banner

GDMN- Công tác xã hội hóa giáo dục trong việc tổ chức ăn trưa cho trẻ mầm non tại trường

Thứ tư - 16/05/2018 05:53
Dienbien.edu.vn – Việc tổ chức ăn trưa cho trẻ tại trường có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao tỉ lệ huy động trẻ ra lớp, học 2 buổi/ngày, từ đó góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ.
Với đặc thù là một tỉnh miền núi, địa hình hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, thời tiết khắc nghiệt, nhất là địa bàn vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; dân cư sống phân tán, xa trung tâm xã, xa trường học nên mạng lưới trường mầm non của tỉnh Điện Biên còn phân tán. Toàn tỉnh hiện nay có 176 trường mầm non (trong đó 02 trường chưa đi vào hoạt động) nhưng có tới 884 điểm trường, có 893 nhóm/lớp ghép chiếm tỉ lệ 37,2%. Cơ sở vật chất trường lớp từng bước được cải thiện nhưng còn không ít khó khăn:  25,9% phòng học tạm;  thiếu thiết bị, đồ dùng, đồ chơi cho trẻ; thiếu hệ thống các phòng chức năng phục vụ cho công tác chăm sóc giáo dục trẻ; thiếu nhà công vụ cho giáo viên, đặc biệt là ở các điểm trường vùng khó khăn; một số đơn vị quỹ đất dành cho trường Mầm non còn hạn chế, chưa đáp ứng được so với quy mô phát triển của cơ sở giáo dục mầm non (GDMN). Đội ngũ giáo viên một số huyện còn thiếu, điều kiện sinh hoạt của giáo viên ở vùng cao, vùng biên giới còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.
 
1
Giờ ăn trưa của các cháu nhà trẻ trường mầm non Nậm Nèn, huyện Mường Chà
 
Trong điều kiện đó, cùng với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, cán bộ, giáo viên cấp học mầm non luôn cố gắng khắc phục khó khăn, kiên cường bám trường, bám lớp, vận động học sinh ra lớp, tích cực đổi mới phương pháp nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ; đồng thời  làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, huy động sự quan tâm của xã hội, cộng đồng cho sự phát triển GDMN.

Việc tổ chức ăn trưa cho trẻ tại trường có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao tỉ lệ huy động trẻ ra lớp, học 2 buổi/ngày, từ đó góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ.

Do điều kiện kinh tế- xã hội của các địa phương trong tỉnh hiện nay còn rất nhiều khó khăn nên kinh phí cho việc tổ chức ăn trưa cơ bản là từ nguồn chính sách hỗ trợ ăn trưa cho trẻ mẫu giáo. Với mức hỗ trợ 120.000 đồng/ tháng, trung bình mức ăn 01 ngày cho 01 cháu khoảng 5.500 đồng với 01 bữa chính và 01 bữa phụ. Đây là số tiền khá ít ỏi trong điều kiện giá cả thị trường như hiện nay vì bản chất đây là tiền hỗ trợ tổ chức ăn trưa cho các cháu tại trường nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn, sự đóng góp của phụ huynh hạn chế nên thực tế nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước đã trở thành nguồn chính để tổ chức ăn bán trú cho trẻ tại trường.

Số trẻ mầm non ra lớp toàn tỉnh hiện nay là 58.068 trẻ. Để khắc phục khó khăn tổ chức tốt bữa ăn trưa cho trẻ tại trường, các trường trong tỉnh đã có những giải pháp huy động sự hỗ trợ thêm từ gia đình trẻ nhằm nâng cao chất lượng bữa ăn cho các cháu như: những trường khu vực thuận lợi phụ huynh đóng góp thêm kinh phí; đối với những trường vùng khó khăn phụ huynh đóng góp thêm gạo, chất đốt; đa số các trường trồng thêm rau xanh tại trung tâm và các điểm trường, một số trường tăng gia chăn nuôi...

Tuy nhiên cái khó nhất với nhiều trường hiện nay là không có kinh phí hỗ trợ ăn trưa cho đối tượng trẻ nhà trẻ, trong khi tỉ lệ huy động trẻ ra lớp ngày một tăng. Nếu năm học 2009-2010 tỉ lệ trẻ nhà trẻ ra lớp là 8,4%, năm học 2014 -2015 là 14,7% thì đến năm học 2017-2018 này tỉ lệ huy động trẻ nhà trẻ ra lớp đạt là 33,9%, cao nhất từ trước tới nay, cao hơn nhiều tỉnh trong cùng khu vực các tỉnh miền núi và bằng với mức trung bình của cả nước. Trước khó khăn này, nhiều địa phương đã có các giải pháp đẩy mạnh xã hội hóa, huy động sự hỗ trợ từ nhiều nguồn để tổ chức ăn trưa cho các cháu. Khu vực thuận lợi, huy động sự đóng góp từ phụ huynh; với những gia đình khó khăn không có kinh phí có thể đóng góp gạo, chất đốt, thực phẩm. Một số đơn vị kêu gọi được sự giúp đỡ từ các tổ chức xã hội thiện nguyện hỗ trợ tiền ăn trưa cho các cháu nhà trẻ vùng khó khăn ra lớp, điển hình như Quỹ trò nghèo vùng cao hỗ trợ cho trẻ nhà trẻ các xã khó khăn của huyện Điện Biên, huyện Tuần Giáo (mức hỗ trợ ăn trưa cho trẻ nhà trẻ bằng mức hỗ trợ của Nhà nước cho trẻ mẫu giáo); Chương trình Phát triển vùng của tổ chức Tầm nhìn thế giới hỗ trợ một số xã trong vùng dự án của huyện Tủa Chùa (có thời điểm hỗ trợ mỗi cháu thêm 01 quả trứng trong 01 bữa ăn); một số tổ chức, cá nhân ủng hộ gạo, thịt, mì tôm...
 
2
Ăn trưa tại điểm trường Pá Chuông, trường mầm non Sư Lư, huyện Điện Biên Đông
 
Việc nấu ăn cho trẻ cũng gặp rất nhiều khó khăn. Đa số các trường không có biên chế nhân viên nấu ăn, không có nguồn kinh phí của Nhà nước để hợp đồng nhân viên nấu ăn. Đối với các trường thuộc khu vực thuận lợi, các trường họp bàn với phụ huynh thuê người nấu ăn cho trẻ, do điều kiện lao động thị trường khá phong phú như hiện nay, nhiều đơn vị đã ưu tiên thuê người nấu ăn có chứng chỉ nghề nấu ăn hoặc khuyến khích tạo điều kiện cho người nấu ăn tham gia đào tạo bồi dưỡng và được cấp chứng chỉ sơ cấp nấu ăn.

Một số đơn vị có nhiều điểm trường, đối với các điểm trường gần trung tâm, các trường thường bố trí nhân viên hoặc phụ huynh đưa cơm cho trẻ. Nhiều trường tích cực tham mưu mua sắm hoặc xã hội hóa được những đồ dùng, dụng cụ đưa cơm tiện dụng, an toàn, giữ nhiệt tốt, đảm bảo chất lượng bữa ăn ở điểm trường không khác biệt nhiều với trung tâm trường. Một số nơi có nhiều điểm trường xa trung tâm, các đơn vị tích cực vận động phụ huynh đến hỗ trợ giáo viên chuẩn bị bữa ăn cho trẻ với nhiều hình thức khác nhau tùy điều kiện thực tế. Có nơi trẻ mang cơm đến lớp, cô nấu thêm thức ăn; có nơi phụ huynh đóng góp kinh phí thuê người nấu ăn cho các cháu. Một số nơi phụ huynh còn đến giúp các cô giáo trồng và chăm sóc rau xanh tại trường. Nhiều điểm trường, phụ huynh cắt cử nhau đến nấu cơm cho trẻ. Các trường có nhiều cách trong việc phân công lịch phụ huynh đến nấu cơm cho các cháu. Chẳng hạn cuối buổi học cô giáo cho cháu đeo một thẻ hình bông hoa về nhà, vậy là tối đó cha mẹ cháu biết ngày hôm sau đến phiên nấu ăn của nhà mình; tùy số lượng trẻ ở điểm trường để bố trí phụ huynh đến nấu 1-2 lần/tháng...
3
Phụ huynh trường mầm non xã Thanh Xương huyện Điện Biên tham gia lao động trồng và chăm sóc rau xanh
 
Đa số các trường đã chú trọng tham mưu với ngành hoặc phối hợp với chính quyền địa phương, huy động phụ huynh làm bếp, lắp đặt hệ thống cung cấp và dự trữ nước sạch dùng cho sinh hoạt và nấu ăn tại các điểm trường. Ngoài tham mưu trang bị dụng cụ tổ chức nấu ăn, một số điểm trường còn mua sắm thêm quần áo, tạp dề, mũ... cho phụ huynh đến nấu ăn, làm tăng tinh thần trách nhiệm và tính chuyên môn trong công việc. 

Xã hội hóa giáo dục là vận động toàn xã hội tham gia vào sự nghiệp giáo dục, nhằm phát huy truyền thống hiếu học và tiềm năng con người trong quá trình xây dựng nền giáo dục hiện đại dưới sự quản lý của Nhà nước để phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nâng cao mức hưởng thụ giáo dục của nhân dân. Điều này đã được chỉ rõ trong văn kiện Hội nghị trung ương 4 Ban chấp hành TW Đảng khóa VIII: "Xã hội hóa giáo dục là huy động toàn xã hội làm giáo dục, động viên các tầng lớp nhân dân góp sức xây dựng nền giáo dục quốc dân dưới sự quản lý của Nhà nước".

Cùng với sự quan tâm của các cấp, các ngành, công tác xã hội hóa giáo dục đã góp phần quan trọng vào việc tổ chức tốt bữa ăn trưa cho trẻ tại trường, nhờ đó tỉ lệ huy động trẻ ra lớp, đi học chuyên cần và chất lượng giáo dục mầm non ngày càng tăng. Năm học 2017-2018, toàn tỉnh có 176 trường mầm non với 2.403 nhóm, lớp và 58.068 trẻ; tỷ lệ bán trú đạt 96,1%;  tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ ra lớp đạt 33,6%; trẻ mẫu giáo 3-5 tuổi ra lớp đạt 98,6%; trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 99,75%. 100% cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) thực hiện tốt chương trình GDMN theo chế độ sinh hoạt 2 buổi/ngày. Điện Biên đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ em năm tuổi năm 2014. Đến nay, 100% số đơn vị cấp xã và cấp huyện của tỉnh đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn duy trì đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ em năm tuổi; 91 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia chiếm 52,3%; 92 trường đạt chuẩn chất lượng giáo dục chiếm 52,9%. Thành tích này có sự đóng góp rất lớn từ công tác xã hội hóa giáo dục./.

Tác giả: Trần Thị Tố Uyên

Tổng số điểm của bài viết là: 11 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 3.7 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập335
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm333
  • Hôm nay19,178
  • Tháng hiện tại828,172
  • Tổng lượt truy cập135,306,465
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi