Kế hoạch với mục tiêu chung là nâng cao kiến thức, kỹ năng và thay đổi hành vi về phòng, chống HIV/AIDS và giảm kỳ thị, phân biệt đối xử cho học sinh, sinh viên, thầy cô giáo và các bậc cha mẹ học sinh trong toàn bộ hệ thống giáo dục, góp phần thực hiện các mục tiêu của Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 và Chương trình Quốc gia bảo vệ trẻ em 2011-2015.
Các mục tiêu hướng tới 100% các cơ sở giáo dục và đào tạo có năng lực và tổ chức hiệu quả giáo dục về phòng chống HIV/AIDS nhằm giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Phấn đấu hầu hết học sinh, sinh viên được trang bị kiến thức và kỹ năng về phòng, chống HIV/AIDS, và trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được đi học và không bị kỳ thị phân biệt đối xử.
Hoạt động thể thao của học viên Trung tâm GDTX Tủa Chùa.
Kế hoạch được triển khai tại 100% các cơ sở giáo dục trong toàn quốc từ 2012 đến 2020 và được chia thành 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ 2012 đến 2015 triển khai các hoạt động tại 70% cơ sở giáo dục thuộc 3 khu vực phía Bắc, miền trung Tây nguyên, phía Nam. Giai đoạn 2 từ 2015-2020 triển khai 100% các hoạt động tại 63 tỉnh, thành trên toàn quốc. Theo đó kế hoạch cũng xác định những mục tiêu cụ thể đối với từng giai đoạn, đó là:
Phấn đấu đến năm 2015 đạt 70%, năm 2020 đạt 80% học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục và đào tạo được tiếp cận với giáo dục về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, giới, giới tính, kỹ năng sống, nâng cao nhận thức và thực hành những hành vi tốt trong phòng, chống HIV/AIDS và giảm kỳ thị phân biệt đối xử với những người có HIV/AIDS. Trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS trong độ tuổi đi học không bị phân biệt đối xử trong các cơ sở giáo dục. Cán bộ quản lý, giáo viên, cán bộ quản lý trường học và nhân viên trong các cơ sở giáo dục được trang bị kiến thức, kỹ năng, có nhận thức đầy đủ, thay đổi hành vi và giảm kỳ thị phân biệt đối xử với những người có HIV. Giáo viên được trang bị kiến thức và phương pháp giảng dạy lồng ghép giáo dục phòng, chống HIV/AIDS với các nội dung về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, kỹ năng sống, các bệnh lây truyền qua đường tình dục.... phù hợp với từng cấp học.
Đến năm 2015 đạt 60%, năm 2020 đạt 80% trẻ em trong độ tuổi đi học thực hành những hành vi tốt trong phòng, chống HIV/AIDS và giảm kỳ thị phân biệt đối xử với những người có HIV/AIDS.
Đến năm 2015 đạt 60%, năm 2020 đạt 75% cha mẹ học sinh trong các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học có nhận thức đầy đủ và có thái độ đúng về phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS phù hợp với từng cấp học.
Với các mục tiêu cơ bản trên chương trình đã nêu ra các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cần thực hiện trong thời gian tới nhằm hoàn thành các mục tiêu đề ra, đó là:
Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đối với công tác giáo dục phòng, chống HIV/AIDS và nâng cao trách nhiệm của các cấp lãnh đạo các cơ sở giáo dục. Rà soát, hệ thống các văn bản chính sách có liên quan và xây dựng chương trình tài liệu và điều kiện đảm bảo cho công tác giáo dục phòng, chống HIV/AIDS. Tổ chức lồng ghép, tích hợp kiến thức và kỹ năng về phòng, chống HIV/AIDS vào các chương trình chính khóa, ngoại khóa, các môn học cho phù hợp trong các cơ sở giáo dục.
Tòa nhà nuôi dưỡng trẻ mồ côi huyện Điện Biên Đông.
Tổ chức tuyên truyền, giáo dục sức khỏe, xây dựng mô hình điểm và phối hợp liên ngành với các cơ quan có liên quan trong các hoạt động tuyên truyền, giáo dục phòng, chống HIV/AIDS trong ngành. Hợp tác quốc tế trong giáo dục phòng chống HIV/AIDS, khảo sát, đánh giá nhân rộng các mô hình điểm về giáo dục phòng, chống HIV/AIDS, giáo dục giảm kỳ thị và phân biệt đối xử. Phối hợp lồng ghép về giáo dục phòng, chống HIV/AIDS với giáo dục sức khỏe sinh sản, kỹ năng sống, giới, giới tính.
Nâng cao năng lực và theo dõi giám sát qua các hoạt động tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và nhà giáo về giáo dục sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, kỹ năng sống, giới, giới tính và phòng, chống HIV/AIDS. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, tổ chức hệ thống theo dõi, giám sát trong ngành, chỉ đạo thực hiện các quy định và xây dựng cơ chế phối hợp trong giáo dục phòng, chống HIV/AIDS.
Với mục tiêu trên nguồn lực được đầu tư cho công tác phòng, chống HIV/AIDS của ngành với tổng kinh phí là 277,5 tỷ đồng, giai đoạn 1 từ năm 2012 đến 2015 là 152,5 tỷ đồng. Giai đoạn 2 từ năm 2016 đến 2020 là 125,0 tỷ đồng. Nguồn vốn từ ngân sách nhà nước đầu tư khoảng 57% (157,5 tỷ đồng), huy động từ nguồn tài trợ trong và ngoài nước, xã hội hóa, nguồn thụ hưởng khoảng 43% (120 tỷ đồng). Kinh phí được phân theo cấp thực hiện đó là ngân sách Trung ương 157,5 tỷ đồng, ngân sách địa phương 47,0 tỷ đồng và nguồn khác 72,0 tỷ đồng.
Để thực hiện có hiệu quả, kế hoạch cũng nêu rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ của các sở, ban, ngành, địa phương có liên quan trong việc phối hợp thực hiện kế hoạch và việc đánh giá thực hiện kế hoạch cũng như phương pháp đánh giá, cơ quan và đối tượng đánh giá.
Tại Điện Biên, kết quả điều tra đánh giá 6 tháng đầu năm 2012, toàn tỉnh có 6418 người nhiễm HIV, trong đó bệnh nhân AIDS là 3483 người, tử vong do AIDS là 2162 người. Số còn sống quản lý được là 3747 người và số mất dấu là 509 người. 6 tháng đầu năm 2012 có 472 trường hợp nhiễm HIV mới. Có 9/9 đơn vị huyện, 91/112 xã, phường có người nhiễm HIV. Phân bố theo nhóm tuổi, từ 0-15 chiếm 2,9%, từ 16-20 chiếm 5,8%, từ 21-39 chiếm 78,36%...và theo giới tính, nam chiếm 75,9%, nữ chiếm 24,1%....đó là con số rất đáng suy nghĩ và cảnh báo sâu rộng tới cộng đồng. Bạn đọc có thể nghiên cứu nội dung quyết định trên mục văn bản mới website dienbien.edu.vn./.