banner

GDTH – Một số kết quả nổi bật của giáo dục tiểu học tỉnh Điện Biên năm học 2016 – 2017

Thứ bảy - 01/07/2017 10:38
Năm học 2016-2017 với sự nỗ lực của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, giáo dục tiểu học tỉnh Điện Biên đã có những chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Nhiều hoạt động tiêu biểu của cấp học đã được ghi nhận với những kết quả nổi bật, góp phần làm nên những thay đổi tích cực trong các hoạt động dạy học chung của toàn Ngành.
Thực hiện chương trình, kế hoạch giáo dục nghiêm túc, linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, từng bước nâng cao chất lượng hiệu quả giáo dục

Trên cơ sở Chương trình giáo dục phổ thông của Bộ, Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các phòng Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các trường tiểu học chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục theo định hướng phát triển năng lực học sinh thông qua việc tăng cường hoạt động thực hành, vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn. Các trường lập kế hoạch dạy học cả ngày, kế hoạch hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp theo chủ điểm, nội dung giáo dục hiệu quả gắn với giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.

Chất lượng giáo dục toàn diện năm học 2016-2017 cấp tiểu học đã được cải thiện và nâng lên đáng kể, kết quả xếp loại các môn học và hoạt động giáo dục: Hoàn thành tốt, Hoàn thành đạt 98,6%; đánh giá theo năng lực: xếp loại tốt, đạt yêu cầu chiếm 99,3,%; đánh giá về phẩm chất: Xếp loại tốt, đạt yêu cầu chiếm 99,7%. Trong năm học học sinh các trường đã tham gia các cuộc thi cấp Quốc gia như: Thi vẽ tranh Quốc tế Toyota chủ đề "Chiếc ô tô mơ ước" lần thứ 6, thi "Ý tưởng trẻ thơ" lần thứ 10 với chủ đề “Ý tưởng cho một cuộc sống tốt đẹp hơn”, tham gia thi tiếng Anh, giải Toán qua mạng cấp quốc gia đạt nhiều giải cao.

Đổi mới phương pháp dạy học; đổi mới tổ chức lớp học; đổi mới kiểm tra, thực hiện các mô hình dạy học tích cực

Sở tiếp tục đổi mới phương pháp dạy và học, linh hoạt vận dụng các phương pháp dạy học tích cực, phù hợp với đối tượng học sinh; tiếp tục thực hiện Mô hình trường học mới Việt Nam và các phương pháp dạy học tích cực như: “Phương pháp bàn tay nặn bột”, dạy học Mĩ thuật theo phương pháp Đan Mạch; gắn đổi mới phương pháp với đổi mới hình thức, tổ chức lớp học, phát triển năng lực, phẩm chất, giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh qua việc tăng cường giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống và các hoạt động trải nghiệm sáng tạo.

Tập trung tăng cường công tác quản lí, chỉ đạo việc đổi mới phương pháp dạy học theo quan điểm phát triển năng lực; đổi mới tổ chức lớp học gắn với việc phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động của học sinh. Tạo cơ hội để cán bộ, giáo viên phát huy khả năng sáng tạo, đóng góp sáng kiến kinh nghiệm, nâng cao chất lượng giáo dục. Đổi mới phương pháp qua việc nâng cao hiệu quả sinh hoạt chuyên môn và nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng, chủ động đổi mới nội dung và hình thức sinh hoạt chuyên môn thông qua hoạt động dự giờ, nghiên cứu bài học hàng tuần và xây dựng các chuyên đề về đổi mới phương pháp dạy học các môn học. Thường xuyên duy trì sinh hoạt chuyên môn cấp trường, cụm trường và cấp huyện đạt hiệu quả.


Giờ ra chơi ở Trường Tiểu học Số 1 Thanh Xương, huyện Điện Biên

 
Năm học 2016-2017, tỉnh Điện Biên tiếp tục thực hiện dạy Chương trình Tiếng Việt lớp 1-Công nghệ giáo dục tại 136 trường, 376 lớp với 8.097 học sinh, tăng 71 trường, 182 lớp, 4.385 học sinh so với năm học 2015-2016. Duy trì Mô hình trường học mới Việt Nam tại 68 trường và mở rộng tại 86 trường đủ điều kiện với 1.839 lớp, 40.757 học sinh lớp 2,3,4,5 chiếm 78,6%. Việc học Tiếng Việt lớp 1-CNGD đã có hiệu quả rõ nét, học sinh có kỹ năng đọc to, rõ ràng, đảm bảo tốc độ quy định, nắm chắc hệ thống cấu trúc ngữ âm tiếng Việt, phát âm chuẩn; kĩ năng nghe - viết đảm bảo tốc độ; nắm được luật chính tả để vận dụng viết bài, không nhầm lẫn khi phát âm, viết đúng các vần khó. Chất lượng môn Tiếng Việt lớp 1-CNGD trong tổng số 8.097 học sinh được đánh giá có 39,0% học sinh hoàn thành tốt, 59,6% học sinh hoàn thành, 1,4% học sinh chưa hoàn thành.

Mô hình trường học mới đã nhận được sự đồng thuận của các cấp quản lý, giáo viên, phụ huynh và cộng đồng. Nhiều giáo viên vận dụng phương pháp dạy học linh hoạt, chủ động điều chỉnh tài liệu, điều chỉnh các hoạt động dạy phù hợp tình hình học tập của học sinh, soạn bổ sung nội dung kiến thức và giao bài phù hợp với lực học của học sinh. Quan tâm giúp đỡ học sinh chưa đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng; coi trọng đánh giá sự tiến bộ của từng cá nhân, kịp thời động viên, khích lệ, tạo hứng thú để học sinh vượt khó khăn trong học tập, giúp học sinh phát huy năng khiếu cá nhân.

Thực hiện đổi mới đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư số 22/2016-TT/BGDĐT ngày 22/9/2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường tổ chức cho cán bộ quản lí, giáo viên nghiên cứu những điểm mới của Thông tư số 22; tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lí, giáo viên, cha mẹ học sinh về đánh giá học sinh tiểu học; tập huấn cho 5.045 cán bộ quản lý và giáo viên cốt cán cấp tiểu học về nội dung, phương pháp kiểm tra đánh giá, ra đề theo ma trận chuẩn kiến thức kỹ năng; hướng dẫn sử dụng bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục của lớp, ghi học bạ học sinh tiểu học và kiểm tra định kỳ.

Thực hiện đổi mới công tác quản lý, giao quyền tự chủ tổ chức hoạt động chuyên môn cho các nhà trường. Chỉ đạo đổi mới sinh hoạt chuyên môn, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ có hiệu quả

Đổi mới công tác quản lý được chú trọng, coi việc đổi mới quản lý là mấu chốt để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Các đơn vị vận dụng linh hoạt phù hợp với tình hình giáo dục của địa phương.  Hiệu trưởng chủ động xây dựng kế hoạch và chịu trách nhiệm trong việc tổ chức các hoạt động trong nhà trường. 100% các trường căn cứ hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học, xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm học, kế hoạch dạy học cả ngày, kế hoạch sinh hoạt chuyên đề, kế hoạch hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, chương trình và kế hoạch dạy tăng cường Tiếng Việt cho học sinh dân tộc đảm bảo phù hợp với thực tiễn giáo dục nhà trường.


Thực hiện chuyên đề môn Tiếng Việt tại Phòng Giáo dục và Đào tạo  huyện Điện Biên

 
Chỉ đạo đổi mới sinh hoạt chuyên môn, tiếp tục tổ chức có hiệu quả sinh hoạt chuyên môn tổ, khối; sinh hoạt chuyên môn trường, cụm trường; chú trọng đổi mới nội dung và hình thức sinh hoạt chuyên môn thông qua hoạt động học; sinh hoạt chuyên môn theo hướng lấy học sinh làm trung tâm, thông qua nghiên cứu bài học; sinh hoạt sư phạm chuyên đề. Chia sẻ kinh nghiệm thực hiện sinh hoạt chuyên môn qua trường học kết nối, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên, kinh nghiệm của giáo viên toàn cấp tiểu học.

Năm học 2016-2017, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức tập huấn cho giáo viên cốt cán cấp tiểu học bao gồm: 168 cốt cán chuyên môn cấp tỉnh; 36 cốt cán quản lý; 33 cốt cán môn Mĩ thuật; 42 cốt cán dạy Tiếng Việt lớp 1 – CNGD; triển khai bồi dưỡng cho gần 400 cán bộ quản lý và giáo viên cốt cán cấp tiểu học về nội dung, phương pháp kiểm tra đánh giá, ra đề theo ma trận chuẩn kiến thức kỹ năng; 340 cán bộ quản lý và giáo viên được tập huấn các mô đun Dạy học đảm bảo chất lượng môn Toán và Tiếng Việt, tổ chức câu lạc bộ trong trường tiểu học dạy học cả ngày; 300 cán bộ quản lý, giáo viên trường PTDTBT được tập huấn về các nội dung: Truyền thông giảm thiểu tình trạng phân biệt kỳ thị đối với trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; truyền thông giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết; tự tử bằng lá ngón; tự ý bỏ học đi lao động tự do trong nước và nước ngoài; truyền thông giảm thiểu thiên tai và biến đổi khí hậu; phòng chống bạo lực học đường và xâm hại trẻ em; truyền thông về bình đẳng giới; công tác vệ sinh học đường – Y tế – Dinh dưỡng trường học,…

Cán bộ quản lý, giáo viên trong các nhà trường được tạo điều kiện để tham gia học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ. 100% giáo viên trong tỉnh đạt chuẩn và trên chuẩn về trình độ đào tạo, trong đó trên chuẩn đạt 4295/5042 (85,2%). Chất lượng đội ngũ từng bước được nâng cao đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Toàn tỉnh có 2.934 giáo viên dạy giỏi các cấp đạt tỷ lệ 64,4%, trong đó 03 giáo viên giỏi cấp quốc gia, 176 giáo viên giỏi cấp tỉnh, 937 giáo viên giỏi cấp huyện, 1.818 giáo viên giỏi cấp trường.

Tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng PCGD tiểu học và xây dựng trường chuẩn quốc gia. Xây dựng các điều kiện để tăng tỉ lệ học sinh học 2 buổi/ngày

Các đơn vị hoàn thiện việc thống kê phổ cập GDTH trên phần mềm Online của Bộ. Thực hiện hiệu quả việc duy trì số lượng học sinh trong độ tuổi đi học, giảm tỉ lệ học sinh lưu ban, bỏ học, tăng hiệu quả học sinh hoàn thành chương trình tiểu học ở độ tuổi 11. Tính đến hết năm học, có 56/130 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập GDTH mức độ 3; 9/10 huyện, thị, thành phố đạt chuẩn phổ cập GDTH mức độ 2. Huy động học sinh 6 tuổi học lớp 1 đạt 99,7%; học sinh từ 6-10 tuổi học tiểu học đạt 99,3%; Học sinh 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học đạt 96,7%. Huy động học sinh khuyết tật học hòa nhập đạt 69,5%, tăng 10% so với năm học trước. Mạng lưới trường, lớp học phát triển đồng bộ; các xã, phường, thị trấn đều có trường tiểu học, các bản lẻ có lớp tiểu học.
Năm học này, Điện Biên có 176 trường tiểu học với 3.136 lớp với 65.152 học sinh, giảm 15 lớp, tăng 810 học sinh so với năm học trước. Học sinh trung bình/lớp đạt 20,77. Toàn tỉnh có 105/176 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia, đạt 59,7% (trong đó có 85 trường đạt chuẩn mức độ 1 và 20 trường đạt chuẩn mức độ 2) tăng 06 trường so với năm học 2015 – 2016.

Duy trì kết quả Đề án dạy học 2 buổi/ngày và bán trú cấp tiểu học tỉnh Điện Biên giai đoạn 2011-2015. Sau năm năm thực hiện, Đề án đã có hiệu quả tích cực trong việc tăng số lượng trường, lớp và số học sinh học 2 buổi/ngày, nâng cao chất lượng giáo dục trong các nhà trường; cơ sở vật chất phòng lớp học được đầu tư bổ sung; giáo viên trung bình/lớp trên toàn tỉnh đạt 1,48.


Sân trường thân thiện Trường Tiểu học Thanh Luông, huyện Điện Biên

 
Nhân rộng mô hình dạy học cả ngày từ Chương trình Seqap các trường chủ động xây dựng kế hoạch, lộ trình chuyển đổi từ dạy học nửa ngày sang dạy học cả ngày. Để mở rộng quy mô, số lượng trường, lớp dạy 2 buổi/ngày Sở đã hướng dẫn các trường huy động tối đa số học sinh đang học tại các điểm trường tham gia học 2 buổi/ngày; xây dựng khung thời khóa biểu thực hiện dạy học cả ngày và trên 5 buổi/tuần; đảm bảo 1,5 giáo viên/lớp; tăng cường cơ sở vật chất đáp ứng 01 phòng học/lớp. Học sinh học 2 buổi/ngày đạt tỷ lệ 96,5% cao hơn so với tỷ lệ chung toàn quốc 34,1%.

Với những kết quả đạt được trong năm học 2016 – 2017, hi vọng giáo dục tiểu học Điện Biên sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa trong những năm học tiếp theo./.

Tác giả: Đào Thái Lai – Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập106
  • Máy chủ tìm kiếm19
  • Khách viếng thăm87
  • Hôm nay71,939
  • Tháng hiện tại490,309
  • Tổng lượt truy cập136,842,122
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi