banner

VP- Vẻ đẹp người phụ nữ Việt Nam thời hiện đại

Chủ nhật - 22/10/2017 20:34
Dienbien.edu.vn- Việt Nam, mảnh đất hiền hòa hình chữ S đã và đang nuôi dưỡng biết bao tâm hồn của bao thế hệ nam thanh nữ tú, đã làm nên vẻ đẹp giữa đất nước và con người, giữa nền văn hóa và bản sắc dân tộc. Hình ảnh người phụ nữ đã xuất hiện ngay từ buổi sơ khai trong vị thế của một người mẹ đẻ ra trăm trứng, nở ra trăm người con đất Việt. Từ đó về sau, trải qua những chặng đường oanh liệt trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, người phụ nữ đã tỏ rõ nét đẹp truyền thống từ bên trong lẫn vẻ đẹp bên ngoài, qua công-dung-ngôn-hạnh, qua áo dài, qua nón lá, qua phẩm chất: Anh hùng-bất khuất-trung hậu-đảm đang.
3
(Ảnh: nguồn internet)
 
Theo suốt chiều dài truyền thống hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc Việt có những tiêu chuẩn, cách nhìn nhận khác nhau về vẻ đẹp của người phụ nữ theo từng thời điểm, từng giai đoạn lịch sử. Nếu như trong thời kỳ phong kiến hàng ngàn năm, vẻ đẹp của người phụ nữ được “chuẩn hóa” qua tiêu chuẩn “Tam tòng, Tứ đức” (Tam tòng là: Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử; nghĩa là ở nhà phải theo cha mẹ, lấy chồng phải theo chồng, chồng chết phải theo con. Tứ đức gồm: Công, dung, ngôn, hạnh). Theo quan niệm này, vẻ đẹp của người phụ nữ không chỉ là vẻ đẹp về mặt ngoại hình mà còn bộc lộ trong tính chịu đựng, tần tảo, chịu thương chịu khó chăm lo cho gia đình, chồng con, và vẫn có hình ảnh hiên ngang đem lại khúc khải hoàn ca cho dân tộc như: Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Nguyên Phi Ỷ Lan, Hồ Xuân Hương, Huyện Thanh Quan, Nguyễn Thị Bình, Nguyễn Thị Định, Võ Thị Sáu…

Tiếp nối truyền thống đó ngày nay, vẻ đẹp của người phụ nữ vẫn là sự kết hợp giữa vẻ đẹp hình thể và vẻ đẹp tâm hồn, nhưng quan niệm về công, dung, ngôn, hạnh đã cởi mở hơn nhiều. Danh ngôn có câu: “Nếu thượng đế sinh ra người phụ nữ trước chắc ngài sẽ chẳng tạo ra hoa hồng”, phụ nữ bao giờ cũng vậy, họ là biểu tượng cho cái đẹp của nhân loại. Ngày nay, người phụ nữ Việt Nam không chỉ đẹp vẻ bề ngoài mà còn có những vai trò, phẩm chất biểu thị cho tri thức xã hội; những người phụ nữ Việt Nam đã, đang và sẽ có những đóng góp rất lớn trong công cuộc xây dựng, bảo vệ tổ quốc. Chúng ta tự hào có những người phụ nữ Việt Nam đạt giải cao trong những quốc thi nhan sắc quốc tế, đồng thời có những người thành danh trên vũ đài chính trị, khoa học như: Nguyễn Thị Kim Ngân, Nguyễn Thị Kim Tiến, Tòng Thị Phóng, Trương Thị Mai…

Mảnh đất Tây Bắc, nơi cực Tây của Tổ quốc dấu yêu với núi non trùng điệp, nơi đây in dấu vẻ đẹp của người phụ nữ vừa mang những nét chung của phụ nữ Việt Nam thời hiện đại, vừa mang vẻ đẹp riêng, rất đặc trưng. Người phụ nữ Tây Bắc họ sinh từ trong vẻ đẹp của hoa ban loài hoa đặc trưng của núi rừng Tây Bắc. Phải chăng núi rừng trùng điệp, bản làng mờ sương, hương rừng ngan ngát, suối nước dạt dào, đồi nương ngào ngạt đã làm nên vẻ đẹp huyền thoại của người phụ nữ Tây Bắc? Nhưng chừng đó hẳn là chưa đủ. Thành ngữ Thái ở vùng đất nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc hàng trăm năm rồi vẫn còn lưu truyền cách nuôi dạy rèn luyện thân thể người con gái theo tiêu chí: “Mình thon, thắt đáy lưng con tò vò, dáng cao dong dỏng”.  Trời phú cho phụ nữ Tây Bắc biệt tài ươm tơ, xe sợi, dệt vải, may vá, thêu thùa. Phần lớn họ có bàn tay vàng làm nên những tấm thổ cẩm mà hoa văn đường nét màu sắc đạt đến sự tuyệt tác. Trong gia đình với tài năng lao động họ đã là chủ nhân của những bản hòa tấu độc đáo chất dân giã của núi rừng. Dường như người phụ nữ Tây Bắc sinh ra là để múa. Họ là chủ nhân đích thực của các điệu múa và lời ca có sức lôi cuốn cộng đồng. Các trò chơi ném còn, đánh yến, chọi quả lẹ, ném pao… cũng là những môn thể thao dân tộc làm đẹp thêm dáng vẻ phụ nữ Tây Bắc trong màu trắng bạt ngàn của núi rừng hoa ban.  Người con gái Tây Bắc còn được nuôi dưỡng vẻ đẹp tâm hồn thuần khiết như bông hoa ban trắng giữa rừng, được tắm mình trong những sinh hoạt cộng đồng, lễ hội dân gian truyền thống, trong các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc thân ái nhân văn. Điều đó làm nên vẻ đẹp cốt cách phong thái một cách bền vững. Ở họ luôn tìm thấy nụ cười hồn nhiên, tinh thần lạc quan, tin yêu vào cuộc sống mặc dù còn rất nhiều khó khăn, vất vả. Tiêu biểu: Lò Mai Trinh, Giàng Thị Hoa, Cao Thị Tuyết Lan…

Mong rằng nét đẹp, nét duyên người con gái Tây Bắc không những không bị phai nhạt trong thời kỳ hội nhập đổi mới và phát triển mà còn được phát huy trong đời sống văn hóa của gia đình, cộng đồng vẻ đẹp đó không bị lạm dụng, lợi dụng thô thiển mà còn mang lại sức quyến rũ cho văn hóa du lịch vùng Tây Bắc hôm nay.

Họ như những đóa hoa ban tô thắm cho núi rừng Tây Bắc thêm rực rỡ mỗi độ xuân về. Rung động trước vẻ đẹp này, Long Nguyễn trong một lần tới Tây Bắc đã có những vần thơ nói lên cảm nhận của mình về người con gái Tây Bắc:

Bóng ai thấp thoáng ngỡ Tiên sa
Sắc nước, hương trao thắm ngọc ngà
Ánh mắt mê hồn người xứ lạ
Môi cười gợi cảm kẻ trời xa.
 
Theo suốt chiều dài lịch sử, phụ nữ Việt Nam luôn giữ vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển của đất nước. Vẻ đẹp của họ hiện lên trong chiến đấu, trong lao động sản xuất hay trên những diễn đàn chính trị. Và giữa bộn bề của guồng quay xã hội như ngày nay, những vẻ đẹp ấy vẫn tiếp tục được phát hiện, tôn vinh, nhân rộng cả về tài năng và tâm hồn. Vâng! Vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam sẽ bất tử với thời gian và góp phần kiến tạo nên vẻ đẹp văn hóa dân tộc!

Tác giả: Chào Nguyễn Ánh Nguyệt

Tổng số điểm của bài viết là: 27 trong 10 đánh giá

Xếp hạng: 2.7 - 10 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập176
  • Thành viên online1
  • Máy chủ tìm kiếm16
  • Khách viếng thăm159
  • Hôm nay69,076
  • Tháng hiện tại487,446
  • Tổng lượt truy cập136,839,259
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi