banner

GDTH: Một số hoạt động tiêu biểu của giáo dục tiểu học tỉnh Điện Biên năm 2015.

Thứ ba - 02/02/2016 01:43
Năm 2015 đã đi qua, nhìn lại chặng đường một năm với nhiều nỗ lực cố gắng của các cấp quản lí giáo dục, các nhà trường, giáo dục tiểu học tỉnh Điện Biên đã có nhiều hoạt động tích cực góp phần vào quá trình phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cấp tiểu học trên phạm vi toàn tỉnh.
Mặc dù còn nhiều khó khăn song giáo dục tiểu học đã đạt được sự ổn định bền vững và từng bước chuyển biến theo hướng tích cực, nâng dần chất lượng giáo dục toàn diện; nhiều hoạt động tiêu biểu của cấp học đã được ghi nhận với kết quả nổi bật, đầy tự hào góp phần làm nên những thay đổi tích cực trong các hoạt động dạy và học của toàn ngành.

1. Có 93 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia trong đó: 81 trường đạt chuẩn mức độ 1 và 12 trường đạt chuẩn mức độ 2.

Tính đến hết năm 2015, tỉnh Điện Biên đã có 93/175 trường tiểu học thuộc 10 huyện, thị, thành phố được công nhận trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia (tỉ lệ 53,2%), trong đó có 81 trường đạt chuẩn mức độ 1; 12 trường đạt chuẩn mức độ 2. Số lượng trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia của các đơn vị: Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Điện Biên 35/37 trường (94,6%); thành phố Điện Biên Phủ 7/9 trường (77,7%); Tuần Giáo 19/28 trường (67,9%); Mường Chà 9/16 trường (56,3%); Mường Ảng 7/13 trường (53,9%); Thị xã Mường Lay 2/4 trường (50%); Nậm Pồ 4/16 trường (25%); Điện Biên Đông 6/23 trường (26,1%); Tủa Chùa 3/16 trường (18,8%); Mường Nhé 1/13 trường (7,7%).

2. Dự án Mô hình trường học mới tại Việt Nam (VNEN)

Năm học 2015-2016 là năm học thứ ba tỉnh Điện Biên chỉ đạo thực hiện dạy học theo Mô hình trường học mới Việt Nam tại 68 trường tiểu học (987 lớp; 19.004 học sinh) và 55 trường nhân rộng (580 lớp; 12.145 học sinh) thuộc 10 huyện, thị xã, thành phố được chọn để triển khai thí điểm Dự án Mô hình trường học mới tại Việt Nam (VNEN).

Mô hình VNEN là Dự án do Vụ Giáo dục tiểu học-Bộ Giáo dục và Đào tạo trực tiếp chỉ đạo, kinh phí do Quỹ hỗ trợ phát triển giáo dục toàn cầu (GPE) viện trợ không hoàn lại thời gian triển khai tại các trường tiểu học trên toàn quốc từ 6/2012 đến hết năm học 2015-2016. Đây là mô hình áp dụng phương pháp giảng dạy mới thay thế phương pháp dạy truyền thống với việc học sinh sẽ giữ vai trò trung tâm, giáo viên là người hướng dẫn và đồng hành với học sinh, giúp học sinh tích cực tham gia tự tìm hiểu kiến thức.

Qua ba năm áp dụng phương pháp học tập mới, các em học sinh đã quen với phương pháp tự học và đặc biệt là các em phát triển khá đồng đều, mỗi học sinh có thể phát huy hết vai trò cũng như khả năng của mình, mạnh dạn hơn, tự tin hơn trong việc giao tiếp. Hiện tại các em đã thích nghi với môi trường học tập mới và đây là điều kiện thuận lợi để các em phát huy được tính độc lập, sự chủ động của mình trong việc tiếp thu kiến thức mới.


Vụ trưởng vụ Giáo dục Tiểu học thăm trưởng Tiểu học Hua Thanh

 
Với sự chỉ đạo sát sao của các cấp, ngành học, sự nỗ lực của các trường, đặc biệt là sự đồng hành của phụ huynh với con em mình và sự quan tâm của toàn xã hội, “Mô hình trường học mới tại Việt Nam” đã góp một phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

3Chương trình đảm bào chất lượng trường học (SEQAP)

Điện Biên là 1 trong 36 tỉnh thực hiện Chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học (SEQAP). Với mục đích nâng cao chất lượng giáo dục bằng cách hỗ trợ các trường tiểu học được chọn chuyển từ mô hình dạy học nửa ngày sang mô hình dạy học cả ngày, Dự án đã đầu tư xây dựng 8 nhà đa năng tại 5 huyện Điện Biên, Mường Chà, Tuần Giáo, Tủa Chùa, Điện Biên Đông với trị giá gần 2 tỷ đồng/1nhà; xây dựng 3 trung tâm nguồn tại 3 huyện Tuần Giáo, Tủa Chùa, Nậm Pồ trị giá 500 triệu/1trung tâm. Bên cạnh đó việc bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên được quan tâm đúng mức. Năm 2015, Chương trình đảm bảo chất lượng trường học đã tổ chức tập huấn cho 116 cán bộ quản lý 847 giáo viên về Quản lý dạy học ở trường tiểu học dạy học cả ngày; Hướng dẫn lập kế hoạch dạy học cả ngày; Hướng dẫn sinh hoạt chuyên môn theo hướng lấy học sinh làm trung tâm; Tập huấn cho 154 cán bộ quản lý giáo viên về hướng dẫn sinh hoạt sư phạm chuyên đề và dạy tiếng Việt lớp 1- Công nghệ giáo dục; 1.439 lượt cán bộ giáo viên các trường tham gia Seqap được tập huấn vê Hướng dẫn hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, tổ chức câu lạc bộ trong trường tiểu học dạy học cả ngày.

Tính đến tháng 12 năm 2015, trong số 40 trường tham gia Dự án SEQAP, đã có 36 trường đạt chuẩn quốc gia (90%) trong đó có 33 trường mức độ 1 và 3 trường mức độ 2; có 40/40 trường với 15.211/15.211 học sinh học 2 buổi/ngày (100%); tỷ lệ học sinh bán trú ăn trưa tại trường tăng lên, có 9.532/15.221 học sinh ăn trưa, trong đó 5.735 học sinh được Dự án hỗ trợ, 3.797 học sinh ăn trưa từ việc huy động xã hội hóa.


Hình ảnh hoạt động ngoài giờ lên lớp của học sinh Trường Tiểu học Số 1 Noong Luống

 
4. Có 64 trường phổ thông DTBT tiểu học

Rất vinh dự cho tỉnh Điện Biên, lần đầu tiên trong lịch sử giáo dục Việt Nam, ngày 17/7/2009, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân đã Chủ trì Hội nghị về trường PTDTBT dân nuôi tại Thành phố Điện Biên Phủ. Phó Thủ tướng đánh giá cao về mô hình bán trú dân nuôi nói chung, và tỉnh Điện Biên nói riêng, đồng thời chỉ đạo bắt đầu từ năm học 2009-2010, phải tập trung thực hiện ngay phương châm: “ba đủ” (đủ ăn, đủ quần áo, đủ sách vở) cho học sinh miền núi khi đến trường.

Từ mô hình sự tự nguyện của người dân và học sinh, sự trăn trở của đội ngũ quản lí và giáo viên về chất lượng giáo dục vùng đặc biệt khó khăn, qua nhiều năm củng cố và từng bước hoàn thiện, đến nay trường phổ thông DTBT đã trở thành một loại hình trường chuyên biệt tại địa bàn miền núi tỉnh Điện Biên để đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản nâng cao chất lượng toàn diện giáo dục hiện nay. Đây là một cơ hội  đến trường và bước ngoặt đáp ứng việc nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh dân tộc ít người thuộc vùng khó khăn.

Từ năm học 2012-2013 cấp tiểu học tỉnh Điện Biên mới có 26 trường, 524 lớp, 8747 học sinh, đến năm học 2015-2016, cấp tiểu học tỉnh Điện Biên đã có 64/175 trường Phổ thông DTBT tiểu học (36,6%) với 1396 lớp, 26.671 học sinh, trong đó có 11.361 học sinh nội trú.


Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Hừa Ngài đón bằng công nhận trường chuẩn quốc gia

 
Tuy nhiên, thực tiễn triển khai mô hình trường Phổ thông DTBT tiểu học cũng bộc lộ những bất cập như, nơi ở của học sinh còn chật chội, thiếu thốn, chưa đáp ứng đủ nhu cầu sinh hoạt; việc định mức giáo viên chưa phù hợp với tính chất chuyên biệt của loại hình trường Phổ thông DTBT; công tác bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số cho giáo viên còn hạn chế. Ðặc biệt, yếu tố phối, kết hợp giữa nhà trường và gia đình có vai trò quan trọng là những khó khăn cần được khắc phục để nâng cao chất lượng, làm thay đổi căn bản diện mạo giáo dục vùng dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên.

5. Phong trào xây dựng sân trường thân thiện

Thực hiện kế hoạch xây dựng "Trường học thân thiện học sinh tích cực" trong các nhà trường nhằm tăng cường mục tiêu giáo dục toàn diện, nâng cao hiệu quả hoạt động ngoài giờ lên lớp. Ngày 11/2/2011, Sở Giáo dục và Đào tạo có Công văn số 136/SGDĐT-GDTH về hướng dẫn thí điểm xây dựng sân trường thân thiện cho học sinh tiểu học. Sau bốn năm thực hiện, đến nay đã có hơn 100 trường tiểu học thuộc 10 huyện, thị, thành phố được quan tâm đầu tư xây dựng khu vui chơi ngoài trời cho học sinh với việc huy động kinh phí từ nhiều nguồn trong đó có việc xã hội hóa giáo dục và đặc biệt là sự đóng góp công sức với rất nhiều ngày công lao động của nhân dân các dân tộc. Tất cả các huyện, thị, thành phố đều xây dựng được nhiều sân trường thân thiện, tiêu biểu là huyện Điện Biên có 37/37 trường tiểu học được đầu tư xây dựng sân trường thân thiện.

Hy vọng từ những sân trường thân thiện này sẽ tạo nên một môi trường giáo dục (cả về vật chất lẫn tinh thần) an toàn, bình đẳng, tạo hứng thú cho học sinh trong học tập, góp phần đảm bảo quyền được đi học và học hết cấp của học sinh tiểu học, nâng cao chất lượng giáo dục trên cơ sở tập trung mọi nỗ lực của nhà trường vì người học. Trong môi trường thân thiện, học sinh sẽ cảm nhận được sự thoải mái khi việc học của mình vừa gắn với kiến thức trong sách vở, vừa thông qua sự thâm nhập, trải nghiệm của chính bản thân trong các hoạt động ngoại khóa, các trò chơi dân gian, các hoạt động tập thể vui mà học. Như thế, "mỗi ngày trẻ em đến trường là một ngày vui".

6. Chỉ đạo thực hiện dạy tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục

Năm học 2014 - 2015, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo dạy thí điểm tiếng Việt lớp 1- Công nghệ giáo dục tại huyện Điện Biên vớ 37 trường, 99 lớp, 1910 học sinh. Kết quả từ việc thí điểm đã được khẳng định được ưu thế của phương pháp dạy học tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục: giúp học sinh làm theo sự hướng dẫn, những ký hiệu và hiệu lệnh của giáo viên. Thay vì chỉ đánh vần, học sinh còn được phân tích âm, vần qua các thao tác tay và các hoạt động phụ trợ khác, tạo sự hứng thú, giúp các em chủ động trong việc tiếp thu bài học, làm chủ kiến thức có cảm giác học mà chơi, chơi mà học, tạo cảm giác thoải mái trong tiếp thu bài, tham gia hoạt động học tập một cách chủ động, tự tin. Hoạt động học của học sinh có chiều hướng tích cực hơn, buộc học sinh phải tự vận động theo tập thể, quá trình vận động như vậy, học sinh bộc lộ tính tích cực.

Xuất phát từ những ưu thế đó, năm học 2015-2016, có thêm 7 huyện (Mường Ảng, Mường Chà, Mường Nhé, Nậm Pồ, Tuần Giáo, Tủa Chùa, Điện Biên Đông) tiếp tục thí điểm dạy tiếng Việt lớp 1- Công nghệ giáo dục. Năm học 2015-2016 với 8 huyện thực hiện dạy thí điểm tại 65 trường, 194 lớp, 3712 học sinh.

7. Công tác Phổ cập GDTH ĐĐT

Với mục tiêu: Củng cố, ổn định và từng bước phát triển, nâng cao chất lượng toàn diện giáo dục tiểu học; Củng cố vững chắc và nâng cao tiêu chí, thành quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, công tác tuyên truyền, vận động toàn xã hội tham gia phát triển giáo dục tiểu học.Thực hiện mực tiêu và kế hoạch phổ cập GDTH đúng độ tuổi, năm 2015, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các đơn vị tích cực tham mưu với UBND các cấp xây dựng và thực hiện kế hoạch. Tính đến 31/12/2015:

Có 130/130 (100%) xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập GDTH đúng độ tuổi mức độ 1.

124/130 (95,4%) xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập GDTH đúng độ tuổi mức độ 2.

10/10 (100%) huyện, thị, thành phố đạt chuẩn phổ cập GDTH đúng độ tuổi mức độ 2.

Huy động trẻ 6 tuổi ra lớp 1 đạt 12.928/12932 (99,98%).

Hoàn thành chương trình tiểu học ở độ tuổi 11 tuổi đạt 10.795/11.222 (96,2%).

8. Số lượng học sinh tiểu học năm học 2015 -2016

Tổng số trường: 175 trường, ngoài ra có 3 trường THCS có lớp tiểu học với tổng số 3.151 lớp; 64.595 học sinh. Tỉ lệ học sinh/ lớp đạt 64.595/3.151 = 20,06.

Tổng số trường dạy 2 buổi/ ngày: 172 trường; 3 021 lớp; 62 386 học sinh (96,5%).

Huy động học sinh học tiếng Anh bắt buộc (4 tiết/tuần) đạt 454 lớp 11.588 học sinh tăng 40 lớp 1.050 học sinh so với năm học 2014-2015; học sinh học tiếng Anh tự chọn 2 tiết/tuần 523 lớp 11.765 học sinh tăng 65 lớp 1.375 học sinh. Tổng số học sinh học tiếng Anh lớp 3,4,5 bắt buộc và tự chọn là 23.353/38.207 chiếm tỉ lệ 61,1%.

Có 64 trường PTDTBT tiểu học với  1396 lớp, 26.671 học sinh.

Tổng số trường có lớp ghép: 101 trường, 361 lớp, 4.754 học sinh.

9. Đội ngũ giáo viên

Năm học 2015-2016, với tổng số cán bộ quản lý, giáo viên 5.211 người trong đó: Cán bộ quản lý 479; giáo viên 4.655 (giáo viên Âm nhạc 154; Mĩ Thuật 144; Thể dục 209; Tin học 74; Tiếng Anh 128). Tổng phụ trách đội 77. Trình độ đào tạo của đội ngũ được nâng lên:

Số cán bộ quản lí: 479, trong đó trên chuẩn 461/479 (96,2%); đạt chuẩn 18/479 (3,8%).

Số giáo viên và chuyên trách Đội 4732 trong đó trên chuẩn 3687/4732 (77,9%); đạt chuẩn 1043/4732 (22,1%).

Đội ngũ giáo viên toàn ngành ổn định, tỉ lệ giáo viên/lớp 4732/3151 đạt 1,50. Trình độ đào tạo của của đội ngũ giáo viên được nâng lên đáp ứng yêu cầu dạy và học của cấp học.

10. Đề án dạy tiếng Thái, tiếng Mông giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến năm 2020.

Thực hiện Đề án dạy tiếng Thái, tiếng Mông cho học sinh phổ thông giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020, Năm học 2015-2016 Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chỉ đạo dạy tiếng Thái và tiếng Mông tại các trường tiểu học với số lượng: Tiếng Mông đạt 175 lớp 4.028/4.016 học sinh; 1.028 học sinh; tiếng Thái đạt 134 lớp 2.719 học sinh.

Việc dạy tiếng Thái, tiếng Mông trong các trường tiểu học tỉnh Điện Biên không những bảo tồn tiếng nói, chữ viết dân tộc mà còn góp phần bảo tồn và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Với những kết quả đã đạt được trong năm 2015, hi vọng giáo dục tiểu học Điện Biên sẽ ngày càng phát triển vững bước hơn nữa trong những năm tiếp theo. 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập248
  • Máy chủ tìm kiếm8
  • Khách viếng thăm240
  • Hôm nay24,523
  • Tháng hiện tại524,122
  • Tổng lượt truy cập136,875,935
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi