lấy cá nhân học tập làm trung tâm của sự phát triển tổ chức; đơn vị học tập là trung tâm của sự phát triển địa phương, quốc gia.
Xây dựng cộng đồng học tập trong trường mầm non là góp phần tích cực vào việc đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của trẻ em, giáo viên và cha mẹ trong xã hội phát triển và hội nhập.
Việc xây dựng trường mầm non thành cộng đồng học tập chính là góp phần tích cực vào xây dựng môi trường dân chủ, kỷ cương, tình thương ngay từ bên trong nhà trường.

Trường Mầm non Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ tổ chức cho trẻ hoạt động trải nghiệm gói bánh trưng (có sự tham gia của cha mẹ)
Yêu cầu và các thành tố đặc trưng của cộng đồng học tập trong trường mầm non
Yêu cầu cơ bản đối với cộng đồng học tập trong trường mầm non là:
 Nhà trường đã thực hiện thành công đổi mới chất lượng sinh hoạt của tổ chuyên môn.
 Tiếp tục thực hiện đổi mới nhà trường theo hướng triển khai "nghiên cứu bài học vì cộng đồng học tập".
Các thành tố đặc trưng của cộng đồng học tập trong trường mầm non:
Con người/cá nhân học tập gồm 3 hệ thống hoạt động: (1) Học tập cộng tác giữa các trẻ em; (2) Học tập chuyên môn của giáo viên thông qua bài học nghiên cứu; (3) Sự tham gia của cha mẹ và cộng đồng địa phương vào học tập của trẻ em. Đối với trường mầm non như là cộng đồng học tập thì 3 hệ thống hoạt động nói trên có các đặc trưng như sau:
1- Trẻ em học tập: Các nghiên cứu lý luận và thực tiễn đều chứng tỏ rằng trẻ em lứa tuổi mầm non có những đặc trưng riêng trong học tập. Tập trung nhất đó chính là trẻ mầm non học bằng chơi, bằng trải nghiệm, học thông qua chơi. Các nhà khoa học đã thống nhất rằng: Chơi chính là cuộc sống của trẻ thơ; động cơ chơi không nằm ở kết quả đạt được của trò chơi mà ở chính quá trình trẻ chơi. Khi triển khai các hoạt động nghiên cứu bài học vì cộng đồng học tập, các trò chơi, hoạt động trải nghiệm theo nhóm trong lớp học mầm non sẽ tạo ra một môi trường kết nối trẻ em với nhau, trong đó trẻ phụ thuộc lẫn nhau, quan tâm đến nhau, cùng biến các lỗi sai thành cơ hội chia sẻ, học hỏi và giải quyết vấn đề, qua đó chơi vui hơn và học sâu hơn. Cụ thể, khi chơi trẻ được: có được nhiều niềm vui; được trải nghiệm có ý nghĩa; được tham gia tích cực; được không ngừng khám phá; được tương tác với mọi người xung quanh.
2 - Giáo viên học tập: Để trẻ liên tục học tập cùng nhau và phát triển thì yêu cầu người giáo viên phải nỗ lực hết mình để tối đa hóa việc học tập của trẻ qua chơi và trải nghiệm. Qua nghiên cứu bài học vì cộng đồng học tập, các câu hỏi hằng ngày mà mỗi người giáo viên "chuyên nghiệp, tự chủ" đều phải đặt ra đó là: Trẻ em có thực sự học không? Trẻ có vui sướng khi học không? Trẻ có tương tác tích cực với nhau không? Trẻ có vui sướng khi học không? Những rào cản nào đối với việc học và phát triển của trẻ? Làm thế nào để trẻ học tập tốt nhất?
Để trả lời các câu hỏi đó người giáo viên cần học tập liên tục: quan sát, tự nghiên cứu, thử nghiệm bài học nghiên cứu, suy ngẫm và trao đổi với các động nghiệp khác để lại thay đổi bài học nghiên cứu, lại quan sát, tự nghiên cứu và suy ngẫm...ở mức độ cao hơn. Muốn như vậy, điều quan trọng là giáo viên cần công khai việc dạy và học tập của lớp mình, tạo cơ hội cho các giáo viên khác đến dự giờ và tham gia dự giờ lẫn nhau, cũng như cùng nhau suy ngẫm về các hoạt động được tổ chức, cùng thiết kế thử nghiệm bài học nghiên cứu và cùng nhau quan sát, thảo luận về việc trẻ em có hay không sự vui sướng khi học tập, mức độ quan tâm, kết nối chia sẻ và học hỏi của trẻ em với các bạn khác ra sao và qua đó hiểu về sự phát triển của từng trẻ để tiếp tục thiết kế bài học nghiên cứu nhằm thúc đẩy liên tục sự phát triển của trẻ.
3- Cha, mẹ và cộng đồng địa phương tham gia vào việc học tập của trẻ em
Có nhiều hình thức thu hút sự tham gia của cha, mẹ và cộng đồng địa phương vào việc học tập của trẻ mầm non. Trong nghiên cứu bài học vì cộng đồng học tập cha, mẹ là nguồn lực quan trọng của quá trình học tập qua chơi và trải nghiệm của trẻ. Cha mẹ và các cá nhân trong cộng đồng có thể được mời đến nói chuyện, tham gia các hoạt động chơi và trải nghiệm với trẻ như là các chuyên gia về một số chủ đề nào đó phù hợp với thực tế nơi trẻ đang sinh sống.

Hoạt động tạo hình của các bé  mẫu giáo Trường mầm non Hoàng Công Chất, huyện  Điện Biên
Qua việc tham gia vào việc học tập cùng trẻ, cha mẹ và cộng đồng địa phương có thể hiểu sâu sắc hơn trẻ học tập như thế nào? Chúng cần học ra sao? Chúng đang gặp khó khăn gì? Trên cơ sở đó cha, mẹ và cộng đồng cùng với giáo viên và cán bộ quản lý nhà trường sẽ trao đổi với nhau về cách giải quyết vấn đề. Bằng cách tham gia như vậy và trải nghiệm trẻ em học như thế nào trong lớp học, cha, mẹ, cộng đồng cùng hiểu những việc giáo viên đang làm, những gì giáo viên đang cố gắng đạt được, từ đó giúp cho việc phối hợp giữa các bên gia đình- nhà trường- cộng đồng hướng về sự phát triển toàn diện và có chất lượng của trẻ.
Môi trường học tập
Cộng đồng học tập trong trường mầm non cần một môi trường học tập với các đặc tính sau: cởi mở, chia sẻ, học hỏi, tôn trọng, công bằng giữa các thành viên, không ngừng cầu tiến để vươn tới mức thành tích tốt nhất.
- Cởi mở, chia sẻ, học hỏi: Ba đặc tính này liên quan đến tính dân chủ trong trường mầm non. Nói một cách khác: Dân chủ là cần thiết để đảm bảo mọi người được phép để tồn tại, tương tác với người khác và học tập một cách cởi mở. Khi là một cộng đồng học tập, trường mầm non thể hiện tính dân chủ cao, trước hết là sự cởi mở của các thành viên với những nhu cầu, điều kiện, khả năng khác nhau nhưng vẫn học tập cùng nhau và tôn trọng nhau.
- Tôn trọng và công bằng: Trẻ em, giáo viên hay cha, mẹ mỗi người đều khác nhau do yếu tố bẩm sinh, di truyền; môi trường sống và giáo dục, sự tích cực hoạt động của mỗi cá nhân là khác nhau; tuy nhiên họ đều có thể học hỏi và được phát triển theo cách riêng của mình khi tham gia vào cộng đồng học tập trong trường mầm non. Học tập là quyền của mỗi trẻ, mỗi giáo viên và cơ hội đó phải được cung cấp công bằng. Mỗi trẻ em hay mỗi giáo viên đều có những điểm mạnh riêng và thực sự tuyệt vời nếu những điểm mạnh đó được người khác học tập và trở thành động lực để khuyến khích học học tập sâu hơn. Muốn vậy các thành viên cần tôn trọng và tin tưởng nhau. Ngoài ra, nghiên cứu bài học vì cộng đồng học tập trong trường mầm non cũng sẽ góp phần tạo ra sự đoàn kết giữa các giáo viên trên cơ sở hình thành mối quan hệ mang tính tôn trọng và công bằng hơn không chỉ trong tổ chuyên môn mà còn trong toàn trường.
- Không ngừng cầu tiến và vươn tới mức thành tích tốt nhất có thể: môi trường học tập mà trong đó mọi trẻ em được học tập với chất lượng cao và mọi giáo viên được phát triển liên tục và trở lên chuyên nghiệp, tự chủ hơn. Các giáo viên trong cộng đồng học tập là người không dễ hài lòng với kiến thức, năng lực chuyên môn và kết quả chăm sóc, giáo dục trẻ em của mình. Họ quan sát trẻ em học tập và suy ngẫm về cách làm thế nào để trẻ học tập tốt hơn, có chất lượng hơn; họ tìm đọc tài liệu chuyên môn, dự giờ, trao đổi với đồng nghiệp để học hỏi, mạnh dạn xây dựng bài học nghiên cứu dựa trên giả thuyết khoa học, thử nghiệm và cùng đồng nghiệp quan sát và suy ngẫm, tiếp tục tìm đọc các tài liệu chuyên môn, tiếp tục chia sẻ và học hỏi cùng đồng nghiệp, tiếp tục thiết kế và thử nghiệm lại các bài học nghiên cứu ở mức độ cao hơn.
Sự đáp ứng nhu cầu học tập
Trong cộng đồng học tập dựa trên nghiên cứu bài học thì mỗi trẻ em, mỗi giáo viên và cha, mẹ trẻ đều được thỏa mãn nhu cầu học tập của bản thân trong sự kết nối, cùng tìm hiểu, chia sẻ, học hỏi với nhau và cùng nhau phát triển.
Như vậy, để trở thành một cộng đồng học tập thì mỗi người trong đó phải là một cá nhân học tập, đồng thời để tạo điều kiện cho mỗi cá nhân học tập được học tập tốt nhất thì nhà trường nói chung, trường mầm non nói riêng phải trở thành một cộng đồng học tập đúng nghĩa./.

Tác giả: Nguyễn Thị Huệ

Tổng số điểm của bài viết là: 11 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 3.7 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập141
  • Thành viên online1
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm134
  • Hôm nay27,553
  • Tháng hiện tại355,675
  • Tổng lượt truy cập136,707,488
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi