Trong đó yêu cầu cần có các biện pháp đồng bộ để tinh giản biên chế đối với những cán bộ, công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ, không đáp ứng yêu cầu công việc, đồng thời có cơ chế thu hút người tài vào hoạt động công vụ.
Việc tinh giản biên chế sẽ tạo điều kiện cho các Bộ, ngành, địa phương nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. ( Ảnh minh họa).
Tại Nghị quyết đề ra, về tổ chức bộ máy Bộ Chính trị chỉ đạo trước mắt, giữ ổn định tổ chức như hiện nay. Không thành lập các tổ chức trung gian; chỉ thành lập tổ chức mới trong trường hợp cá biệt thật sự cần thiết do yêu cầu của thực tiễn. Về tinh giản biên chế, Bộ Chính trị đặt mục tiêu kiên trì thực hiện chủ trương tinh giản biên chế cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo không tăng tổng biên chế của cả hệ thống chính trị.
Bộ Chính trị yêu cầu, từng cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị- xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập phải xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế trong 7 năm (2015-2021) và từng năm trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để tổ chức thực hiện. Trong đó, phải xác định tỷ lệ tinh giản biên chế đến năm 2021 tối thiểu là 10% biên chế của bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Các cơ quan, tổ chức, đơn vị chỉ tuyển dụng số cán bộ, công chức, viên chức mới không quá 50% số biên chế cán bộ, công chức, viên chức đã thực hiện tinh giản biên chế và không quá 50% số biên chế cán bộ, công chức, viên chức đã giải quyết chế độ nghỉ hưu hoặc thôi việc theo quy định.
Nghị quyết được Bộ Chính trị đề ra nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; thu hút những người có đức, có tài vào hoạt động công vụ trong các cơ quan đảng, nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội, đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, tiết kiệm, giảm chi thường xuyên, cải cách chính sách tiền lương./.