banner

VP. QUYỀN BẦU CỬ VÀ ỨNG CỬ CỦA CÔNG DÂN

Thứ ba - 15/03/2016 05:38
Dienbien.edu.vn - Quyền bầu cử và ứng cử là những quyền chính trị cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp - đạo luật cơ bản, có hiệu lực pháp lý cao nhất trong hệ thống pháp luật của Nhà nước. Điều 27 - Hiến pháp năm 2013 xác định rõ: “Công dân đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, HĐND. Việc thực hiện các quyền này do luật định”. Vấn đề này được quy định rõ tại Điều 2 Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND.
Hiến pháp năm 1946 - Hiến pháp đầu tiên của nước ta đã ghi nhận quyền bầu cử và quyền ứng cử của công dân - Điều 18 quy định: “Tất cả công dân Việt Nam, từ 18 tuổi, không phân biệt gái trai, đều có quyền bầu cử trừ những người mất trí và những người mất công quyền. Người ứng cử phải là người có quyền bầu cử, phải ít ra là 21 tuổi và phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ. Công dân tại ngũ cũng có quyền bầu cử và ứng cử”. Quyền bầu cử và ứng cử của công dân tiếp tục được khẳng định trong các bản Hiến pháp được ban hành sau đó. 

Quyền bầu cử là quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp, pháp luật quy định nhằm bảo đảm cho mọi công dân có đủ điều kiện thực hiện việc lựa chọn người đại biểu của mình vào cơ quan quyền lực Nhà nước. Quyền của công dân không tách rời nghĩa vụ của công dân. Nhà nước ta là nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Thông qua bầu cử, nhân dân trực tiếp bỏ phiếu bầu người đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình, để thay mặt mình thực hiện quyền lực nhà nước, tiến hành các hoạt động quản lý xã hội. Theo quy định của pháp luật, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, đủ 18 tuổi trở lên đều có quyền bầu cử.

Quyền ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND là quyền của công dân. Theo quy định tại Điều 3 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND: “Người ứng cử đại biểu Quốc hội phải đáp ứng các tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội theo quy định tại Luật Tổ chức Quốc hội. Người ứng cử đại biểu HĐND phải đáp ứng các tiêu chuẩn của đại biểu HĐND theo quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương”. Như vậy, công dân được trở thành ứng cử viên khi đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật. Quyền ứng cử bao gồm quyền được giới thiệu ứng cử và quyền tự ứng cử.

Trên cơ sở cơ cấu, thành phần và số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giới thiệu ứng cử (theo phân bổ); cơ quan, tổ chức, đơn vị xem xét các tiêu chuẩn của người được ứng cử, sau khi lấy ý kiến nhận xét của cử tri tại hội nghị cử tri, giới thiệu người của tổ chức mình ứng cử và đưa vào danh sách hiệp thương. Công dân có thể tự ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND nếu tự thấy mình có đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật, có điều kiện và nguyện vọng đóng góp trí tuệ cho đất nước.

Có thể khẳng định, quyền bầu cử, ứng cử được coi là quyền chính trị rất quan trọng, là vinh dự, trách nhiệm và nghĩa vụ của công dân Việt Nam. Công dân thực hiện quyền bầu cử, ứng cử một cách tự nguyện. Theo quy định tại Điều 29 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND: Mỗi công dân có quyền bầu cử đều được ghi tên vào danh sách cử tri và được phát thẻ cử tri (tùy theo nơi thường trú hoặc tạm trú).

Mặt khác, Luật cũng quy định thủ tục khiếu nại và xem xét khiếu nại về bầu cử. Theo quy định (Điều 30 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND), những trường hợp không được ghi tên vào danh sách cử tri bao gồm: người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án; người đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo; người mất năng lực hành vi dân sự.

Nguồn tin: Sở Giáo dục và Đào tạo

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập135
  • Thành viên online1
  • Máy chủ tìm kiếm13
  • Khách viếng thăm121
  • Hôm nay16,841
  • Tháng hiện tại365,349
  • Tổng lượt truy cập136,717,162
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi