banner

GDMN – Chia sẻ kinh nghiệm số 22 - Một số kinh nghiệm tổ chức giáo dục phát triển vận động cho trẻ trong trường mầm non

Thứ ba - 19/05/2015 22:26
Dienbien.edu.vn - “Những gì sách dạy chúng ta cũng giống như lửa. Chúng ta lấy nó từ nhà hàng xóm, thắp nó trong nhà ta, đem nó truyền cho người khác, và nó trở thành tài sản của tất cả mọi người” (Voltaire). Chúng ta hãy cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm hay trong giáo dục để ngọn lửa tri thức, ngọn lửa nhiệt huyết đối với giáo dục luôn cháy sáng, để con đường đến với thành công bớt chông gai.
Tính tích cực vận động của trẻ ở trường mầm non là một trong những nội dung cần thiết và rất quan trọng đối với lứa tuổi mầm non. Cùng với các hoạt động giáo dục phát triển thể chất, trò chơi vận động và các hoạt động vui chơi bổ ích phù hợp lứa tuổi có tác dụng kích thích, giải phóng nhiều năng lượng, ngăn ngừa sự tích tụ hoặc tiêu hao lượng mỡ dư thừa trong cơ thể trẻ, tạo cơ bắp săn chắc, giúp trẻ có cơ thể cân đối, khỏe mạnh.

Trong những năm gần đây, cùng với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, sự dồi dào thực phẩm, sự chăm sóc ăn uống quá mức yêu cầu về năng lượng cũng như việc xem tivi, video, chơi trò chơi điện tử nhiều, đã tạo nên tình trạng dư cân, béo phì ở trẻ em. Ngoài ra, việc ít hoạt động còn hạn chế sự hình thành và phát triển các vận động cơ bản và các tố chất cần thiết cho trẻ.

Bên cạnh đó, giáo viên mầm non vẫn chưa nhận thức hết tầm quan trọng của việc phát huy tính  tích cực vận động cho trẻ. Mặc khác, một số nơi do lớp học quá đông, diện tích chật hẹp, sự thiếu kinh nghiệm trong tổ chức hoạt động nên các cô giáo thường lúng túng khi tổ chức cho trẻ vận động, hoặc có tổ chức nhưng qua loa, thiếu hiệu quả.

Nhận thấy rõ tầm quan trọng của nội dung nêu trên, số này xin giới thiệu với các đồng nghiệp “Một số kinh nghiệm tổ chức giáo dục phát triển vận động cho trẻ trong trường mầm non” nhằm góp phần phát huy tính tích cực vận động của trẻ một cách có hiệu quả hơn.


Giờ thể dục sáng –Trường mầm non Thanh Trường, thành phố Điện Biên Phủ

Như chúng ta biết, mỗi ngày trẻ đến trường, phần lớn thời gian trong ngày trẻ đều ở trường với cô giáo và bạn. Vì thế trường lớp phải là nơi trẻ cảm nhận được sự quan tâm chăm sóc và an toàn. Trẻ cần những giáo viên luôn sẵn sàng đón tiếp trẻ, không phân biệt thành phần xuất thân cũng như đặc điểm cá nhân của trẻ. Sau đây là một số kinh nghiêm thực hiện và chỉ đạo giáo viên tăng cường phát triển tính tích cực vận động cho trẻ:

Trước tiên, là triển khai nội dung phát triển vận động cho trẻ đến toàn thể giáo viên. Đối với trẻ ở cuối tuổi nhà trẻ thì nội dung quan trọng là phát triển các nhóm cơ và hô hấp; các vận động cơ bản: lẫy, bò, trườn, đi, chạy, ném, bắt; phát triển các cử động bàn tay, ngón tay. Đối với trẻ ở độ tuổi mẫu giáo là tập vận động các nhóm cơ và hệ hô hấp; tập các vận động cơ bản; các cử động bàn tay, ngón tay phát triển hoàn thiện, khéo léo và biết lợi ích của việc luyện tập đối với sức khỏe.

Sau đó giáo viên lựa chọn các hình thức tổ chức phát triển vận động cho trẻ. Đối với hoạt động học: Việc dạy trẻ những kĩ năng vận động, hình thành và phát triển các tố chất vận động phù hợp với từng lứa tuổi của trẻ, nội dung của chương trình thể dục: đội hình đội ngũ, bài tập phát triển chung, bài tập vận động cơ bản và trò chơi vận động. Đối với hoạt động chơi: Sắp xếp khoảng không gian an toàn cho trẻ vận động, kích thích hoạt động tự vận động của trẻ, quan tâm giáo dục cá biệt đối với trẻ hoặc khuyến khích trẻ tự vận động, tạo tình huống để trẻ có thể ôn luyện các vận động đã được luyện tập trong hoạt động có chủ định (đối với trẻ nhà trẻ). Tạo điều kiện cho trẻ tự luyện tập những bài tập, trò chơi mà trẻ yêu thích, việc áp dụng phương pháp giáo dục cá biệt cho trẻ, tập luyện thêm năng khiếu về thể dục thể thao cho trẻ (đối với trẻ mẫu giáo).

Việc lựa chọn các phương tiện phát triển vận động cho trẻ cũng vô cùng quan trọng. Đầu tiên là phương tiện vệ sinh, chế độ vệ sinh trong luyện tập cho trẻ tại các nhóm lớp: vệ sinh dinh dưỡng, vệ sinh môi trường, vệ sinh thân thể, vệ sinh trang phục. Vệ sinh thiết bị, dụng cụ thể dục cũng phải đảm bảo tính giáo dục, an toàn, thẩm mĩ. Tận dụng các phương tiện thiên nhiên như: ánh sáng mặt trời, không khí và nước cho trẻ tập luyện. Quan tâm đầu tư các bài tập thể dục, trò chơi vận động…, đầu tư phòng thể chất, sân chơi an toàn cho trẻ chơi. Có các loại đồ chơi cần thiết cho trẻ phát triển vận động như: cầu trượt, thang leo, bập bênh, ống chui, cổng, vòng, gậy, ghế thể dục, bục gỗ, cột ném bóng… Dụng cụ thể thao tự chế như cầu, bao cát, dây, nơ; một số đồ dùng đan, tết, bện, cài khuy, buộc dây, cắt, dán, tô màu…

Bên cạnh đó, để góp phần nâng cao tính tích cực vận động cho trẻ trong trường mầm non, giáo viên có thể áp dụng những biện pháp khác nhau một cách sáng tạo như: Xây dựng môi trường kích thích trẻ hứng thú tích cực vận động, sử dụng biện pháp trò chơi trong hoạt động phát triển vận động, tổ chức đa dạng các hình thức thi đua nhóm lớn, nhóm nhỏ, cá nhân, tổ chức hoạt động lễ hội thể dục, thể thao, thi đấu…cụ thể:

1. Xây dựng môi trường kích thích tính tích cực vận động của trẻ

Môi trường luôn đặt ra cho trẻ những thử thách, tìm tòi, khám phá trong các hình thức hoạt động phát triển vận động hấp dẫn, lôi cuốn trẻ tích cực hứng thú tham gia vận động một cách tự nguyện và tự giác: Môi trường cần cung cấp cho trẻ em nhiều cơ hội để thực hiện các hoạt động phát triển vận động phù hợp “Chỉ khi ở trong một môi trường thuận lợi đứa trẻ mới có cơ hội phát triển đầy đủ và bộc lộ những tính cách tiềm ẩn của mình” (M.Montessori). Môi trường kích thích nhu cầu trải nghiệm và thử thách khả năng vận động của trẻ.

Làm thế nào giáo viên có thể tạo ra môi trường kích thích trẻ tích cực vận động hiệu quả?

Môi trường trong lớp: cần sắp xếp một khoảng không gian đủ rộng, có thể tận dụng hành lang để những trẻ dư cân béo phì tăng cường vận động, có thể tổ chức những vận động rèn luyện khả năng giữ thăng bằng, phát triển tố chất khéo léo, mạnh mẽ: Đi thăng bằng trên dây thừng hoặc trên ghế thể dục, ném còn, ném vòng vào cổ chai. Ngoài ra nên treo các quả bóng ở độ cao thấp khác nhau để trẻ có thể nhảy lên đánh bóng, một vài thùng giấy để trẻ bò chui qua đường hầm, những hình khối để trẻ có thể tự sắp xếp leo trèo, bật nhảy…
Môi trường ngoài trời tạo cho trẻ nhiều cơ hội được trải nghiệm thử thách vận động. Tất cả những trò chơi ngoài trời đều giúp trẻ phát triển sự thăng bằng, dẻo dai và khả năng phối hợp. Thiết bị để trẻ leo trèo phải được đảm bảo an toàn. Khoảng đất phía dưới đồ chơi phải mềm (có thể trải thảm hoặc trồng cỏ...) để đỡ cho trẻ khi ngã. Những đồ chơi để trẻ leo trèo: Thang leo hình chữ A, thang leo hình chữ A bằng dây thừng, dây thừng thắt nút. Có thể tận dụng các lốp xe để trẻ bò chui hoặc làm xích đu.


Tiết mục văn nghệ chào mừng năm học mới của các cháu Trường mầm non xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên

2. Biện pháp trò chơi

Hoạt động vui chơi là hoạt động chủ đạo của trẻ tuổi mẫu giáo, trong đó trò chơi vận động có vai trò to lớn trong việc hình thành và phát triển nhân cách trẻ. Giáo viên mầm non phải tạo cho trẻ bầu không khí thật sự hứng thú, tích cực để trẻ bộc lộ khả năng, hạn chế trong khi thực hiện kĩ năng vận động của mình, từ đó giáo viên sẽ có những điều chỉnh kịp thời nhằm giúp cho việc rèn luyện kĩ năng vận động của trẻ được hiệu quả hơn.

Biện pháp trò chơi có tác dụng nhằm gây hứng thú cho trẻ đến bài tập vận động, giúp trẻ thực hiện nhiều lần mà không nhàm chán, đánh giá được tương đối khách quan kết quả vận động của trẻ. Khi tham gia vào trò chơi, trẻ vận động  tích cực hơn, tự nhiên, thoải mái, có tác dụng củng cố và rèn luyện kĩ năng, kĩ xảo vận động phát triển tố chất vận động. Khi chơi trò chơi vận động, hệ vận động được củng cố, các hệ cơ bắp của cơ thể trở nên rắn chắc hơn, các khớp xương và dây chằng trở nên linh hoạt, có tác dụng củng cố, tăng cường sức khỏe cho trẻ, tạo điều kiện cho việc rèn luyện thể lực, củng cố kĩ năng vận động trong điều kiện thay đổi. Hoạt động trò chơi mang tính tổng hợp và được xây dựng kết hợp với những kĩ năng vận động khác nhau như chạy, nhảy, bò…trong khi chơi trẻ có khả năng giải quyết bài  tập mới xuất hiện một cách sáng tạo, thể hiện tính độc lập, nhanh trí trong việc lựa chọn cách thức vận động, những tình huống biến đổi bất ngờ trong quá trình chơi, sẽ kích thích thực hiện nhanh hơn, khéo léo hơn.

 Biện pháp này tiến hành dưới hai dạng:

- Đưa yếu tố chơi vào bài tập. Ví dụ: “Trườn sấp” giống như các chú bộ đội, “vươn thở” cho trẻ bắt chước gà gáy, thổi bóng, ngửi hoa, “bò” như chuột, nhảy qua rảnh nước, nhảy như thỏ.

- Sử dụng trò chơi vận động để tiến hành bài tập. Ví dụ trò chơi “đuổi bắt” vận động chạy, “chuông reo ở đâu ?” rèn luyện khả năng định hướng âm thanh, không gian cho trẻ.

3. Biện pháp thi đua
Mục đích của tinh thần thi đua nhằm hoàn thiện các kỹ năng, kỹ xảo vận động ở mức độ cao và rèn luyện phẩm chất đạo đức như lòng tự trọng, tinh thần đồng đội cho trẻ. Thi đua làm tăng hứng thú, tăng khả năng vận động, phát triển các tố chất vận động, kích thích, lôi cuốn trẻ vào việc tập luyện.

Biện pháp thi đua tiến hành dưới hai dạng:

Thi đua cá nhân: Chọn các cháu ngang sức, mức độ thực hiện động tác gần ngang nhau, để tránh gây nản chí giữa các cháu. Lúc đầu, giáo viên yêu cầu trẻ thực hiện đúng bài tập: “ai bò đúng”, “ai ném đúng”, sau đó đòi hỏi cao hơn. Ví dụ: “thi xem ai bật giỏi”, “thi xem ai chạy nhanh tới cờ”, “thi xem ai bật nhanh qua vòng”.

Thi đua đồng đội: Phân chia đội làm sao cho tương đối vừa sức, số lượng bằng nhau, yêu cầu tổ chức nhanh, các đội bắt đầu thực hiện cùng một lúc. Trước khi bắt đầu cuộc thi, nên cho trẻ nhắc lại điều kiện của cuộc thi. Sau khi chơi xong, giáo viên là người phân xử thắng thua một cách khách quan, thì sẽ có tác dụng giáo dục sự công bằng trong một tập thể trẻ nhỏ.

Chú ý: Khi sử dụng biện pháp thi đua, cần tránh để trẻ hưng phấn quá mức, tránh gây những kích thích căng thẳng thần kinh làm ảnh hưởng không tốt đến hành vi và trạng thái của trẻ. Cần lưu ý đến thời gian mà trẻ vận động và tham gia thi đấu, điều khiển lượng vận động cho trẻ sao cho phù hợp.


Giờ hoạt động tập thể, trường mầm non Hoa Mai, xã Quài Cang, huyện Tuần Giáo

4. Biện pháp tổ chức ngày hội, ngày lễ

Trẻ được thực hiện các vận động theo một trình tự đã được sắp xếp. Trong ngày hội này, tất cả các trẻ đều được tham gia thể dục, thể thao một cách tích cực, hào hứng sôi nổi, qua đó thúc đẩy các hoạt động tập thể, tạo không khí náo nức cho trẻ vì trẻ được tham gia “biểu diễn”, “thi tài” của lớp mình cho các bạn xem. Trong quá trình hoạt động tập thể như vậy sẽ phát triển ở trẻ tính linh hoạt, mạnh dạn tự tin hơn, tinh thần tập thể và để lại cho trẻ ấn tượng cảm xúc vui vẻ, phấn khởi, óc thẩm mỹ về cái đẹp khi vận động của các “vận động viên tí hon”.

Trong những ngày lễ, hội, chú trọng lồng ghép việc tổ chức cho trẻ phát triển vận động dưới nhiều hình thức phù hợp với chương trình lễ, hội, phù hợp với tâm lí và thể lực của trẻ mầm non, tạo cảm giác thoải mái, vui vẻ cho trẻ khi tham gia hoạt động và hấp dẫn thu hút trẻ tham gia. Sưu tầm và sáng tác trò chơi vận động phù hợp với trẻ. Tổ chức cho trẻ tham gia các hoạt động phát triển vận động dưới các hình thức: chơi tự do, thi bé khéo tay, hội  vui, khỏe của bé…

5. Một số yêu cầu khi tổ chức hoạt động phát triển vận động cho trẻ ở trường mầm non

Một trong những hình thức quan trọng của việc dạy kỹ năng vận động cơ bản cho trẻ mầm non là hoạt động phát triển vận động. Trong mỗi hoạt động phát triển vận động đều giải quyết các nhiệm vụ chăm sóc, rèn luyện sức khỏe, hoàn thiện kỹ năng vận động, phát triển tố chất thể lực và giáo dục các phẩm chất đạo đức ý chí cho trẻ. Sau đây là một số yêu cầu cần thiết đảm bảo cho việc tổ chức hoạt động phát triển vận động của trẻ ở trường mầm non hiệu quả:

            - Giáo viên phải đảm bảo làm mẫu đúng khi dạy trẻ các kĩ năng vận động và các biện pháp thực hiện vận động khác nhau.

            - Giáo viên cần phải chú ý theo dõi để trẻ không tự tiện sử dụng đồ dùng và dụng cụ trong quá trình hoạt động.

            - Không để trẻ vào phòng giáo dục thể dục hay ở ngoài sân luyện tập mà không có giáo viên theo dõi việc vào, ra của trẻ.

            - Khi tổ chức cho trẻ luyện tập, giáo viên cần chú ý chọn vị trí đứng sao có thể quan sát được tất cả trẻ, cần có đủ giáo viên phụ trách an toàn cho trẻ.

            - Khi cho trẻ thực hiện bài tập với các dụng cụ (gậy, vòng…), giáo viên cần chú ý nhịp tập và khoảng cách giữa các trẻ.

            - Giáo viên phải thường xuyên kiểm tra dáng điệu và tư thế đúng của trẻ trong suốt thời gian tổ chức hoạt động học.

            - Khi tổ chức tiết học cần chú ý trạng thái của trẻ, không để trẻ quá mệt mỏi. Trong trường hợp xuất hiện những biểu hiện mệt mỏi bên ngoài, giáo viên đề nghị trẻ nghỉ ngơi, sau đó chuyển sang hoạt động nhẹ nhàng hơn.

            - Giáo viên nhất thiết phải giới thiệu cho trẻ các yêu cầu về hành vi trên hoạt động học và thường xuyên kiểm tra việc thực hiện các yêu cầu đó.

            - Giờ hoạt động học với tất cả các môn học khác nhau, nếu có thể lồng ghép thêm các trò chơi vận động làm tăng thêm sự hứng thú tích cực vận động. Qua đó giúp trẻ thực hiện nhiệm vụ học tập một cách nhẹ nhàng, tự nhiên, không áp đặt trẻ.

            - Để trẻ tham gia trò chơi vận động nhiều lần mà không nhàm chán giáo viên cần lưu ý: Tăng dần độ khó của các trò chơi (về yêu cầu, luật chơi, hành động chơi…) đồng thời có thể khuyến khích trẻ tự nghĩ ra các trò chơi mới.

            - Trong khi trẻ tham gia thực hiện vận động tránh để trẻ chờ đợi quá lâu, không để trẻ hò hét cổ vũ quá sức làm ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Khi tổ chức cho trẻ thi đua cần quan tâm động viên khích lệ đối với những trẻ nhút nhát kém vận động, linh hoạt thay đổi điều chỉnh 2 đội sao cho cả 2 đội đều có cơ hội chiến thắng, tránh để một đội luôn giành chiến thắng sẽ làm ảnh hưởng tinh thần đội thua, mất tự tin vào bản thân

            - Để trẻ vận động có hiệu quả phải biết chọn thời điểm thích hợp. Thời điểm thích hợp để trẻ tích cực vận động là buổi sáng. Khi tổ chức vận động cho trẻ giáo viên cần chú ý quan sát trẻ để đảm bảo an toàn cho trẻ, nếu thấy trẻ mệt phải ngưng ngay và tuyệt đối không cho trẻ vận động quá sức. Lượng vận động trong giờ thể dục không nên quá tải, nên dừng trước khi trẻ mệt, ra mồ hôi nhiều, nhịp thở nhanh.

            - Phải sưu tầm, thiết kế một ngân hàng trò chơi vận động mới để áp dụng phù hợp vào các tình huống, các hoạt động khác nhau.

            - Phải biết cách lôi cuốn, thu hút trẻ vào các trò chơi bằng các lời động viên, khuyến khích, giải thích luật chơi hấp dẫn…

            - Tạo môi trường chơi đảm bảo an toàn, không gian thoáng đãng, đồ chơi phong phú, nhiều màu sắc, hình dạng. Tạo bầu không khí vui vẻ, hào hứng, môi trường vận động gần gũi, quen thuộc để trẻ cảm thấy thoải mái, hứng thú.

            - Giáo viên và phụ huynh cần tạo cơ hội phát triển kỹ năng vận động của trẻ mọi lúc mọi nơi. Cần quan tâm đến hứng thú và sở thích riêng của trẻ  để lựa chọn biện pháp tác động hiệu quả.

            - Hiệu quả của việc sử dụng các biện pháp phụ thuộc nhiều vào nhận thức của giáo viên. Giáo viên phải là người hiểu trẻ, có tình yêu nghề, yêu trẻ và thích khám phá, có kiến thức có năng lực sư phạm, biết tạo ra môi trường hoạt động tích cực, tạo ra những tình huống hấp dẫn, động viên khuyến khích trẻ hứng thú, tích cực trong hoạt động phát triển vận động. Để nâng cao hiệu quả của quá trình giáo dục phát triển thể chất, một trong những vấn đề quan trọng là phải đảm bảo mật độ vận động cho trẻ.

 Hy vọng một số kinh nghiệm này sẽ giúp các đồng nghiệp tổ chức thành công hoạt động giáo dục phát triển vận động cho trẻ trong trường mầm non. Mong muốn nhận được những chia sẻ, trao đổi của các đồng nghiệp./.

Tác giả: Nguyễn Thị Huệ

Nguồn tin: Trường THPT Thanh nưa, huyện Điện Biên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập117
  • Máy chủ tìm kiếm17
  • Khách viếng thăm100
  • Hôm nay70,561
  • Tháng hiện tại488,931
  • Tổng lượt truy cập136,840,744
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi