banner

Tư vấn tâm lý học đường, chủ đề “Mục đích sống, trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng”

Thứ tư - 09/11/2022 19:32
Dienbien.edu.vn - Một diễn giả người Mỹ Brian Tracy, tác giả của cuốn sách nổi tiếng “Kiếm được giá trị thực sự của bạn” từng chia sẻ: “Những người hạnh phúc nhất trên thế giới là những người cảm thấy cực kỳ tuyệt vời về chính mình, và đây là sản phẩm tự nhiên của việc chấp nhận toàn bộ trách nhiệm về mọi phần trong cuộc đời mình”.
Tuy nhiên, trong xã hội phát triển như hiện nay, nhiều bạn trẻ ít nhận ra giá trị và trách nhiệm của bản thân, sống thiếu hoài bão ước mơ và mải mê theo đuổi những điều vô ích. Nhằm giúp các bạn trẻ hiểu được trách nhiệm là gì, vì sao chúng ta phải suy nghĩ và hành động gắn với trách nhiệm, từ đó nhận thức được trách nhiệm của bản thân đối với bản thân, với gia đình và với xã hội trong cuộc sống hàng ngày, sáng ngày 07/11/2022, Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn đã tổ chức Tư vấn tâm lý học đường, chủ đề “Mục đích sống, trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng”.
Trong chương trình, Đại đức Thích Nhuận Thanh - Uỷ viên thường trực, kiêm trưởng ban Hoằng pháp Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Điện Biên đã về thăm trường, trò chuyện với học sinh về “Mục đích sống, trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng”. Qua ngôn từ ấm áp, những câu truyện nhân văn, thầy đã đưa đạo lý thấm dần trong suy nghĩ của từng bạn trẻ. Những chia sẻ chân thật đã chạm vào trái tim của các bạn học sinh trong nhà trường, tạo nên buổi sinh hoạt dưới cờ thật ý nghĩa và bổ ích.
Đại đức Thích Nhuận Thanh trò chuyện với học sinh về “Mục đích sống, Trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng”
Thầy Nhuận Thanh đã mở đầu câu chuyện bằng mục đích sống của Bác Hồ: năm 1946, với tư cách là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của chúng ta đã trả lời các nhà báo nước ngoài về mục đích cuộc sống mà Người theo đuổi là: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Nói chuyện với đồng bào trước khi sang thăm Pháp (30/5/1946), Người cũng khẳng định: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân... Bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, tôi cũng chỉ đeo đuổi một mục đích, làm cho ích quốc lợi dân”. Là lãnh tụ của dân tộc, là người đứng đầu Đảng và Nhà nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thức rất rõ trách nhiệm của cá nhân là lo cho dân, cho nước từ những việc lớn đến việc nhỏ. Vậy mục đích sống của mỗi bạn học sinh là gì? Các bạn cần phải tự xác định được mục đích sống của mình, phải tự nhìn nhận mục đích sống của mình từ nhỏ đến lớn, phải mở rộng mục đích của của mình từ lợi ích cá nhân lớn hơn đến lợi ích của cộng đồng, của xã hội.
Trách nhiệm là điều phải làm, phải gánh vác hoặc phải nhận lấy về mình; được hiểu là sự ràng buộc đối với lời nói, hành vi của mình, cần phải thực hiện đúng đắn, nếu sai trái thì phải chủ động gánh chịu phần hậu quả. Trách nhiệm bao gồm: "trách nhiệm đối với bản thân""trách nhiệm đối với gia đình" và "trách nhiệm đối với xã hội"
“Trách nhiệm đối với bản thân" được hiểu đơn giản là vì bản thân mà nỗ lực hướng đến điều tốt đẹp, yêu thương chính mình, hiểu được giá trị của bản thân, đừng mù quáng hi sinh bản thân cho những điều chưa xứng đáng. Hầu hết mọi người đều cho là mình rất yêu thương bản thân, nhưng nhiều người lại thường xuyên thức khuya, ăn uống thiếu khoa học, thường hay bỏ bữa, mải mê theo đuổi những thứ vô bổ, sống không có mục tiêu lại không dám tin tưởng chính mình. Đối với học trò, trách nhiệm đối với bản thân trước hết là không nói tục, chửi thề, không gây gổ đánh nhau, biết kiểm soát cảm xúc bản thân “cái giận làm tôi xấu, biết vậy tôi mỉm cười, quay về thủ hộ ý , thương yêu không buông lơi”
Gia đình là nơi đã sinh thành và dưỡng nuôi mỗi con người lớn lên. Chính gia đình là nơi tạo cho ta niềm vui và hạnh phúc. Gia đình là nơi cuộc sống bắt đầu và tình yêu không bao giờ kết thúc. Thế nhưng, không phải ai cũng có được một gia đình hạnh phúc. Rất nhiều người sinh ra đã không có gia đình. Đó là một bất hạnh lớn không thể bù đắp nổi. Tâm hồn của họ mãi mãi cô đơn, lạc lõng trên cuộc đời. Có những người vô tình đánh mất đi gia đình của mình. Họ muốn tìm kiếm lại nhưng không thể nào có được. Đã bao lâu rồi bạn chưa nói câu “Con yêu ba/mẹ lắm!” ? Chúng ta gửi gắm rất nhiều lời yêu thương cho những người xa lạ nhưng lại dành những lời cáu gắt, khó chịu cho chính những người thân yêu của mình. Nhiều bạn đòi hỏi ba mẹ phải hiểu cho cảm xúc, thú vui của bạn, thỏa mãn những yêu cầu của bạn, nhưng bạn đã nghĩ đến những vất vả, hi sinh của cha mẹ? Dù bạn có làm sai điều gì, dù bạn giàu sang hay nghèo khổ, là người tốt hay kẻ xấu thì ba mẹ vẫn luôn bao dung, yêu thương và sẵn sàng dang rộng vòng tay ôm lấy chúng ta bất kể khi nào ta gục ngã.  Bởi thế, mỗi con người đều phải có trách nhiệm đối với gia đình của mình. Chúng ta hãy bắt đầu từ những việc làm nhỏ nhất, từ những lời nói, hành vi, ứng xử thường ngày nhất.
Mỗi cá nhân là một thành viên của gia đình, gia đình là tế bào của xã hội. Khi bạn rèn luyện cho mình lối sống có trách nhiệm với bản thân và gia đình thì trong bạn sẽ hình thành nên "trách nhiệm đối với xã hội". Trong mọi thời đại, thế hệ trẻ luôn là lực lượng tiên phong, xông pha vào những nơi gian khổ mà không ngại gian khó. Đất nước ta đang trong giai đoạn chuyển mình, bước vào thời đại công nghiệp hoá – hiện đại hoá, trách nhiệm của thế hệ trẻ càng quan trọng hơn cả. Đang ở lứa tuổi cắp sách đến trường, trách nhiệm đối với xã hội trước hết là tích cực học tập, rèn luyện thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của người công dân, thực hiện nghiêm túc các nội qui của trường, lớp và những chuẩn mực trong đời sống cộng đồng; xác định được trách nhiệm của mình trong việc phòng chống các tệ nạn xã hội, tích cực đấu tranh với các biểu hiện sai trái có thể dẫn đến tệ nạn xã hội trong học sinh; năng động, xung kích và phát huy năng lực, sự sáng tạo, đoàn kết trong mọi hoạt động; lan tỏa những năng lượng tích cực tới những người xung quanh, lan tỏa những gương người tốt việc tốt để cùng nhau xây dựng trách nhiệm cộng đồng.
Suy nghĩ và hành động có trách nhiệm là một lối sống đẹp. Đó là một phẩm chất cao đẹp, là thước đo giá trị con người, là cơ sở để xây dựng hạnh phúc. Đồng thời tinh thần trách nhiệm cũng góp phần tạo nên các mối quan hệ tốt đẹp, thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội. Trách nhiệm của mỗi người đối với bản thân, gia đình và xã hội là yếu tố chính để có một cuộc sống bình yên, hạnh phúc đồng thời góp phần phát triển đất nước thêm giàu đẹp. 
Trong buổi Tư vấn tâm lý học đường, chủ đề “Mục đích sống, trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng”, Đại đức Thích Nhuận Thanh đã tặng quà khích lệ động viên thầy cô giáo và học sinh nhà trường. Qua buổi tư vấn, thầy cô cùng học sinh toàn trường đều học được nhiều điều ý nghĩa, hun đúc được tình yêu quê hương đất nước và xây dựng mục đích sống, lý tưởng sống cao đẹp hơn. 
Đại đức Thích Nhuận Thanh tặng quà cho giáo viên và học sinh nhà trường
 

Tác giả: Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập163
  • Máy chủ tìm kiếm37
  • Khách viếng thăm126
  • Hôm nay20,907
  • Tháng hiện tại247,290
  • Tổng lượt truy cập136,599,103
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi