banner

VP- Những bước chân “không mỏi” vì con chữ vùng cao

Chủ nhật - 22/10/2017 20:31
Dienbien.edu.vn - Thời điểm này, giáo viên và học sinh các trường học trên địa bàn tỉnh đã bước vào những buổi học đầu tiên của năm học 2017 - 2018. Song để có được những buổi học với đủ sỹ số học sinh, đối với giáo viên vùng cao, họ không kể ngày hay đêm trèo đèo, lội suối về các thôn, bản, đến từng nhà gặp gỡ phụ huynh, học sinh để thuyết phục, vận động học sinh ra lớp.
Hồi trống trường vang lên kết thúc một ngày dạy và học của giáo viên, học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Vàng Ðán (xã Vàng Ðán, huyện Nậm Pồ) cũng là lúc thầy giáo Lò Văn Hương - giáo viên chủ nhiệm lớp 5A1 và cô giáo Quàng Thị Nhâm - giáo viên chủ nhiệm lớp 2A1 lên xe máy cùng nhau đến nhà những học sinh nghỉ học để tìm hiểu nguyên nhân. Khác với các lần đi vận động trước, do đây là những “ca khó” nên 2 giáo viên chủ nhiệm phải nhờ đại diện Ban giám hiệu nhà trường và Ban Vận động học sinh của xã Vàng Ðán cùng đi. Thầy giáo Lò Văn Hương cho biết: Năm học mới đã bắt đầu được gần 1 tuần nhưng tỷ lệ học sinh ra lớp do tôi chủ nhiệm mới chỉ đạt 98%, còn 2 em đi học không đều. Tôi đã nhiều lần đến nhà vận động nhưng đến nay, các em vẫn chưa đi học đều. Lần này đi vận động, tôi đã đề nghị Ban Giám hiệu nhà trường và phối hợp với 2 đồng chí thuộc Ban vận động học sinh xã Vàng Ðán đi cùng, quyết tâm vận động các em ra lớp đều đặn. Thường thì các buổi vận động học sinh ra lớp được tổ chức vào thời điểm cuối ngày hoặc buổi tối hẳn vì lúc đó phụ huynh và học sinh mới có nhà.
 
1
Thầy, cô giáo Trường PTDT bán trú Tiểu học Vàng Ðán vận động học sinh ra lớp tại gia đình em Thào A Mênh, lớp 5A1 ở bản Huổi Khương 1, xã Vàng Ðán.

Xe máy ngược dốc gần 2km, đoàn vận động học sinh Trường PTDT bán trú Tiểu học Vàng Ðán đến gia đình em Thào A Mênh, lớp 5A1 và Thào A Chùa, lớp 2A1 (là 2 anh em ruột), ở bản Huổi Khương 1, xã Vàng Ðán cũng vừa lúc mẹ của Mênh và Chùa đi làm nương về. Rót chén nước mời khách, người phụ nữ lam lũ trình bày: “Gia đình khó khăn quá. Mấy năm nay, chồng đang thi hành án, một mình tôi nuôi 7 đứa con, một mình làm không hết nên phải bảo chúng nó ở nhà phụ giúp. Mấy hôm nay tập trung lên nương chăm sóc ngô, lúa nương nên 2 đứa ở nhà. Mênh lớn hơn thì lên nương cùng mẹ, Chùa thì ở nhà trông em”.

Nhà đông con, neo người lao động đã đành. Nhưng có nhiều trường hợp học sinh nghỉ học là do tự các em chưa ham học, bỏ học đi chơi đến khi thầy cô giáo đến nhà tìm thì gia đình mới biết. Em Giàng Thị Mú - học sinh hay vắng học của lớp 5A1 do thầy giáo Lò Văn Hương chủ nhiệm là một trong những trường hợp như thế. Tiếp chuyện với đoàn vận động học sinh của Trường PTDT bán trú Tiểu học Vàng Ðán, ông Giàng Nhà Chứ, ông nội Giàng Thị Mú ngạc nhiên: Ngày nào cháu Mú cũng báo với bố mẹ, ông bà đi học. Hôm nay, các thầy cô giáo đến nhà chúng tôi mới biết cháu đi học không đều. Trước đây, vào vụ thu hoạch lúa, ngô, gia súc không có chỗ chăn thả nên cũng có hôm gia đình cho các cháu ở nhà để chăn dắt gia súc. Tuy nhiên, sau nhiều lần thầy Hương và các thầy, cô giáo đến nhà vận động, chúng tôi hiểu rằng việc học tập của các cháu rất quan trọng và phải thường xuyên. Vì vậy, năm nay, gia đình luôn ưu tiên việc học của các cháu.

Theo chia sẻ của cô giáo Quàng Thị Nhâm, giáo viên chủ nhiệm lớp 2A1, từ ngày 21/8 đến nay, không ngày nào thầy cô giáo nhà trường không xuống bản, đến nhà vận động học sinh ra lớp. Ðây là một công việc thường xuyên của giáo viên vùng cao. Vất vả nhất là các thời điểm đầu năm học mới, sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán và những ngày mùa vụ của bà con. Thời điểm đó, bất chấp thời tiết nắng hay mưa, ngày hay tối, giao thông đi lại khó khăn, giáo viên khi rời bục giảng lại xuống các bản để vận động học sinh. Khó khăn nhất là việc bất đồng ngôn ngữ giữa giáo viên và phụ huynh học sinh. Hầu hết phụ nữ dân tộc Mông ở xã Vàng Ðán không biết hoặc không sõi tiếng phổ thông nên nhiều khi hiệu quả công tác vận động học sinh không như mong muốn. Khắc phục khó khăn đó, giáo viên Trường PTDT bán trú Tiểu học Vàng Ðán đã nỗ lực học tiếng Mông; đến nay, 100% giáo viên của trường đã thành thạo giao tiếp bằng tiếng Mông, công tác vận động học sinh đạt hiệu quả cao hơn.

Ðược biết, số học sinh ra lớp chưa đều ở Trường PTDT bán trú Tiểu học Vàng Ðán đều thuộc bản Huổi Khương 1. Bởi vì, các em không thuộc đối tượng được Nhà nước hỗ trợ tiền ăn, ở bán trú tại trường. Mỗi ngày mấy lượt đi bộ từ nhà đến trường, từ trường về nhà, hoàn cảnh gia đình khó khăn… là những nguyên nhân chính khiến nhiều học sinh không muốn ra lớp hoặc đến trường không đều. Thầy giáo Lò Văn Thắng, Hiệu phó Trường PTDT bán trú Tiểu học Vàng Ðán cho biết: Nhà trường đã cố gắng cân đối, đồng thời giáo viên trong trường tự nguyện đóng góp để hỗ trợ các em học sinh ở bản Huổi Khương 1 được ăn, ngủ tại trường như các em học sinh bán trú để các em và gia đình yên tâm. Năm học 2017 - 2018, Trường PTDT bán trú Tiểu học Vàng Ðán có 26 lớp học với 476 học sinh. Ðến thời điểm này, tỷ lệ học sinh ra lớp đạt khoảng 98%. Ðối với công tác vận động học sinh ra lớp, ngoài sự cố gắng của các thầy cô giáo, nhà trường đã tham mưu với UBND xã Vàng Ðán thành lập Ban Vận động học sinh của xã với 8 thành viên phụ trách 8 bản trên địa bàn để phối hợp, hỗ trợ các nhà trường.

Tác giả: Phạm Trung

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập160
  • Máy chủ tìm kiếm19
  • Khách viếng thăm141
  • Hôm nay67,447
  • Tháng hiện tại485,817
  • Tổng lượt truy cập136,837,630
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi