banner

Tổ chức hoạt động học theo hướng trải nghiệm cho trẻ mẫu giáo ở cơ sở giáo dục mầm non

Chủ nhật - 24/11/2019 19:14
Dienbien.edu.vn - Giáo dục trẻ mầm non theo hướng trải nghiệm là phương thức sử dụng các hoạt động giáo dục trong đó giáo viên là người thiết kế, tổ chức, hướng dẫn các hoạt động để trẻ được tham dự hay tiếp xúc, tương tác trực tiếp, được chiêm nghiệm, tự lực tích lũy kiến thức, kỹ năng, thái độ tạo thành kinh nghiệm riêng của bản thân. Học qua trải nghiệm giúp trẻ có cơ hội và năng lực giải quyết các vấn đề thực tiễn qua các chủ đề đa dạng mang tính tích hợp, hoạt động của trẻ phong phú, hấp dẫn; trẻ được tiếp xúc, tương tác trực tiếp với đối tượng, tự khái quát thành hiểu biết riêng của mình.
Để tổ chức hoạt động học theo hướng trải nghiệm phù hợp với trẻ mầm non cần trải qua 5 hoạt động và 4 bước như sau:
Hoạt động 1: Lựa chọn chủ đề hoạt động học
Dựa vào đặc điểm các giờ học ở trường, giáo viên lựa chọn chủ đề trải nghiệm phù hợp có liên quan đến các hiện tượng, sự kiện tự nhiên, xã hội, con người… phù hợp với đặc điểm của hoạt động học, gần gũi với thực tiễn và nên ưu tiên các chủ đề có liên quan đến các sự kiện xã hội diễn ra vào thời điểm cụ thể ở địa phương.
Ví dụ, trong hoạt động khám phá môi trường xung quanh, giáo viên có thể lựa chọn các chủ đề trải nghiệm liên quan đến: nhu cầu của động vật, thực vật, quá trình phát triển và cách chăm sóc, bảo vệ động, thực vật; hoạt động bảo vệ môi trường (rừng, nước), các hoạt động trong gia đình, nhà trường, làng xóm, lễ hội ở trường hay ở địa phương, giao thông…
Hoạt động 2. Xác định mục tiêu hoạt động học
Học qua trải nghiệm giúp trẻ lĩnh hội kiến thức, kỹ năng và hình thành thái độ đối với sự vật, hiện tượng và mọi người xung quanh. Vì vậy, khi tổ chức hoạt động học theo hướng trải nghiệm giáo viên cần làm rõ các mục tiêu cụ thể liên quan đến: Hiểu biết của trẻ về đối tượng trải nghiệm, khả năng thực hiện hoạt động của trẻ và cảm xúc, tình cảm của trẻ được hình thành sau khi tham gia hoạt động học theo hướng trải nghiệm đó.
Hoạt động 3. Xác định cấu trúc và nội dung hoạt động học
Dựa trên quá trình nhận thức của trẻ, hoạt động học thường được cấu trúc thành ba phần: Phần mở đầu, trọng tâm và kết thúc.
Với phần mở đầu, giáo viên cần gây được hứng thú và định hướng cho trẻ vào chủ đề của hoạt động học.
Với phần trọng tâm, tuy vào đặc trưng của mỗi giờ học, giáo viên triển khai các nội dung chính của hoạt động học cho phù hợp. Ví dụ: Hoạt động khám phá môi trường xung quanh thường bao gồm các hoạt động chính như: Hoạt động bổ sung kiến thức cho trẻ (Trẻ được quan sát, tương tác với các đối tượng; khám phá đặc điểm, tính chất, các mối quan hệ diễn ra trong đối tượng, giữa đối tượng với con người và môi trường xung quanh. Sau đó, trẻ chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ và đúc kết kinh nghiệm đã được trải nghiệm); hoạt động củng cố kiến thức (trẻ vận dụng kiến thức vào các hoạt động khác trong cuộc sống); hoạt động mở rộng kiến thức (trẻ được khuyến khích sử dụng các kinh nghiệm vào hoạt động và sinh hoạt hằng ngày trong các thời điểm khác nhau).
Phần kết thúc giúp trẻ giải tỏa căng thẳng về tâm lý qua hoạt động chơi, vận động nhẹ nhàng.
Hoạt động 4. Chuẩn bị các điều kiện cho hoạt động học
Tùy chủ đề, nội dung, địa điểm tổ chức hoạt động học, cần chuẩn bị các điều kiện thích hợp:
Bố trí hợp lý, đảm bảo thuận lợi cho trẻ di chuyển, tương tác. Cần có khu vực cho trẻ hoạt động chung, hoạt động riêng theo nhóm hoặc cá nhân và giáo viên dễ dàng bao quát;
Đồ dùng, đồ chơi, vật liệu đảm bảo đủ, phù hợp với lứa tuổi; trang phục gọn gàng, phù hợp với hoạt động; đồ dùng, dụng cụ dùng để ghi lại hình ảnh hoạt động của trẻ: loa, micro, trống, xắc xô, máy ảnh, máy quay...
Tích lũy kiến thức, chuẩn bị tâm lý cho trẻ: Trẻ tham gia chuẩn bị môi trường theo khả năng của mình là cách tốt nhất để trẻ có tâm lý tích cực, tạo tâm thế chờ đợi được tham gia hoạt động trải nghiệm cũng như quan tâm đến mọi thứ xung quanh có liên quan đến vấn đề trải nghiệm của trẻ.

Hoạt động chơi của các bé mẫu giáo lớn trường Mầm non 20-10, thành phố Điện Biên Phủ
Hoạt động 5. Tiến hành hoạt động học
Bước 1. Hoạt động trải nghiệm thực tế của trẻ
* Giáo viên giới thiệu chủ đề
Tùy thuộc lứa tuổi của trẻ, giáo viên lựa chọn cách thức giới thiệu sao cho kích thích trẻ tích cực tư duy để cố gắng lý giải hiện tượng thực tế.
- Cách 1: Nêu một vấn đề xảy ra trong cuộc sống hoặc hỏi trẻ về các trải nghiệm trước đó của trẻ có liên quan đến chủ đề.
- Cách 2: Tạo tình huống (câu hỏi, câu chuyện, phim ngắn…) để gây hứng thú và định hướng đến chủ đề.
* Trẻ thực hành trải nghiệm
- Giáo viên giao nhiệm vụ cho trẻ (nhóm/cá nhân) tự xác định nhiệm vụ; giáo viên quan sát và chỉ hỗ trợ trẻ khi cần thiết.
- Trẻ trao đổi, phân công công việc, lựa chọn đồ dùng, dụng cụ phù hợp và thực hiện các hoạt động trải nghiệm.
- Kết thúc hoạt động, giáo viên hướng dẫn trẻ thu dọn dụng cụ, tài liệu, đồ dùng, đồ chơi… nơi hoạt động cho sạch sẽ.
Bước 2. Trẻ chia sẻ kinh nghiệm
- Nội dung: Hướng đến các kinh nghiệm liên quan đến hoạt động trải nghiệm trẻ mới trải qua.
- Giáo viên đàm thoại với trẻ về những cảm xúc hay ấn tượng của trẻ về đối tượng, mối quan hệ giữa trẻ với nhau trong quá trình trải nghiệm, kỹ năng hoạt động, giao tiếp mà trẻ được tham gia.
Giáo viên có thể đặt câu hỏi theo trình tự: Câu hỏi về chủ đề, câu hỏi về các hoạt động trẻ đã tham gia, câu hỏi về cảm xúc, suy nghĩ, kỹ năng, thái độ có được qua trải nghiệm và câu hỏi hướng đến việc xác định nguyên nhân dẫn đến kết quả hoạt động. Đặc biệt giáo viên cần lưu ý tạo cơ hội cho mọi trẻ được chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ của mình về điều mà trẻ thích nhất, có ấn tượng nhất.
- Chia sẻ tư liệu giáo viên thu thập được trong quá trình trẻ tham gia hoạt động trải nghiệm (ảnh, video) tạo thêm cảm xúc, khắc sâu trí nhớ và làm đậm thêm kí ức tốt đẹp của trẻ.
Bước 3. Trẻ rút ra kinh nghiệm cho bản thân
- Đàm thoại giúp trẻ rút ra kinh nghiệm qua trải nghiệm là cách thức khái quát hóa, hệ thống lại các kinh nghiệm trẻ đã chia sẻ ở bước 2.
- Trình tự đàm thoại:
 + Giáo viên hỏi trẻ: Con đã học được điều gì qua hoạt động này? Hãy nói về những điều con biết được qua hoạt động này?
+ Trẻ tự nói lên kinh nghiệm của bản thân qua hoạt động vừa tham gia (chia sẻ với các bạn).
+ Giáo viên gợi ý những nội dung trẻ chưa đề cập đến để trẻ suy nghĩ, rút ra bài học kinh nghiệm cho bản thân.
+ Giáo viên giúp trẻ hệ thống lại các kinh nghiệm trẻ vừa chia sẻ. Giáo viên có thể sử dụng tranh ảnh, video hay sản phẩm trẻ làm ra để minh họa nhằm gây hứng thú và khắc sâu kinh nghiệm cho trẻ.
+ Giáo viên định hướng trẻ vận dụng kinh nghiệm vào hoạt động thực hành.
Bước 4. Trẻ vận dụng kinh nghiệm vào cuộc sống
Giáo viên tổ chức các hoạt động giúp trẻ khắc sâu kinh nghiệm thông qua trò chơi, các hoạt động âm nhạc, tạo hình, kịch, lắp ghép, ghép tranh, loto, nối tranh… Giáo viên có thể sáng tạo ra các trò chơi cho phù hợp, khuyến khích trẻ tích cực vận dụng kiến thức vào tình huống mới trong cuộc sống hàng ngày.
Việc tổ chức hoạt động học theo hướng trải nghiệm được tiến hành theo bốn bước của quy trình trải nghiệm. Hoạt động học thường diễn ra trong thời gian ngắn nên có thể tiến hành các bước liên tục, nối tiếp nhau và việc thực hành vận dụng kinh nghiệm vào các hoạt động và sinh hoạt hằng ngày không có giới hạn về thời gian.
Với những ưu thế của mình, học qua trải nghiệm giúp tính tích cực của trẻ được phát huy ở các khâu của quá trình giáo dục, kinh nghiệm của trẻ được tích lũy, kiểm chứng, điều chỉnh và phản hồi thông qua hoạt động. Đây có thể nói là cách thức phù hợp giúp trẻ mầm non "học bằng chơi, chơi mà học" hiệu quả nhất, cần được áp dụng triệt để trong quá trình giáo dục trẻ ở trường mầm non./.

Tác giả: Trần Thị Thúy

Nguồn tin: Trường THPT Thanh nưa, huyện Điện Biên

Tổng số điểm của bài viết là: 63 trong 17 đánh giá

Xếp hạng: 3.7 - 17 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập127
  • Máy chủ tìm kiếm29
  • Khách viếng thăm98
  • Hôm nay20,027
  • Tháng hiện tại246,410
  • Tổng lượt truy cập136,598,223
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi