banner

Dienbien.edu.vn Đánh giá kết quả thực hiện dạy tiếng Việt lớp 1- Công nghệ Giáo dục năm học 2014-2015

Chủ nhật - 24/05/2015 20:48
GDTH- Ngày 14 tháng 5 năm 2015, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên tổ chức Hội nghị Sơ kết 1 năm thực hiện dạy tiếng Việt lớp 1- Công nghệ Giáo dục năm học 2014-2015.
Tham dự Hội nghị có các đồng chí Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo cùng 120 đại biểu đến từ 10 huyện, thị xã, thành phố.


 Ông Nguyễn Mạnh Quân- Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo phát biểu khai mạc Hội nghị

Khai mạc Hội nghị ông Nguyễn Mạnh Quân- Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo biểu dương những thành tích của các cấp quản lý, đội ngũ giáo viên các trường tiểu học đã thực hiện thành công Chương trình tiếng Việt lớp 1- Công nghệ giáo dục trên địa bàn huyện Điện Biên.

Tại Hội nghị ông Đỗ Văn Mười- Phó trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo đánh giá quá trình triển khai thực hiện chương trình tiếng Việt lớp 1- Công nghệ giáo dục năm học 2014- 2015. Để thực hiện chương trình này Sở Giáo dục và Đào tạo đã cử đội ngũ cốt cán tham gia bồi dưỡng và tiếp cận phương pháp dạy học theo Chương trình Công nghệ giáo dục tại Trung ương ngay trong hè 2014 (trong đó huyện Điện Biên có một giáo viên cốt cán tham gia), sau đó tiến hành bồi dưỡng cấp tỉnh cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên trực tiếp đứng lớp; Sở Giáo dục và Đào tạo cũng ban hành văn bản thành lập nhóm hỗ trợ kỹ thuật dạy học tiếng Việt lớp 1- Công nghệ giáo dục học kỳ 1 năm học 2014- 2015 nhằm giải quyết những khó khăn vướng mắc khi thực hiện tại cơ sở. Trong quá trình tổ chức thực hiện, được sự quan tâm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đoàn chuyên gia thuộc Trung tâm Công nghệ giáo dục đã trực tiếp hướng dẫn và hỗ trợ kỹ thuật cho giáo viên về Phương pháp dạy tiếng Việt lớp 1- Công nghệ giáo dục. Qua một năm triển khai thực hiện, điểm nổi bật của chương trình này là tính vững chắc. Đó là việc học sinh học đâu biết đấy, học đâu chắc đấy. Sự vững chắc đạt được nhờ hai yếu tố: giải quyết dứt điểm (từng đơn vị học) và nhắc lại thường xuyên, nhắc lại khi có cơ hội. Chương trình học tiếng Việt Công nghệ giáo dục phù hợp với mọi đối tượng dù là học sinh người kinh hay người dân tộc thiểu số, học sinh ở vùng thuận lợi hay vùng khó khăn, học sinh có được chuẩn bị tiếng Việt trước khi vào lớp 1 hay chưa. Với quan điểm dạy ngữ âm, nên chương trình không đặt nặng về nghĩa mà tập trung vào cấu tạo ngữ âm của tiếng. Nói như thế không có nghĩa là bỏ qua nghĩa, mà chương trình trước hết giúp học sinh nắm được tiếng Việt trong mối quan hệ ngữ âm của nó.

Có thể thấy, dạy học tiếng Việt lớp 1- Công nghệ giáo dục đã phát huy khả năng rèn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết cho học sinh. Học theo chương trình này, học sinh không bị áp lực bởi thời gian và lượng kiến thức trong từng bài học. Các em vừa học vừa được vận động theo nội dung bài; không khí học tập thoải mái giúp các em hứng thú học tập hơn. Kết quả khảo sát cho thấy trên 97% học sinh lớp 1 đọc to, rõ ràng, đảm bảo theo đúng tốc độ quy định, ngắt nghỉ hơi hợp lý, nắm chắc hệ thống cấu trúc ngữ âm, phát âm chuẩn tiếng Việt; nghe- viết đảm bảo tốc độ, nắm chắc luật chính tả để viết bài. Bài viết trình bày khoa học, chữ viết đẹp, đúng mẫu chữ.

Trong những năm học qua, huyện Điện Biên là một trong số đơn vị có phong trào giáo dục phát triển mạnh của ngành, tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần cao. Đây là điều kiện quan trọng cho việc chọn và triển khai thực hiện Chương trình tiếng Việt 1- Công nghệ giáo dục đạt hiệu quả. Với sự quyết tâm cao của đội ngũ cán bộ quản lý từ phòng đến các nhà trường, trong năm học 2014- 2015 phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Điện Biên đã triển khai thí điểm dạy tiếng việt 1- Công nghệ giáo dục tại 37 trường với 1910 học sinh. Để thực hiện tốt dạy học tiếng Việt 1- Công nghệ giáo dục, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Điện Biên đã tổ chức tập huấn cho 100% cán bộ quản lý và giáo viên các trường tham gia thí điểm. Thường xuyên dự giờ, trao đổi và cùng nhau nghiên cứu sách thiết kế nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Có thể nói, dạy học theo chương trình này giáo viên với vai trò là người hướng dẫn, còn học sinh là người kiến tạo nên bài học. Các em vừa được học, vừa được hoạt động tạo hứng thú trong giờ học. Qua các hoạt động, giúp học sinh nắm bắt quy luật nhanh, chất lượng học tiếng Việt của các em có phần tốt hơn so với phương pháp học trước đây. Với quan điểm giúp học sinh được học và học thông qua hệ thống việc làm, chương trình đã thiết kế bài học chuyển từ quy trình 5 bước lên lớp truyền thống sang quy trình 4 việc. Bằng cách này, dưới sự tổ chức, hướng dẫn của giáo viên, học sinh tự tạo ra “sản phẩm” học tập của mình để chiếm lĩnh tri thức và hoàn thiện kỹ năng. Đây chính là nền tảng để khi các em lên lớp 2 có vốn tiếng Việt nhất định và khắc phục tình trạng viết sai chính tả. Hội nghị cũng đánh giá cao một số trường thực hiện tốt Chương trình tiếng Việt lớp 1- Công nghệ giáo dục như: Tiểu học Pom Lót, Tiểu học Hoàng Công Chất, Tiểu học Thanh Hưng, Tiểu học Thanh Chăn, Tiểu học Số 1 xã Sam Mứn, PTDTBT TH số 1 xã Mường Nhà,...


Bà Nguyễn Thị Đào- Trưởng phòng GDĐT huyện Điện Biên phát biểu tại Hội nghị

Tại Hội nghị, tham luận của một số trường cũng nêu được những kết quả tích cực khi triển khai áp dụng Chương trình tiếng Việt lớp 1- Công nghệ giáo dục; nhiều ý kiến phát biểu trao đổi, thảo luận xung quanh nội dung khi thực hiện Chương trình tiếng Việt lớp 1- Công nghệ giáo dục: Lớp có số học sinh đông, học sinh đi học không chuyên cần, diện tích phòng học nhỏ....thực hiện dạy học tiếng Việt- Công nghệ Giáo dục như thế nào? Trả lời cho những băn khoăn của đại biểu, ông Đào Thái Lai- Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh: Chương trình tiếng Việt lớp 1- Công nghệ giáo dục đã và đang thực hiện tại 44 tỉnh thành trong cả nước. Chương trình giải quyết những khó khăn cho học sinh lớp 1 về nghe, nói, đọc, viết đặc biệt là với đối tượng học sinh dân tộc thiểu số. Đồng thời giúp học sinh nắm chắc luật chính tả, không bị nhầm lẫn các phụ âm ch/tr, l/n, s/x.... Số học sinh đông, diện tích phòng học nhỏ không ảnh hưởng đến quá trình dạy học và tiếp thu bài của học sinh bởi vị trí bàn ghế vẫn kê theo dãy. Điều quan trọng của chương trình này là giúp học sinh thoải mái, tự tin tiếp thu bài học. Còn giáo viên phải kiểm soát và đánh giá được quá trình học tập của học sinh nhằm đáp ứng theo chuẩn kiến thức- kỹ năng mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành (Đánh giá học sinh theo Thông tư 30/2014).
 

Hội nghị Sơ kết Đánh giá kết quả thực hiện dạy tiếng Việt lớp 1- Công nghệ Giáo dục

Kết luận hội nghị, Ông Nguyễn Mạnh Quân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao những cố gắng mà huyện Điện Biên đã đạt được trong việc tiên phong thực hiện thí điểm dạy tiếng Việt 1- Công nghệ giáo dục. Đồng thời, định hướng cho các đơn vị trường có đủ điều kiện tiếp tục đăng ký triển khai dạy tiếng Việt 1- Công nghệ giáo dục trong năm học tới. Tuyên truyền tới các cấp chính quyền địa phương và phụ huynh học sinh hiểu được mục tiêu của Chương trình tiếng Việt 1- công nghệ giáo dục, tạo sự đồng thuận trong việc tổ chức, triển khai thực hiện. Lựa chọn trường, giáo viên giảng dạy; xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên cốt cán cấp huyện, thị xã, thành phố; chuẩn bị tốt nhất về cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu của Chương trình tiếng Việt 1- Công nghệ giáo dục./. 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập119
  • Thành viên online1
  • Máy chủ tìm kiếm23
  • Khách viếng thăm95
  • Hôm nay70,537
  • Tháng hiện tại488,907
  • Tổng lượt truy cập136,840,720
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi